Sự tĩnh lặng sâu nhất đến từ tâm lượng rộng lớn nhất
- An Hòa
- •
Khi những dòng nước nhỏ chảy vào một con suối thì chúng ta sẽ nghe được âm thanh róc rách của dòng chảy. Nhưng khi những con sông lớn chảy ra biển rộng thì biển rộng vẫn êm đềm. Biển bao la và biển cũng bao dung. Người ta khi ý loạn tâm phiền, hãy đừng ngại hướng mặt ra biển cả, bởi vì khi ấy tâm cảnh của chúng ta cũng sẽ trở nên rộng lớn, tâm khoan dung sẽ có thể bao bọc lấy vạn vật và hết thảy cũng sẽ quy về sự tĩnh lặng, bình yên.
Tâm lượng của một người lớn hay nhỏ sẽ biểu thị cho cảnh giới cao hay thấp của người ấy. Người có lòng dạ hẹp hòi, tù túng thì sẽ không thể cảm nhận hay lĩnh hội được sự bình yên và mỹ diệu mà lòng bao dung mang lại. Xưa nay, lòng bao dung luôn được xem là biểu hiện tâm cảnh tự nhiên của người tu luyện.
Chuyện kể rằng ở một vùng nọ, có một vị hòa thượng trụ trì rất được kính nể vì sự từ bi và phong thái đức độ, bao dung. Danh tiếng của ông vang xa, khiến nhiều người có lòng tu hành tới chùa bái ông làm sư phụ.
Một ngày kia, có một người con gái trẻ đẹp nhà gần chùa bỗng bị chửa hoang. Không biết cha đứa bé là ai, bố mẹ cô gái vô cùng tức giận và xấu hổ, đã đánh đập tra khảo con gái để biết lai lịch kẻ gian. Ban đầu cô con gái không chịu nói gì cả, nhưng vì bị đánh đập dữ dội, trong lúc túng quẫn, cô đành bịa ra rằng đó là vị sư trụ trì nọ.
Một vị sư được người người kính trọng lại làm ra chuyện bại hoại như thế. Câu chuyện lan ra khắp xóm làng, dân chúng dị nghị, nghi ngờ, xầm xì, khinh thường, cho rằng ông ấy mà tu hành gì, đồ đạo đức giả…
Đối mặt với tất cả, vị sư trụ trì vẫn bình thản im lặng. Đệ tử của ông dần dần bỏ đi gần hết.
Gia đình cô gái thì vô cùng tức giận, chờ đứa con được sinh ra rồi, họ mang đứa bé tới dúi cho vị sư trụ trì. Họ nói: “Đấy, con của ông đấy, ông giữ mà nuôi lấy, đồ đạo đức giả!”.
Vị sư trụ trì không nói gì, chỉ bình thản nhận lấy đứa bé.
Vì không có sữa cho đứa bé, bị đệ tử xa lánh, chỉ còn có một mình trong chùa, nên chính ông phải bồng đứa bé ngày ngày đi xin sữa, bị người đời chê bai, dè bỉu.
Sau một thời gian dài, đến khi đứa trẻ khôn lớn một chút, cô gái và người con trai khi xưa mới kín đáo tìm đến vị sư trụ trì, xin lại con của mình.
Trước cảnh đứa bé được mình nuôi lớn, chăm bẵm hàng ngày sẽ rời đi, vị sư trụ trì vẫn bình thản đồng ý.
Người tu luyện có thể nhẫn nhục tiến tiếp về phía trước với một tấm lòng rộng lượng, không rời bỏ tâm từ bi bao dung. Cho dù là gặp phải sự công kích, oan ức cũng vẫn giữ được sự bình lặng trong tâm mình, vẫn bao dung hết thảy. Đó chính là sự thăng hoa về cảnh giới.
Gia Cát Lượng từng nói: “Đạm bạc dĩ minh chí, trữ tĩnh dĩ trí viễn”, đạm bạc để sáng tỏ chí lớn, yên tĩnh để chí hướng xa xôi. Ông không chỉ là nhà quân sự tài ba mà còn là một cao nhân đắc đạo. Ông chưa ra khỏi nhà tranh đã có thể biết thiên hạ chia ba, cho dù đang ở vào hoàn cảnh nguy hiểm thì trong tâm vẫn có thể thản nhiên như cũ.
Trong cuốn tiểu thuyết “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, lúc bị thất thủ ở Nhai Đình, nghe tin Tư Mã Ý dẫn mười lăm vạn đại quân tiến đánh Tây huyện mà trong tay chỉ có vẻn vẹn mấy trăm quân binh canh giữ thành, Gia Cát Lượng vẫn không rơi vào cảnh “tâm hoảng ý loạn”. Ông bình tâm tĩnh khí, dẫn hai tiểu đồng mang theo đàn, ngồi dựa vào lan can, đốt hương gảy cầm. Tiếng đàn phát ra một cách bình tĩnh bất loạn khiến Tư Mã Ý nghe ra khí thế như Gia Cát Lượng đang có trong tay trăm vạn hùng binh. Tư Mã Ý sợ có kỳ mưu, nên chọn cách lui quân. Chính phong thái bình thản của Gia Cát Lượng đã dọa lui đại quân của Tư Mã Ý.
Cổ ngữ có câu: “Tần sơn băng ư tiền nhi bất cải kỳ sắc” (núi sụp trước mắt, mặt không biến sắc), đấy chính là chỗ ung dung trấn định của một sinh mệnh chân chính, là một loại tu dưỡng đích thực. Người buông bỏ sinh tử, thắng bại, có thể ngồi trên thành không trước đại địch trùng trùng, mà tiếng đàn vẫn ung dung bình hòa tròn trịa. Ý chí rộng lớn, khí định thần nhàn, ở thời điểm nào cũng có thể tâm bình khí hòa, sóng gợn mà không sợ hãi. Đây là cái tâm tĩnh mà người tu luyện có được sau khi đã ngộ ra bản chất của sinh mệnh.
Xã hội hiện đại ngày nay không ít người muốn trở về với sự tĩnh lặng, tìm kiếm các phương pháp thiền định của người xưa. Đó là bởi vì điều mà sự thành đạt trong kinh doanh, sự khổng lồ của tài phú hay danh vọng và địa vị mang lại cho con người không phải là hạnh phúc. Sống trong danh và lợi, được và mất khiến con người trở nên thấp thỏm lo âu, ăn không ngon, ngủ không yên. Còn thiền định lại có thể khiến con người trở nên tĩnh lặng. Chỉ khi nào người ta dừng lại ngồi lặng lẽ suy nghĩ một mình, mới phát hiện ra loại cảm giác yên bình nhẹ nhõm từ trong tâm phát ra. Ở một mức độ nhất định, nó có thể chữa lành tâm linh và giúp con người tạm thời thoát khỏi những thống khổ trong xã hội hiện đại.
Tâm tĩnh lặng có thể dẫn dắt con người đến với những điều xa xôi của vũ trụ, đó là nơi mà sinh mệnh khát khao được trở về. Sự vô tận của vũ trụ dường như dạy cho thế nhân rằng phải có tấm lòng quảng đại rộng rãi, bao dung người khác, bỏ ác giữ thiện mới là con đường mà mỗi sinh mệnh nên đi.
Có câu nói rằng, lớn hơn đất là biển, lớn hơn biển là trời, mà lớn hơn trời chính là lòng dạ. Đời người là một quá trình tu hành, những sự tình xảy ra trong cuộc đời là để tu luyện tâm tính. Lòng người nếu có thể dung nạp được hết thảy thì sẽ quảng đại rộng lớn, từ bi và tĩnh lặng. Tu dưỡng tâm thêm một phần quảng đại sẽ giúp tâm thêm một phần tĩnh tại, bình yên.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa bao dung Tĩnh tâm tĩnh lặng