Một người bạn, Hồ Việt Nguyễn mới đây gửi cho tôi bài cảm nhận của chị về quyển “Sài Gòn, một góc ký ức và bây giờ”. Bài viết cách đây 3 năm, có lẽ sau khi Việt Hồ dự buổi giao lưu ra mắt sách nhân quyển Sài Gòn ký ức được tái bản năm 2020.

Tôi đọc dòng cảm nhận đó mà tưởng như chính tôi đang viết thêm một tùy bút cho riêng mình. Cảm nhận đến từ “ngôi thứ nhất” (tác giả sách), chứ không phải đến từ “ngôi thứ hai” (người đối thoại), cũng không phải đến từ “ngôi thứ ba” (khách quan nhận xét khen chê). Việt Hồ những năm cuối thập niên 70 đã từng là dân nhảy tàu (hỏa) đi buôn củi thì không lạ gì chị có thể nắm bắt được những khoảng Tối-Sáng đứt gãy mà tôi không sao diễn đạt lê thê trong tùy bút được. Việt Hồ cảm nhận được những vết đứt gãy đó – Và cũng như tôi không thể diễn đạt dài hơn trong cảm nhận.

Làm sao có thể khâu vá lại được chúng? Không thể. May ra chỉ có thể chấp vá những mảng ký ức rời rạc, cái nhớ cái quên. Chừng chục năm nữa thôi, sẽ mất hút. Thế hệ trẻ, dẫu 40-50, nếu đọc, cũng chỉ thấy những mảng chấp vá như chuyện hoang đường của một thế hệ đi lạc (lost generation). Họ không thể cảm nhận.

Mời đọc cảm nhận của Hồ Việt Nguyễn. Nhân tiện tôi post lại clip buổi giao lưu mà một bạn trẻ tham dự đã thực hiện rồi gửi tặng.

Vũ Thế Thành

*

Sài Gòn ký ức của một thời

Tôi không biết lứa tuổi nào đẹp nhất? Nhưng tôi biết tôi đã thương nhớ tuổi hai mươi của mình. Không phải vì nó đẹp mà là nó bị tan vỡ và đứt đoạn nửa chừng.

Không có vết thương nào được xem là đẹp, dẫu ta nhìn nó với lòng rưng rưng trìu mến thì sự thật vẫn không khá lên được.

Đó vẫn là những năm tháng nhiều lạc lõng lẫn đau xót, đầy những vết cứa nông hoặc sâu mà cho dù đã thành sẹo song vẫn còn hở miệng mỗi khi bất chợt nghe lại một khúc nhạc xưa hay đọc lại vài trang sách cũ… như nhắc nhở đã từng có một thời như thế.

Vì đó là thời của những khốn khó lầm than, những năm tháng điên rồ hụt hẫng, bao gồm những mộng mơ rồi tan vỡ và nó mãi in trong tim mỗi người những lát cắt bén ngọt.

Sài Gòn ngày ấy đón tôi bằng những bức tường loang lổ vết vôi rữa, bằng màu tím biếc bằng lăng như màu năm cũ. Giàn phượng đỏ nơi góc làng báo chí Thủ Đức vẫn cháy như màu tuổi trẻ đã đi qua song vẫn không nguôi thương nhớ thời học trò hoa mộng. Và cả những con hẻm chằng chịt thân thương kiểu đặc trưng của Sài Gòn. Ở đó có những cái quán cóc bàn ghế luôn xếp dọc theo bờ tường, khách uống cà phê có khi phải đứng dậy nhường chỗ cho những chiếc xe xẹt ngang, những câu chuyện rôm rả trên trời dưới bể quả không đâu bằng ở đó. Tôi vẫn nhớ từng khuôn mặt, từng nụ cười chan hòa song lắm khi cũng đầy nghi ngại. Từng hàng cây, góc phố… nơi những lo âu vội vã ẩn sâu trong từng ánh mắt không giấu được. Làm sao quên khi tôi còn chưa kịp cúi xuống để ăn năn cho một đoạn đời đã mất đi những gì trong trẻo nhất của tuổi trẻ.

Tôi, những người trẻ thuở ấy chí ít cũng không quen luồn lách, thích sống cuộc đời mình chọn, có lúc không tránh khỏi những ngả nghiêng theo thời cuộc, song dù như thế nào, câu chữ “nếp nhà” đã giữ cho tôi thăng bằng giữa hai lằn ranh sáng tối. Nhiều đêm lần trở về chốn tạm, tôi thấy mình cứ như là Chiến Binh giữa cái thời mà nhiều lúc giữ được sự trung thực, sự cân bằng giữa cái xấu, cái ác… có khi còn khó hơn giữ mạng sống.

Ở lưng chừng con dốc của tuổi già, từng viên đá nặng nề không ngừng lăn xuống đè nát thân thể lẫn tâm hồn cho những cuộc lột xác không tự nguyện và sau đó buồn bã tái sinh. Nếu không quên thì cũng nên xóa đi cho lòng nhẹ nhõm.

Đọc “Sài Gòn, một góc ký ức và bây giờ” của tác giả Vũ Thế Thành. Tôi tìm thấy mình rải rác đâu đó trong “Chuyện của một thời” hay “Sài Gòn muộn màng của em cũng không còn”, v.v.. và còn nhiều những câu chuyện, những tùy bút khác nữa. Tất cả hòa quyện vào nhau như những mảng đậm nhạt của nhiều bức tranh, như hai mặt sáng tối của con người đầy những vết đứt gãy, cho dù có khâu vá lại cũng không còn lành lặn như xưa.

Ký ức quả luôn có những vùng tối nguy hiểm. Song nếu ta không mạnh dạn bước vào thì làm sao nhớ lại ? Dù nhớ chỉ để thêm đau đời.

Hồ Việt Nguyễn, 28.9.2020

Đăng lại từ Facebook tác giả Vũ Thế Thành

Xem clip buổi giao lưu sách Sài Gòn một góc ký ức và bây giờ:

Xem thêm: