Thư tịch Hán – Nôm của chúng ta còn một loại văn bản rất quý cho việc nghiên cứu về gia đình Việt Nam xưa – gia đình truyền thống như cách gọi của nhiều nhà nghiên cứu. Chúng tôi đã khảo sát nhiều loại văn bản này và chọn ra gần 40 văn bản (1) mang nội dung giáo dục gia đình, dù tên gọi có khác nhau nhưng chúng tôi mạnh dạn gọi chung các văn bản là Gia huấn. Các bản Gia huấn này chủ yếu lưu giữ tại thư viện Viện nghiên cứu Hán – Nôm.

Sau đây chúng tôi xin được trình bày một số kết quả và kết luận:

1. Gia huấn theo chúng tôi là những bản ghi chép về lời dạy dỗ của các bậc phụ huynh trong gia đình. Bậc cha anh dạy con em chủ yếu qua kinh nghiệm sống của mình, luân lý đạo đức được mách bảo ân cần nhằm tạo nên những thành viên tốt của gia đình.

Như vậy Gia huấn trước nhất phân biệt với giáo khoa thư mà thầy dùng có để dạy trò, tại trường lớp, với hệ thống điều quy sư phạm, nhằm trang bị kiến thức để làm văn, để thi cử (tất nhiên qua sách vở này thầy dạy học trò cả đạo đức lễ nghĩa).

Gia huấn cũng phân biệt với các tài liệu nói về đạo đức nói chung, hay loại kinh ca khuyến thiện của tôn giáo, v.v..

Về mặt văn bản học, Gia huấn với tư cách là một văn bản ra đời, tồn tại biến động với các điều kiện ngôn ngữ, vật liệu viết ấn loát. Cùng với những điều kiện mang tính “cơ sở vật chất” ấy, Gia huấn cũng còn bị chi phối và phụ thuộc vào những điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa. Vì vậy Gia huấn mang khuôn mẫu gia đình, mặt khác mang dấu ấn thời đại mà nó ra đời và biến động.

Từ những điểm trên đã định hướng cho chúng tôi khảo sát về Gia huấn: không thể mở rộng quá để đưa vào những tài liệu xa với đề tài cũng không bó hẹp để loại bỏ mất những nội dung gia huấn. Mặt khác Gia huấn đã qua quá trình biến động lịch sử và văn bản chỉ còn giữ lại một phần Gia huấn xưa.

2. Trong phạm vi gần 40 bản Gia huấn chúng tôi khảo sát xét về văn tự, số bản viết bằng chữ Hán nhiều hơn số bản viết bằng chữ Nôm; có một số bản viết bằng chữ Hán nhưng tóm tắt bằng chữ Nôm; một số ít bản viết bằng chữ Hán lại được phiên chữ Nôm.

Hầu hết các văn bản Gia huấn đều viết theo thể văn vần; loại Gia huấn sưu tập cách ngôn trong sử sách cũng lựa chọn xếp theo vần, có khi phải tìm một chữ khác thay thế từ của nguyên bản để có vần mà không thay đổi ý nghĩa, vì vậy mà Gia huấn thường được gọi là Gia huấn ca. Mục tiêu của vần điệu trong Gia huấn là để dễ đọc, dễ nhớ.

Về cơ cấu các bản Gia huấn có thể phân ra một số loại.

  • Theo thể trường thiên và diễn ca như: Cùng đạt gia huấn của Hồ Phi tích gồm 224 câu; Hành Tham Quan gia huấn diễn âm của Bùi Huy Bích gồm 263 câu; Ngô Công huấn tử văn của Ngô Duy Viên gồm 300 câu.
  • Loại phân thành đề mục như Xuân Đình gia huấn của dòng họ Lê Hữu gồm 14 đề mục, mỗi đề mục là một “châm” như Huynh đệ châm, Phụ mẫu châm, v.v..
  • Loại có tính chất một tập thơ như Tam quang Phan đại nhân gia huấn của Phạm Văn Nghị hiện còn 5 bài thơ. Theo cố giáo sư Trần Đình Hượu thì bài thơ “Huấn nam tử” và các bài “Bảo kính cảnh giới” trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi chính là tập hợp những bài thơ gia huấn (2).

Gia huấn theo kiểu sưu tập các câu có tính chất cách ngôn trong sử sách như Bạch Vân gia huấn của Nguyễn Bỉnh Khiêm (3) gồm 22 thiên như Hiếu hạnh, Tử chức, Phú quý, Đại nghĩa, Chí thiện… Khuyến giới tắc của Đặng Xuân Bảng cũng là tập gia huấn theo loại này.

Các Gia huấn thường viết chung cho các đối tượng con cái nhưng cũng có một số Gia huấn đã lưu ý đến lứa tuổi, đến giới tính. Phụ nữ thời xưa chính thức không được đến trường học nên trong Gia huấn thường nghiêng về dạy con gái, có nhiều Gia huấn giành riêng cho con gái như Bút Hương Trai khuê huấn ca, Huấn nữ tử ca, Phụ nữ bảo châm.

Các bản Gia huấn chúng tôi khảo sát có một số ghi rõ tên tác giả, một số chỉ ghi chức tước, học vị, một số ghi dòng họ, hay chép chung trong gia phả của dòng họ. Những tác giả được ghi trong gia huấn thường là những người đễ đạt và sớm nhất ở thời Trần là Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi với Giáo huấn tử phú, rồi về sau có Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Phi Tích, Bùi Huy Bích, Phạm Văn Nghị, Đằng Xuân Bảng.

Có thể nói tác giả của gia huấn là những người có học vấn Nho học. Họ đỗ cao, làm quan to, là thầy dạy nổi tiếng, là tác gia lớn. Ở trong gia đình và tộc họ là bậc cha anh có uy tín đủ tạo nên tấm gương sáng soi, chỉ có họ mới đủ khả năng tổng kết kinh nghiệm sống của mình và xung quanh. Điều họ viết ra tập hợp lại để dạy bảo con cháu mới sát hợp để tiếp thu và làm theo… cùng với trách nhiệm làm cha anh để dạy bảo con em họ còn có trách nhiệm của các nhà giáo dục.

3. Những vấn đề mà Gia huấn đặt ra khá rộng lớn và sâu sắc, nhằm xây dựng và bảo tồn gia đình có gia giáo, gia phong và gia đạo. Đó cũng là những vấn đề có liên quan tới đạo lý làm người, sự tồn tại và phát triển của cộng đồng, của quốc gia.

Nhìn về mặt các quan hệ gia đình như: Cha-con, anh-em và vợ-chồng, trong đó có quan hệ nàng dâu – mẹ chồng. Đó là những mối quan hệ gần gũi và cốt tủy của một gia đình được các Gia huấn quan tâm nhiều nhất. Các mối quan hệ này cần giữ được tốt, được bền để làm nền, làm gốc mở rộng ra tới tộc họ, làng nước.

Mỗi mối quan hệ lại có “mấu chốt tư tưởng” của nó. Cha mẹ với con là lòng thương yêu, con với cha mẹ là lòng hiếu thảo, vợ chồng là tình yêu thương, đạo tiết nghĩa, v.v..

Từ tình nhà mở rộng ra trong họ, người làng và rộng hơn là tình đồng bào.

Nhìn chung tình nêu trong Gia huấn luôn luôn gắn bó với nghĩa, trong nghĩa có tình, nghĩa tình hòa quyện.

Đòi hỏi với con cái (đối tượng của gia huấn) có sự phân chia giữa trai và gái. Với con trai, các gia huấn đòi hỏi ở tinh thần học tập làm chủ yếu để nối nghiệp nhà, xứng đáng là người chủ. Với con gái gia huấn lại dạy bảo nhiều để làm được dâu thảo mẹ hiền là người “nội tướng” để duy trì gia đình êm ấm, lâu bền.

Ở điểm này các Gia huấn cho ta hiểu thấu hơn thế nào là “trọng nam khinh nữ” theo đúng ý nghĩa của từ (trọng là nặng, khinh là nhẹ) đó là sự phân công phân biệt theo giới tính và thiên chức, khó tìm thấy ý nghĩa “tôn trọng nam giới” “khinh thường nữ giới” trong các Gia huấn.

Gia huấn cũng đề cập đến những vấn đề chung nhất của đạo làm người như yêu thiện, ghét ác, yêu chính ghét tà, sống trung tín, giản dị, cần kiệm.

Các Gia huấn còn gặp nhau ở những điều cấm kỵ như: cờ bạc, rượu chè, xa hoa, lãng phí, ghen tuông, điêu toa, mê tín dị đoan… vạch ra hậu quả của tệ hại, tệ nạn đó: dẫn đến khuynh gia bại sản, hỏng cả đời người.

Nhiều Gia huấn đã đề cập đến những tri thức phổ thông, cho con trẻ trong nhà, đặc biệt là nhắc nhở vệ sinh phụ nữ, bảo vệ hài nhi.

Nhìn về mặt tư tưởng các Gia huấn chứa đựng tư tưởng Nho giáo khá đậm, các tôn giáo khác như Phật giáo, Đạo giáo cũng có, cùng với nhiều phương diện của tư tưởng tình cảm truyền thống Việt Nam đạt được trong quá trình lịch sử về gia đình như công cha nghĩa mẹ, thuận vợ thuận chồng, anh em như chân với tay, v.v. hòa quyện vào trong các Gia huấn.

4. Do nhu cầu tổng kết và truyền đạt kinh nghiệm cho các thế hệ sau có rất sớm trong đời sống con người, người Việt Nam cũng thể hiện mạnh mẽ nhu cầu này qua kho tàng văn học dân gian, trong đó có thơ ca rất gần với các thể loại dùng để truyền đạt của Gia huấn. Gia huấn cũng nhằm tổng kết và truyền đạt kinh nghiệm trong phạm vi hẹp là gia đình, tộc họ; nó ra đời và gắn liền với lịch sử phát triển của gia đình Việt Nam.

Từ thời Lê – qua thời Nguyễn, Gia huấn còn lại với số lượng đáng kể, về mặt địa lý Gia huấn tập trung ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Điều này chắc chắn liên quan đến sự phát triển của Nho học và sự bám rễ vào đời sống của Nho giáo. Có thể nói Gia huấn chủ yếu là sản phẩm của gia đình nhà Nho.

Gia huấn được phổ biến trong các gia đình và dòng họ, nó gắn chặt với sinh hoạt gia tộc, nó thường được đọc và nhắc nhở trong những ngày giỗ, ngày tết, hoặc chép ra nhiều bản cho mỗi chi họ; gia huấn được tổ chức in để nhiều người đọc. Gia huấn thường được chép cùng với Gia phả, vì vậy nhiều gia phả như Nguyệt Áng Lưu thị gia phả, Đông Tác Nguyễn thị gia phả, Lê tộc phả ký, Nguyễn tộc phả ký… đều có gia huấn kèm theo. Nhiều tập văn thơ cũng chép kèm gia huấn như Lạp Phong văn cảo và có gia huấn của gia đình Nguyễn Thiếp. Danh ngôn tạp trứ có Gia huấn của họ Ngô, v.v..

Như vậy Gia huấn với tư cách của những văn bản đã vượt khỏi phạm vi gia đình đến với dòng họ, với làng xã, với toàn xã hội và khi đã trở thành sản phẩm của xã hội thì nó chịu sự chi phối của quy luật biến động về văn bản. Trường hợp Gia huấn ca gắn với Nguyễn Trãi hoặc là sự nhầm lẫn ngẫu nhiên nào đó, hoặc là sự cố ý gắn với uy vọng của Nguyễn Trãi để tăng sức thuyết phục của Gia huấn, điều này đã từng được nhiều người bàn đến. Nhưng ở đây có điều quan trọng hơn là Gia huấn là sản phẩm của gia đình nhà Nho đã đi vào đời sống chung của toàn cộng đồng, mà chủ yếu là các gia đình nông dân. Đó cũng là một nẻo đường của Nho giáo vào đời sống người Việt.

Khi nghiên cứu về Gia huấn của Việt Nam chúng tôi cũng lưu ý đến nhiều bản Gia huấn Trung Quốc được phổ biến ở Việt Nam như Thái thi gia huấn, Minh Đạo gia huấn, Chu công gia huấn, tiếc rằng trong khuôn khổ bài tham luận chúng tôi chưa thông báo được kết quả của việc so sánh.

Những ý kiến trên đây của chúng tôi mới là những ý kiến bước đầu thông qua khảo sát sơ bộ, để có được những thông tin đầy đủ, chính xác hơn về Gia huấn chúng tôi đang tiếp tục sưu tầm, hệ thống, làm công tác văn bản và tiến hành phiên dịch loại văn bản này. Nhưng chắc chắn các văn bản Gia huấn, không chỉ giúp cho chúng ta hướng về tìm hiểu gia đình Việt Nam xưa, mà chúng tôi cảm thấy có sự ấm nóng gần gũi cho gia đình Việt Nam nay.

Nguyễn Tuấn Thịnh
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội
Thông báo Hán Nôm học 1995 (tr.352-359)

Theo “Mấy nét về văn bản gia huấn”
Đăng lại từ website Viện nghiên cứu Hán Nôm (Hannom.org)

Chú thích:

*. Khảo sát đề tài này chúng tôi được sự hỗ trợ của các bạn đồng nghiệp của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn, chúng tôi xin cảm ơn.

1. Tham gia khảo sát văn bản: Nguyễn Kim Sơn, Phạm Ánh Sao, Lê Thu Hương.

2. Trần Đình Hượu: Bảo kính cảnh giới thơ gia huấn của Nguyẫn Trãi. Xã hội học, Số III/1990, trang 66.

3. Nguyễn Bỉnh Khiêm tiên sinh: Bạch Vân gia huấn bản viết tay. Bản này chúng tôi sưu tầm được ở vùng Tiền Hải, Thái Bình.

Xem thêm:

Mời xem video “Vị thế của người vợ trong xã hội xưa không hề thấp kém”: