Người có tri thức phong phú chưa hẳn là người trí tuệ
- An Hòa
- •
Những tác phẩm kinh điển của người xưa đều ẩn chứa trí tuệ vô cùng thâm sâu. Một cuốn Đạo Đức Kinh ngắn ngủi với năm nghìn từ, đã nói rõ quy luật xuất sinh, phát triển của vạn sự vạn vật, cùng với quá trình phản bổn quy chân của con người. Bộ Luận Ngữ không quá một vạn từ, được tôn sùng là khuê biểu của Nho gia, là mẫu mực của tri thức và đạo trị quốc trong hàng nghìn năm. Binh Pháp Tôn Tử chưa đến 6.000 từ cho đến nay vẫn là sách gối đầu giường của các chủ doanh nghiệp. Có thể thấy rằng câu chữ không nhất định phải nhiều, tri thức không nhất định phải quá đa dạng, nhưng có thể bằng một vài câu mà nói ra gốc rễ của sự việc thì chỉ người trí tuệ mới có thể làm được mà thôi.
Trong “Tuân Tử – Tử Đạo” có ghi chép ý tưởng về người trí tuệ và người nhân đức như sau:
Tử Lộ cho rằng: “Người trí tuệ có thể khiến người khác hiểu mình, người nhân đức có thể khiến người khác yêu thương bảo vệ mình.”
Tử Cống cho rằng: “Người trí tuệ có thể hiểu người khác, người nhân đức có thể yêu thương bảo vệ người khác.”
Nhan Uyên cho rằng: “Người trí tuệ có thể tự hiểu bản thân mình, người nhân đức có thể tự tôn tự yêu bản thân.”
Khổng Tử cho rằng: “Người trí tuệ gặp chuyện không bị mê hoặc, người nhân đức không ưu sầu, người dũng cảm không sợ hãi.”
Có thể thấy rằng các bậc hiền nhân đi trước khi nói về người trí tuệ thì không hề nhắc đến sự đa dạng phong phú của tri thức, mà lại thường nhắc đến những phương diện như hiểu người khác, hiểu bản thân, biết cách đối nhân xử thế, biết phân biệt rõ đúng sai thiện ác. Do đó, trí tuệ không phải là điều tri thức phong phú có thể đạt tới được, cũng không phải là sự thông minh lão luyện có thể thay thế được.
Cổ ngữ có câu: “Tiểu trí vong thân, đại trí tế thế”, nghĩa là những người tự cho là thông minh thì thường đánh mất chính mình, trong khi những người đại trí thì cứu giúp thế gian. Người tự phụ thông minh sẽ không thích chịu thiệt, tranh đấu ngược xuôi, ăn không ngon ngủ không yên. Người thực sự có trí tuệ thì tính cách rộng lượng và không chấp trước vào danh lợi, được mất không ghi nhớ, vinh nhục không nản lòng.
Trong thế gian còn có một loại trí tuệ gọi là trí huệ. Phật gia cho rằng con người đau khổ vì những chấp nhất, dính mắc về danh, lợi, tình nơi thế gian, chính là đang tự tạo ra phiền não, thống khổ cho bản thân mình. Do vậy, trí huệ của một người là khi tâm cảnh của người đó đạt đến độ thuần tịnh, sạch sẽ, không tạp niệm. Sự thiện lương và chân thật theo đó mà sinh ra. Lòng từ bi cũng theo đó mà xuất hiện. Người như vậy mới có thể thăng hoa đến cảnh giới cao hơn, nhận thức được chân lý của vũ trụ và sinh mệnh.
Bởi vậy, trí huệ của việc tu luyện trong Phật, Đạo hay Kitô cũng đều là dẫn dắt thiện căn và tuệ căn trong tâm con người, dẫn dắt thế nhân từ thế giới vật chất tiến nhập vào thế giới tinh thần, cuối cùng đạt đến sự viên mãn. Đây cũng là điều mà Phật gia gọi là khai trí, khai huệ.
Trí tuệ thật ra không phải là tri thức, kiến thức, sự hiểu biết hay sự thông minh. Trong cuộc sống, mặc dù cũng có rất nhiều người học rộng, tri thức nhiều nhưng trí tuệ của họ thực sự lại rất hữu hạn.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
- 6 câu triết lý ẩn chứa trí tuệ của Lão Tử
- Trí tuệ của người xưa: “Phúc lớn do Trời, phúc nhỏ do người”
Mời xem video:
Từ khóa trí tuệ Phật gia Nhân từ trí huệ