Truyện chưởng Kim Dung có lẽ là một trong những món ăn tinh thần cực kỳ nổi tiếng và quen thuộc của người Việt. Vậy nhưng ngay trong những kiệt tác ấy, người đọc không ít lần cảm thấy thắc mắc và bực tức về sự hơn-thua của những tay hảo thủ võ lâm. Duyên cớ là vì sao? Tác giả Nguyên Nguyên đã chia sẻ lại “bí quyết” ngũ hành mà Kim Dung đã vận dụng qua loạt bài viết “Thử đọc lại Kim Dung” của mình. Dưới đây, chúng tôi xin được biên tập, trích lược và chia sẻ lại với bạn đọc.

*******

Có lẽ trong tiềm thức của tôi trong hơn 35 năm qua luôn luôn vẫn có một số thắc mắc, tức bực về tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung. Trước hết nếu so với các truyện kiếm hiệp cổ điển của Trung Quốc như Lã Mai Nương, Càn Long du Giang nam, Tiết Nhân Quý chinh đông, Thuyết Ðường, Thủy Hử, v.v., trong các truyện chưởng của Kim Dung, ít khi nào ông cho khai tử bớt những nhân vật cực ác khi đến quá nửa truyện. Thậm chí nhiều khi cho đến hết truyện những nhân vật cực kỳ nham hiểm và gian ác đó vẫn chưa được cho gác kiếm về chầu Diêm Vương, nhưng lại vẫn cứ tiếp tục sống dai và “quậy” dài dài cho đến một thế hệ tiếp nối trong một truyện kiếm hiệp nối tiếp khác.

Thí dụ như Tây độc Âu Dương Phong trong Xạ điêu Anh hùng truyện đã sống luôn qua đến khoảng nửa truyện kế tiếp mang tên Thần Ðiêu hiệp lữ rồi mới lăn đùng ra chết sau khi đấu võ nghệ với Bắc cái Hồng Thất công suốt mấy ngày liền trên một đỉnh núi tuyết trước sự chứng kiến của cậu thanh niên Dương Quá. Hoặc giả như Tinh Tú lão quái Ðinh Xuân Thu trong Lục Mạch thần kiếm và Thiên Long bát bộ – một nhân vật cực kỳ hung ác ai cũng ghét thế mà cứ sống dài dài – sống lâu hơn một trong những nhân vật chính là Tiêu Phong – cho đến hết truyện luôn…

Tranh chấp để xem xem ai võ công cao nhất, ai là anh hùng vô địch thiên hạ cũng thường không được giải đáp cho thật chắc chắn như trong các truyện kiếm hiệp ngày xưa trước thời Kim Dung. Trong Anh hùng xạ điêu và Võ lâm ngũ bá, có tất cả 5 người với võ nghệ tuyệt luân: Bắc cái Hồng Thất công, Nhất Đăng đại sư Ðoàn Nam đế, Tây độc Âu Dương Phong, Ðông tà Hoàng Dược Sư và Trung thần thông Vương Trùng Dương. Năm người đó mỗi người có một hai ngón võ tuyệt chiêu bao trùm thiên hạ. Nhưng khổ nổi nếu họ đấu với nhau thì lại “bất phân thắng bại”!!! Vương Trùng Dương thường được xem như “trên cơ” 4 người kia một chút nhưng lại… chẳng may chết sớm, và trước khi chết thật Vương Trùng Dương đóng kịch chết giả để cố ý thọc vào chính huyệt của Tây độc Âu Dương Phong một ngón Nhất dương chỉ cho Tây Ðộc chừa bỏ tham vọng đi ăn cắp quyển võ công bí kíp Cửu Âm chân kinh. Thành ra trong hầu hết suốt các truyện Anh hùng xạ điêu hoặc Võ lâm ngũ bá ta không thấy một ai có thể xưng anh hùng vô địch hay võ lâm minh chủ cả.

Lô gích “lổng chổng”

Thất vọng nhất trong cái “lô gích” của Kim Dung phải là anh chàng Quách Tĩnh. Anh này có nội công tự nhiên trời cho như hút được máu rắn quí của một thiền sư nào đó, học võ nghệ từ nhỏ với Giang Nam thất quái, học leo núi với Mã Ngọc, học các võ chính như Hàng long thập bát chưởng của Hồng Thất công, học thế đánh Thiên cang Bắc đẩu trận của phái Toàn Chân, học Cửu Âm chân kinh và Song thủ hỗ bác từ Chu Bá Thông một cao thủ tương đương hay hơn Võ lâm ngũ bá một chút, vài ngón nghề Nhất dương chỉ từ chính Ðoàn Nam đế. Quách Tĩnh như vậy đã học các món võ chính tông của ít lắm là 3 trên 5 vị ngũ bá đó – cộng với tuổi trẻ, với “tư duy” sẵn có, với nội công thâm hậu nhờ uống máu rắn. Thế mà lúc đấu với các cao thủ khác như Cừu Thiên Nhận (chính hiệu), Quách Tĩnh không bao giờ chứng tỏ được thế thượng phong đánh hạ được họ hay cho họ nằm “đo đất” cả.

Lô gích đó của Kim Dung hồi còn trẻ người viết xem như hơi “lổng chổng” không được chặt chẽ chút nào. Thêm một thí dụ khác: Trương Vô Kỵ trong Cô gái Ðồ long đã trải qua bao nhiêu thăng trầm và học được bao nhiêu thế võ tuyệt chiêu: Cửu Dương chân kinh lúc sống dưới thung lũng núi tuyết qua quyển sách dấu trong bụng con khỉ, ăn được con ếch đỏ cũng ở dưới thung lũng để bổ sung dương khí, luyện được Càn Khôn đại na di tâm pháp lúc bị nhốt trên Quang Minh đỉnh, học Thái Cực quyền và Thái Cực kiếm rất thuần thục với Trương Tam Phong, v.v. và v.v. thế đến khi đụng độ với người yêu cũ Chu Chỉ Nhược, hình như Trương Giáo chủ phải chịu lép mặc dù cô Chu chưởng môn Nga Mi chỉ học được có Cửu Âm Chân Kinh và một số chiêu của Nga Mi kiếm pháp mà thôi. Lô gích nằm ở đâu hay Kim Dung đã theo mốt thời đại trọng nữ khinh nam?

Nhưng thật ra, hằng trăm trận ăn thua hay sống chết với nhau trong các kiệt tác của Kim Dung thường dựa sát vào những tương sinh tương khắc của luật Ngũ hành mà thôi. Thí dụ một cao thủ võ lâm mặt đỏ, cỡi ngựa màu đỏ (xích thố), mang kiếm giáp màu đỏ (mạng Hoả) chạy ngựa hay phi thân xuống núi đánh với một nhân vật võ lâm khác, cho dù đó là một bà lão mặt đen mặc quần áo màu đen (mạng Thủy), người đọc sành điệu luật Ngũ hành có thể đoán được rằng tác giả sẽ cho cao thủ từ trên núi xuống kia, thế nào cũng sẽ bị thua chạy dài, nếu không bị chém đứt đầu thì cũng bị thương nặng tàn phế võ công!!!

Ngũ hành – Đạo lý ẩn trong những kiệt tác của Kim Dung

Sơ lược về thuyết Ngũ hành

Thuyết Âm Dương – Ngũ hành được truyền ra vào khoảng thời Xuân Thu Chiến Quốc, cùng một lúc với Kinh Dịch, do ở một nhà “thông thái” tên Trâu Diễn đã hệ thống hoá nó cho được mạch lạc. Ngũ hành cũng được áp dụng trong nghệ thuật Phong Thủy xem nhà xem hướng, rất phổ thông hiện nay trên toàn cầu. Tóm tắt Ngũ hành gồm có Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ, năm nguyên tố căn bản của vũ trụ:

  • Kim tức kim loại, biểu tượng bằng màu Trắng, và theo Phong Thuỷ chỉ hướng TÂY.
  • Mộc là gỗ, mang màu Xanh, đứng về hướng ÐÔNG.
  • Thủy là nước, biểu tượng màu Ðen, đi về hướng BẮC.
  • Hoả là Lửa, mang màu Ðỏ, biểu hiệu bằng hướng NAM.
  • Thổ là Ðất, mang màu Vàng, đại diện bằng Miền Chính Giữa – TRUNG TÂM.

Tóm tắt có hai chu kỳ ngũ hành:

  • Chu kỳ SINH: Kim sinh Thủy, Thủy sinh ra Mộc, Mộc sinh Hoả, Hoả tự thiêu sinh ra Thổ, Thổ sinh Kim.
  • Chu kỳ KHẮC: Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hoả, và Hoả lại khắc Kim.

Tính tình người ứng với mạng:

  • Mạng Kim: có đầu óc tổ chức, thích ở trong thế chủ động và lãnh đạo, cần cho rằng mình đúng, thích trật tự và sạch sẽ.
  • Mạng Thủy: giàu tưởng tượng, trung hậu, thông minh, rất “cứng cựa”, độc lập, kín đáo…
  • Mạng Hoả: giàu tình người, nhiều trực giác, thích được thương yêu, thích sôi nổi, giao tế giỏi…
  • Mạng Thổ: rất chừng mực, hài hoà, trung thành và đòi hỏi trung thành, thích chi tiết, thích bầu bạn nhưng có thể rất cứng đầu.
  • Mạng Mộc: vui tính, có mục đích, năng động, thích bận rộn, có thể rất hách xì xằng, thực tế, hiếu thắng…

Ngũ hành trong kiệt tác Kim Dung

Bây giờ xin trở lại những điểm “lổng chổng” trong một vài truyện kiếm hiệp Kim Dung mà người viết còn nhớ. Tuy nhiên, trước hết xin minh định người viết không thể xác nhận người viết có tin vào luật Ngũ hành hay không, nhưng chỉ có thể tiết lộ rằng qua mấy mươi năm đọc truyện Tàu và kiếm hiệp Kim Dung, người viết vẫn thường cho rằng mấy ông viết truyện Tàu có vẻ quên đầu quên đuôi không áp dụng lô-gích tây phương cặn kẽ, nhất là lô gích kiểu tam đoạn luận: A thắng B, B thắng C, vậy A chắc chắn phải thắng C. Chỉ đến sau này người viết mới thấy truyện Tàu nói chung và võ hiệp Kim Dung nói riêng hiếm khi dựa trên lô-gích tam đoạn luận của Tây Phương, nhưng lại chính yếu dựa trên lô-gích của thuyết Ngũ hành. Ðem lô gích của luật Ngũ hành vào truyện Tàu, Tam Ðoạn Luận phải cuốn gói đi chỗ khác chơi.

Xin trở lại với Kim Dung, hãy lấy Tiếu ngạo giang hồ làm ví dụ:

Đầu tiên ta để ý đến Ngũ Nhạc Kiếm Phái tức năm phe phái phối hợp với nhau thành một khối liên minh, bao gồm: Phái Hằng Sơn ở phía Bắc, Thái Sơn phía Đông, Hành Sơn phía Nam, Hoa Sơn hướng Tây và Tung Sơn thuộc miền Trung. Nhạc Bất Quần thuộc miền Tây chưởng môn Hoa Sơn thuộc mạng Kim. Kim khắc Mộc. Hoa Sơn hướng Tây khắc phục được Lâm Bình Chi người Phúc Kiến hướng Đông (Mộc) của nước Tàu, thu Lâm Bình Chi làm đồ đệ rồi chôm được Tịch Tà Kiếm Phổ của họ Lâm.

Họ Lâm là một họ rất phổ thông của người Phúc Kiến và người Triều Châu. Tại Việt Nam, đa số những người Việt có họ Lâm thường có gốc gác người Hoa xuất từ Phúc Kiến hoặc Triều Châu. Họ Lâm cũng có nghĩa là rừng, liên hệ đến cây cối, tức mạng Mộc. Họ Lâm người gốc Phúc Kiến ở phía Đông nên Lâm Bình Chi chắc chắn mang mạng Mộc. Đông Phương Bất Bại cũng mạng Mộc bởi tên lão có từ ĐÔNG.

Nhạc Bất Quần thuộc mạng Kim, có thể được hỗ trợ bởi mạng Thổ. Bởi vậy chưởng môn Tung Sơn Tả Lãnh Thiền, miền Trung mạng Thổ, âm mưu nhiều năm thống nhất năm phái Ngũ Hành để lên làm minh chủ, nhưng rốt cuộc lão gần như bày mâm dọn cỗ cho đối thủ lão là Nhạc Bất Quần. Thổ đã hỗ trợ Kim.

Trong trận đấu giữa Nhạc Bất Quần với Tả Lãnh Thiền – Thổ với Kim không ai khắc ai – nhưng Kim Dung đã cho Bất Quần thắng và đâm mù mắt Lãnh Thiền. Chỉ nhờ ở Bất Quần xử dụng Tịch Tà kiếm pháp (thuộc mạng Mộc ở miền Đông) mới khắc chế được Lãnh Thiền, Mộc khắc Thổ.

Phái Hằng Sơn của các vị ni cô ở phía Bắc thuộc mạng Thủy. Phái này bị phe Tung Sơn miền Trung mạng Thổ phá rối đánh cho gần như tan hàng (Thổ khắc Thủy).

Thế Lệnh Hồ Xung mạng gì? Điểm đầu tiên ta để ý Kim Dung rất thích cho nhân vật chính mang mạng Hoả: Trương Vô Kỵ, Quách Tĩnh đều mang mạng Hoả. Vậy thử cho Hồ Xung mang mạng Hoả, người phía Nam xem ra sao. Tính người mang mạng Hoả: giàu tình người, nhiều trực giác, thích được thương yêu, thích sôi nổi, giao tế giỏi, hoàn toàn thích hợp với cá tính của Lệnh Hồ Xung.

Hoả thường được giúp bởi Mộc (màu xanh và hướng Đông). Lệnh Hồ Xung được Phong Thanh Dương dạy cho Độc Cô cửu kiếm. Trong tên Phong Thanh Dương có hai từ Thanh và Dương đều chỉ màu xanh thuộc mạng Mộc. Ni cô cõng Hồ Xung chạy trốn lúc Hồ Xung bị thương nặng, và thầm yêu Hồ Xung suốt đời, mang tên Nghi Lâm. Lâm tức là rừng, nhiều cây cối, mạng Mộc. Người yêu thương Lệnh Hồ Xung, giúp đỡ Lệnh Hồ Xung rất nhiều, cõng Hồ Xung lên Thiếu Lâm đổi mạng mình nhờ Phương Chứng đại sư chữa bệnh cho Hồ Xung là Nhậm Doanh Doanh.

Trong Tiếu ngạo giang hồ, Kim Dung ít mô tả về màu sắc quần áo các nhân vật, nhưng lại giới thiệu Doanh Doanh bỏ trốn khỏi tổng hành dinh Ma giáo đi tham quan giang hồ với một lão tướng mang tên Lục Trúc Ông, trong tên có Trúc ám chỉ mạng Mộc. Doanh Doanh mạng Mộc giúp đỡ mạng Hoả của Hồ Xung.

Mạng Hoả của Hồ Xung khắc chế được mạng Kim của thầy cũ Nhạc Bất Quần, nhưng có thể thầm phục mạng Thủy của các ni cô phái Hằng Sơn ở phía Bắc. Bởi vậy Kim Dung cho các vị Định Dật, Định Tĩnh và Định Nhàn trối trăn cho Hồ Xung làm chưởng môn Hằng Sơn lãnh đạo toàn các ni cô, Hồ Xung cũng phải nhận bởi Hoả bị khắc phục, bị cảm hoá bởi Thủy.

Nhậm Ngã Hành mạng gì? Lúc Nhậm Ngã Hành bị Đông Phương Bất Bại (mạng Mộc) đảo chánh, Nhậm mang mạng Thổ. Mộc khắc Thổ. Kim Dung nói rõ Nhậm bị giam dưới lòng đất – mạng Thổ. Thế nhưng Nhậm lại bị giam dưới lòng Tây Hồ ở thành phố đẹp nhất Trung Quốc Hàng Châu (Tây Hồ => TÂY => mạng Kim) trong vòng 10 năm và luyện thêm được Hấp Tinh đại pháp, Tinh thường màu trắng, lại mạng Kim. Nhậm Ngã Hành sau 10 năm bị giam cầm đã chuyển dần sang mạng Kim, để rồi Kim khắc Mộc, trở ra lật đổ và giết Đông Phương giáo chủ trả được hận xưa.

Bây giờ xin xem qua bộ Xạ đìêu Anh hùng truyện và Võ lâm ngũ bá:

Tổng cộng chừng 1 phần 5 của Xạ điêu Anh hùng truyện đề cập đến truyền tích và hành vi của năm ông võ sư thượng thặng của Trung Quốc trước thời nước Tàu bị Mông Cổ chiếm đóng. Ðó là Bắc cái Hồng Thất công (Vua Ăn Xin), Tây độc Âu Dương Phong, Ðông tà Hoàng Dược Sư, Nam đế Nhất Ðăng đại sư, và Trung thần thông Vương Trùng Dương.

Rõ ràng Võ lâm ngũ bá đại diện cho năm thức Ngũ hành:

  • Bắc cái Hồng Thất Công, ông vua ăn xin mặt mày đen đúa ở phía Bắc (Bắc Cái) mạng THỦY.
  • Tây độc Âu Dương Phong và cháu là Âu Dương Khắc đi từ BẠCH Ðà sơn đến – chuyên môn ăn mặc đồ trắng, kể cả đoàn phụ nữ tùy tùng mặc áo quần màu trắng, mạng KIM.
  • Ðông tà Hoàng Dược Sư ở phía Ðông ưa ở trong vườn đào thích mặc áo màu xanh, đích thị mạng Mộc.
  • Nam Ðế Nhất Ðăng đại sư ở phía Nam mặc áo cà sa màu đỏ, với ngón nghề Nhất dương chỉ, đúng mang mạng HỎA.
  • Trung Thần Thông Vương Trùng Dương có căn cứ ở miền Trung mang mạng THỔ.

Kim Dung còn nhấn mạnh ở mạng Thổ của Trùng Dương bằng cách cho ông sư tổ phái Toàn Chân này chết giả chôn vào lòng đất mấy ngày – chờ Âu Dương Phong đến cạy hòm để ăn cắp Cửu Âm chân kinh – chợt tỉnh dậy thọc vào mặt họ Âu Dương một ngón Nhất Dương chỉ đau cho gần chết (!) cho Âu Dương tởn đến già.

Võ lâm ngũ bá nói nôm na dùng để chỉ sự hài hoà của 5 nguyên tố của Ngũ hành. Bởi vậy để cân bằng sự hài hoà đó Kim Dung cho vào nhân vật Lão Ngoan Ðồng Châu Bá Thông sau khi Vương Trùng Dương chết đi một thời gian. Châu Bá Thông là sư đệ hay lý lắc như con nít của Vương Trùng Dương, đặt ra để thay thế họ Vương trong mạng Thổ để đối phó cân bằng với bốn tay cao thủ hạng nhất kia. Ta để ý sự hài hoà ngũ hành đó rất ngộ ngĩnh như sau:

Ðông Tà mạng Mộc, có thể trị Thổ (Vương Trùng Dương) nếu đánh nhau gay gắt, nhưng Kim Dung cho Ðông Tà có vẻ mến và thích Vương Trùng Dương nên ít khi chạm trán trực tiếp với họ Vương. Nhưng rõ ràng Mộc vẫn trị Thổ như thường qua việc Ðông Tà khắc phục được và giam cầm Châu Bá Thông trên đảo đào hoa suốt 20 năm trời để bắt buộc họ Châu phải chép ra hay đọc ra Cửu Âm Chân Kinh cho Ðông Tà!

Nam Ðế mạng Hỏa trực tiếp có thể khống chế mạng Kim của Tây Ðộc Âu Dương Phong. Thì đó Âu Dương Phong chỉ sợ có ngón Nhất Dương chỉ của người võ lâm ở phương Nam mà thôi.

Mạng Kim của Âu Dương Phong chính ra có thể thắng được Hoàng Dược Sư, mạng Mộc. Nhưng hình như giữa họ Âu Dương và họ Hoàng có tình nể nang đồng nghiệp (professional courtesy) với nhau. Ðó là tình mến nhau nhường nhau giữa tên ăn cướp và bà già ăn trộm, nên họ lại ít đấu nhau cho chí tử.

Mạng Thủy của Hồng Thất công có thể trị được Nhất Dương chỉ của Ðoàn Nam Ðế (mạng Hoả). Nhưng không được họ lại cùng phe thiện và thương người như nhau!

Tương tự mạng Thổ của Vương Trùng Dương có thể chặn mạng Thủy của Hồng Thất Công (Bắc Cái), nhưng không họ mến tài mến đức của nhau.

Âu Dương Phong mạng Kim và Hồng Thất Công mạng Thủy không có khắc gì với nhau – nên không ai hạ được ai hết. Rốt cuộc trong một trận đấu cuối cùng trên núi tuyết trong truyện Thần Ðiêu Hiệp Lữ (nối tiếp Anh hùng xạ điêu) hai ông lão đấu nhau mấy ngày đêm rồi đều lăn đùng ra chết, trước chứng kiến của Dương Quá.

Hoàng Dược Sư mang mạng Mộc nên mang tính hiếu thắng. Ông ta mất vợ cũng chỉ vì kêu vợ cố nhớ lại rồi viết ra bản Cửu Âm Chân kinh học lóm được từ Chu Bá Thông. Có lẽ ông cũng mang chút ít mạng Thổ nên ông đã đòi hỏi trung thành của mọi người, nhất là đám đệ tử. Sau khi cặp học trò Trần Huyền Phong và Mai Siêu Phong ăn cắp quyển copy của Cửu Âm Chân Kinh trốn đi, Hoàng Ðông Tà nổi giận cắt hết gân của những người học trò còn lại rồi đuổi đi hết.

Kim Dung đã cấu tạo cá tính nhân vật thật hay và Ngũ hành được đại diện rất đầy đủ, vững chắc trong Anh hùng xạ điêu. Sự cân bằng ngũ hành trong Võ lâm ngũ bá và Anh Hùng Xạ Ðiêu chính là cân bằng hài hoà trong một thế động, luôn luôn động. Người này khắc chế người kia xoay vòng cho giáp, để rồi rốt cuộc không hề có một người nào thật xuất chúng trồi lên trên cao.

Có thể nói rằng ngũ hành đã được Kim Dung vận dụng cực kỳ mạch lạc trong các kiệt tác của mình. Và không chỉ có Tiếu ngạo giang hồ, mà tất cả các tác phẩm danh bất hư truyền khác như Thần điêu hiệp lữ, Cô gái Đồ Long, v.v. đều vận dụng thật độc đáo ngũ hành.

Phần quan sát thế ngũ hành của các nhân vật khác trong kiệt tác Kim Dung, xin trân trọng nhường lại cho người đọc và hẹn một dịp sau này cùng bình luận thêm về chúng.

Tác giả: Nguyên Nguyên
Biên tập và trích lược từ loạt bài: “Thử đọc lại Kim Dung”

Xem thêm:

Mời xem video: