Thái Bình Quảng Ký là một tuyển tập các câu chuyện do vị Hoàng đế thứ hai của nhà Tống là Tống Thái Tông ra lệnh cho Lý Phương cùng 11 vị quan khác biên soạn. Bộ sách này gồm 500 quyển, ghi lại trên 6.000 truyện trải từ đời Lưỡng Hán, tới đời Ngũ Đại, Tống sơ. Trong bộ sách này ghi lại khá nhiều chuyện nhân quả kỳ lạ. Dưới đây là một chuyện kỳ lạ về những bức thư đổi mệnh, do Thái Bình Quảng Ký ghi chép lại từ cuốn sách cổ thời Đường mang tên Hội Xương Giải Nghi.

Ý nghĩa thâm sâu trong lễ thành niên của nam nhân thời xưa
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Vào thời nhà Đường, có một người tên Ngưu Sinh đi từ Hà Đông đến Trường An tham gia thi cử, khi đi qua Hoa Châu thì tá túc qua đêm tại một nhà trọ nhỏ trong thôn.

Hôm đó tuyết rơi dày đặc, Ngưu Sinh bảo chủ trọ nấu canh, rán bánh. Một lúc sau có một người mặc quần áo rách rưới cũng đến trọ. Ngưu Sinh động lòng thương xót, muốn chia đồ ăn cho anh ta cùng ăn, người ấy nói: “Tôi nghèo đến nỗi không kiếm nổi tiền, hôm nay tôi đã đi hơn 100 dặm đường với cái bụng đói”. Sau khi ăn liền một lúc 4-5 bát cơm, anh ta nằm ngay xuống mặt đất trước giường của Ngưu Sinh rồi ngủ thiếp đi, ngáy như bò rống.

Đến canh năm, người ấy lay Ngưu Sinh tỉnh dậy, rồi vội vã thúc giục: “Xin tiên sinh ra ngoài một lát, tôi có chuyện quan trọng muốn nói”. Sau khi Ngưu Sinh ra ngoài, người đó nói: “Tôi không phải là người, mà là sứ giả của Diêm Vương. Tối qua tiên sinh đã cho tôi ăn một bữa no nê, nay tôi muốn báo đáp tiên sinh, cảm phiền tiên sinh lấy giúp tôi ba tờ giấy với bút và nghiên mực”.

Ngưu Sinh lấy bút giấy đến, người đó liền bảo Ngưu Sinh đứng ra xa, còn mình thì ngồi bên gốc cây, lấy một cuốn sách từ trong ngực ra rồi lật đến chỗ nào đó, nhìn một hồi rồi viết ra, chỉ một thoáng là viết xong ba bức thư, người đó dán thư lại rồi đưa cho Ngưu Sinh, nói: “Nếu tiên sinh có gặp phải tai họa, thì hãy thắp nén nhang rồi mở thư ra xem”. Nói xong người ấy liền đi mất. Mặc dù Ngưu Sinh đã nhận ba bức thư, nhưng anh ta cũng chẳng lấy làm tin lắm.

Ngưu Sinh đến Trường An thì ở tại một nhà trọ, lộ phí chẳng mấy chốc đã dùng hết. Đang trong lúc khó khăn, nhớ tới lời của người kia, anh ta bèn thắp nén nhang, rồi mở bức thư thứ nhất ra xem, trong thư viết rằng: “Có thể ngồi trước cửa chùa Bồ Đề”.

Nhà trọ cách chùa Bồ Đề hơn 30 dặm đường. Ngưu Sinh nhịn đói, băng qua tuyết lớn, anh ta đi từ sáng sớm đến tối mới đến được cửa chùa. Khi vừa ngồi xuống, một vị hòa thượng từ trong chùa bước ra, trách mắng: “Giá rét tuyết lớn như thế này, ngươi đến đây làm gì? Nếu ngươi chết cóng ở đây, chúng ta sẽ bị liên lụy.” Ngưu Sinh đáp: “Tôi là sĩ tử đi thi, đi tới đây vừa lúc trời tối, muốn được tá túc một đêm trước cửa quý chùa, sáng mai tôi sẽ rời đi”. Hòa thượng nói: “Hóa ra là vậy, xin mời thí chủ vào chùa!”

Sau khi vào chùa, vị hòa thượng nổi lửa nấu cơm mời Ngưu Sinh, sau khi nói chuyện một hồi lâu với Ngưu Sinh, hỏi: “Không biết tiên sinh có quan hệ xa gần gì với quan lớn họ Ngưu vùng Tấn Dương hay chăng?” Ngưu Sinh nói: “Đó là chú của tôi!” Hòa thượng liền lấy ra bút lông của viên quan họ Ngưu ấy ra để Ngưu Sinh nhận biết. Ngưu Sinh nhận được. Hòa thượng rất vui mừng nói: “Ngày trước, quan lớn họ Ngưu từng gửi 3.000 quan tiền ở chỗ tôi, bao năm qua tôi vẫn luôn đợi mà cũng chẳng thấy ông ấy quay lại lấy tiền. Tôi già rồi, chẳng thể trông giữ chỗ tiền ấy được nữa, bây giờ tôi xin đem số tiền ấy giao lại cho tiên sinh.”

Sau khi Ngưu Sinh có được số tiền ấy, anh ta cũng không nghĩ đến việc giao lại cho chú hay gia đình chú, mà dùng để cưới vợ, mua nhà, thuê thêm người hầu, trở nên giàu có.

Ngưu Sinh tham gia thi cử nhưng không thi đỗ. Trước viễn cảnh đường công danh không còn cửa bước tiếp, anh ta lại thắp nhang, mở bức thư thứ hai ra xem, trong thư viết: “Hãy ngồi ở lầu trên quán ăn nhà họ Trương ở phía Tây chợ”.

Ngưu Sinh tìm đến được quán ăn nhà họ Trương ấy, vào quán rồi ngồi xuống một chỗ cạnh tường. Một lúc sau cũng có mấy người lên lầu trên ngồi, một người trong đó nói: “Bản thân tôi chỉ có 500 quan tiền, chắt chiu lắm cũng có thể góp được 700 quan, còn nhiều hơn nữa thì tôi đành lực bất tòng tâm”. Một người mặc áo choàng trắng nói: “Thi đỗ tiến sĩ mà cậu vẫn hà tiện nghìn quan tiền sao.”

Ngưu Sinh nghe họ nói vậy liền biết chuyện này liên quan đến thi cử, vội đến chắp tay hành lễ trước mặt họ. Anh ta được biết người mặc áo choàng trắng chính là con trai quan chủ khảo trong tỉnh thí năm sau. Ngưu Sinh nói: “Tôi có thể quyên tặng nghìn quan tiền, ngoài ra còn tặng các vị 200 quan làm tiền rượu thịt, không biết ý các vị ra sao?” Người mặc áo choàng trắng liền đồng ý.

Năm sau, Ngưu Sinh quả thật thi đỗ. Anh ta ở lại Trường An nhậm chức, sau còn làm đến chức Phó sứ Tiết độ sứ vùng Hà Trung.

Mấy năm sau, Ngưu Sinh mắc bệnh nặng, liền mở bức thư thứ ba ra xem, trong thư viết: “Có thể lo liệu hậu sự được rồi”. Thế là Ngưu Sinh liền đi tắm, viết xong di thư rồi qua đời.

Ngưu Sinh động thiện tâm, chia sẻ đồ ăn với người khác, mới có thể có được ba bức thư. Nhưng tâm tính của anh ta cũng không phải là tốt lắm, bởi vậy ba lá thư đổi mệnh kỳ thực chỉ có hai lá là mang đến chút lợi ích cho anh ta, chỉ có thể hưởng phúc một chút mà thôi. Tiền tài và danh tiếng đều là điều người đời mơ ước, một khi hết mệnh lìa đời cũng là không thể mang theo.

Câu chuyện kỳ lạ này cho thấy quan niệm của người xưa về việc số mệnh có được an bài trước. Nhưng có một chi tiết thế này: Người kia dặn Ngưu Sinh trước khi mở thư phải thắp nén nhang rồi hãy mở. Vậy thì rất có thể nội dung thư lúc đó mới hiện ra chăng? Không rõ nếu Ngưu Sinh mở ba bức thư khi đang truy cầu điều khác, ở trong một tâm thái khác, thì liệu anh ta có thể có được những kỳ ngộ khác? Hoặc giả người kia sớm đã nhìn ra tâm tính của Ngưu Sinh, nên đã tính trước được cách Ngưu Sinh hành xử?

Theo “Tinh giải luận ngữ (50)
Đăng trên ChanhKien.org

Xem thêm:

Mời xem video: