Quan hệ Việt – Nhật thời Trịnh – Nguyễn phân tranh (Kỳ II)
- Lê Nguyễn
- •
QUAN HỆ VIỆT – NHẬT THỜI TRỊNH – NGUYỄN PHÂN TRANH
Kỳ II – QUAN HỆ GIỮA CHÍNH QUYỀN ĐÀNG TRONG VỚI NHẬT BẢN
Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Hóa năm 1558 thì chỉ sau 12 năm, ông đã biến vùng đất Thuận Quảng (Thuận Hóa-Quảng Nam) thành một khu vực thương mại phồn thịnh. Sách Đại Nam thực lục tiền biên viết về năm 1572 như sau: “…Bấy giờ chúa ở trấn hơn 10 năm, chính sự rộng rãi, quân lệnh nghiêm trang, nhân dân đều yên cư lạc nghiệp, chợ không hai giá, không có trộm cướp. Thuyền buôn các nước đến nhiều. Trấn trở nên một nơi đô hội lớn…” (Sách đã dẫn – NXB Sử học – Hà Nội 1962, trang 36).
- Tiếp theo kỳ I: Quan hệ thương mại Việt – Nhật
Tuy nhiên quan hệ Việt-Nhật lại mở đầu bằng một sự kiện trớ trêu. Một trong những người Nhật có mặt sớm tại Đàng Trong bị nhận diện lầm là cướp biển phương Tây. Sách Đại Nam thực lục tiền biên chép về năm 1585 như sau: “tướng giặc nước Tây dương hiệu là Hiển Quý đi năm chiếc thuyền lớn, đến đậu ở cửa Việt để cướp bóc ven biển. Chúa sai hoàng tử thứ sáu lĩnh hơn 10 chiến thuyền tiến thẳng đến cửa biển, đánh tan hai chiếc thuyền giặc…” (sđd – trang 37).
Sự việc xảy ra khi Nguyễn Hoàng đang có mặt ở Đông Kinh (Thăng Long) để giúp vua Lê thanh toán những dinh lũy cuối cùng của dòng dõi Mạc Đăng Dung. Sau khi ông trở lại Thuận Quảng vào năm 1600, với tước Đoan Quốc Công, thì cũng kịp nhận ra rằng “tướng giặc nước Tây dương” lại là một người Nhật có tên Bạch Tần Hiển Quý (Shirahama Kenki) và ông đã nghĩ ngay đến việc sử dụng người này như một sứ giả để liên lạc với chính quyền Nhật Bản đương thời.
Ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch năm 1601, Nguyễn Hoàng nhờ Hiển Quý mang thư và tặng phẩm về Nhật dâng lên Đức Xuyên Gia Khang (Tokugawa Ieyasu), người về sau làm Tướng quân Mạc phủ. Trong bức thư đầu tiên này, người đứng đầu hai xứ Thuận Quảng cố giải thích khác đi sự kiện đáng tiếc liên quan đến Bạch Tần Hiển Quý, cho rằng việc đánh đuổi ông ta vào năm 1585 chỉ là sự hiểu nhầm giữa hai bên, kỳ thực Hiển Quý là một thương nhân lương thiện. Tặng phẩm Đoan Quốc Công gửi biếu Đức Xuyên Gia Khang gồm có kỳ nam, lụa, mật ong, lôi mộc, con công. Phần cuối của bức thư lại là phần chính: Nguyễn Hoàng “xin giúp cho 4 thứ quân khí, để dùng vào việc nước (sinh, diêm, sơn và khí giới)…”
Thư trả lời cho Nguyễn Hoàng của Đức Xuyên Gia Khang, cũng vào năm 1601, được in trong tập Dị quốc vãng lai ký. Nội dung thư báo cho Đoan Quốc Công biết là phía Nhật đã nhận đủ quà tặng, đặc biệt trong phần cuối có nhắc rõ chế độ cấp phép buôn bán dưới hình thức châu ấn trạng: “…Sau này thuyền nước tôi đến đất ông lấy ấn tín này làm tin, nếu không không nên nhận. Những binh khí của nước tôi đem tặng đây, thật như lông ngỗng xa từ ngàn dặm…” (tạp chí Văn Hóa Á châu – Sài Gòn, số 3-4.1958, trang 19).
Thư trao đổi trong năm 1603 không có gì đáng nói ngoài việc phía Nhật Bản yêu cầu chính quyền Đàng Trong bảo vệ cho các thương nhân Nhật sang buôn bán, và việc tặng hảo cho Nguyễn Hoàng số binh khí gồm 10 cây dao lớn. Song qua năm 1604, đã thấy khá rõ thâm ý của Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng đối với chính quyền Lê-Trịnh ở Đàng Ngoài khi ông viết cho Đức Xuyên Gia Khang: “…Từ năm nay trở đi, các thuyền thông thương chỉ nên đến nước tôi, tiện việc mua bán, còn các xứ Thanh Hoa, Nghệ An với nước tôi là thù địch, mong rằng Quốc vương đã có lòng yêu nhau, thì nên cấm hẳn các thuyền buôn qua lại với các xứ ấy….” (Văn Hóa Á Châu – Tài liệu đã dẫn, trang 21).
Lời lẽ trong thư không che giấu với cả người nước ngoài lòng tị hiềm của chúa Nguyễn với chính quyền Lê-Trịnh mà bề ngoài ông vẫn tự coi mình đang thống thuộc. Câu “Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân” của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được ông sử dụng với tất cả ý nghĩa tích cực nhất, với mưu đồ biến Đàng Trong thành một vương quốc tách biệt hẳn với Đàng Ngoài. Mưu đồ đó được cụ thể hóa bằng lời trăng trối của Nguyễn Hoàng cho con nối nghiệp là Nguyễn Phúc Nguyên: “…Đất Thuận Quảng phía Bắc có núi Ngang (Hoành sơn) và sông Gianh (Linh giang) hiểm trở, phía Nam có núi Hải vân và núi Đá bia (Thạch Bi sơn). Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời…” (Đại Nam thực lục tiền biên – sđd, trang 44).
Vì thế, có thể nói rằng ngay từ đầu thế kỷ 17, Nguyễn Hoàng đã sớm tận dụng mối quan hệ với Nhật Bản để ít nhất đạt đến hai mục tiêu, một là trao đổi sản vật lấy binh khí cần cho những cuộc xung đột Nam Bắc có thể xảy ra, thông qua hình thức tặng hảo; và hai là giành lấy ưu thế về thương mại với Đàng Ngoài bằng cách cô lập hay giới hạn đến mức tối đa số thương nhân Nhật Bản đến vùng này.
Song qua những thư trao đổi ban đầu đó, ta còn khám phá thêm một điều quan trọng nữa, đó là phố Hiến, Hưng Yên không phải là nơi duy nhất tiếp đón thương nhân nước ngoài, bên cạnh đó, còn có hai trung tâm thương mại khác, tuy nhỏ hơn, ở Thanh Hóa (lúc đó còn có tên Thanh Hoa) và Nghệ An là nơi thương nhân Nhật thường tìm đến.
Có lẽ tự thấy như thế chưa đủ củng cố mối quan hệ Việt- Nhật, năm 1604, Nguyễn Hoàng nhận một thương nhân Nhật, đồng thời là phái viên đầu tiên của chính quyền Tokugawa tại Đàng Trong, tên Châu Mộc Di Thất Lang (Hunamoto Yabeiji) làm con nuôi. Trong một thư đề ngày mồng 6 tháng 5 (âm lịch) năm 1606 gửi cho một giới chức Nhật Bản tên Bản-Đa-Thượng Dã-giới-chính-Thuần (Honda Kozukenosuke Masazumi), chúa Nguyễn đã viết: “Nhận được thư ông như được thấy mặt, gần đây tôi thấy Gi-Thất-Lang, đức thật trung hậu, tôi nhận làm con nuôi, và kính đến cả khách bạn, đem lời khuyên bảo, thể theo ý ông, nên Gi-Thất-Lang về nước, tôi nhớ mong lắm….” (Văn Hóa Á Châu – tlđd – trang 23).
Sau khi Nguyễn Hoàng qua đời năm 1613, con là Nguyễn Phúc Nguyên lên kế nghiệp, được đời sau gọi một cách đơn giản là chúa Sãi. Ông tiếp tục mối quan hệ với Mạc phủ và vào năm 1619, đã công bố việc gả một công nữ cho một thương nhân Nhật Bản tên Hoàng Mộc Tôn Thái Lang (Kimura Sotaro).
Tuy nhiên việc thương mại Việt-Nhật dưới thời Nguyễn Phúc Nguyên đã không được mấy suôn sẻ. Giữa thập niên 1610, tức không lâu sau khi ông kế nghiệp Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng, chính quyền trung ương Nhật Bản trục xuất toàn bộ giáo sĩ phương Tây đang được phép truyền đạo ở nước này và áp dụng chính sách cấm đạo Cơ Đốc triệt để hơn bao giờ hết. Cũng từ đó, việc cấp châu ấn trạng bị hạn chế dần.
Năm 1627 nổ ra cuộc xung đột lần đầu giữa hai chính quyền Trịnh-Nguyễn, quan điểm của chúa Nguyễn Phúc Nguyên cũng thận trọng hơn. Chúa liên tục yêu cầu các thương nhân Nhật chỉ buôn bán với Đàng Trong thôi. Nhưng rồi lệnh này cũng không tồn tại được lâu.
Năm 1635, chính quyền Nhật Bản cấm toàn bộ thương thuyền ra khỏi lãnh hải nước Nhật. Tuy nhiên, lúc bấy giờ vẫn còn một số thương nhân Nhật không về nước mà ở lại Đại Việt, Chân Lạp, Philippines để buôn bán với người bản xứ, với một qui mô chật hẹp hơn rất nhiều.
Năm 1644, Trung Quốc trải qua một biến động lớn, nhà Minh bị nhà Mãn Thanh thôn tính, nhiều cựu thần nhà Minh bất phục tân triều, lần lượt bỏ xứ ra đi.
Năm 1679, gần 3.000 người Hoa đi theo hai cựu thần nhà Minh là Trần Thượng Xuyên (Trần Thắng Tài) và Dương Ngạn Địch xuôi thuyền đến Đàng Trong, xin chúa Nguyễn Phúc Tần cho nương náu. Chúa Nguyễn đã cho họ vào vùng đất Trấn Biên (Biên Hòa) và Mỹ Tho để khai khẩn, lập nghiệp. Nhân dịp này, nhiều thương nhân Nhật cũng đi theo đoàn người Nam tiến đó, vào sinh sống ở đất Đông Phố (đúng ra là Giản Phố) (Biên Hòa, Gia Định).
Năm 1695, một người phương Tây là Thomas Bowyear ghé lại Hội An, có kể lại là ông chỉ gặp 4 hay 5 gia đình người Nhật ở đó.
Đầu thế kỷ 20, còn một số kiều dân Nhật sống ở Sài gòn, nhưng không rõ họ có phải là hậu duệ của những người Nhật đã qua buôn bán ở nước ta bằng châu ấn thuyền hay không.
Lê Nguyễn
24.5.2018
Đăng tải dưới sự đồng ý của tác giả
Bài đã đăng trên Văn hóa Nghệ An
Xem thêm cùng tác giả:
- Quan hệ Việt – Nhật thời Trịnh – Nguyễn phân tranh (Kỳ I)
- Tây Sơn có phải là “phong trào nông dân” không?
- Một chút quan hệ của người phương Tây với phong trào Tây Sơn
- Chút suy nghĩ về chuyện “Cõng rắn cắn gà nhà” của Nguyễn Ánh – Gia Long
- Những ngộ nhận về mối quan hệ giữa vua Gia Long – Nguyễn Ánh và người Pháp
- Trả lại vai trò thật sự của giám mục Bá Đa Lộc đối với nhà Nguyễn
Mời xem video:
Từ khóa Nhật Bản lịch sử Việt Nam chúa Nguyễn quan hệ Việt Nhật Nguyễn Hoàng