Số phận các tướng nhà Tống sau thất bại trước Đại Việt
- Trần Hưng
- •
Nhà Tống có hai lần tiến đánh Đại Việt, cả hai lần này đều có đặc điểm chung là Đại Việt xảy ra biến động, vua còn nhỏ tuổi. Tuy nhiên trong cả hai lần này, quân Tống đều thất trận và các vị tướng nhà Tống tham gia đều chịu số phận không may.
Chiến tranh Tống – Đại Cồ Việt
Cuối năm 979, vua Đinh Tiên Hoàng và con trai là Đinh Liễn đều bị ám sát. Vệ Vương Đinh Toàn lên ngôi Vua khi mới chỉ 6 tuổi. Vì vua còn nhỏ nên Lê Hoàn làm nhiếp chính, phong là Phó vương.
Nhóm quan đại thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú nghi ngờ Lê Hoàn có ý cướp ngôi nên tập hợp quân chống lại. Tuy nhiên họ bị Lê Hoàn đánh bại.
Tin tức về Đại Cồ Việt bay sang Tống, vua Tống Thái Tông cho rằng đây là cơ hội, liền nhanh chóng chuẩn bị quân tiến đánh Đại Cồ Việt.
Lê Hoàn không lấy phù trợ vua để nêu cao trung nghĩa, mà nhân đó nhận ngôi vua từ thái hậu Dương Vân Nga. Lê Hoàn lên ngôi vua, hiệu là Lê Đại Hành.
Trước khi tiến quân vua Tống trao thư cho Lê Đại Hành đe dọa: “Nay chín châu bốn biển đã yên, chỉ còn Giao Châu của ngươi ở xa cuối trời… Ngươi định về theo ta, hay muốn chuộc lấy tội. Ta đang chuẩn bị xe ngựa, binh lính, cờ lệnh, chiêng trống… nếu ngươi quy hàng ta tha, nếu trái mệnh thì ta đánh. Theo hay không, lành hay dữ, ngươi tự nghĩ lấy” (Đại Việt Sử ký Toàn thư).
Tháng 1/981, chủ tướng Hầu Nhân Bảo đưa quân tiến đánh Đại Cồ Việt. Tuy nhiên Hầu Nhân Bảo rơi vào thế trận Bình Lỗ, bị vây chặt và tử trận.
Nghe tin chủ tướng Hầu Nhân Bảo tử trận, cánh quân Tống phía sau của Tôn Toàn Hưng hoảng hốt bỏ chạy, cánh quân của Trần Khâm Tộ ở Tây Kết cũng rút lui. Vua Lê Đại Hành cử các tướng đuổi theo diệt quân địch, bắt được các tướng Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân đem về Hoa Lư.
Quân Tống thảm bại rút về nước. Nhà Tống nghiêm phạt các tướng. Tôn Toàn Hưng bị tống giam vào ngục, chẳng bao lâu bị giết chết. Lưu Trừng cùng Giả Thực đều bị giết bêu đầu ở chợ Ung Châu. Các tướng nhà Tống như Trần Khâm Tộ, Hác Thủ Tuấn, Thôi Lượng thì bị xử phạt và giáng chức.
Chiến tranh Tống – Đại Việt
Năm 1072, vua Lý Thánh Tông mất, thái tử Càn Đức lên ngôi khi mới chỉ 7 tuổi, thái hậu Ỷ Lan nhiếp chính. Nhận thấy cơ hội đánh Đại Việt đã đến, nhà Tống gấp rút chuẩn bị, căn cứ quân sự được lập tại Ung châu.
Tuy nhiên năm 1075, Lý Thường Kiệt chỉ huy quân Đại Việt tiến đánh quân Tống trước nhằm phá tan căn cứ quân sự tại Ung Châu. Lý Thường Kiệt đã thảm sát thành Ung Châu, giết “hơn 5 vạn 8 nghìn người, cộng với số người chết ở các châu Khâm, Liêm thì đến hơn 10 vạn” (Đại Việt Sử ký Toàn thư).
Chiếm được Ung Châu rồi, quân Đại Việt thiêu hủy kho lương, phá hủy các căn cứ quân sự, lấy đá chặn tuyến đường giao thông trên sông rồi rút quân.
Trước việc Ung Châu bị thảm sát, nhà Tống quyết định nhượng bộ Tây Hạ ở phía Tây, cắt đất dâng cho nước Liêu ở phía Bắc, huy động các cánh quân tinh nhuệ xuống phía Nam tiến đánh Đại Việt.
Vua Tống Thần Tống nôn nóng đánh nhanh, phong cho Quách Quỳ lĩnh ấn chủ tướng đánh Đại Việt. Quách Quỳ là con trai danh tướng Quách Bân, đang chỉ huy quân Tống chặn quân Tây Hạ ở biên giới phía tây bắc, giỏi binh thư và trận pháp.
Đầu năm 1077, Quách Quỳ dẫn 30 vạn quân tiến đánh Đại Việt, gồm 10 vạn quân chủ lực và 20 vạn phu phen, trong đó có hàng vạn quân tướng tinh nhuệ từng theo Quách Quỳ chống Tây Hạ.
Tuy nhiên tại phòng tuyến sông Như Nguyệt, Lý Thường Kiệt đã khiến quân Tống tan vỡ (Xem bài: Trận sông Như Nguyệt đưa Đại Việt thoát cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”).
Trong tình cảnh quân Tống khốn cùng, Lý Thường Kiệt nhanh chóng gửi thư hòa hoãn, quân Tống liền đồng ý ngay và rút về nước.
Phải rút quân về, Quách Quỳ nói rằng: “Ta không thể đạp đổ được sào huyệt giặc, bắt được Càn Đức để báo mệnh triều đình. Tại trời vậy! Thôi đành liều một thân ta để cứu hơn 10 vạn nhân mạng”.
“Tống sử” ghi chép về cuộc rút lui này như sau: “Quỳ muốn rút quân về, sợ giặc tập kích bèn bắt quân khởi hành ban đêm, hàng ngũ không được chỉnh tề, tình hình hỗn loạn, giày xéo lên nhau”.
Cũng theo sử nhà Tống thì Quách Quỳ sau khi rút binh về nước bị luận tội trì hoãn không chịu tiến binh, dù thực tế không phải như vậy.
Quách Quỳ bị giáng chức làm tả vệ tướng quân và an trí ở Tây Kinh, tức không còn cầm quân lâm trận nữa. Mãi đến năm 1086, vua Tống Triết Tông lên ngôi mới cho Quách Quỳ làm Tri phủ Lộ châu, nhưng cũng chỉ được 2 năm sau thì ông mất, thọ 68 tuổi.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Điểm lại những lần quân Việt tiến đánh Trung Quốc
- Trạng nguyên khai khoa của Đại Việt đòi đất từ nhà Tống
Mời xem video:
Từ khóa nhà Tống Lê Đại Hành lịch sử Việt Nam Lý Thường Kiệt