Nam Việt dưới thời Nhâm Hiêu, Triệu Đà và Triệu Mạt
- Trần Hưng
- •
Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Nguyên, vị Hoàng đế này đã dụng tâm ngăn quân Hung Nô ở phía bắc và cũng chú ý đến việc chinh phục các vùng đất phía nam, nơi người Bách Việt sinh sống.
Nhâm Hiêu muốn xây dựng Lĩnh Nam độc lập
Năm 222 TCN, Tần Thủy Hoàng cho quân xuống Lĩnh Nam tiến đánh các bộ lạc người Bách Việt nhưng đều thất bại. Năm 218 TCN, Tần Thủy Hoàng sai Đồ Thư đưa quân một lần nữa tiến đánh các bộ lạc Bách Việt.
Khi Đồ Thư đưa quân tiến vào Âu Lạc, An Dương Vương cùng dân chúng tránh vào rừng sâu rồi quấy nhiễu, đánh bại quân Tần, giết được Đồ Thư. Quân Tần thất bại phải rút trở về.
Tần Thủy Hoàng cử Nhâm Hiêu (còn có tên là Nhâm Ngao) và Triệu Đà tiếp tục chỉ huy quân Tần tiến vào bình định các bộ lạc ở Lĩnh Nam, thiết lập 3 quận là Nam Hải, Quế Lâm và Tượng. Trong khi đó vùng đất của người Âu Việt và Lạc Việt vẫn giữ được quyền tự chủ.
Năm 210 TCN, Tần Thủy Hoàng mất, Hồ Hợi lên ngôi, Triều đình rối loạn, khởi nghĩa nổ ra khắp vùng Trung Nguyên, sau đó là thời kỳ Hán – Sở tranh hùng. Không muốn bị cuốn vào chiến tranh loạn lạc, Nhâm Hiêu đã cát cứ vùng Lĩnh Nam. Đặc biệt vùng Lĩnh Nam ở phía nam núi Ngũ Lĩnh hiểm trở, nên có phần tách biệt với Trung Nguyên khi khó tiến quân qua dãy núi này.
Nhâm Hiêu trở bệnh nặng, trước khi mất trao quyền Nam Hải quận úy cho Triệu Đà, dặn dò tiếp tục thay thế mình cát cứ riêng vùng Lĩnh Nam, tránh bị cuốn vào chiến tranh.
Triệu Đà xây dựng Nam Việt
Triệu Đà cho binh lính chặn hết các cửa ngõ vào Lĩnh Nam, đồng thời diệt hết những thân tín của nhà Tần, thay bằng thân tín của mình.
Năm 206 TCN, nhà Tần mất. Năm 204 TCN, Triệu Đà thành lập nước Nam Việt bao gồm 3 quận là quận Nam Hải (Quảng Đông ngày nay), Quế Lâm (Quảng Tây ngày nay), Tượng quận (ở phía tây tỉnh Quảng Tây và một phần Quý Châu), xưng là Nam Việt Vũ Vương (lịch sử gọi là Triệu Vũ Vương), định đô ở Phiên Ngu (Quảng Châu ngày nay).
Triệu Đà phát triển Nam Việt độc lập với nhà Hán ở phương bắc, dùng ngoại giao khéo léo để tránh đối đầu với nhà Hán, nhờ đó mà tránh được chiến tranh.
Năm 195 TCN, Lưu Bang mất, Lã Hậu nắm hết mọi quyền hành, Triệu Đà không thần phục nhà Hán như trước. Lã Hậu cho quân tiến đánh Nam Việt. Tuy nhiên khí hậu phương nam nóng ẩm khiến quân Hán đổ bệnh, không thể vượt qua dãy núi Ngũ Lĩnh hiểm trở và phải rút về.
Xâm chiếm Âu Việt
Sau thi thành lập Nam Việt, Triệu Đà đã bắt đầu đưa quân tiến đánh An Dương Vương. Khi phía bắc đã tương đối ổn định, Triệu Đà lại cho quân đánh Âu Việt nhưng lần nào cũng thất bại.
Triệu Đà phải dùng mưu kết thông gia, dùng con trai là Thái tử Trọng Thủy kết hôn với con gái của An Dương Vương, nhờ đó phá được An Dương Vương vào năm 179 TCN.
Sau khi dùng kế đánh bại An Dương Vương, Triệu Đà chia Âu Lạc làm hai quận là Giao Chỉ và Cửu Chân. Lúc này các bộ tộc người Việt còn mạnh nên Triệu Đà áp dụng chính sách hòa hợp, dựa vào các tộc trưởng để cai quản vùng đất mới chiếm được.
Năm 179 TCN, Hán Văn Đế lên ngôi, quan hệ với Nam Việt trở nên tốt đẹp, Triệu Đà xưng thần với nhà Hán, Nam Việt nhờ đó mà yên ổn.
Nam Việt rộng lớn bao gồm hầu hết tộc người Việt trong nhóm Bách Việt, biên giới phía bắc đến dãy Ngũ Lĩnh (phía nam vùng Giang Nam, Trung Quốc ngày nay), phía tây đến Dạ Lang (nay là Quảng Tây, Trung Quốc), phía nam đến dãy Hoàng Sơn (Hà Tĩnh, Việt Nam ngày nay), phía đông đến Mân Việt (Phúc Kiến, Trung Quốc ngày nay).
Triệu Mạt xây dựng Nam Việt
Triệu Đà rất yêu thương đứa cháu là Triệu Mạt. Một số nguồn nói đây là con của Trọng Thủy với Mỵ Châu, cũng có nguồn cho rằng không phải. Tên “Triệu Mạt” mang đậm nét văn hóa của người Việt. Trong sách “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn có dẫn rằng thời nhà Trần người Việt gọi “mặt trời” là “bột mạt”. Như vậy tên gọi “Mạt” theo cách nói của người Việt là chỉ “Trời” hay là “Thiên Tử”.
Năm 137 trước công nguyên, Triệu Đà mất, truyền ngôi lại cho cháu nội Triệu Mạt. Triệu Mạt lên ngôi, hiệu là Triệu Văn Vương, ông không chỉ xây dựng quan hệ ngoại giao tốt với nhà Hán, mà cả với nước của tộc Bách Việt khác là Mân Việt ở phía đông bắc.
Triệu Văn Vương cũng xây dựng một nền văn hóa mang đậm bản sắc người Việt, việc phát hiện ra lăng mộ của ông đã cho thấy điều này.
Năm 1983 tại thành phố Quảng Châu, Trung Quốc (tức kinh đô Phiên Ngung của Nam Việt xưa kia), khi đào móng để xây dựng một công trình ở chân núi Tượng Cương, ở độ sâu 20m xe xúc đất va phải bức tường đá kiên cố. Người ta đã phát hiện di tích lăng mộ của Triệu Văn Vương với nhiều vật dụng khác nhau, đây là lăng duy nhất được tìm thấy còn nguyên vẹn ở Trung Quốc.
Trên bức tường đá trong lăng khắc nhiều hình tượng của văn minh người Việt cổ, như hình tượng người chim, đặc trưng văn hóa của người Việt vẫn thường được khắc trên trống đồng xưa.
Nhà nghiên cứu Tạ Chí Đại Trường đã nói rằng việc phát hiện mộ Triệu Mạt, Triệu Văn Vương, cháu Triệu Đà, cho thấy dấu vết Đông Sơn đậm đà trên vùng Quảng Châu ngày xưa.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Thừa tướng Lữ Gia cùng nước Nam Việt của nhà Triệu
- Vị nữ tướng nước Nam một tay nhổ núi Nga Mi, một tay nhổ núi Thái Sơn
Mời xem video “Nhận rõ chính mình là một loại trí tuệ”:
Từ khóa lịch sử Việt Nam Triệu Đà Nam Việt