Nhà thiết kế áo dài La Hằng bàn về cái đẹp
- Quang Minh
- •
“Mỗi người có một quan niệm riêng về cái đẹp, không nhất thiết là phải giống nhau. Với tôi thì cái đẹp là sự hòa hợp.”
Chính thức ra nhập làng thời trang vào năm 1992, thương hiệu áo dài La Hằng đã trở nên nổi tiếng vì lưu giữ được những nét đẹp truyền thống của tà áo dài Việt. Nhân dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3, Trí Thức VN xin được gửi tới độc giả những tâm sự của nhà thiết kế áo dài La Hằng về người phụ nữ và cái đẹp.
PV: Là một nhà thiết kế áo dài nổi tiếng, hẳn là chị sẽ rất bận rộn vào dịp 8/3. Chị có cảm xúc gì trong ngày đặc biệt của những người phụ nữ?
Công việc của tôi lúc nào cũng bận rộn, nhưng vào dịp này thì lại có phần dồn dập hơn. Đôi khi tôi cũng quên mất ngày này, nhưng những người đàn ông bên cạnh tôi luôn nhắc tôi bằng những đóa hoa tươi thắm. Hai cậu con trai, và đặc biệt là ông xã, là những người đã đem lại hạnh phúc nhiều nhất cho cuộc đời tôi.
PV: Sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của chị gắn bó với những chiếc áo dài truyền thống. Tại sao chị lại chọn áo dài?
Áo dài làm nên người phụ nữ, và người phụ nữ Việt sẽ đẹp hơn khi mặc áo dài. Đó là lý do tôi chọn chiếc áo dài.
PV: Chị có nhận xét gì về trào lưu áo dài cách tân trong giới trẻ thời gian vừa qua?
Tôi nhìn nhận rất tự nhiên. Tất cả cái gì đẹp thì sẽ tồn tại, và cái không đẹp rồi sẽ bị đào thải. Nếu các bạn cảm thấy đẹp, thì hãy cứ vui tươi và thưởng thức chúng.
Đôi khi điều mình cho là đẹp thì lại là xấu trong mắt người khác và ngược lại. Thời trang là nét văn hóa của mỗi người. Xã hội đang phát triển thì văn hóa cũng phát triển. Hãy cứ để thời trang phát triển theo năm tháng, đừng bắt nó phải theo người này hay người kia. Nếu năm nay chưa đẹp, thì sang năm sẽ đẹp hơn. Chúng ta cần bình tĩnh “nhìn” và “nhận” xu hướng mới để cho những ý tưởng mới được phong phú và đa dạng, để đừng lặp lại sự nhàm chán.
PV: Bên cạnh sự nghiệp, thiên chức của người phụ nữ Việt vẫn là lo toan cho gia đình. Người ta nói người phụ nữ Việt hy sinh quá lớn?
Mỗi gia đình mỗi hoàn cảnh, mỗi phụ nữ mỗi số phận khác nhau. Nhưng hầu hết phụ nữ đều thích chăm lo cho gia đình. Chăm lo chu đáo ổn thỏa cho gia đình mới chính là hoàn tất “sự nghiệp” của người phụ nữ.
PV: Là người đã từng học tập tại Mỹ, trải qua sự giao thoa văn hóa Đông Tây, chị nhìn nhận như thế nào về những giá trị chung của người phụ nữ?
Là người phụ nữ thì ai cũng muốn có hạnh phúc bên gia đình, bên chồng con. Ngoài ra, phụ nữ hiện đại còn muốn có một sự nghiệp tốt, công việc ổn định, hay một chút nhan sắc. Nhưng nói về giá trị truyền thống thì người phụ nữ phương Tây cũng lễ nghĩa lắm. Khi tới nhà gặp bố mẹ tôi, họ cũng cúi đầu chào, cũng e ấp, cũng rất nữ tính, rất hiểu phong tục Việt Nam. Giá trị truyền thống của người phụ nữ có điểm tương đồng như thế.
PV: Nói đến người phụ nữ, cũng là nói đến cái đẹp. Chị có quan niệm như thế nào về cái đẹp?
Mỗi người có một quan niệm riêng về cái đẹp, không nhất thiết là phải giống nhau. Với tôi thì cái đẹp là sự hòa hợp. Một người phụ nữ đẹp không phải là ở cái mũi dọc dừa, đôi mắt bồ câu, lông mày lá liễu, hay miệng cười trái tim như thời xưa; cũng không phải là ở cái cằm nhọn, cái cằm V line mà ngày nay giới trẻ nhìn nhận. Cái đẹp là một sự hòa hợp, cả về nhan sắc, tư thái, lẫn tâm hồn.
Cũng có những người phụ nữ có linh cảm rất tốt, rất thông minh, nên biết nhanh chóng điều chỉnh bản thân cho phù hợp với hoàn cảnh. Đây là một nét văn hóa rất đáng quý mà các bạn trẻ nên học hỏi. Mình cần phải nhạy cảm với không gian, địa điểm mà mình đang ở, và khiến bản thân hòa vào nó. Có những nàng dâu không phải là khéo léo, nhưng khi về nhà chồng, họ vẫn rất được yêu quý. Hay cũng có những người nói chuyện rất hồn nhiên và dễ thương, khiến người khác không trách bỏ được gì. Họ được yêu quý chính là bởi vì họ đã hòa đồng. Tuy nhiên, hãy khiến mọi thứ thật tự nhiên, đừng cố ép mình vào một khuôn khổ nào đó. Hãy làm điều khiến cho cả mình và người đối diện cảm thấy dễ chịu.
PV: Là một người phụ nữ, một người làm nên cái đẹp, chị có tâm sự gì về sứ mệnh của những người mang cái đẹp tới cho xã hội?
Sứ mệnh là một từ mang ý nghĩa rất lớn. Khi một người thật lòng hy sinh cho công việc họ đảm trách thì đó là sứ mệnh của họ. Họ sẽ cống hiến cả đời mà không cần hồi đáp. Đó là sứ mệnh cao cả chân chính.
Xã hội cần nhiều thứ đẹp, mà người làm đẹp cho xã hội thì đầu tiên cần có lương tâm tốt, rồi kế đến là tài năng. Cái đẹp được sáng tạo từ tâm hồn đẹp sẽ mang ý thiện lành, còn thứ được sáng tạo từ tâm hồn đen tối sẽ có thể mang đến thảm họa cho xã hội và thế gian.
Người có sứ mệnh làm đẹp cho xã hội cần có đủ mong muốn và nghị lực để đi tới cuối con đường mà họ chọn. Hơn nữa, họ còn cần phải được số phận “an bài” để thực hiện công việc mà mình mong muốn.
Tôi tin rằng mình được “an bài” sứ mệnh làm đẹp cho dân tộc Việt Nam.
PV: Nhân nói về sứ mệnh và sự hy sinh, liệu có hy sinh nào là quá sức đối với cái đẹp?
Nếu ai cũng muốn được an thân, được nhàn hạ sung sướng trong vinh hoa thì đôi khi người ta sẽ làm trái với lương tâm của mình, “gió chiều nào xoay chiều ấy”. Nhưng những con người có lương tri, có đức độ và chính kiến thì sẽ dám hy sinh cho cái đúng, cái đẹp, sẽ dám đứng lên bảo vệ sự thật, bảo vệ lẽ phải.
Ví như trường hợp của hoa hậu thế giới Canada Anastasia Lin chẳng hạn. Cái đẹp trong cô thật tuyệt vời.
Tôi cũng biết rằng có rất nhiều người phụ nữ đã làm được những việc lớn tương tự, nhưng họ không được lưu danh, và cũng không ai biết đến họ. Đó là con đường mà họ cần phải đi, là sứ mệnh của họ. Và chúng ta cũng cần thật sự suy ngẫm về trường hợp của Anastasia Lin. Đừng dừng lại ở việc ca ngợi cô ấy. Khi bạn đi học, thì bạn phải học được, khi bạn đi làm, thì bạn phải làm được, đừng chỉ dừng lại ở việc ca ngợi những người làm được.
Vậy nên nhân dịp 8/3 này, tôi muốn nhắn gửi tới những người phụ nữ rằng, hãy dũng cảm tin theo lương tri của mình, kiên trì với những điều mình cho là đúng.
Cám ơn chị vì những tâm sự rất ý nghĩa nhân ngày Quốc tế Phụ nữ. Chúc chị luôn hạnh phúc bên gia đình và đạt được những ước nguyện mà mình hằng ấp ủ.
Quang Minh
Xem thêm:
Từ khóa phỏng vấn phụ nữ Áo dài