Trong “Lễ ký. Đại học” có câu rằng: “Đức giả, bổn dã; tài giả, mạt dã”, đức là cái gốc, của cải là cái ngọn, nói cách khác đức là ngọn nguồn của tài phú của cải. Bởi vậy, người có đức ắt sẽ nhận được phúc, còn người ít đức thì cho dù làm việc cực khổ cũng khó để có được cái ăn cái mặc đủ đầy.

Trí tuệ cổ nhân: Người xảo trá không bằng người thành thật
(Tranh minh họa: Họa sĩ Trần Hồng Thụ thời Minh, Wikipedia, Public Domain)

Văn hóa truyền thống giảng về hành thiện tích đức, tích đức được phúc báo, giảng con người có bổn phận phải đối xử tốt với người khác và không làm những việc thương thiên hại lý. Còn người tu hành giảng về thủ đức, nghĩa là không làm mất đức, mọi việc để thuận theo tự nhiên chứ không có ý cưỡng cầu. Đức sinh ra từ sự khiêm nhường, vì thế dù là một người tích đức hay thủ đức thì đều cần phải giữ một tâm thái khiêm hư nhẫn nhường trong cuộc sống.

Người xưa có câu: “Phúc sinh vu thanh kiệm, đức sinh vu ti thối” có nghĩa là phúc sinh ra từ sự thanh khiết và tiết kiệm, đức sinh ra từ sự khiêm nhường. Câu này xuất hiện trong kinh điển của Đạo gia “Lữ Tổ tu dưỡng kinh”, cũng được tìm thấy trong tác phẩm “Tuân sinh bát tiên” được viết bởi danh y Cao Khiêm đời nhà Minh và “Cách ngôn liên bích” của Kim Lan Sinh đời nhà Thanh. Cả Đạo giáo, Nho giáo và Phật giáo đều đề cập đến những điều tương tự. Bởi vậy, ở phương diện tu đức dưỡng tính thì tất cả các trường phái đều có cùng mục tiêu và cảnh giới tu hành. 

“Phúc sinh vu thanh kiệm”, người thanh liêm sẽ không vì tài vật mà rầu rĩ mệt mỏi, không cầu người khác, không lấy của cải bất nghĩa nên tinh thần của họ luôn an yên thoải mái. Sách cổ viết: “Không lấy của cải bất nghĩa gọi là phú, không làm nhục người khác gọi là quý”, do vậy người thanh liêm tiết kiệm là người phú quý nhất. Kiệm trong ăn uống sẽ không làm tổn hại tới tì vị. Kiệm giao du, bớt mệt nhọc. Kiệm tham dục, tiêu diêu tự tại. Tâm thanh như nước, sóng chẳng sinh. Dục vọng ít, nên tâm không dao động, tu thân dưỡng tính, tự nhiên ắt có phúc lành.

Sách cổ nhắc nhiều đến mối quan hệ giữa phúc và thanh kiệm. “Đạo Đức Kinh” viết: “Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi, khả dĩ trường cửu”, biết đủ thì không bị nhục nhã, biết dừng thì không gặp nguy hiểm, có thể được lâu bền. Trong xã hội coi trọng vật chất, sống thanh kiệm sẽ khiến người ta bớt đi một phần tham lam và thêm một phần sung túc đầy đủ về tinh thần. Gia Cát Lượng cũng viết trong “Giới tử thư”: “Người quân tử lấy tĩnh lặng để tu thân, lấy cần kiệm để dưỡng đức, không đạm bạc thì chí không sáng, không tĩnh thì không thể nhìn xa được”, thanh kiệm không chỉ bồi dưỡng đức hạnh của một người mà còn khiến người ta đạt được sự minh tỏ trong nội tâm.

Trong sách “Hậu Hán Thư” có ghi chép một câu chuyện thời Đông Hán về danh thần Dương Chấn. Ông là người vô cùng thanh liêm công chính, không bao giờ tư lợi. Có lần Dương Chấn được phái đi làm Thái thú quận Đông Lai. Lúc đi nhậm chức qua đất Xương Ấp, quan huyện ở đấy là Vương Mật, trước được ông đề bạt, vào yết kiến. Đêm khuya, Vương Mật lại đem vàng đến lễ, Dương Chấn cự tuyệt. Vương Mật nói: “Bây giờ đêm khuya không ai biết”. Dương Chấn nghiêm nghị đáp: “Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết, sao lại nói là không ai biết?” Vương Mật nghe nói xấu hổ lui ra.

Dương Chấn đã tạo dựng gia phong tốt đẹp cho các thế hệ sau này của gia đình ông. Về sau này, Dương Chấn cùng với con, cháu, chắt, bốn đời đều làm thầy dạy của đế vương, phúc báo lớn. Những gì gia đình Dương Chấn đạt được đúng như câu nói “Phúc sinh vu thanh kiệm”. 

“Đức sinh vu ti lui”. Đối với một người bình thường, chỉ cần hiểu rõ được đạo lý khiêm tốn nhẫn nhượng là có thể không ngừng tích đức. Đối với người tu hành chỉ cần hết lòng tuân thủ đạo lý khiêm tốn nhẫn nhường thì sẽ không bị tổn đức. Còn người tu có khả năng nhẫn nhục và tu luyện tinh tấn thì người đó có thể tu thành một bậc đại đức.

Trong “Chu Dịch” viết: “Khiêm, đức chi bính dã” ý nói khiêm nhường là cái gốc của đức. Người khiêm ti lễ nhượng là người có đức hạnh cao và tâm lượng lớn. Người khiêm ti luôn mang trong mình tâm kính sợ đối với Thần linh, trời đất và vạn sự vạn vật. Người khiêm ti không vạch trần khuyết điểm của người, không khoe khoang điểm mạnh của mình, đây cũng là tiêu chuẩn phản ánh mức độ tu dưỡng của một người. 

Thời nhà Đường, trung thần Ngụy Trưng là người nổi tiếng vì dám thẳng thắn can gián, dám lên tiếng và đưa ra lời khuyên đối với Hoàng đế. Nhưng ông lại không vì việc Hoàng đế nhiều lần chấp nhận lời của mình mà kiêu căng, ngược lại ông luôn khiêm nhường cẩn thận. Do đó ông rất được Hoàng đế Đường Thái Tông trọng dụng và kính trọng. Ngụy Trưng có đóng góp vô cùng to lớn cho sự thịnh vượng và ổn định của nhà Đường.

Trong trí tuệ của người xưa, khiêm nhường không phải yếu đuối, không có năng lực mà là trí tuệ sâu lắng, kín đáo và là phẩm đức cao thượng. Nó đòi hỏi một người khi đối mặt với danh lợi vẫn có thể bảo trì được thái độ không kiêu căng không nóng nảy, không tranh không đoạt. Chính bởi đức hạnh này mà người ấy đạt được sự tín nhiệm và tôn trọng từ người khác.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: