Những ghi chép về người khổng lồ trong sách cổ
- Như Chi
- •
Từ xưa đến nay, con người vẫn thăm dò, tìm hiểu về sự tồn tại của những giống loài có trí tuệ văn minh khác? Theo một số sách cổ, đã từng có thời kỳ người tí hon, người khổng lồ và con người có kích cỡ như chúng ta hiện nay cùng tồn tại. Trong những hình điêu khắc ở di tích cổ trên khắp thế giới cũng có biểu hiện ra ghi chép về người khổng lồ. Liệu người khổng lồ có thật hay chỉ là truyền thuyết?
Trong “Sơn Hải Kinh” có vài đoạn ghi chép lại về quốc gia người khổng lồ. “Sơn Hải Kinh – Hải Ngoại Đông Kinh” viết: “Quốc gia người khổng lồ (đại nhân) ở phía bắc, người ở đó khá to lớn, ngồi gọt thuyền”. Từ “gọt thuyền” này có nghĩa là lái thuyền.
“Sơn Hải Kinh – Đại Hoang Đông Kinh” ghi chép lại: “Ngoài biển Đông Hải có núi Ba Cốc, có thành phố của người khổng lồ, tên là Đại Nhân Chi Đường. Có một người khổng lồ ngồi xổm, dang hai tay ra.” Đoạn này ý muốn miêu tả hình tượng một người khổng lồ ngồi chồm hỗm trên đỉnh núi bằng phẳng giống như sảnh đường, hai tay dang rộng.
“Sơn Hải Kinh – Đại Hoang Bắc Kinh” viết: Có một đất nước người khổng lồ, đều có họ là…, họ ăn ngũ cốc.
Trong tác phẩm “Bác Vật Chí – Ngoại Quốc” của Trương Hoa thời nhà Tấn có ghi chép rằng: Tại một nơi cách Cối Kê (nay là Thiệu Hưng) bốn vạn tám nghìn dặm, có một đất nước người khổng lồ, người ta nói rằng con của người khổng lồ phải nuôi dưỡng 36 năm mới trưởng thành. Họ có thể bay trong mưa gió nhưng không đi được, thuộc loài rồng. Điểm này có chút không giống với miêu tả trong “Sơn Hải Kinh”.
Ngoài ra trong “Bác Vật Chí – Dị Nhân” có ghi chép: Người nước Long Bá cao 30 trượng (1 trượng bằng 3,3 m), sống một vạn tám nghìn tuổi mới chết, người nước Đại Tần cao 10 trượng, người nước Trung Tần cao 1 trượng, người Lâm Thao cao 35 trượng. Những người kể trên đều thuộc người khổng lồ.
“Quốc Ngữ – Lỗ Ngữ” viết: Phòng Phong là quân chủ của tộc Uông Mang, vào thời Ngu – Hạ – Thương được gọi là tộc Uông Mang, thời Chu gọi là Trường Địch, hiện nay gọi là người khổng lồ. Người tộc Tiêu Nghiêu chỉ cao 3 thước (1 thước bằng 33 cm), là người tí hon, còn người khổng lồ lại có chiều cao gấp 10 lần người tí hon, cao khoảng 30 thước, thật đáng kinh ngạc. Nghe nói sau khi Phòng Phong bị giết, chỉ riêng một đốt xương của ông ta cũng phải dùng cả chiếc xe để chở. Sau Phòng Phong đến Trường Địch làm quân chủ.
“Xuân Thu – Văn Công Thập Nhất Niên” viết: Trường Địch có ba anh em, đều rất lợi hại, gạch đá cũng không thể làm tổn thương họ. Có một người rất giỏi bắn cung, bắn trúng vào mắt họ, cơ thể họ sau khi đổ xuống rộng bằng khoảng 9 mẫu đất.
“Thần Dị Kinh- Đông Nam Hoang Kinh” cũng có ghi chép về cặp vợ chồng Phác Phụ “cao lớn nghìn dặm”.
Sử Ký chép chuyện Khổng Tử giải thích về người khổng lồ trong “Khổng Tử thế gia” như sau:
Nước Ngô đánh nước Việt, phá núi Cối Kê, được đốt xương chở đầy một xe. Nước Ngô sai sứ đến hỏi Trọng Ni (Khổng Tử): “Xương gì mà to tột mức thế?”
Trọng Ni đáp: “Vua Vũ nhà Hạ triệu tập các vị Thần đến núi Cối Kê, Phong Phong thị đến muộn, Vũ giết rồi phơi thây thị chúng, đối xương của ông ta chở đầy một xe, cho nên xương này mới lớn như vậy.”
Khách nước Ngô hỏi: “Ai là Thần?’
Trọng Ni đáp: “Thần núi sông đủ để làm giềng mối cho thiên hạ, người giữ việc thờ cúng núi sông là Thần, giữ chỗ Thần xã Thần tắc là công hầu, đều lệ thuộc vào nhà Vua.”
Khách hỏi: “Phòng Phong giữ việc gì?”
Trọng Ni đáp: “Là Vua của họ Uông Võng, giữ việc tế Thần núi Phong và núi Ngu, họ Hy. Thời Ngu, Hạ, Thương là Uông Võng, đến thời Chu là Trường Địch, nay gọi là Đại Nhân.”
Thử tưởng tượng một chút, đứng trước những người khổng lồ cao lớn như vậy, con người hôm nay thật nhỏ bé nhường nào.
Theo “Truyền thuyết dân gian: Quốc gia người khổng lồ“
Đăng trên ChanhKien.org
Tác giả: Như Chi
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa người khổng lồ