Nghi lễ ngắm trăng thanh nhã tại xứ sở mặt trời mọc
- Thanh Huy
- •
Ngắm trăng là một thú vui thanh nhã có mặt trên khắp thế giới. Ở Nhật Bản, từ giới quý tộc thời Heian cho tới thường dân thời Edo, ai ai cũng kính ngưỡng mặt trăng. Trăng tròn là biểu tượng của vẻ đẹp hoàn mỹ, nhất là vào tiết trời thu, khi không khí trong lành và khoáng đạt.
Suốt thời Heian (794-1185), các quý tộc thường tề tựu lại với nhau trong những buổi tối để ngắm trăng, làm thơ và chơi nhạc. Họ thưởng thức ảnh trăng soi rọi vào mặt hồ hoặc trong những cốc rượu gạo. Truyền thống thanh nhã này được nhắc đến rất nhiều trong văn học và nghệ thuật của thời kỳ này.
Người Nhật Bản có bốn thú chơi tao nhã là: hoa, điểu, phong, nguyệt. Nhưng ngắm trăng không đơn giản chỉ là một thú chơi, mà còn bao hàm sự kính ngưỡng đối với trời đất. Chính vì vậy, việc ngắm trăng cũng có những nghi lễ riêng, mà trong đó mặt trăng chính là thực thể để phụng thờ. Người Nhật tôn kính mặt trăng vì tin rằng mặt trăng cũng góp phần giúp người nông dân có được mùa màng bội thu.
Bánh gạo trắng là một vật phẩm không thể thiếu trong nghi lễ thưởng trăng. Thứ bánh này làm từ bột gạo, vo tròn, trông thật tinh khiết và trong sáng, cũng tựa như hình hài của mặt trăng tròn vậy.
Cùng hiện diện với bánh gạo là những nhành cỏ chè vè. Những nhành cỏ ấy tượng trưng cho sự hiện thân của thần mặt trăng tại chốn trần gian. Những cánh đồng cỏ chè vè ở Nhật Bản thường được thu hoạch vào mùa thu, cũng là thời điểm mặt trăng sáng và tròn nhất.
Vào thời Edo (1603-1868), tục thưởng trăng đã lan rộng tới những người dân thường. Cỏ chè vè và bánh gạo trắng là chuẩn mực trong các nghi lễ ở Edo (Tokyo ngày nay). Tuy vậy, mỗi vùng cũng có những vật phẩm dâng cúng khác.
Bên cạnh tục thưởng trăng với bánh gạo trắng và cỏ chè vè, đêm 15 tháng 8 âm lịch hàng năm, người Nhật Bản lại có một nghi lễ khác, trong đó lễ vật dùng để cúng tế là khoai taro. Nguyên nhân là vì vào thời điểm này, mặt trăng trên bầu trời Nhật Bản sẽ có hình củ khoai. Tại vùng Kansai, quanh Osaka và Kyoto, người dân có truyền thống dâng cho thần mặt trăng những củ khoai đầu tiên thu hoạch được. Truyền thống này vẫn còn được tiếp nối cho đến tận ngày nay.
Trong nghi lễ thưởng trăng này, người phụ nữ Nhật Bản cũng sẽ cầu nguyện để các vị thần linh bảo hộ cho gia đình của mình được bình an.
Dưới ánh trăng, thời gian trôi qua thật thanh nhã…
Tham khảo từ Google Art & Culture
Thanh Huy
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Nhật Bản tín ngưỡng tâm linh ngắm trăng