Người phụ nữ khiến chúa Trịnh bỏ lệ cấm nhà con hát đi thi
- Trần Hưng
- •
Trong lịch sử các triều đại, nghề ca múa xuất hiện rất sớm, phát triển đến đỉnh cao vào thời nhà Lý, nhưng đến sau này thì lại bị xem thường xem nhẹ, thậm chí vua Lê Nhân Tông còn ra lệ cấm người nhà con hát đi thi. Phải đến thời chúa Trịnh mới có một người phụ nữ khiến lệ cấm này thay đổi.
Vị khách phúc hậu và ngôi huyệt quý
Thời vua Lê chúa Trịnh, ở làng Như Quỳnh (người dân quen gọi theo tên nôm là làng Ghênh) có gia đình ông Trương Dự nghèo khó nhưng phúc hậu, gia đình mở quán hàng nước bên đường đủ sống qua ngày.
Một hôm có một người tướng mạo phúc hậu ghé vào quán, ông Trương Dự chào mời rất cung kính. Sau khi được nghỉ ngơi trò chuyện, người khách nọ chỉ cho ông Trương Dự huyệt quý, nếu táng mộ vào thì sau này sẽ nhờ nữ mà phát phúc. Khi người khách phúc hậu chuẩn bị rời đi, ông Trương Dự phải gặng hỏi mãi vị khách mới nói mình họ Lã, nhà ở đầu ngõ hàng Nghiên. Ông ghi nhớ lời khuyên nọ rồi làm theo.
Đến năm 1666, vợ ông Trương Dự sinh hạ được cô con gái xinh tươi khác thường, đặt tên là Trương Thị Ngọc Chử. Ông Trương Dự muốn tìm gặp vị khách nọ cảm ơn, liền đến ngõ hàng Nghiên rồi hỏi khắp nơi nhưng không ai biết về người họ Lã, nơi ấy chỉ có Miếu thờ Thuần Dương tổ sư Lã Động Tân (một trong bát tiên), do đó ông Trương Dự nghĩ là mình được ban phúc.
Cuộc gặp gỡ kỳ lạ giữa Thế tử với cô gái cắt cỏ
Bà Trương là người theo nghiệp ca hát, Ngọc Chử theo mẹ làm đào hát, càng lớn càng xinh đẹp, nổi danh cả tài lẫn sắc.
Bấy giờ ở trong Triều chúa Trịnh Căn phong cho con trưởng là Trịnh Vịnh ngôi Thế tử. Nhưng năm 1681 Trịnh Vịnh mất sớm, Chúa đưa người con thứ hai là Trịnh Bách lên ngôi Thế tử, nhưng đến năm 1687 thì Trịnh Bách cũng mất.
Chúa Trịnh Căn liền phong con trai của Trịnh Vịnh cũng là cháu nội của mình là Trịnh Bính lên ngôi Thái tử, cho làm Tiết chế các doanh quân thủy, quân bộ các xứ, kiêm giữ cả chính quyền, chức Thái úy, tước Tấn quốc công, mở phủ Dực quốc.
Một lần Thế tử dẫn quân đi ở vùng Hải Đông (thuộc Hải Dương, Hải Phòng ngày nay), khi về Thăng Long thì phải đi qua làng Ghênh. Dân chúng thấy lọng nhà Chúa thì đều kính cẩn hành lễ, thế nhưng có một cô gái vẫn điềm nhiên cắt cỏ như không có chuyện gì xảy ra.
Thấy vậy Thế tử liền đến gần, sai quân lính đến hỏi thì cô gái đáp lại bằng tiếng hát:
Tay cầm bán nguyệt xênh xang
Trăm hàng thảo mộc lai hàng tay ta
Mặc ai che tán che tàn
Ta đây mặc sức nghênh ngang cõi bờ
“Bán nguyệt” ý chỉ cái liềm cắt cỏ có hình bán nguyệt, “che tán che tàn” ý chỉ lọng của Thế tử. Rồi cô gái đáp: “Chúa ngự giá là việc của Chúa, còn tôi cắt cỏ là phận của tôi, Chúa hỏi để làm gì ?”.
Mặc dù lời hát rất nghênh ngang nhưng Thế tử thấy giọng điệu hay, lại là một cô gái trẻ hay chữ. Trước câu trả lời thẳng thắn như vậy, Trịnh Bính lấy làm lạ hỏi thăm thì biết cô này chỉ là ca xướng tên là Trương Thị Ngọc Chử. Nhưng Thế tử vẫn quyết định đưa vào cung làm phi tần của mình.
Trở thành Thái phi
Vào cung Thế tử, Ngọc Chử thụ thai, đến năm 1686 thì sinh được người con trai đặt tên là Trịnh Cương. Theo tục truyền thì khi mới ra đời, Trịnh Cương hay khóc, ai dỗ cũng không nín, mẹ thì lại mất sữa, khiến phủ Thế tử ai cũng lo lắng.
Lúc này Ngọc Chử có người em gái con của dì ruột tên là Nguyễn Thị Cảo ở làng Thanh Tương (tên nôm là làng Tướng). Bà Cảo cũng vừa mới sinh con, biết chuyện khó của chị mình thì vào phủ Thế tử thăm. Lúc bà Cảo bế thì Trịnh Cương thôi khóc đòi bú liền khiến trong phủ ai cũng mừng. Từ đó bà Cảo cũng tình nguyện ở lại trong phủ giúp chị chăm cháu.
Đến đầu năm 1703, Thế tử Trịnh Bính mất đột ngột, chúa Trịnh Căn rất đau buồn. Các đại thần đề nghị đưa dòng chắt (tôn) vào ngôi Thế tử để vỗ yên dân. Năm 1703, Trịnh Cương đươc phong làm Thế tử, giữ chức Khâm sai tiết chế các xứ thủy bộ chư doanh, kiêm tổng chính cơ, Thái úy, An Quốc công, cho mở phủ Lý Quốc.
Năm 1709 chúa Trịnh Căn mất, chắt nội là Trịnh Cương kế vị lên ngôi Chúa, phong cho mẹ mình Ngọc Chử là Thái Phi, dân chúng hay gọi là “bà chúa Ghênh”; phong cho bà Cảo làm Nguyễn phu nhân.
Tạo phúc cho dân chúng
Theo gia phả họ Trương cùng các tài liệu liên quan thì ông Trương Dự được ban tên thụy là Đôn Cẩn, từng giữ chức Đô đốc phủ, Tả đô đốc Thái Tể rồi được phong Diên Khánh công. Mẹ của Ngọc Chử là bà Lê Thị Ba được phong làm Thái phu nhân. Hai em của Ngọc Chử đều được phong làm Quân công.
Theo tài liệu ở nhà thờ tộc họ Trương, khi được vinh hiển cao quý, chị em Thái phi và Nguyễn phu nhân nhớ đến quê cũ nên hay làm việc thiện giúp đỡ dân nghèo ở quê nhà. Bà Ngọc Chử còn mua ruộng giúp dân các làng xung quanh canh tác, bỏ tiền ra xây cầu đá ở làng Cự Linh thuộc Gia Lâm.
Là những người hiền thục, sùng đạo, hai chị em còn bỏ tiền ra sửa chùa, tô tượng, đúc chuông khánh.
Cả hai chị em được dân chúngtạc tượng thờ. Tượng Trương Thái phi đang ngồi tọa thiền được sơn màu trắng. Tượng Nguyễn phu nhân với vẻ mặt phúc hậu được sơn màu đỏ.
Hiện nay, các bia đá ghi công đức của Thái phi Ngọc Chử vẫn còn ở nhiều địa phương. Nhà văn Sở Cuồng Lê Dư cũng sưu tập nhiều sáng tác thơ văn của bà trong tác phẩm Nữ lưu văn.
Bỏ lệ cấm
Thời đấy nghề ca múa không được xem trọng, thậm chí bị xem thường, con nhà hát xướng cũng không được đi thi. Lệ này có từ thời vua Lê Nhân Tông. (Xem bài: Lịch sử nhìn nhận về nghề ca múa qua các triều đại)
Vốn xuất thân từ đào hát, nghĩ đến những thiệt thòi bất công của người hát xướng, Thái Phi đã xin Chúa cho bỏ những điều lệ bất công, trong đó có lệ cấm con nhà hát xướng không được đi thi. Chúa Trịnh Cương đều nghe theo và bãi bỏ những điều lệ này.
Như vậy kể từ khi bị ban bố vào năm 1562 thời vua Lê Thánh Tông, trải qua 200 năm, lệ cấm con nhà hát xướng đi thi được bãi bỏ.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Trịnh Căn: Vị chúa Trịnh hiếm hoi có tài văn võ trị quốc
- Nguyễn Công Hãng và những cải cách đối với Đàng Ngoài
Mời xem video “Lấy vợ lấy đức không lấy sắc, kết bạn kết tâm chẳng kết tài”:
Từ khóa phong thủy chúa Trịnh ca múa