Nguyễn Công Hãng là vị quan đầu triều thời chúa Trinh, nổi tiếng về những thay đổi cái cách mạnh mẽ với Đàng Ngoài. Sau này những thay đổi của ông nhận được nhiều đánh giá khen chê khác nhau.

Chuyện nhân quả luân hồi của một vị Tể tướng nhà Lê
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Giữ chức Tể tướng đầu triều

Nguyễn Công Hãng sinh năm 1680 người làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc (nay là thôn Phù Chẩn, xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Thuở nhỏ ông học giỏi, lớn lên có tiếng là hay chữ.

Năm 1700, vua Lê Hy Tông mở khoa thi, Nguyễn Công Hãng 20 tuổi đăng ký dự thi, trải qua các vòng thi Hương, thi Hội và thi Đình, đỗ tiến sĩ.

Lúc này Đàng Ngoài nằm dưới sự trị vì của chúa Trịnh Cương. Chúa là người tận tụy với công việc, trọng dụng hiền tài. Vì thế mà Nguyễn Công Hãng có cơ hội đem tài năng của mình giúp Đàng Ngoài phát triển.

Sau khi thi đỗ, trải qua các vị trí khác nhau, năm 1720, Nguyễn Công Hãng được phong làm Tham tụng (tương đương Tể tướng), đây cũng là chức quan cao nhất trong triều.

Cùng với Chúa thực hiện cải cách

Bấy giờ chính sách thuế khóa chưa hợp lý, việc miễn thuế đất tư khiến nhiều người đổi đất công sang đất tư để được miễn thuế. Suốt 5 năm từ năm 1719 đến 1724, chúa Trịnh Cương cùng Nguyễn Công Hãng đã nghiên cứu chính sách thuế của các Triều đại khác nhau trước đó, rồi áp dụng theo phép tô, phép dung và phép điệu của nhà Đường đề ra chính sách cải cách về thuế khóa và tài chính, rồi đem ra áp dụng.

Vì đây là thay đổi quan trọng, có một bộ phận quan lại không muốn theo. Theo “Việt sử thông giám cương mục”, để các quan lại phục tùng, Nguyễn Công Hãng đề xuất với Chúa cho yết bảng để dân ghi chép về việc làm của các quan lại địa phương, nhằm theo dõi việc thực hiện cải cách. Chúa Trịnh Cương đồng ý và xuống lệnh: “Những điều yết lên bảng phải xuất phát từ lẽ công bằng, cả loạt đều cùng một giọng. Người nào yết ghép theo ý mình, khen chê bậy bạ sẽ bị tội”.

Tháng 10/1725, chúa Trịnh Cương giao cho Nguyễn Công Hãng đứng đầu các quan khác như Lê Anh Tuấn, Trương Nhiêu, Đặng Đình Gỉám… chia nhau đi tuần xét 4 đạo để xem việc thực thi thuế khóa và tài chính các nơi thế nào. Ông đi các nơi, tìm hiểu ý dân, ghi nhận lại rồi chỉnh sửa những gì chưa hợp lý trình lên Chúa. Việc cải cách nhờ đó mà tiếp tục được chỉnh sửa cho hợp lý hơn.

Cuối năm 1729, Nguyễn Công Hãng làm bản đề nghị chỉnh sửa, giảm bớt thuế tô ruộng tư theo các hạng, Thanh Hoa và Nghệ An không có đường đê cũng miễn cho tiền thuế điệu (tức thuế đường xá), thuế đinh nhiều nơi cũng được giảm một nửa hoặc miễn trừ.

Chúa đổi ngôi, việc cải cách không được thực hiện

Nguyễn Công Hãng cũng bẩm báo với Chúa về Thế tử: “Trịnh Giang là người ươn hèn không thể gánh vác được ngôi Chúa” (Theo Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục). Chúa Trịnh Cương xét thấy Trịnh Giang từ lúc được lập làm Thế tử chưa phạm lỗi gì lớn nên tạm thời chưa xét đến việc này.

Theo “Tang thương ngẫu lục” của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, một lần trong dịp đại lễ, Trịnh Giang làm điều trái ý khiến Chúa giận, cho họp các quan bàn truất ngôi Thế tử. Nhưng chúa Trịnh Cương chưa kịp quyết thì bất ngờ qua đời ở Cổ Bi vào cuối năm 1729.

Nguyễn Công Hãng cho họp các quan để xin lập con thứ lên ngôi Chúa. Bấy giờ có Nguyễn Hiệu là thầy dạy của Trịnh Giang nói rằng: “Thế tử chẳng có lỗi gì lớn, tiên vương nói vậy là có ý để Thế tử cố gắng hơn thôi”. Bởi vậy Trịnh Giang được lập.

Trịnh Giang lên ngôi thì lười nhác, Nguyễn Công Hãng phải tự mình giám sát chính sách thuế đã được chúa Trịnh Cương phê chuẩn trước đó. Tuy nhiên việc thực thi không còn thuận lợi như trướ, ông cũng than rằng: “Thi hành phép điệu, chủ yếu cho dân được tiện lợi. Nhưng vì sự chi ra thu vào phiền phức, bọn lại điền nhân đấy làm gian” (Việt sử thông giám cương mục).

Chúa Trịnh Giang dần đi vào con đường ăn chơi, không nghe lời các đại thần can gián, đồng thời cất nhắc bọn hoạn quan trong Triều, khiến nhiều thay đổi cải cách bị xóa bỏ.

Năm 1732, Trịnh Giang cách chức Nguyễn Công Hãng, cử ông đi Tuyên Quang làm Thừa chính sứ, một tháng sau thì Trung sứ đến bắt ông uống thuốc độc mà chết.

Đến năm 1740, Trịnh Thái phi Vũ thị cho tập hợp các quan văn võ nhằm đưa Trịnh Doanh lên ngôi Chúa, minh oan cho Nguyễn Công Hãng.

Đánh giá

Công cuộc cải cách của chúa Trịnh Cương và Nguyễn Công Hãng không thể đi được đến cùng, những cải cách cùng công lao của ông cũng được nhìn nhận khác nhau. Các quan thời đó phản đối không muốn thay đổi thì cho rằng đây là “biến pháp nhiễu dân”. Nhà sử học Phan Huy Chú đánh giá những biện pháp của Nguyễn Công Hãng đưa ra có cái hay cái dở.

Thực ra những cải cách mà chúa Trịnh Cương và Nguyễn Công Hãng đưa ra, bản thân cả hai đều biết trước là có thể có những điều chưa phù hợp. Vì thế mà hàng năm Nguyễn Công Hãng cùng các quan đều đi thực địa, điều gì chưa phù hợp, không hợp lòng dân sẽ được chỉnh sửa. Các cải cách đang trong quá trình chỉnh sửa để hoàn thiện, giống như sản phẩm chưa hoàn thành đến công đoạn cuối, tất nhiên có những thiếu sót. Vì thế cần có những đánh giá khách quan ghi nhận công lao cải cách của Chúa tôi Trịnh Cương và Nguyễn Công Hãng.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: