Đức mẹ Mary tiếp nhận thiên ý qua hội họa phương Tây
- Thanh Tuyết
- •
“The Cestello Annunciation” (Tạm dịch: Truyền thiên ý – Trong Kitô giáo gọi là “Truyền tin”) là một bức tranh được nhà thờ Cestello tại Florence, Ý, ủy nhiệm cho họa sĩ Sandro Botticelli thực hiện vào năm 1489. Bức tranh này mô tả khoảnh khắc Thiên thần Gabriel tới thông báo cho Đức mẹ Mary rằng, bà đã được Chúa trời lựa chọn là người sẽ mang thai Chúa Jesus, nếu như bà đồng ý lãnh nhận thiên ý ấy.
Thiên thần trong tranh đang quỳ xuống trước Đức mẹ thông báo ý chỉ của Chúa trời. Trong tay thiên thần cầm nhành hoa bách hợp, hàm ý rằng đây chính là Thiên sứ Gabriel, người đưa tin của Thiên đàng. Gabriel trong dáng điệu kính cẩn, hơi nhoài người về phía trước, mắt hướng về khuôn mặt Đức mẹ, tay hướng về phía bụng của Đức mẹ. Dường như Gabriel đang thổ lộ câu nói được khắc trên viền gỗ của tranh: “Đức Thánh Linh sẽ tới nhờ bà, và sức mạnh của Đấng Tối Cao sẽ che chở cho bà” (Phúc âm Luca).
Cử chỉ của Thiên thần Gabriel khiến người ta có cảm giác rằng đứa trẻ mà Đức mẹ sẽ hoài thai, nếu bà đồng ý, là vô cùng quan trọng, được Gabriel vô cùng tôn kính.
Tuy nhiên, Chúa trời vẫn để cho Đức mẹ Mary lựa chọn liệu bà có muốn sẽ là người mang thai đứa trẻ mà sau này sẽ trở thành Chúa Jesus hay không.
Đức mẹ Mary có biểu hiện khá đặc biệt. Đầu tiên là cảm thấy bất ngờ trước việc Thiên sứ Gabriel quỳ trước mình. Bà hơi thu mình lại, chân khuỵu sang một bên, hơi chần chừ, dường như cảm thấy đó là một trọng trách sẽ ảnh hưởng lớn tới cuộc đời của bà. Trong khi đó, hai tay của Đức mẹ Mary đưa lên, cả người hơi cúi xuống, như thể đang khiêm nhường đồng ý: “Xin hãy để điều đó xảy ra như lời ngài nói”.
Ở phía xa, đằng sau vị Thiên sứ đang quỳ, là chiếc cửa sổ, rồi đến một cái cây, sau đó là phong cảnh hút tầm mắt ở bên ngoài với sông, núi, lâu đài, tạo ra một cảm giác vĩnh hằng.
Những chi tiết trong tranh như các lọn tóc của Gabriel, chiếc khăn trong suốt trên mình Gabriel và Đức mẹ, hay như những nếp gấp quần áo đều được mô tả vô cùng tinh tế.
Cùng với bức tranh dành cho nhà thờ Cestello, Botticelli còn vẽ một bức vào năm 1485 hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan, và một bức khác vào khoảng 1495-1500 hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng nghệ thuật Kelvingrove.
Có thể nói, chủ đề “Tiếp nhận thiên ý” rất phổ biến trong nghệ thuật phương Tây. Thậm chí trong hầm mộ Priscilla tại Rome, một bức tranh “Tiếp nhận thiên ý” từ tận thế kỷ thứ 2 đến 4 cũng được tìm thấy.
Tư thế của Thiên thần Gabriel và phản ứng của Đức mẹ Mary cũng được mô tả khác nhau dưới sự tưởng tượng của từng họa sĩ. Có bức miêu tả Đức mẹ đang ngồi, có bức là đang đứng, có bức bà cúi đầu tạ ơn, có bức tỏ ra khép nép khiêm nhường, có bức lại ngẩng đầu một cách thần thánh.
Hầu như tất cả các danh họa Phục Hưng đều có một bức “Tiếp nhận thiên ý” của riêng mình, có thể kể tới những cái tên như Leonardo da Vinci, Caravaggio, Duccio di Buoninsegna, Jan van Eyck, Murillo, v.v. Các bức tranh khảm ở nhà thờ Santa Maria tại Trastevere, Rome (1291); bức hoạ của Giotto trong nhà nguyện Scrovegni ở Padua (1303); bức họa của Domenico Ghirlandaio tại nhà thờ Santa Maria Novella ở Florence (1486); hay tác phẩm điêu khắc mạ vàng của Donatello tại nhà thờ Santa Croce, Florence (1435); tất cả đều là những ví dụ nổi tiếng.
Thanh Tuyết
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa thiên đàng Đức mẹ hội họa thời kì phục hưng nghệ thuật Phục Hưng Cơ đốc giáo