Bài này tôi viết cách nay 19 năm, đăng trên tạp chí Thế Giới. Vài năm sau đó, tuần báo này cũng bị “chung thẩm” luôn. Tôi không rõ lý do vì sao tạp chí bị xóa sổ.

Vũ Thế Thành

*

“Ngày Chung Thẩm” tại nguyện đường Sistine

Một kiến trúc nổi tiếng trong Viện bảo tàng Vatican mà không du khách nào có thể bỏ qua, đó là nguyện đường Sistine, nơi mà hôm nay, ngày 18/04/2005, mật nghị bầu giáo hoàng bắt đầu diễn ra.

Mùa đông năm 2003, tôi đứng dưới chân thành Vatican, hòa chung với đoàn người xếp hàng rồng rắn dài cả cây số để chờ tham quan Viện Bảo tàng Vatican, được xem là kho tàng khổng lồ về văn hóa của nhân loại, mang đậm dấu ấn của nền văn hóa Hy La. Thủ tục an ninh vào tham quan gắt gao như lên máy bay…

Bảo tàng viện Vatican nổi tiếng bởi mức độ phong phú của các tác phẩm nghệ thuật, văn minh, lịch sử, tôn giáo trưng bày nơi đây, từ các phòng tượng thần và hoàng đế La Mã, phòng các tác phẩm nguyên thủy Hy Lạp, di tích Ai Cập thời cổ đại, các thảm dệt từ thế kỷ 16,… Du khách bị khủng hoảng vì choáng ngợp. Một ngày ở Viện bảo tàng Vatican như tham quan trái đất bằng vệ tinh.

Điểm mà bất cứ du khách nào cũng tìm đến trong viện bảo tàng là nguyện đường Sistine. Người ta biết nhiều đến tên Sistine vì đó là nơi mật nghị bầu giáo hoàng. Nhưng du khách đến Sistine không để thăm nơi bầu bán, mà để chiêm ngưỡng những bích họa tuyệt tác của Michelangelo.

Nguyện đường nhỏ, chỉ hơn 500 mét vuông, xây vào cuối thế kỷ 15 để làm nhà nguyện riêng của giáo hoàng. Các bức họa được vẽ trên các bức tường, cột và trần nhà dựa trên các tích trong Tân ước và Cựu ước. Bước vào nguyện đường, du khách có cảm tưởng như đang xem Kinh thánh bằng tranh dưới nét vẽ “thần sầu” của thiên tài Michelangelo. Thực ra, tất cả bích họa trong nguyện đường không phải chỉ riêng Michelangelo vẽ, nhưng ông là tác giả phần lớn những bức họa trong đó.

Vòm nguyện đường ban đầu chỉ vẽ bầu trời, nhưng dưới bàn tay của Michelangelo, đã trở thành bức họa mô tả công trình sáng tạo vũ trụ của thượng đế cho đến lụt Đại hồng thủy. Michelangelo mất hơn 4 năm trời, tự treo mình lơ lửng dưới trần để hoàn thành kiệt tác này. Phải có ý chí phi thường mới sáng tác được bức họa trong tư thế khó khăn như vậy.

Ông còn vẽ nhiều bức họa khác ở tường chung quanh, nhưng nổi bất nhất là bích họa “Ngày chung thẩm” (The Last Judgment).

Hai mươi năm sau hoàn tất vòm nguyện đường, năm 1535, Michelangelo bắt tay vào thực hiện bức tranh bất hủ này. Lúc đó ông đã 60 tuổi. Bức họa cao 20m, rộng 10 m đựơc khánh thành vào lễ Giáng sinh năm 1541. Tính ra ông mất hơn 6 năm để vẽ “Ngày Chung thẩm”. Bức bích họa mô tả ngày tận thế, khi Chúa phán xét loài người. Dữ liệu không chỉ lấy từ tích trong Kinh thánh, Michelangelo còn đem cả nhưng nhân vật thần thoại trong thi ca vào bức họa. Người hiền bên hữu, kẻ dữ bên tả để chờ thần Charon (trong thần thọai) chở về bến… mê gặp “Diêm vương” Minos.

Bích họa “Ngày Chung thẩm” hoành tráng về bố cục, sâu xa về ý nghĩa, khó mô tả bằng lời.

Tuy vậy, “Ngày Chung thẩm” cũng gây ra khá nhiều tranh cãi, ngay từ khi mới hoàn thành và nhiều năm sau đó. Bức họa “Ngày Chung thẩm” bị lên án là “công xúc tu sĩ” vì lạm dụng hình khỏa thân tại nơi trang nghiêm như nguyện đường. Trong thời kỳ chống lại phong trào cải cách (Counter-Reformation) quá khích dâng cao, giáo hoàng Paul IV (1555-1559) đã phải cho “xử lý” những phần nhạy cảm của bức tranh.

Dòng người trong nguyện đường Sistine di chuyển chậm chạp, chẳng ai chiêm ngưỡng tuyệt tác như thế lại có thể đi nhanh. Người nhìn ngang, kẻ nhìn dọc, người ngước lên trần,… Cả hơn trăm người trong phòng, nhưng thinh lặng gần như tuyệt đối. Thần trí ai cũng dán vào tường, vào vòm nhà, có va vào nhau, cũng chẳng ai quay lại sừng sộ nhau… Không ai được phép chụp hình trong nguyện đường. Vào cửa này, ra cửa khác. Du khách di chuyển xuống, rồi lại di chuyển lên. Chẳng ai nỡ bước ra…

Hôm nay, mật viện bầu giáo hoàng sẽ xảy ra tại nguyện đường Sistine. Trước mặt các hồng y cử tri sẽ là bức bích họa… “Ngày Chung thẩm”.

Vũ Thế Thành
Đăng lại từ Facebook Vũ Thế Thành

(*) Đức giáo hoàng John Paul II qua đời ngày 2 tháng 4 năm 2005, sau 26 năm trị vì. Sau tang lễ, mật nghị bầu giáo hoàng bắt đầu từ ngày 18/04/2005.

Tìm hiểu nghệ thuật Phục Hưng kỳ I: Nhà nguyện Sistine và bức "Chúa trời tạo ra Adam"
Bức “Ngày Chung Thẩm” của Michelangelo tại nhà nguyện Sistine (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Xem thêm cùng tác giả: