Nhân sinh như trà: Có chìm nổi mới có hương thơm
- An Hòa
- •
Đời người có lúc thăng lúc trầm giống như lá trà lúc chìm lúc nổi. Nhân sinh như trà, phải dùng nước sôi, nổi lên chìm xuống thì mới có thể tỏa ra hương thơm ngát và bộc lộ ra trí tuệ của sinh mệnh.
Chuyện ngụ ngôn kể rằng, một thanh niên trẻ tuổi trong tâm đang tràn ngập nỗi buồn thất ý, đi ngàn dặm xa xôi để trốn tránh. Một hôm tới một ngôi chùa, nội tâm khẽ động bèn đi vào. Gặp được một vị sư già trong cảnh hồ tĩnh lặng, anh bèn xin ngồi cùng rồi kể khổ. Vị sư già lắng nghe tiếng thở dài và lời kể của chàng trai trẻ, rồi nhẹ nhàng gọi tiểu hòa thượng: “Con hãy đun một ấm nước ấm rồi mang lại đây!”
Lát sau, tiểu hòa thượng mang ấm nước đến. Vị sư già bỏ vài lá trà vào trong chén rồi đổ nước ấm vào và đặt trước mặt người thanh niên, nói: “Thí chủ, mời uống trà.”
Người thanh niên thấy trong chén có vài làn hơi nước bốc lên mờ nhạt còn lá trà lặng lẽ trôi nổi, anh khó hiểu hỏi: “Quý chùa tại sao lại dùng nước ấm để pha trà?”
Vị sư già mỉm cười, nói: “Thí chủ, mời dùng trà đi!”.
Người thanh niên đành cầm lấy chén trà lên và nhấp hai ngụm.
Vị sư già lại hỏi: “Xin hỏi thí chủ, trà này có thơm không?”
Người thanh niên lại nhấp thêm hai ngụm nữa, rồi lắc đầu nói: “Như là không có mùi trà…”
Vị sư già nói: “Đây là trà nổi tiếng đấy.” Người thanh niên trẻ lại cầm chén trà lên, nhấp hai ngụm, cẩn thận thưởng thức thêm một lần nữa. Cuối cùng anh đặt chén trà xuống và khẳng định: “Quả thực không có mùi trà!”
Vị sư già mỉm cười và quay sang bảo tiểu hòa thượng rằng: “Con đi đun một ấm nước sôi và mang tới đây.”
Một lát sau, tiểu hòa thượng mang vào ấm nước sôi, hơi nước bốc lên nghi ngút. Vị sư già đứng dậy, cầm một cái chén khác, cho một ít lá trà vào rồi rót nước sôi.
Những lá trà nổi lên chìm xuống trong chén, tỏa ra một mùi thơm thoang thoảng. Người thanh niên muốn cầm lấy chén để uống, nhưng vị sư già mỉm cười và nói: “Xin hãy đợi một lát!”
Sau đó, vị sư già lại rót thêm một dòng nước vào trong chén. Chàng trai trẻ lại nhìn vào chén trà, thấy lá trà nhấp nhô, một làn hương trà đậm hơn từ trong chèn trà bốc lên, tỏa ra xung quanh. Vị sư già cứ như vậy rót vài lần, cuối cùng chén trà cũng đầy.
Vị sư già hỏi: “Thí chủ có biết vì sao trà lại có hương vị khác nhau như vậy mặc dù cả hai lần đều là trà ấy không?”
Người thanh niên trẻ nói: “Một chén pha bằng nước ấm, chén kia pha bằng nước sôi, là dùng nước khác nhau”.
Vị sư già cười nói: “Nước khác nhau, lá trà chìm nổi khác nhau. Trà pha bằng nước ấm nổi lên trên mặt nước, không tỏa ra hương thơm. Lá trà pha trong nước sôi chìm nổi, giải phóng sự thanh u của mưa xuân, cái nóng của mùa hè, sự dịu nhẹ của gió thu và cái giá lạnh của sương mùa đông.”
Trà cũng giống như nhân sinh. Lá trà bất quá chỉ có nổi và chìm. Người yêu trà bất quá chỉ có nhấc lên và đặt xuống. Chỉ khi trà nổi và chìm, mới có thể thưởng thức được hương thơm của trà. Chỉ khi nhấc lên và đặt xuống, mới có thể thể hiện được sự tao nhã của người yêu trà. Biết được thời điểm nổi và chìm, nhấc lên và đặt xuống là trà nghệ, cũng là trí tuệ làm người, trí tuệ đối nhân xử thế.
Nhân sinh giống như trà. Những người chưa từng trải qua mưa gió, sống thường thường, an nhàn thoải mái thì giống như trà nhạt pha bằng nước ấm trôi nổi trên mặt nước phẳng lặng, không thể khuếch tán được hương thơm. Còn những người đã từng trải qua mưa gió, đã từng trải qua những thăng trầm của cuộc sống, đã từng bị những bất hạnh hết lần này đến lần khác ập đến thì giống như chén trà nóng kia, bốc hơi và tỏa ra hương thơm ngát của sinh mệnh.
Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Phương Sát
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa trà đạo nhân sinh cảm ngộ