Nghèo đói và ham mê vật chất – tiêu dùng vô độ
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Sự đam mê vật chất và thói quen tiêu dùng vô độ sau khi đã thoát khỏi nghèo đói của cá nhân và cộng đồng là hệ quả của sự ám ảnh về nghèo đói. Khi nghèo khó, vật chất khan hiếm, các nhu cầu tối thiểu về ăn, mặc, ở, đi lại không được thỏa mãn khiến cho cá nhân luôn ở trong trình trạng khổ sở, khao khát vật chất. Ăn không được no. Mặc không được ấm. Ở không thoải mái. Không được đi đâu. Không có thời gian và điều kiện để giải trí. Sự thiếu thốn ấy hành hạ cá nhân, trở thành nỗi lo thường trực trong một thời gian lâu dài đã tạo ra một tổn thương tâm lý, gây ra một nỗi ám ảnh. Vì vậy, khi thoát ra khỏi nghèo khó người ta vừa có xu hướng muốn “trả thù” quá khứ bằng cách sống thật xa hoa, thật đầy đủ về vật chất vừa bị ám ảnh bởi tham vọng tích lũy vật chất mãnh liệt. Kết quả là các cá nhân đó coi việc sở hữu và hưởng thụ vật chất là mục đích cao nhất và duy nhất của cuộc đời. Những biểu hiện của “hội chứng” này có thể thấy rõ ở mọi khía cạnh của đời sống cá nhân và xã hội.
Trong ăn uống ta thấy rõ “hội chứng” này trước tiên. Các bạn hãy nhớ lại lần gần đây nhất mình đi ăn tiệc với đối tác, khách hàng, đồng nghiệp hoặc đi ăn cưới, ăn giỗ xem. Ở đó trên bàn tiệc, mâm cỗ có những gì? Có phải là rượu, thịt ê hề, mâm cao cỗ đầy đúng không nào? Thực ra trong các dịp quan trọng việc chuẩn bị chu đáo thức ăn, đảm bảo sự sang trọng, đầy đủ là việc tất yếu nhưng cái đáng nói ở đây là sự thừa mứa. Có những món như giò, chả bày lên thực khách hầu như không bao giờ đụng đũa. Thức ăn lại quá nhiều về lượng. Cùng là thịt có khi tới mấy món liền: thịt gà, thịt lợn, thịt bò, thịt bê, thịt trâu, thậm chí có nơi còn có thêm cả thịt thỏ, thịt đà điểu, thịt chim cu, thịt chuột, thịt mèo cho nó… “độc và lạ”. Lượng thức ăn lớn, phong phú cộng với thói quen ăn uống thiếu tinh tế như ăn hay bỏ dở, coi việc để lại thức ăn thừa là lịch sự… đã dẫn tới kết cục là khi tàn tiệc, mâm cỗ trở thành một nơi hổ lốn lẫn lộn xương, giấy rác, thức ăn, nước uống, rượu bia lẫn lộn, vừa mất mỹ quan, mất vệ sinh, vừa lãng phí.
Theo quan sát của tôi thì hầu hết các buổi liên hoan, tiệc tùng ở cơ quan, công sở và cưới, giỗ dù là ở nông thôn hay thành thị đều ở trong tình trạng này. Người Việt chúng ta sống trong môi trường văn hóa và nếp sinh hoạt đó lâu ngày, nhìn thấy mọi người sinh hoạt, cư xử hệt nhau lâu dần thấy bình thường, không có vấn đề gì nhưng nếu ai đó sống trong một nền văn hóa khác hoặc nhìn từ phía các cá nhân đã giác ngộ hay biết so sánh, phản tỉnh sẽ thấy chuyện ăn uống như thế rất có vấn đề. Đây cũng là lý do giải thích tại sao những người có cái nhìn phê phán đối với phong tục, tập quán, nếp sinh hoạt ở nước ta thường là những người có cái nhìn so sánh Đông-Tây như các nhà nho yêu nước, có xu hướng cải cách duy tân đầu thế kỉ 20 hoặc những người sống ở nước ngoài lâu năm, những người làm việc trong môi trường quốc tế. Những phân tích, bình luận của họ khi thể hiện công khai thường bị chỉ trích là “vong bản”, “mất gốc”, “thiếu thực tế” vì vấp phải cái nhìn từ người trong cuộc – những người không nhận ra vấn đề.
Không chỉ là tiệc tùng, cỗ bàn ở các sự kiện lớn, quan trọng, ở phương diện từng gia đình việc ám ảnh với “mâm cao cỗ đầy”, “đói ngày giỗ cha no ba ngày tết” cũng rất mạnh. Không nói đâu xa, bố mẹ tôi – những người ở độ tuổi 70-80, vốn đã trải qua bao đói khổ trong giai đoạn đất nước có chiến tranh và kinh tế bao cấp luôn bị ám ảnh bởi chuyện ăn uống. Bất kì khi nào con cháu về nhà, các cụ đều trực tiếp nấu nướng hoặc chỉ đạo các con nấu nướng thật nhiều, bày ra thật lắm món và ép các cháu, các con ăn thật lực. Càng ăn nhiều ông bà càng vui. Kết quả là việc nấu nướng, làm cỗ trở thành một công việc cực nhọc, tốn quá nhiều thời gian, công sức và ăn uống trở thành gánh nặng. Sau mỗi bữa ăn thức ăn thừa còn lại rất nhiều. Kết quả là lại phải tính cách cất giữ trong ngăn đá của tủ lạnh, phân chia cho các nhà… Tất nhiên, ở quê gia đình tôi cũng có nuôi rất nhiều chó, mèo, gà nên mọi thứ không bị bỏ phí hoàn toàn nhưng đây cũng là một thói quen và lối sinh hoạt lãng phí, nặng nhọc và không cần thiết. Xét ở góc độ khoa học việc ăn uống quá nhiều, nhất là ăn thịt không tốt cho sức khỏe. Hơn nữa, lâu ngày không gặp nhau, lẽ ra thời gian nấu nướng, bày biện đó phải cắt bớt để dành cho các hoạt động khác như trò chuyện, vui chơi… Tôi đoán có lẽ ở các gia đình khác có bố mẹ cùng thế hệ cũng sẽ có lối tư duy và sinh hoạt tương tự.
Đây là kết quả của sự ám ảnh về nghèo khó, thiếu thốn trong quá khứ khi cha mẹ luôn lo lắng con ăn không đủ no và giờ đây cha mẹ muốn bù đắp cho con, cho cháu. Và không chỉ ngày thường, Tết là dịp các gia đình thể hiện rõ nhất lối tư duy này. Tôi đọc ở đâu đó có ai viết rằng, Tết bây giờ 2C quan trọng quá làm cho Tết trở nên nặng nề. 2C đó là “cúng” và “cỗ”. Đã cúng phải đủ món, đã cỗ Tết là phải đầy đủ. Vậy nên cả ngày chỉ lo lắng nấu nướng, bày cỗ, ăn uống không còn thời gian dành cho các hoạt động vui chơi, giải trí khác. Tâm lý các nàng dâu hiện đại khi phải về quê ăn Tết với nhà chồng thường sợ nhất chuyện này. Không chỉ phải nấu nướng, sắp cỗ mà sau khi ăn uống xong các nàng lại phải rửa bát. Loanh quanh với nấu nướng, dọn dẹp, rửa bát xong có khi hết cả ngày.
Chuyện đam mê vật chất trong ăn uống không chỉ dừng lại ở chuyện cỗ to, cỗ nhỏ hay ăn uống linh đình, xét ở phương diện xã hội nó còn đi xa hơn. Đó là có rất nhiều người sa đà vào chuyện ăn uống khi cứ ngồi xuống tiệc tùng là lấy tiêu chuẩn “uống nhiều là tốt, là quý” ra để giao tiếp, ứng xử. Thay vì uống lấy ngon, lấy vui, người ta ép nhau uống bia rượu thật nhiều, ai không chịu uống là người đó “không tôn trọng người khác”, “khinh người”, “quan cách”, “quên hết họ hàng anh em”. Thế nên người ta cứ hò hét, ép buộc nhau uống cho đến khi nôn mửa ra ngay tại bàn tiệc hoặc cứ uống bia cho căng bụng rồi vào nhà vệ sinh xả ra qua đường bài tiết sau đó lại quay ra uống. Với tôi, thật sự tôi thấy choáng váng với thói quen và “phong tục” ăn uống, tiệc tùng này. Đối với tôi, nó rất có hại và phản cảm. Nó vừa phá hủy sức khỏe, vừa đem lại nhiều nguy hiểm vừa tốn kém không cần thiết. Nhưng thật đáng buồn là rất đông người và thậm chí trong một số trường hợp, cả cộng đồng xung quanh thấy chuyện đó là rất bình thường, cho rằng như thế mới là đúng nghi lễ, mới vui.
Nhiều người khá giả hơn một chút thì tìm kiếm niềm vui ăn uống vô độ khi thích ăn các món “độc”, “lạ”. Kết quả là họ góp phần vào tận diệt thiên nhiên, thúc đẩy các hành vi phạm pháp như săn bắt, mua bán, giết mổ các động vật hoang dã bao gồm cả các loài có tên trong sách đỏ. Tôi và con trai đã vô cùng kinh ngạc khi trong một chuyến đi chơi trên biển ở một nơi rất nổi tiếng thấy người ta bày bán công khai cả con Sam – động vật có nguy cơ tuyệt chủng và có tên trong sách đỏ. Chuyện quán ăn bán thú rừng, chim hoang dã thì không phải là hiếm. Chuyện người ta vui mừng khoe chiến tích được ăn cầy hương, nai rừng, mèo rừng, gà rừng… không phải là điều gì đó quá lạ lẫm.
Nguyễn Quốc Vương
Trích trong cuốn sách về nghèo đói của tác giả. Mời bạn đọc liên hệ đặt sách.
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
- Đọc sách và nghèo đói
- Nghèo khó là mảnh đất tốt tạo ra và nuôi dưỡng sự luộm thuộm
- Đọc sách là con đường tất yếu
Mời xem video:
Từ khóa Nguyễn Quốc Vương khuyến đọc