Nguyễn Lữ: Người em út trong ba anh em Tây Sơn (P1)
- Trần Hưng
- •
Trong 3 anh em nhà Tây Sơn thì Nguyễn Lữ là người có tính cách đặc biệt, khác hẳn với hai người anh của mình, cuộc đời của ông cũng có những điều truyền kỳ, được dân gian ghi chép lại.
Xuất thân
Tổ tiên anh em nhà Tây Sơn vốn là họ Hồ ở làng Hương Cái, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, do cuộc sống khó khăn nên vào Đàng Trong của chúa Nguyễn lập nghiệp. Theo “Hoàng Lê nhất thống chí” và “Lịch Sử Nội Chiến Ở Việt Nam Từ 1771 Đến 1802” thì 3 anh em Tây Sơn có nguồn gốc từ Hồ Quý Ly.
Họ Hồ vào Đàng Trong đến đời thứ tư là Hồ Phi Long thì đến giúp việc ở nông trại họ Đinh ở thôn Bằng Chân, huyện Tuy Viễn (tức An Nhơn). Ông cưới vợ họ Đinh sinh được người con trai là Hồ Phi Tiễn. Lớn lên Hồ Phi Tiễn đi buôn trầu ở Tây Sơn, tại đây quen biết và lấy Nguyễn Thị Đồng là con gái duy nhất của một phú thương đất Phú Lạc.
Hồ Phi Tiễn chuyển đến Tây Sơn ở nhà vợ, sinh con là Nguyễn Phi Phúc. Vì nhà vợ chỉ có người con gái duy nhất là bà Đồng nên con cái sinh ra đều lấy họ mẹ là họ Nguyễn. Nhờ gia đình đàng ngoại, Nguyễn Phi Phúc làm nghề buôn trầu ngày càng giàu có và có thế lực lớn bậc nhất trong vùng.
Nguyễn Phi Phúc có 8 người con, trong đó có 3 con trai là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Nguyễn Huệ lúc nhỏ có tên là Thơm. Có nguồn sử liệu cho rằng Nguyễn Lữ là anh Nguyễn Huệ, nhưng dân chúng quê nhà vẫn gọi 3 anh em là ông hai Nhạc, chú ba Thơm, thầy tư Lữ, vì thế Nguyễn Huệ là anh có lẽ chính xác hơn.
Được Trương Văn Hiến dạy dỗ
Lúc này quyền thần Trương Phúc Loan lũng đoạn Triều đình, đánh thuế cao, vơ vét quốc khố khiến dân Đàng Trong loạn lạc, ca thán.
Năm 1765, chúa Nguyễn Phúc Khoát mất, di chiếu nhường ngôi cho Thế tử Nguyễn Phúc Luân. Tuy nhiên quyền thần Trương Phúc Loan bắt Thế tử giam vào ngục, giết chết, rồi cho truy bắt những người ủng hộ Thế tử.
Trương Văn Hiến vì ủng hộ Thế tử nên bị truy sát, phải trốn đến Quy Nhơn làm nghề dạy học. Dân chúng quen gọi ông là Giáo Hiến. Đặc biệt Giáo Hiến dạy cả văn lẫn võ.
Ba anh em Tây Sơn đến học với Giáo Hiến. Nguyễn Nhạc học chuyên về kiếm, Nguyễn Huệ học chuyên về đao, Nguyễn Lữ học chuyên về văn và quyền. Giáo Hiến nhận thấy Nguyễn Huệ là học trò có tài nên dạy cho cả binh pháp.
Khác với anh của mình, Nguyễn Lữ là người nhỏ, mảnh khảnh, tính nết lại trầm lặng, không ưa cảnh náo nhiệt ồn ào, thích học văn hơn võ. Vì thế mà Giáo Hiến ngoài việc dạy văn còn dạy cho võ học phòng vệ loại nhu, dùng nhu thắng cương. Theo dân gian truyền lại thì dường như Nguyễn Lữ giỏi võ còn hơn cả 2 ông anh của mình.
Ngoài võ, Nguyễn Lữ còn thích nghiên cứu về Đạo và tâm linh.
Sau khi cha mất, Nguyễn Nhạc nối nghiệp cha làm nghề buôn trầu, lại mê đánh bạc, nên rất xem trọng lợi ích vật chất. Đây chính là nguồn cơn cho mâu thuẫn sau này với Nguyễn Huệ. Còn Nguyễn Lữ thì gia nhập Minh giáo, đi khắp vùng Tây Sơn chữa bệnh trừ tà cho dân chúng.
Dựng cờ nghĩa rồi lại quên lời thầy dạy
Giáo Hiến dù dạy học vẫn nặng lòng với nhà Nguyễn. Nhận thấy dân chúng khắp nơi ca thán Trương Phúc Loan, ông muốn học trò của mình chống lại quyền thần Trương Phúc Loan giúp chúa Nguyễn.
Anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ nghe lời thầy, tập hợp dân chúng khởi nghĩa. Khẩu hiệu ban đầu là diệt Trương Phúc Loan phò hậu duệ chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Dương, do đó được người dân tham gia rất đông.
Nguyễn Lữ cũng giúp các anh mình, thuyết phục được nhiều người Thượng gia nhập nghĩa quân. Những nghĩa binh Tây Sơn đầu tiên hầu hết là người Thượng.
Giáo Hiến mất, anh em Tây Sơn cũng không nghe lời thầy của mình. Sau khi Trương Phúc Loan bị diệt, Tây Sơn nhân cơ hội giết chết Nguyễn Phúc Dương (mà quân Tây Sơn giương khẩu hiệu phò tá), diệt luôn nhà chúa Nguyễn, chỉ còn mỗi Nguyễn Phúc Ánh chạy thoát.
- Còn nữa
Trần Hưng
Xem thêm:
- Trương Văn Hiến: Người thầy của ba anh em nhà Tây Sơn
- Nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn: Lại bàn về chữ “Nghĩa”
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam nhà Tây Sơn