Sao có thể lãng quên về một người Minh Tân tài ba!
- Nguyễn Hồng Giang
- •
Những năm đầu thế kỷ 20, tại miền Nam có một phong trào đấu tranh sôi nổi gọi là phong trào Minh Tân. Vị chủ soái của phong trào này tên là Trần Chánh Chiếu. Có thể nói, vị này là một tên tuổi lớn đối với lịch sử trong giai đoạn xã hội có nhiều biến thiên khi Pháp xâm chiếm nước ta.
Lịch sử ghi công Gilbert Trần Chánh Chiếu “Vị đốc phủ có quốc tịch Pháp nhưng không bán nước bán dân” trên cả hai địa hạt: chính trị và văn hóa. Thuở đầu, khi còn ở Kiên Giang, ông đã nổi tiếng là một người giàu có với hàng ngàn mẫu đất, nhiều tá điền và bất động sản… lại có Pháp tịch, tất cả đảm bảo cho một tương lai sáng lạn phía trước. Nhưng Trần Chánh Chiếu không dừng bước ở đó, ông dấn thân gây dựng phong trào Minh Tân làm cơ sở kinh tài cho phong trào Đông Du và đem lại cho đất nước nhiều hướng đổi mới tích cực trên mặt trận văn hóa.
Nhờ vào những nỗ lực, óc nhìn xa trông rộng, vị soái phủ Minh Tân đã giúp cho Nam Bộ từ chỗ tự ti trong cạnh tranh thương mại với Trung Quốc, Pháp, trở nên vươn vai đứng dậy. Hàng loạt các công ty, cơ sở, hãng xưởng khai sinh và đi vào hoạt động. Có thể kể đến những cơ sở kinh tài của công cuộc Minh Tân như sau: Nam Trung khách sạn, Minh Tân khách sạn, Nam Kỳ Minh Tân công nghệ, Minh Tân mễ túc tổng cuộc; cùng hàng loạt những tiệm buôn lớn nhỏ khác: Tân hóa thương hội, Y dược công ty, Hội tương trợ của giáo viên, Minh Tân thương cuộc, Hãng cho vay Sài Gòn – Chợ Lớn, Nam kỳ thương cuộc, Ước lập hỏa thuyền, Chiêu Nam Lầu, Chợ Lớn Nam Chấn Thành thương xã…
Trong đó, hoạt động nổi trội nhất, táo bạo nhất của ông trong lĩnh vực này là việc thành lập công ty Nam Kỳ Minh Tân công nghệ ở Mỹ Tho. Hình thức hoạt động của công ty theo dạng cổ phần, kêu gọi mọi người hùn hạp làm ăn. Với sự ra đời của Nam Kỳ Minh Tân công nghệ, người tiêu dùng được hưởng lợi từ sự cạnh tranh, phá thế độc quyền của các hãng nước ngoài. Để cạnh tranh, giới Hoa kiều phải hạ giá thành sản phẩm xuống, hãng lại tiếp tục hạ giá bán tiếp khiến cho các ông chủ nước ngoài không khỏi lao đao. Đây là minh chứng đầu tiên cho thấy người Annam vẫn có thể cạnh tranh thương mại với các hãng nước ngoài nếu biết tính toán, làm ăn quy củ, có uy tín.
Còn Nam Trung khách sạn, Minh Tân khách sạn vừa là cơ sở kinh tài vừa là nơi hội họp, liên lạc, tuyên truyền tài liệu, nhất là sách báo của Phan Bội Châu gửi từ nước ngoài về…
Tại các nơi như trụ sở báo Lục Tỉnh Tân Văn, Minh Tân khách sạn, Chiêu Nam lầu, các vị Minh Tân còn tư vấn miễn phí về pháp lý kinh doanh, kế toán, thuế… giúp những ai có ý định kinh doanh mà chưa hiểu luật lệ. Không chỉ vậy, Gilbert Chiếu lại lập ra Hãng cho vay Sài Gòn – Chợ Lớn, một tổ chức kinh doanh tài chính như ngân hàng tín dụng ngày nay khi cơ sở kinh doanh ngày càng mạnh và phát triển.
Hình ảnh một vùng đất Nam Bộ sôi nổi, tràn trề sinh khí, mạnh mẽ vươn lên như vậy thật là một điều kì diệu. Vì thế mà trong hồi ký Một tháng ở Nam kỳ (1926), học giả Phạm Quỳnh phải trầm trồ thán phục cách tổ chức kinh tế tập thể của các doanh nhân Mỹ Tho.
“Nói tóm lại, cái hình thức của thành phố Sài Gòn sánh với thành phố Hà Nội còn hơn nhiều. Từ cách đặt đường phố cho đến cách dựng cửa nhà, từ cách thắp đèn điện cho đến cách đặt máy nước ở các nhà, cho đến cách tuần phòng vệ sinh trong phố xá, nhất nhất đều có tiến bộ hơn Hà Thành ta cả. ở Sài Gòn thật là có cái cảm giác một nơi đô hội mới, nghĩa là một nơi đô hội theo lối Tây (…). Báo giới trong Nam Kỳ thạnh lắm, phát đạt hơn ngoài Bắc nhiều”. – Một tháng ở Nam Kỳ, Hà Nội, tháng 4 năm 1918, Phần 2, Phạm Quỳnh
*
Cũng với Trần Chánh Chiếu, những thói xấu của người Việt Nam trong làm ăn, trong đối nhân xử thế cũng được nêu ra. Ông tìm ra những nguyên nhân làm giàu của người Tàu người Tây phổ biến cho mọi người biết, chỉ rõ ra những nhược điểm khiến người Annam không làm ăn lớn được:
“Người Tàu, người Tây không phải tốt hết, có người vầy có kẻ khác, có tốt có xấu. Song người nước khác hay biết phận sự của mình, lo lắng cho nên việc đặng chung nhau cộng hưởng. Nói giác thể như một ngưởi chệc kia lãnh của người ta ra đi buôn, lãnh rồi thì lo làm ra cho té lời cho nhiều, có gian lận thì lấy trong cái tiền lời ấy, chớ không hề khi nào đụng tới tiền vốn bao giờ. Họ tính như một 1$00 mà làm lợi ra được 0$30, dầu có gian, chủ có hay cũng dám nhắm con mắt ra cho mà gian” – Chủ bút. (1) LTTV số 04 ngày 05 Décembre 1907. Cô chưởng nan ninh (tt). Trang 51.
Ông thấy được “người Annam xấu xí” ở những điểm nào. Đó là thái độ dụ dự, bất quyết:
“Nhưng người mình có tánh lạ quá. Hễ ai bày ra điều chi khi mới nghe thì mau mau gửi giấy bỏ thí, hoặc xin hội cho hùn, chừng đến ngày góp tiền, hoặc thâu bạc, thì dụ dự bất quyết làm ra hại việc đi.” – Chủ bút (2). LTTV số 02 ngày 21 Novembre 1907. Cô chưởng nan ninh. – trang 3-19.
Ông kêu gọi nhân dân xóa bỏ cờ bạc, thuốc phiện; giảm các nghi thức cưới xin, ma chay… gây ra một làn sóng đổi mới mạnh mẽ trong xã hội thời bấy giờ.
Ông còn là tấm gương về khí tiết về tinh thần yêu nước bất khuất. Việc làm báo ở các tờ Nông Cổ Mín đàm, Lục tỉnh tân văn là để giúp cho ông thực hiện hoài bão của mình. Ngay trong lời nhận làm chủ bút cho Lục Tỉnh Tân Văn vào tháng 9/2007, người ta đã nhận thấy ông chủ bút Trần Nhựt Thăng thiết tha với công cuộc giúp ích cho dân Annam trên con đường tranh thương với nước ngoài:
“Vì vậy tôi mới ra lãnh làm Chủ bút đặng mà khuyến khích người Annam ta lo việc thương mãi kĩ nghệ, làm cho bạn đồng bào mau mau tấn bộ mà so sánh việc văn minh cùng chư quốc” – LTTV số ngày 29 Octobre 1907. Chủ bút kính cáo. Trần Nhựt Thăng. Chủ bút: Trần Nhựt Thăng. Biệt hiệu: Đông sơ. Trang 1
Đó cũng chính là tinh thần của cuộc Minh Tân: Tổ chức và cổ động cho người Việt tranh thương với người Pháp, Hoa, Ấn bằng cách đứng ra buôn bán, hùn vốn mở mang kỹ nghệ để tránh nước ngoài khống chế kinh tế nước ta; chống lại các tệ nạn, hủ tục nhằm khai dân trí; đả kích sự cai trị của Pháp. Đặt mình vào vị thế thời đó mới biết cái quyết tâm của ông lớn mạnh như thế nào, bởi lẽ ông không hoạt động ngầm mà lên tiếng công khai. Có những khi viết báo nói bóng gió xa xôi nhưng tất thảy đều nhằm vào một mục đích: lấy cái hồn dân tộc là chính và hấp thu cái mới của người Tây phương để “quật ngã” lại người Tây phương.
*
Lịch sử còn nhớ đến Gilbert Chiếu trong vai trò của người cầm bút. Ông chính là một trong những nhà văn tiên phong cho phong trào văn học chữ quốc ngữ ở Nam Bộ.
Khi phong trào dịch thuật tiểu thuyết nước ngoài phát triển mạnh mẽ tại Nam Bộ thì người dịch một thể loại tiểu thuyết Pháp sang đúng thể loại tiểu thuyết đầu tiên phải kể đến Trần Chánh Chiếu. Ông dịch bộ tiểu thuyết Pháp Tiền căn báo hậu từ cuốn tiểu thuyết của Alexandre Dumas, Le Comte de Monte-Cristo (1846), đăng trên báo Lục tỉnh tân văn năm 1907 với bút hiệu Kỳ Lân Các, nhà in Imprimerie de l’Union, Saigon, ấn hành lại vào năm 1914. Cũng trong năm này, Trần Chánh Chiếu phỏng dịch bộ tiểu thuyết Ba người lính ngự lâm pháo thủ (Les trios mousquetaires của A. Dumas) đăng trên Lục tỉnh tân văn.
Người đầu tiên khởi xướng phong trào viết tiểu thuyết theo lối mới cũng là Trần Chánh Chiếu. Trên tờ Nông Cổ Mín Đàm, ông cho mở cuộc thi viết “Quốc âm thí cuộc” giúp định hình cho văn chương một trào lưu sáng tác mới khi văn chương cổ điển không còn hợp thời nữa. Cuộc thi mở ra vào tháng 10 năm 1906, mang tên là Quốc âm thí cuộc với giải thích như sau:
“Trong lục tỉnh càng ngày nhơn dân bỏ lâu chữ nho, đâu đâu đều dùng chữ quốc ngữ mà thôi. Phải nhờ có chữ nho thì tiếng nói An nam mới thông, cho nên phần đông hãy còn nhiều tiếng xái, trật. Vậy muôn cho lê thứ gội nhuần ơn giáo hóa của chư nho còn lại trong lục châu, thì nhà Nông cổ mín đàm không tiếc công, chẳng tiếc của, một xin chư nho gia công dư mà trợ lực thì có lẻ Hóa dân thành tục mau được (…) Nay bổn quán xin ra đề: TIỀN CĂN BÁO HẬU – Về việc tình. (Người Lang sa gọi Roman nghĩa là lấy trí riêng mình mà đặt ra một truyện tùy theo nhơn vật, phong tục trong xứ, dường như truyện có thiệt vậy)”. – NCMĐ Số 262 ngày 23 Octobre 1906. Quốc âm thí cuộc, Gilbert Chiếu.,
Riêng bản thân, Trần Chánh Chiếu cũng bắt tay viết các tác phẩm: Hoàng Tố Anh hàm oan, Lâm Kim Liên… Cùng với các truyện, Truyện Thầy Lazarô Phiền (1887), Phan Yên ngoại sử – Tiết phụ gian truân (1910) thì Hoàng Tố Anh hàm oan (1910) so với với tiểu thuyết Tố Tâm (1925) của Hoàng Ngọc Phách ở miền Bắc là một chặng đường rất dài, rất xa, hơn cả một thập kỷ. Đây cũng là một phong trào rất có ý nghĩa, đã cho ra đời một nền văn chương Nam Bộ quý giá với những tiểu thuyết gia truyền thống miền Nam, một thứ văn “ròng miền Nam”, vùng đất khai sinh ra những quyển tiều thuyết quốc ngữ đầu tiên.
Với những gì chúng ta thấy được từ những đổi mới về kinh tế, văn hóa, văn học đến ước mơ cháy bỏng thoát khỏi ngoại xâm của Trần Chánh Chiếu đều là tâm huyết của một nhân sĩ có ý tưởng táo bạo, dám nghĩ, dám làm. Có thể nói, những bước đi khởi đầu của ông đã gieo vào lòng người những niềm tin tưởng, những hứng khởi cũng như vun bồi các ý tưởng còn chưa được khai triển ở mỗi người con đất Việt. Đáng quý lắm thay!
*
Đáng tiếc là khi Trần Chánh Chiếu bị nhà cầm quyền Pháp bắt, thì phong trào Minh Tân đang khi sôi nổi bỗng chốc như “rắn không đầu”, rồi chẳng còn để lại tiếng tăm gì về sau. Báo chí thời đó đưa tin “Chủ bút Lục tỉnh tân văn đã bị giam cầm vì tội đại ác”:
“Nhà nước cũng có cho bổn quán biết rằng, nhà nước chẳng chút nào tin dạ trung nghĩa Gilbert Chiếu cho nên đã có lịnh kiềm thúc thám sát quá đổi nhặt nghiêm.
Thì chủ nhơn bổn quán cũng có tỏ tình cho Gilbert Chiếu hay biết, mà vẫn cứ nằng nằng quyết một là việc cáo gian, lại quả đoán là kẻ đại kị đổ việc lập hội hùn hiệp chổ này nơi nọ kiếm chước trả oán đó mà thôi.
Vả chăng Gilbert Chiếu, là người thuộc bộ dân Đại pháp cho nên Chủ nhơn chẳng lẻ nào tin đặng rằng có dạ bội phản quê hương, là Lục tỉnh Nam kỳ, cùng nhà nước Đại pháp là nghĩa đồng quân phụ…” LTTV số 50 ngày 29 Octobre 1908. Hí mặc. Chủ nhơn. (3)
Cho đến bây giờ việc tập hợp tài liệu về ông quả thật gặp rất nhiều khó khăn. Những sáng tác của nhà văn, nhà báo Trần Chánh Chiếu gần như bị chôn vùi theo thời gian. Có tìm được chăng là nhờ vào tâm huyết và duyên may mà thôi. Lại thêm tìm kiếm thân nhân của vị chủ soái Minh Tân này dường như là “nhiệm vụ bất khả thi”. Đây là việc cần làm để tôn vinh một tên tuổi đáng trọng cho lịch sử Việt Nam và lịch sử văn học Nam Bộ nói riêng, văn học Việt Nam nói chung. Những ai có tâm huyết và biết tin về thân nhân của Trần Chánh Chiếu, xin nhanh chóng gửi thông tin về:
Nguyễn Hồng Giang, Email: [email protected] hoặc [email protected].
Rất mong tin từ các nẻo gần xa để cụ Trần Chánh Chiếu không phải tủi thân nơi đất lạnh mà dòng họ Trần cũng được vinh danh.
Nguyễn Hồng Giang
Đăng lại từ Forum Diễn Đàn (DienDan.org)
Creative Commons BY-NC-ND 3.0 France
Chú thích:
1. Người ký tên Chủ bút của LTTV giai đoạn này là Trần Chánh Chiếu.
2. Như trên
Từ khóa Danh nhân lịch sử sài gòn xưa