Người quân tử thấy thành tựu của người khác, vui như chính mình đạt được
- Hà Tĩnh
- •
Hoàng đế Khang Hy trong “Đình Huấn Cách Ngôn” từng nói: “Con người khi đối nhân xử thế, nên phải giữ mình, luôn khoan dung. Thấy người khác có việc đắc ý, nên cảm thấy vui mừng; thấy người khác gặp chuyện không như ý, nên sinh lòng cảm thông. Điều này thực chất là có lợi cho chính bản thân mình. Nếu đố kỵ với thành công của người khác, hả hê trước sự thất bại của người khác, thì sao có thể cùng người làm nên đại sự? Nó có ích gì cho mình? Chỉ là tự làm hỏng tâm tính của mình mà thôi. Cổ ngữ có câu: ‘Thấy điều người được, coi như mình được. Thấy điều người mất, coi như mình mất.’ Giữ được tâm ý như thế, Trời ắt sẽ ban phước cho người đó.”
Người quân tử thấy thành tựu của người khác, vui như chính mình đạt được, đây là một cảnh giới nội tâm mỹ hảo và cao thượng. Vì người quân tử có thể làm được như vậy, nên trong Luận Ngữ, Khổng Tử nói: “Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác”, người quân tử giúp người khác thành tựu những điều tốt đẹp, không bao giờ khiến họ làm điều xấu ác. Có thể làm được điểm này, cần phải là người có có tấm lòng khoan dung nhân hậụ và lấy thiện đãi người.
Thời Xuân Thu Chiến Quốc, khi Tề Hoàn Công chuẩn bị bái Bào Thúc Nha làm tướng quốc, Bào Thúc Nha đã khước từ không nhận mà tiến cử Quản Trọng. Trong mắt người khác, Quản Trọng không phải là người hiền. Khi cùng nhau buôn bán, mỗi lần chia tiền lãi, Quản Trọng thường lấy phần hơn so với Bào Thúc Nha. Quản Trọng ở bên ngoài thường bị lắm kẻ nạt dọa, ức hiếp mà không nói một lời phản kháng, thường bị chê là nhu nhược, hèn nhát. Quản Trọng và Bảo Thúc Nha từng cùng nhau ra chiến trường, Quản Trọng thường lui về phía sau, khi rút quân lại thường đi trước. Quản Trọng nhiều lần ra làm quan nhưng cũng bị miễn chức nhiều lần vì biểu hiện không tốt.
Tuy nhiên Bào Thúc Nha hiểu bạn, nên nói với Tề Hoàn Công rằng: “Quản Trọng là nhân tài, tôi có nhiều phương diện không bằng ông ấy: Dùng tấm lòng khoan hậu nhân từ để trấn an dân chúng, tôi không bằng ông ấy. Trị vì quốc gia nhưng không quên gốc rễ, tôi không bằng ông ấy. Làm người trung thực thành tín, đạt được sự tín nhiệm của dân chúng, tôi không bằng ông ấy. Chế định ra lễ nghi đủ để khiến dân chúng noi theo, tôi không bằng ông ấy”.
Tề Hoàn Công nghe vậy bèn phong Quản Trọng làm tướng quốc. Nước Tề nhờ có hiền thần như Quản Trọng, lại có lương thần Bào Thúc Nha dám bỏ qua tư lợi, tiến cử hiền tài, mà được quốc thái dân an. Đây cũng là đức hạnh vì đất nước, vì dân chúng, vì người khác của bậc chính nhân quân tử.
Thời Đông Hán có một học giả nổi tiếng là Trịnh Huyền, người đất Cao Mật, là người học sâu hiểu rộng, tinh thông kinh điển. Ông từng muốn viết chú giải cho bộ “Xuân Thu Tả truyện”, tuy nhiên công trình vẫn chưa thể hoàn tất.
Một ngày nọ, Trịnh Huyền ra ngoài và tình cờ gặp Phục Tử Thận, người ở Huỳnh Dương. Hai người chưa từng quen biết lại trọ cùng trong một lữ quán. Trịnh Huyền vô tình nghe được Phục Tử Thận ở bên ngoài xe đang trình bày về kiến giải của mình với người khác về “Xuân Thu Tả thị”. Nghe một hồi, Trịnh Huyền nhận thấy phần lớn những gì Phục Tử Thận nói lại trùng khớp với tư tưởng của mình.
Trịnh Huyền không do dự, chủ động tiến về phía xe và nói với Phục Tử Thận: “Ta sớm đã muốn viết chú giải cho ‘Tả truyện’, nhưng vẫn chưa xong. Những gì huynh vừa thảo luận, lại rất tương đồng với cách nghĩ của ta. Nay ta xin đem toàn bộ phần chú giải đã hoàn thành của mình tặng lại cho huynh.”
Nhờ đó, Phục Tử Thận liền hoàn thành “Phục thị chú” cho “Tả Truyện” nổi tiếng.
Trịnh Huyền và Phục Tử Thận đều là những học giả kinh học nổi tiếng đường thời. Hai người vốn không quen biết, chỉ tình cờ gặp mặt, vậy mà Trịnh Huyền chỉ nghe thấy một số quan điểm của Phục Tử Thận rất giống với tư tưởng của mình, liền âm thầm viên dung, ủng hộ và trợ giúp, lập tức quyết định đem bộ phần chú giải mà mình đã hoàn thành để tặng cho Phục Tử Thận một cách vô điều kiện. Nhờ đó, Phục Tử Thận đã có thể hoàn tất được công trình đồ sộ này và danh tiếng vang dội bốn phương. Trịnh Huyền không có chút tư tâm nào, ông lấy giúp người làm vui, đạt đến cảnh giới “quân tử thành nhân chi mỹ”.
Hàng nghìn năm qua, những lý niệm như “dĩ hòa vi quý” (lấy sự hòa hợp, hài hòa làm quý), “dữ nhân vi thiện” (dùng thiện để đối đãi với người) và “nhân giả ái nhân” (yêu thương người khác) đã luôn hiện hữu trong tư tưởng của các gia các phái lớn nhỏ và đã trở thành tinh thần nhân văn và chuẩn mực đạo đức phổ quát được mọi người trong xã hội tiếp thu và công nhận rộng rãi.
Nếu như thấy người khác có được điều tốt mà không đố kỵ thì đó là tâm thái bình thường. Nếu như thấy người khác có điều tốt mà có thể thành tâm khen ngợi, thì đó là biểu hiệu của người có tấm lòng bao dung độ lượng. Nếu như thấy sự giúp đỡ của mình có thể giải quyết khó khăn cho người khác, bản thân lại có thể hy sinh lợi ích của mình và quên mình vì người khác, thì có thể nói đó là cảnh giới đạo đức cao thượng.
Dựa theo Minghui.org
Tác giả: Hà Tĩnh
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa trí tuệ cổ nhân
