Nghèo đói và sự khát khao vinh hoa, phú quý
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Tất cả mọi sự ăn, mặc, ở, đi lại chú trọng sự phô trương, hào nhoáng, chạy theo hình thức, bỏ quên mất nội dung, thiếu triết lý sâu sắc ở trên suy cho cùng đều là biểu hiện của trạng thái tâm lý khao khát vinh hoa phú quý.
Không phải người nào sống trong nghèo khó cũng chỉ mơ giấc mơ cơm áo nhưng quả thật những giới hạn về môi trường sống, các mối quan hệ và nguồn thông tin, các tấm gương khơi gợi cảm hứng dễ làm cho các thanh thiếu niên sống trong nghèo khó sa vào các giấc mơ nhỏ bé và ngắn hạn.
Sự khao khát vinh hoa phú quý này thể hiện rất phong phú. Dễ thấy nhất là ước mơ có được nhà cao cửa rộng, xe đẹp, được làm quan, được ăn ngon mặc đẹp, có cái nọ cái kia để khoe với họ hàng, láng giềng, khối phố, được coi là người có vai vế trong xã hội.
Để đạt được mục tiêu “vinh hoa phú quý” ấy, ông bà, cha mẹ ngày đêm giục con cháu “học cho giỏi để sau này kiếm thật nhiều tiền”, “học cho giỏi để thoát khỏi làng ra thành phố sống”, “học cho giỏi vào sau làm quan còn có bổng lộc, dìu dắt con cháu”…
Bởi thế đông đảo thanh thiếu niên nỗ lực học hành cũng chỉ vì mục tiêu “học xong kiếm lấy một chỗ làm nào ngon ngon rồi… gặt”.
Những thanh niên không có khả năng vào học cao đẳng, đại học phải đi học nghề, đi làm sớm ở các nhà máy, công ty, đi xuất khẩu lao động thì cũng chỉ nghĩ đến việc làm sao kiếm được thật nhanh, thật nhiều tiền.
Xét ở góc độ cá nhân thuần túy, việc mơ ước học giỏi để lớn lên có công ăn việc làm kiếm ra tiền, trở nên giàu có, có cuộc sống vật chất đầy đủ là một giấc mơ, mong ước chính đáng. Có cuộc sống vật chất đầy đủ, giàu có họ có thể lo được cho bản thân, cho vợ con, gia đình và đóng thuế cho nhà nước chi dùng vào các chính sách phúc lợi xã hội. Đó cũng là một cách cống hiến.
Tuy nhiên, sẽ thế nào khi đông đảo thanh niên bao gồm cả những người ưu tú nhất, những người thông minh nhất, có năng lực, ý chí nhất, có tài năng nhất cũng nghĩ như thế và cho rằng mục tiêu của đời người, của việc học hành, lao động, sống trên đời chỉ là kiếm sống, tích lũy của cải, sử dụng của cải để sống sung sướng?
Một cuộc đời như thế có quá lãng phí, nhỏ nhoi, tầm thường, chật hẹp quá không?
Cộng đồng địa phương, dân tộc – quốc gia có “nhờ vả” được gì từ những cá nhân thành viên tuy ưu tú mọi mặt nhưng chỉ mang trong mình một “ước mơ con” đó không?
Khi đông đảo thanh niên nghĩ như vậy và lối tư duy đó biến thành dòng chủ lưu trong xã hội thì đất nước tìm kiếm đâu ra những người có “hùng tâm tráng chí”, những người có hoài bão theo đuổi những giấc mơ lớn, những người can đảm dành cả cuộc đời để trở thành người tiên phong, dẫn dắt?
Về điều này, ở Nhật Bản thế kỉ 19, trong tác phẩm “Khuyến học” nhà khai sáng Fukuzawa Yukichi khi luận bàn về mối quan hệ giữa quốc dân và quốc gia đã chỉ rõ:
“Con người vốn chỉ dựa vào những sự vật kỳ diệu của tạo hóa, cải tạo sửa đổi chúng để phục vụ lợi ích của chính mình […]. Cho nên việc con người tự lo chuyện ăn uống ngủ nghỉ của bản thân chẳng có gì khó khăn lắm, việc con người tự mưu sinh cũng chẳng có gì đáng tự hào cả […]. Hãy thử nhìn khắp mà xem. Các loài muông thú, côn trùng, cá tôm có loài nào là không tự tìm kiếm thức ăn cho chính mình. Vả lại chúng không chỉ mong cầu sự thỏa mãn nhất thời, mà như loài kiến chẳng hạn, còn biết nghĩ đến tương lai sau này, đào đất làm tổ để dựng nơi ở, đặng tích trữ lương thực chuẩn bị cho mùa đông lạnh giá. Trên đời này cũng có người giống như loài kiến vậy chỉ mưu cầu đủ đầy cho chính mình.
Như vậy, rõ ràng sự trì trệ, lạc hậu, nghèo đói và bại vong của một đất nước thường bắt nguồn từ lối tư duy ngắn hạn, thiển cận và quá tầm thường như vậy […]. Những người như vậy chỉ đáng được gọi là học trò của loài kiến mà thôi. Những việc họ làm trong đời cũng chẳng khác nào thói quen của loài kiến […]. Nếu ai cũng thế, bản thân được đủ ăn đủ mặc, có chỗ ở yên ổn rồi là cảm thấy thỏa mãn, hài lòng, thế thì con người sống ở trên đời cũng chỉ xoay quanh chuyện sống và chết mà thôi. Tình cảnh khi chết đi sẽ chẳng khác gì tình trạng lúc còn sống.”
Một đất nước như vậy, một cộng đồng như vậy sẽ không có tương lai tốt đẹp. Cho dù có nhiều trẻ em, thanh thiếu niên thông minh, khỏe mạnh về thể chất, khao khát vươn lên, cuối cùng ở đó cũng sẽ chẳng có các nhà khoa học, các nhà tư tưởng, các nhà lãnh đạo, các nhà văn kiệt xuất vì tất cả đều bị áo cơm ghì xuống, bị những giấc mơ tủn mủn, nhỏ bé che mờ mắt. Thậm chí tệ hơn, ở một thái cực khác, khi người ta có khao khát, có ý chí mà không có những giấc mơ lớn lao, những triết lý cao rộng dẫn đường, những khao khát vươn lên, những ý chí, nghị lực thôi thúc người ta dấn bước ấy còn đẩy người ta lún sâu vào tha hóa thậm chí là tội ác.
Quan sát thực tế, các bạn có thấy buồn không khi chứng kiến có những người học hành rất nhiều, bằng cấp rất cao, có năng lực, thậm chí đã từng đi du học ở các nước tiên tiến nhiều năm… nhưng kết cục khi làm việc cũng chỉ theo đuổi một giấc mơ tìm kiếm vinh hoa phú quý cho mình. Họ đã chỉ tìm kiếm hạnh phúc và cảm giác thỏa mãn đến từ chức vụ, vị trí, lương, bổng lộc, “lậu” và tán tụng. Tệ hơn, rất nhiều người trong số ấy đã chìm đắm trong hưởng lạc vật chất, chơi bời sa đọa để thỏa mãn dục vọng, thậm chí phạm vào các tội như tham nhũng, lợi dụng chức vụ quyền hạn, ăn hối lộ, sử dụng trái phép chất ma túy… Những người như vậy cho dù thông minh, học giỏi, có bằng cấp cao thì cũng ích gì cho đất nước? Họ sẽ đem lại điều gì cho các thế hệ kế tiếp ngoài sự phá hoại ngấm ngầm và những tấm gương xấu xí?
Đến những người như vậy còn mơ ước cỏn con, chạy theo mục tiêu ngắn hạn, sống lệch lạc và đam mê vật chất điên cuồng như vậy thì những người ít được học hành hơn, không có khả năng tiếp xúc với thế giới còn điên cuồng chạy theo vật chất, mơ ước giàu sang, phú quý, có tâm lý bất chấp tất cả miễn có tiền đến thế nào?
Hậu quả nhãn tiền là họ tạo ra một cơn mê cuồng vinh hoa phú quý lan tràn khắp nơi. Tiền bạc, chức vụ, danh vị, nhà to, xe đẹp trở thành thước đo thành công, thước đo giá trị của con người, trở thành tiêu chuẩn duy nhất và tuyệt đối để theo đuổi trong suốt cuộc đời. Cơn mê ấy khiến tất cả quay cuồng trong đua chen, giành giật, để giành lấy về mình vật chất, danh vọng bất chấp danh dự, hạnh phúc, liêm sỉ, lợi ích của cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Và tất nhiên, họ cũng bất chấp cả một lẽ đơn giản “cá nhân mình có xứng đáng được hưởng những thứ như vậy không?“.
Đấy không chỉ là một nguy cơ lớn mà còn là một nỗi buồn đau khó có thể kể xiết khi ta suy ngẫm tới những khó khăn, nguy hiểm trong suốt chiều dài lịch sử mà tiền nhân đã trải qua để cộng cồng các dân tộc sống trên lãnh thổ quốc gia chúng ta có thể tồn tại đến giờ phút này. Các bạn thử đọc lại mơ ước của tiền nhân, từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho tới Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Vĩnh… về cuộc sống thái bình hạnh phúc, về quốc gia dân tộc mà xem.
Đọc xong các bạn sẽ thấy tiếc cho bao nhiêu cuộc đời trẻ trung đã chìm đắm trong những giấc mơ con, những điều “tẹp nhẹp vô nghĩa lý”, những phù hoa giả tạo để rồi cuối cùng chỉ trở thành “phường giá áo túi cơm” trong khi bản thân họ hoàn toàn có thể trở thành những cá nhân tuyệt vời, những người đáng được kính trọng.
Nguyễn Quốc Vương
Trích trong cuốn sách về nghèo đói của tác giả. Mời bạn đọc liên hệ đặt sách.
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
- Đọc sách và nghèo đói
- Nghèo khó là mảnh đất tốt tạo ra và nuôi dưỡng sự luộm thuộm
- Đọc sách là con đường tất yếu
- Nghèo đói và ham mê vật chất – tiêu dùng vô độ
Mời xem video:
Từ khóa nghèo đói Nguyễn Quốc Vương