Có người nói phụ nữ cần phải xinh đẹp, nếu không được xinh đẹp thì cũng phải có khí chất. Có người nói tư chất lớn nhất của phụ nữ chính là giáo dưỡng, điều ấy sẽ không bị mất đi theo thời gian. Còn trong văn hóa truyền thống, điều được đề cao nhất ở người phụ nữ là sự ôn nhu dịu dàng. Ôn nhu tức là thuận theo, có tâm tiếp nhận, có từ ái và bao dung.

“Nhu” không đồng nghĩa với “nhược” (yếu đuối), cũng không có nghĩa là kém cỏi hay hèn nhát. Ôn nhu là gốc rễ lập thân và là thuộc tính căn bản mà tạo hóa ban tặng cho người phụ nữ. Nếu như người đàn ông là trụ cột của gia đình thì người phụ nữ là điều khiến gia đình hạnh phúc. Họ là người lo liệu tổ chức các mặt của cuộc sống của gia đình, quan tâm đến niềm vui nỗi buồn của mọi người trong nhà. Có thể nói người phụ nữ là trung tâm của gia đình, chỉ có tu tâm tu thân thì mới có được đủ trí tuệ, mới có thể cùng chồng “cầm sắt hòa minh”, mới có thể khiến cho con cái trở thành người tài đức. Dưới đây là một số câu chuyện về người phụ nữ ôn nhu dịu dàng trong lịch sử.

Tản mạn hình ảnh người con gái hái dâu thời cổ
Tranh trong cuốn “Họa Lệ Chu Thúy Tú”, Hác Đạt triều Thanh. (Public Domain)

Bổ khuyết cho chồng

Trưởng Tôn Hoàng hậu của Hoàng đế Đường Thái Tông là một người phụ nữ nổi tiếng trong lịch sử. Bà là người học rộng và cư xử đúng lễ nghi, hiểu rõ đại nghĩa, hiền thục tao nhã, trí tuệ rộng lớn. Bà không chỉ giữ gìn hậu cung mà còn thường xuyên đưa ra lời khuyên cho Đường Thái Tông. Đường Thái Tông Lý Thế Dân đã nói về Trưởng Tôn Hoàng hậu là: “Người bổ khuyết cho trẫm”, bù đắp vào những chỗ thiếu sót của Hoàng đế.

Ngụy Trưng tuy từng phục vụ cho rất nhiều người đối nghịch với Đường Thái Tông Lý Thế Dân, nhưng vẫn được trọng dụng sau khi Đường Thái Tông lên ngôi. Là một vị Gián nghị đại phu, phụ trách can gián, Ngụy Trưng không tuân theo mù quáng lời nói của Hoàng đế, mà có gan nói thẳng, nói thật. Có những lúc Hoàng đế không thích nghe những lời ấy liền giả vờ ngủ một cách mơ mơ màng màng.

Một lần, Ngụy Trưng khiến Hoàng đế bẽ mặt. Hoàng đế đến hậu cung gặp Trưởng tôn Hoàng hậu, nói: “Ngụy Trưng luôn gây khó dễ cho ta. Sớm muộn gì ta cũng sẽ trừng phạt.”

Trưởng tôn Hoàng hậu nghe xong, lập tức thay lễ phục khi vào chầu vua, hành lễ trước Hoàng đế. Hoàng đế thấy vậy liền nói: “Hoàng hậu hành xử như thế là vì sao?”

Hoàng hậu vừa nghiêm túc vừa ôn hòa, nói: “Xin có việc khởi tấu Hoàng thượng.”

Hoàng đế đáp: “Chuẩn tấu.”

Trưởng tôn Hoàng hậu nói: “Chỉ có vị minh quân lúc nào cũng lo lắng cho muôn dân thiên hạ, làm việc công bằng và thánh minh như Hoàng thượng mới có được trung thần dám nói như Ngụy Trưng. Đây còn là may mắn của quốc gia, cái phúc của dân chúng. Quốc gia mới có thể bách nghiệp hưng thịnh, quốc thái dân an.”

Hoàng đế Đường Thái Tông nghe xong lời này liền giật mình, cảm thấy hoàng hậu nói rất có lý, vì thế mà sự tức giận cũng biến mất. Những lời nói của Hoàng hậu đã ảnh hưởng lớn đến Đường Thái Tông.

Sau này khi Ngụy Trưng mất, Hoàng đế vô cùng đau lòng, ba ngày không ăn uống. Ông nói: “Ngụy Trưng là tấm gương của Trẫm. Ông ta luôn chỉ ra chỗ thiếu sót của trẫm. Mặc dù văn võ bá quan trong triều đều đông đảo, nhưng người có gan dám nói ra những thiếu sót của trẫm thì duy chỉ có Ngụy Trưng mà thôi.”

Từ đây chúng ta có thể thấy được sự sáng suốt, sự mềm dẻo và trí tuệ trong ôn nhu của Trưởng Tôn Hoàng hậu.

Dạy con tu thân

Khấu Chuẩn là một quan đại thần thời Bắc Tống, từng làm đến chức Tể tướng. Ông từ nhỏ mất cha, gia cảnh bần hàn, đều dựa vào mẹ nuôi tằm dệt vải sống qua ngày. Mẹ ông thường vừa xe tơ dệt vải vừa giáo dục, đốc thúc con khổ học

Sau này Khấu Chuẩn vào Kinh ứng thí, đỗ tiến sĩ. Tin vui bay về quê nhà, vừa hay cũng là lúc mẹ ông lâm trọng bệnh. Trước lúc lâm chung, bà gửi gắm cho người nhà họ Lưu một bức tranh và nói: “Ngày sau Khấu Chuẩn ắt sẽ làm quan. Nếu nó có chỗ nào sai sót, bà hãy mang bức tranh này đưa cho nó!”

Khi Khấu Chuẩn mới lên làm quan, mỗi khi nhận được bổng lộc, ông đều đặt ở đại sảnh. Một người hầu lớn tuổi thấy vậy, khóc mà nói với Khẩu Chuẩn rằng: “Khi Thái phu nhân qua đời, gia cảnh rất bần hàn, muốn có một mảnh lụa làm y phục khâm liệm cũng không có. Thật bi ai, Thái phu nhân sẽ không bao giờ nhìn thấy cuộc sống hiện giờ của ngài!” Khấu Chuẩn nghe xong, trong lòng đau đớn. Từ đó về sau, ông lại thực hành sự tiết kiệm, giản dị, không dám hoang phí. Khấu Chuẩn có một chiếc chăn bằng vải xanh, dùng 20 năm không đổi.

Sau này Khấu Chuẩn làm quan cương trực, dám can gián thẳng, được trọng dụng, được Hoàng đế ban cho bốn chữ “trung chính liêm trực”, rồi trở thành Tể tướng, lập công lớn trong chiến tranh. Sau khi lập công trạng hiển hách, Khấu Chuẩn có phần tự mãn, sinh hoạt thường xa xỉ, rất thích uống rượu yến tiệc ban đêm. Vì để chúc mừng sinh nhật của mình, ông mời gánh hát, chuẩn bị thiết yến tiệc đãi quan khách.

Bà Lưu cho rằng thời cơ đã đến, bèn đưa lại bức tranh năm xưa mà mẹ Khấu Chuẩn ký thác cho ông. Khấu Chuẩn mở ra xem, trong tranh là bức “Hàn Song Khóa Tử Đồ”, nghĩa là cậu bé học bài bên khung cửa lạnh giá. Trên bức tranh viết một bài thơ rằng:

Cô đăng khóa độc khổ hàm tân,
Vọng nhĩ tu thân vị vạn dân.
Cần kiệm gia phong từ mẫu huấn,
Tha niên phú quý mạc vong bần.

Tạm dịch:

Ánh đèn cô độc học hành khó nhọc,
Mong con tu thân vì vạn dân.
Cần kiệm gia phong mẹ hiền dạy,
Ngày sau phú quý chớ phụ bần.

Đây hiển nhiên là lời di huấn của mẹ, “mong con tu thân vì vạn dân”, dẫu trước khi lâm chung vẫn không quên trách nhiệm giáo dục con. Khấu Chuẩn quỳ xuống, đọc đi đọc lại, bất giác nước mắt như mưa. Ông lập tức hạ lệnh hủy bỏ yến tiệc.

Sau này cuộc đời làm quan của Khấu Chuẩn cũng chìm nổi, những ông vẫn luôn được lòng dân chúng. Mặc dù bổng lộc của Khấu Chuẩn nhiều vô số, nhưng ông không xây dinh phủ. Có thể thấy rằng sự ôn nhu, thấu hiểu lòng con của mẹ Khấu Chuẩn chính là điều đã tạo nên một vị Tể tướng “chẳng có đất xây lâu đài”, như người đời đặt danh hiệu cho ông.

Từ ái với mọi người

Trang Nam Thôn là quan viên của triều đình Ung Chính thời nhà Thanh, mẹ của ông là Đổng phu nhân và là vợ kế. Khi Trang Nam Thôn vừa đầy tháng, con của người vợ trước của cha cậu lên mụn nhọt, Đổng phu nhân đã làm một việc khiến gia nhân hết sức kinh ngạc. Bà dùng các loại mứt trái cây quà bánh để dỗ con, còn dùng sữa của mình nuôi dưỡng đứa con người vợ trước.

Đổng phu nhân nói: “Ta vẫn còn trẻ, con mất rồi còn có thể sinh tiếp được. Nhưng chị ấy mất rồi, chỉ có đứa con này thôi!”

Khi đứa trẻ khỏi bệnh mụn, vì nhà nghèo, không có tiền mua thuốc, Đổng phu nhân lại dành dụm sữa chia cho, mong đứa trẻ có thể sớm ngày bình phục.

Đổng phu nhân về sau có năm người con, đều đỗ Tiến sĩ, người thời đó gọi là “Ngũ tử đăng khoa”. Trong đó Trang Nam Thôn thi Đình đỗ đệ nhị giáp. Hai người con của Trang Nam Thôn sau này cũng có một người làm Trạng nguyên, một người đỗ Bảng nhãn. Có thể nói Đổng phu nhân dùng đức hạnh của mình mà khiến gia đình thịnh vượng.

Đây cũng là đức “nhu” của người phụ nữ, thể hiện ra chính là sự chân thành, thiện lương và khoan dung, bởi vậy có thể mang đến phúc phận cho gia đình và con cháu.

Theo Sound Of Hope
Tác giả: Triệu Tử Hinh
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: