Thành Sài Gòn, thành Huế, thành Hà Nội đều xây đắp dưới đời nhà Nguyễn. Nếu không có loạn Lê Văn Khôi và nếu thực dân Pháp quả thật có máu hiếu cổ thì ở Sài Gòn còn nhiều di tích cổ kính. Đó là Qui Thành, xây từ năm 1790, còn được gọi là Gia Định Kinh, tức là Kinh đô của Gia Long, khi ông chưa ra Huế.

Trước khi thực dân đến, Sài Gòn là Thành lớn, chung quanh là hơn 40 thôn xóm, với những chợ riêng, nào Chợ Sỏi, chợ Cây Da Còm, xóm Hàng Đinh, xóm Cốm, xóm Lò Rèn, xóm Dầu, xóm Chỉ, cầu Muối…

Khi phá thành Sài Gòn, thực dân Pháp có dụng ý là san bằng, chúng đốt luôn một số lúa trữ trong kho đủ sức nuôi từ 6 đến 8 ngàn binh sĩ trong một năm. Ấy là ngày 8-3 Dương lịch 1859, chúng đặt 32 ổ thuốc, châm ngòi mà phá thành. Dụng ý của thực dân là gì? Về quân sự, chúng chẳng có lý do gì để sợ quân sĩ triều đình tái chiếm làm căn cứ phòng thủ. Chẳng qua là chúng muốn hăm he triều đình Huế: Nếu chống cự thì sớm muộn gì thành Huế cũng bị san bằng theo kiểu Sài Gòn. Ngoài ra, thực dân còn đặt kế hoạch lâu dài, biến Sài Gòn thành một xứ phố mất gốc, không dính líu với dân tộc. Dã tâm ấy càng bộc lộ rõ rệt hơn khi thống đốc Nam kỳ ký quyết định ngày 20-2-1862 truất hữu tất cả đất đai ở Sài Gòn, vì nhu cầu chỉnh trang thành phố. Đất chia ra từng lô, ai muốn ở lại thì phải đấu giá đất, nếu đấu giá không được thì có thể xin người chủ mới (trúng đấu giá) một số tiền bồi thường về nhà cửa của mình trên phần đất ấy. Để an ủi nạn nhân, thực dân cho họ qua vùng đất bên kia sông, giữa Rạch Ông Lớn và Rạch Ông Bé mà cư ngụ. Ngày 2-2-1863, thực dân ra lệnh dời mồ mả trong vòng 15 ngày để xẻ đường, phóng lộ. Vùng Chí Hòa, Hòa Hưng, Phú Thọ (thành cũ của ông Nguyễn Tri Phương) cũng chia ra từng lô, chỉ người Pháp mới có quyền đấu giá.

Mất nước, chùa chiền thời xưa cũng khó tồn tại. Nếu chịu nghe ngóng những giai thoại của ông già bà cả, ta nghe nhiều sự tích, nào Gia Long bị Tây Sơn rượt, chạy vào ngôi chùa nọ ở vùng Tân Sơn Nhất, vị chủ chùa lanh trí, bèn khiêng một pho tượng Phật trên bệ xuống, mời Gia Long trèo lên ngồi im, giả như tượng bằng gỗ, vì chuyện xảy ra lúc ban đêm nên quân sĩ Tây Sơn vào lục soát chẳng thấy gì cả. Lại còn chuyện Gia Long bị rượt, chạy vào ngôi chùa ở vùng Mỹ Tho, ngồi trong cái đại hồng chung to lớn, nhờ đó mà quân Tây Sơn không tìm ra tung tích. Hai chuyện trên hơi khó tin, nhưng điều chắc chắn là trong Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, soạn vào đầu triều Minh Mạng và Đại Nam nhất thống chí, soạn vào cuối đời Tự Đức có ghi lại một số chùa chiền ở vùng Sài Gòn. Vua chúa nhà Nguyễn và dân Việt sùng bái đạo Phật, nơi đô hội như Sài Gòn nhất định là chùa Phật đã đóng vai trò quan trọng về văn hóa.

Sự vắng bóng các ngôi chùa tại Sài Gòn - Sơn Nam
(Ảnh: Fanpage Thú Chơi Sách)

Xin liệt kê vài ngôi chùa tiêu biểu nhất:

1. Chùa Giác Lâm

Đất chùa hồi xưa rộng lắm, khi gần đến chùa, du khách ngạc nhiên gặp bao nhiêu là tháp cổ và cây cổ thụ. Gia Định thành thông chí (mục Thành trì chí) chép với nét chính:

  • Chùa ở trên gò đất hình tròn, như bức bình phong, như cái nón, như cái màn, tấm nệm, rộng 3 dặm, cây cao như rừng, hoa nở tựa gấm.
  • Chùa lập vào mùa Xuân năm Giáp Tý (1744), đời Thế Tôn năm thứ 7, (tức là Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát), do người xã Minh Hương là Lý Thụy Long quyền của, xây dựng.
  • Mỗi lần đến tiết Thanh Minh, Trùng Cửu, khách du ngoạn đi đến đây từng đoàn năm ba người để mở tiệc thưởng hoa, chuốc chén ngâm vịnh, ngó xuống chợ búa rộn ràng xa cách ngoài tầm mắt.
  • Cuối đời Gia Long, Viên Quang đại lão hòa thượng thuộc phái Lâm Tế đến trụ trì, được nhiều uy tín, năm 1819, mở rộng giới đàn, thiện nam tín nữ quy y rất đông.

Gò đất chùa Giác Lâm ngày xưa gọi là Cẩm Sơn, theo như tài liệu trên, ngày nay, còn gọi là Cẩm Đệm, chùa Cẩm Đệm. Chúng ta được biết chùa do người Minh Hương góp tiền tạo lập; đình Minh Hương Gia Thạnh vẫn cất trên nền của công sở làng Minh Hương trước kia. Nên nhớ ông Trịnh Hoài Đức là người Minh Hương nên ưa nhắc nhở và rung động khi dịp Thanh Minh. Trùng Cửu trở về hằng năm, người Minh Hương ở Chợ Lớn dạo chơi trong dịp Đạp Thanh, khiến ta nhớ đến truyện Kiều.

2. Chùa Kim Chương

Ở sát chợ Sài Gòn ngày nay. Sau đây là chi tiết của Gia Định thành thông chí:

  • Ở phía Tây Nam trấn hơn 4 dặm.
  • Giữa chùa là Phật điện, trước sau có Đông Tây đường, sơn môn, phương trượng, kinh thất, hương viện và phạn đường, chạm trổ tô sơn huy hoàng.
  • Phía Bắc chùa, có suối nước ngọt bốn mùa dưới đất chảy tràn ra ướt đẫm cả đường đi.
  • Chùa lập năm Ất Hợi (1755) đời Thế tôn Nguyễn Phúc Khoát, do Đạt Bổn hòa thượng từ Quy Nhơn đến lập, vua (tức là Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát) ban cho tấm biển đề là Kim Chương tự. Đạt Bổn hòa thượng mất, truyền cho đồ đệ là Quang Triệt: Năm Ất Vị (1775) tướng Lý Tài lập vua Mục Vương tại đây.
  • Năm Gia Long thứ 12 (1813) Cao hoàng hậu ban cho chùa 10.000 quan để trùng tu. Vào đời Gia Long, chùa Kim Chương là một ngôi chùa danh tiếng ở đất Gia Định.

Và đây là tài liệu trích từ Đại Nam nhất thống chí, soạn vào đời Tự Đức, gọi đó là chùa Thiên Trường (Thiên Trường tự) với chi tiết:

  • Ở địa phận thôn Tân Triêm, huyện Bình Dương.
  • Có nguồn nước ngọt chảy lặn dưới đất, qua Đông Nam chùa tràn lên mặt đất, bốn mùa thấm ướt đường đi.
  • Chùa do ngài Đạt Bổn lập năm 1755, phụng sắc tứ là Phổ Quang Thiên Sơn tự, Cao hoàng hậu đã cúng 10.000 quan.

Bây giờ thử xét lại chùa Kim Chương này. Điểm thứ nhất là tại sao có chuyện đổi tên, đời trước gọi là Kim Chương, đời sau gọi là Thiên Trường? Chúng tôi không dám giải đáp, phải chăng vì ky húy, hoặc vì Duệ Tôn Hiếu Định hoàng đế (Nguyễn Phúc Thuần) bị quân Tây Sơn giết tại chùa này vào tháng 9 năm Đinh Dậu (1777), hoặc vì chùa này chứng kiến tình trạng chia rẽ của hai phe chúa Nguyễn: Tần Chính Vương dựa vào phe Lý Tài, Thái Thượng vương và Nguyễn Ánh dựa vào phe Đỗ Thành Nhơn? Năm 1789, trong khi chờ xây thành Gia Định, vua Gia Long đến trú ngụ tại chùa một thời gian.

Điểm thứ nhì, quan trọng hơn, là xác định vị trí chùa Kim Chương trên bản đồ. Thôn Tân Triêm thời đàng cựu nằm ở vùng Cầu Kho, gọi là Cầu Kho vì có kho Gian Thảo, (sau gọi là kho Bốn Trấn) do vua Gia Long lập để tích trữ lúa gạo thâu thuế từ 4 trấn ở xứ Gia Định, kho ở sát mé sông. Theo bản đồ do ông Trần Văn Học họa vào năm Gia Long thứ 14 thì chùa nay ở kế bên Công Thần Miếu tức là đền Hiển Trung, nằm trên gò đất cao. Trên bản đồ Trần Văn Học còn ghi rõ một nhánh của Rạch Bần (nay còn gọi Rạch Bần) chảy lên phía chùa rồi quẹo về phía chợ Bến Nghé, ghi là Rạch Bến Chùa, chứng tỏ thời xưa ai muốn đến chùa Kim Chương thì theo con rạch này, hoặc ở gần chùa có xóm sung túc.

Mạch suối ẩm ướt bốn mùa, thời đàng cựu gọi “Đường Nước Nhỉ” tức là đoạn đường có nước từ dưới đất nhỉ lên, trào lên. Ông Vương Hồng Sển phỏng định đường Nước Nhỉ này có lẽ là đường Cống Quỳnh ăn thông ra Phạm Ngũ Lão ngày nay (phía thành Ô Ma).

Năm 1885, học giả Trương Vĩnh Ký trong bài diễn thuyết về Sài Gòn và vùng phụ cận đã nói là không còn thấy chùa này. Phải chăng thực dân đã phá bỏ rồi? Nên nhớ là trước năm 1885, thực dân thiết kế vùng Ô Ma thành một nông trại, rộng mấy mươi mẫu, ăn lên đến phía Đồng Tập Trận để thí nghiệm giống lúa đem từ Miến Điện và để cho cỏ mọc mà nuôi ngựa giống (Ferme des Mares).

3. Chùa cây Mai

Chùa này được nhắc tới, phần lớn nhờ bài thơ vịnh Chùa Cây Mai của Tôn Thọ Tường “lặng lẽ chuông quen con bóng xế, tò le kèn lạ mặt trời chiều”. Tên chữ là Mai Khâu Tự, đáng chú ý là trong Gia Định thành thông chí lại chép vào mục Sơn Xuyên Chí chớ không ở mục Thành Trì Chí. Gia Định thành thông chí ghi lại vài nét đặc biệt như sau:

  • Cách phía Nam trấn 30 dặm rưỡi, gò đất nổi cao có nhiều Nam Mai, thứ hoa này bẩm linh khí sinh ra, không đem trồng ở nơi khác được.
  • Trên gò có ngôi chùa Ân Tôn đêm đọc “bối kinh”, chuông mai trống chiều vang rền, mường tượng như giữa thế giới nhà Phật ở Ấn Độ (nguyên tác: Thứu Lĩnh thế giới).
  • Nhiều cô gái chống thuyền đi hái sen quanh chùa, gặp lúc giải tiết thi văn nhân thi sĩ mang bầu rượu, trèo lên ngồi tại đầu gò mà ngâm thi dưới gốc mai trổ hoa.
  • Gò này nguyên là chỗ chùa tháp nước Cao Miên, nền móng còn nhận rõ. Năm Gia Long thứ 15 (1816), có thầy tăng trùng tu lại, đào được ngói gạch cỡ lớn của đời xưa rất nhiều và đào được 2 miếng vàng lá, trên mặt chạm hình “cổ Phật cỡi voi” có lẽ đây là vật của “Hồ tăng” trấn tháp đó chăng?

Đại Nam nhất thống chí đời Tự Đức không ghi chi tiết nào khác hơn nhưng chép vào mục Tự Quán, gọi là chùa Mai Khâu.

Qua tài liệu trên, ta thấy hồi đời Gia Long, đây là nơi thắng cảnh chở chưa chính thức là chùa, vì vậy mà ghi vào mục Sơn Xuyên. Năm Gia Long thứ 15, mới được người Việt Nam trùng tu, vì người tu lúc trước bỏ đi? Năm xưa, các ông Thái Văn Kiểm, ông Đông Hồ đã bàn bạc về cây mai ở chùa Cây Mai này rồi (xem lại tạp chí Bách Khoa, khoảng năm 1960). Theo truyền thuyết, hồi cuối đời Tự Đức, một số danh sĩ đã lập Bạch Mai thi xã, tụ họp bên mấy gốc mai này mà ngâm thi vịnh phú.

4. Chùa Khải Tường

Theo Đại Nam nhất thống chí, chùa lập theo lệnh vua Minh Mạng để ghi dấu tích nơi ngài chào đời, xem là vùng đất lành. Chùa ở Tân Lộc thôn, huyện Bình Dương, lập năm 1832, với tượng Phật tương truyền là của nhà vua cho chở từ Huế vào Nam.

Vị trí chùa này ở góc đường Võ Văn Tần và Lê Quí Đôn ngày nay. Ta biết đích xác vị trí này, và khi Pháp đánh nước ta, chùa bị chiếm, lập đồn. Vào ngày 18-12-1860, viên đại úy Barbet chỉ huy quân trú đóng bị nghĩa quân phục kích giết chết. Do đó, ta suy luận rằng hồi người Pháp mới qua, góc đường này nhiều bụi rậm và cây cổ thụ. Tượng Phật của chùa Khải Tường, may mắn thay, được dời về Viện Bảo tàng Lịch sử (ngay cửa chính, tượng bằng cây, bước vào là thấy).

5. Chùa Kiếng Phước

Tài liệu của Pháp gọi là Chùa Clochetons, phải chăng vì trên nóc chùa có treo nhiều cái chuông nhỏ, vị trí được xác nhận ở gò đất phía Chợ Lớn, đầu đường Phù Đổng Thiên Vương ngày nay, (trước kia mang tên là đường Clochetons), có Thánh Đường Hồi giáo, vùng đất cao ráo nay là nền trường Đại học Y khoa.

Khi chiếm được nước ta vào năm 1859, bọn thực dân Pháp không dám tiến xa vì năm sau, tướng Nguyễn Tri Phương cho đắp đồn ở Chí Hòa, đại quân của Pháp còn kẹt ở chiến trận Trung Hoa, mãi đến đầu 1861 mới rút về Sài Gòn.

Trong thời gian lũy Chí Hòa đang xây đắp, bọn thực dân cho thiết lập một chiến tuyến khá dài, nối từ Sài Gòn vô Chợ Lớn. Chúng công khai gọi đó là “Chiến tuyến Chùa Miểu” (Ligne des pagodes) gồm chùa Khải Tường, đền Hiển Trung, chùa Kiểng Phước và chùa Cây Mai (Đền Hiển Trung ở gần chùa Kim Chương). Mấy chùa này đều trở thành đồn lũy, bọn lính Pháp tha hồ tung hoành, bố trí như trại nhỏ, bên ngoài quân sĩ tới lui để bắt giết những kẻ bị tình nghi. Quan quân triều đình biết được chiến lược của địch, đêm mùng 3 rạng mùng 4 tháng 7 năm 1860, Tôn Thất Hiệp lãnh trách nhiệm đánh đồn ở chùa Kiểng Phước nhưng thất bại nặng.

Trận đánh đồn Chí Hòa diễn ra, quân Pháp thắng và truy nã quân Triều đình đến tận Trảng Bàng (Tây Ninh). Nhưng điều đáng nói là sau khi thắng trận, chúng không chịu trả nền chùa lại. Riêng về đền Hiển Trung (gần chùa Kim Chương) cất từ năm 1895 để thờ các vị công thần có công giúp Gia Long thì nhà binh Pháp đem bán theo giá thuận mãi cho một nhà thầu Hoa kiều là Wang Pieu để dỡ cột kèo đem đi nơi khác vào cuối năm 1868.

*

Ngoài mấy ngôi chùa lịch sử nói trên, Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định còn rải rác nhiều ngôi chùa nhỏ khác. Một số chùa ở ngoài phải dời chỗ vì vấn đề thiết kế đô thị, như chùa Hưng Long, chùa Từ Ân. Thực dân Pháp muốn dành ưu tiên cho tôn giáo khác mà chúng tin cậy và thích hơn, vào lúc bấy giờ.

Riêng về luật lệ tạo lập và điều khiển chùa Phật thì mỉa mai thay (và biết đâu đó cũng là điều vinh hạnh), thực dân Pháp đã liệt vào hàng những qui chế đề phòng khởi loạn! Tên thực dân khét tiếng là Ernes Outrey đã soạn một quyển cẩm nang dành cho các ông cai tổng và các hương chức hội tề về phép tắc cai trị, bản Pháp Văn nhan đề Nouveau recueil de législation cantonale et communale annamite de Cochinchine (nhà in Ménard et Rey, Sài Gòn, 1905), bản in quốc ngữ thì có vẻ hiền lành hơn, nhan đề là Tần thơ Tổng Lý qui điều. Chương 23 của sách này gom lại những luật lệ về sự trừng phạt những người làm loạn và những luật lệ về chùa chiền. Đại khái, theo châu tri của Thống đốc Nam kỳ đề ngày 6-7-1878, muốn lập chùa thì phải xin phép Tham biện chủ tỉnh, muốn bổ nhậm vị hòa thượng chủ chùa thì phải có sự đồng ý của Tham Biện chủ tỉnh. Hòa thượng chủ chùa phải có bằng cấp (bonze diplomé) khi các viên chức bổn xứ tra xét thì phải xuất trình ra, muốn thay đổi chùa, thay đổi cư trú, phải xin phép quan Tham Biện chủ tỉnh, và trình diện khi đến. Muốn hội họp trong chùa phải xin phép.

Bọn Pháp đề phòng như vậy cũng là có lý. Một số chùa chiền hồi đầu thế kỷ ở Nam kỳ đã là nơi tụ họp của nhọ sĩ yêu nước, và nhất là của Thiên Địa Hội. Theo sự nhận xét của chúng tôi thì trừ một số chùa, không nhiều cho lắm, đa số tỏ ra dễ dãi với những người làm cách mạng giành độc lập dân tộc. Ai thấy mình có thể vào chùa để ẩn náu thì cứ vào, nhà sư trụ trì cứ giữ thái độ đáng kính “Ai làm thì làm, miễn là khéo léo và kín đáo thì thôi”.

Sơn Nam

Đăng lại từ Fanpage Thú Chơi Sách
Mời độc giả ghé thăm

Xem thêm:

Mời xem video: