Tản mạn chuyện xem bói đầu năm
- Hồ Hữu Tường
- •
A – Dân tộc Việt Nam ta có những kho tàng quý giá vô ngần. Ông cha đã lắm công phu mới tạo được, mới gìn cho đến… “ngày nay con cháu lấy làm chơi”. Hiển hiện, có bức địa đồ, mà xé rách nát mãi. Thi sĩ Tản Đà không buồn làm sao được?
Vào thế kỷ thứ mười ba, quân Mông Nguyên vạn thắng, vó ngựa giẵm nát cỏ, từ cao nguyên trung bộ Á châu đến trung bộ Âu châu, cướp kinh đô thứ hai của đế quốc La Mã là Constantinople, rầm rộ kéo đến ngưỡng cửa Ai Cập của Phi Châu, chà đạp đế quốc Ba Tư và Ấn Độ, chinh phục nhà Tống, diệt nước Kim, tạo lập một đế quốc khổng lồ, cổ kim chưa từng có.
Thế mà…
Thế mà quân Mông Nguyên kéo sang qua xâm lăng đất Việt. Đợt đầu vào năm 1257. Nhờ lòng trời (giúp đỡ dân Việt bằng cách bủa bịnh tật làm cho chúng không chịu nổi chướng khỉ) hiệp với sức người, mà đợt xâm lăng ấy bị phá tan, mà đạo binh kiêu hùng ấy bại trận, mà chúng ngậm đắng nuốt cay, mà thêm vào số vạn thắng một trận thảm bại đầu tiên.
Thuở ấy có người thấy xa, thấy quân Mông Nguyên vì vạn thắng mà kiêu hùng, lẽ nào chịu nuốt hận của một cơn thảm bại? Người bèn để hết tâm trí, nghiên cứu tất cả các loại binh thơ, từ Âm phù kinh của Hoàng đế cùng các biến thể do Khương Thượng, Phạm Lãi, Trương Lương, Khổng Minh, cho đến đủ bốn mươi ba chương binh pháp (xin nhấn mạnh nơi con số bốn mươi ba, vì hậu thế chỉ còn giữ được “thập tam thiên”) của Tôn Võ, suốt hơn hai mươi năm. Người rút hết tinh hoa của tiền nhân, thêm kinh nghiệm và suy tư riêng của nòi Việt, mà đúc kết thành hai tác phẩm.
Việc tìm kiếm quả thành sự thật. Hai mươi sáu năm sau, quả nhiên, quân Mông Nguyên lại kéo sang. Bấy giờ, người mới đem hai tài liệu ấy ra mà dạy dỗ sĩ tốt. Và hai lượt danh tướng Thoát Hoan của Mông Cổ thảy chạy dài.
Lần nầy các sử gia không ghi được sự giúp sức của Trời. Âu là ta phải kết luận rằng, chỉ có nhờ sức và tài của người mà thôi. Sức người, ấy là công phu và cố gắng của toàn dân. Còn tài? Tài ấy nhờ hai bộ Binh thơ yếu lược và Vạn kiếp bí truyền mà người Việt thuở ấy rèn tập mà có được. Quả thật là kho tàng quý giá vô ngần, bởi vì nhờ binh pháp của Trần Quốc Tuấn, mà người Việt ngăn làn sóng vạn thắng của Mông Nguyên. Thử hỏi, có dân tộc nào có thể trưng ra một binh pháp tài tình như vậy chăng?
Thế mà, của báu ông cha xưa để lại, “ngày nay con cháu lấy làm chơi”… cho đến đỗi, ông Nguyễn Huyền Anh, trong quyển Việt Nam danh nhân tự điển, (tr. 337, cột 2, dòng 19) bảo rằng “… tuy đã thất truyền, nên hiện tại khó lòng mà lượng được giá trị nội dung”.
*
Thật ra, chưa hẳn là hai tác phẩm của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đã hoàn toàn thất truyền. Để chứng minh rằng Binh thơ yếu lược còn truyền đến ngày nay, tôi xin trích đăng những dòng đầu của tác phẩm ấy, thuộc về loại “bói đầu năm”, trích từ thiên Thiên tượng : 天象 39.
I – “Chiếm nguyền đán thiên sắc vân khí bí pháp. Nguyền đán chánh nguyệt, sơ nhất nhật, tý thời, đăng lâu bí chiếm tứ phương. Hữu hoàng vân khí, hòa cốc đại thục. Bạch vân khí, hữu binh khởi. Nhược độc xuất kỳ phương hạ, tắc thị hữu phương binh khởi. Tứ phương vọng vô vân, nhi độc kiến xích bạch nhị sắc tương liên, xích vi huyết, bạch vi kim, sở giáng phương hạ tắc khởi loạn. Thanh sắc phong tai, Hắc sắc thủy tai. Chủ quốc cảnh bị”.
占元旦天色雲氣秘法.元旦正月初一日子辰,豋樓秘占四方.有黄雲氣和穀大熱白雲氣有, 兵起若獨出其方下則是方有兵起四方望無雲而獨見赤白二色相連.赤爲血.白爲金所降方下則起亂. 青色風灾黑色水灾主國警備.
Đối với các bạn đọc không rành hán tự, tôi xin tạm dịch như sau:
“Phép bí mật để xem khí trời và sắc mây trong tiết Nguyên đán. Tiết Nguyên đán, đúng tháng giêng, ngày mồng một, giờ tý, lên lầu mà bí mật xem bốn phương. Nếu thấy khí mây màu vàng, thì năm ấy lúa trúng mùa lớn. Nếu thấy khí mây có sắc trắng, thì năm ấy có binh dậy. Nếu một vầng mây hiện ra một mình dưới một phương trời nào, thì ở phương ấy có binh dậy. Nếu trông bốn phương không có mây, mà chỉ thấy hai sắc đỏ trắng liền nhau, thì sắc đỏ tượng trưng cho máu, sắc trắng tượng trưng cho chất kim (gươm đao): hai sắc trắng đỏ hạ xuống phương nào, thì phương ấy bắt đầu loạn. Sắc xanh là điềm có nạn gió bão. Sắc đen là điềm có nạn mưa lụt. Nước nào có điềm ấy phải phòng bị”.
Trước chúng ta, gần bảy trăm năm, có biết bao kẻ, thử giở Binh Thư Yếu Lược mà đọc mấy dòng đầu, vội vã xếp sách lại và buột miệng nói:
“Ông già nầy lẩm cẩm thật! Ngày Tết, mồng một tháng giêng, trời tối đen như mực, chỉ có sao mà không có trăng, dầu có leo lên lầu mà xem khí sắc của trời và mây, làm sao mà thấy mây sắc trắng, sắc vàng, sắc xanh, sắc đỏ?”
Suốt bảy trăm năm, đã có bao nhiêu người có thành kiến rằng ông già Trần Quốc Tuấn là một ông già lẩm cẩm, nên chi, bộ Binh Thư Yếu Lược chẳng ai thèm đọc, chẳng ai thèm gìn làm của báu của nước nhà.
*
Tôi cũng thuộc về hạng “già lẩm cẩm”. Ai đi thuở nhỏ học khoa học, trong phòng làm việc toàn là sách khoa học cao cấp, vị tất những ông hiện nay vỗ ngực xưng mình là khoa học và nhơn danh khoa học để chưởi tôi là phản khoa học, lại đọc nổi năm mươi trang mà ngáp không chảy nước mắt. Tôi lại thích đủ loại văn phản khoa học của ông già Trần Quốc Tuấn, để tìm hiểu những chỗ mà thế nhân gọi là “lẩm cẩm”. Đây xin chép một đoạn nữa.
“Thiên thời hành vân pháp:
Phàm vân giả sơn khí dã, nhân xúc thạch nhi khởi, vị chi thành vân giả. Cẩm thư vân: Tướng đương chánh đán, tý thời, đăng lâu vọng chiếm. Từ phương quang lãng, nhi độc trung thiên sở hiện thanh vân, thiên hạ cơ cẩn. Bạch vân quốc tang chi sự. Xích vân lưu huyết, thiên hạ khởi binh, di địch động tái. Hắc vân tạo thủy tai. Hoàng vân cát triệu. Nhược tứ tái phong trần, xích mãn sơn xuyên, tất giáng vũ dã”.
“天時行雲法: 凡雲者山氣也, 因觸石而起為之成雲者.禁書云: “將當正旦子辰, 登樓望占四方光朗, 而獨中天所現青雲, 天下飢謹. 白雲國喪之事. 赤雲流血天下起兵,夷狄動塞. 黑雲潦水災. 雲黄吉兆. 若四塞風塵, 赤滿山川, 必降雨也”.
Xin miễn dịch và xin kể thêm bao nhiêu phép bí mật để bói đầu năm. Như phép “Nguyên đán lôi thinh” (ở miền Nam nầy, làm gì có tiếng sấm vào dịp tết để mà nghe?), như phép “bát phong bí chỉ pháp lệ” trong ấy ông già lẩm cẩm nêu ra nào “hồng sắc ác phong”, “huỳnh sắc phong”, “hắc sắc phong”, “sát tặc phong”, “thần lịnh ác phong”, “bại binh phong”, “ác noãn phong”, “thủy ác phong” (Làm gì mà thấy được màu sắc của gió, để đếm được tám thứ gió) và vân vân.
Đọc năm “lẩm cẩm” của Trần Quốc Tuấn, riết rồi cũng hóa ra lẩm cẩm theo, nên thử dịch những bài thi của ngài ra văn Nôm cho người bây giờ đọc mà ngâm nga chơi.
DỊCH NÔM:
1 – Hồng sắc ác phong
Hốt nhiên thiên địa biến thành hồng
Hiền sĩ tao phùng lụy tiết trung
Hạn chí bất quá nhất bách nhật
Nhất quốc lưỡng xứ tịnh tranh hùng
1 – Gió sắc hồng
Bỗng dưng trời đất hóa ra hồng:
Hiền sĩ chẳng ngờ gặp ngục gông
Hẹn tới không ngoài trăm bữa ấy,
Nước chia hai cõi quyết tranh hùng.
2 – Huỳnh sắc phong
Bạo nhiên thiên địa biến thành huỳnh
Tất hữu trung thần phi đạo vong
Hạn chí bất quá tam tuần nhật
Tứ phương tịnh khởi động yêu cuồng
2 – Gió sắc vàng
Bỗng dưng trời đất hóa ra vàng
Tất có trung thần phải chết oan
Hẹn tới không ngoài ba tuần nhật
Bốn phương yêu quái khởi làm ngang.
3 – Hắc sắc phong
Hắc phong hốt khởi nhật thời hành
Nhật nguyệt tinh-thần ám bất minh
Hạn chí bất quá tam bách nhật
Man di tất động khởi đao binh
3 – Gió sắc đen
Gió đen bỗng thổi giữa trời quang
Trời đất sao trăng phải tối ngang
Hẹn tới trong vòng mười tháng nữa.
Giặc man tắc khởi cuộc xâm lăng.
4 – Sát tặc phong
Trận thượng tùy thời thuận ngã tùng
Minh điều chiết thụ khởi kinh phong
Tam quân cấp tiến tùng phong bệnh
Giao chiến chi thời-đại hữu công
4 – Gió giết giặc
Giữa trận tùy thời ta hãy theo.
Nhành rung, cây gãy, gió hò reo:
Ba quân gấp tiến theo chiều gió,
Thời ấy giao chinh thắng lợi nhiều.
5 – Thần lịnh ác phong
Trú trung đệ ngũ hiện thần phong,
Khước trại bả thương tất đại hung
Tiền đồ bất quá thập lý địa,
Tất phòng lộ thượng phục binh hùng
5 – Gió dữ theo lịnh của thần
Giữa ngày nổi ngọn gió thần phong.
Nhổ trại, cầm thương tất gặp hung,
Trước mắt không hơn mười dặm đất.
Phải phòng bên địch phục binh hùng.
6 – Bại binh phong
Bài binh tứ kiến bại binh phong
Ức diện dương trần tất đại phong
Tam quân truyền lệnh thâu binh mã
Giao chiến chi thời tất tổn vong
6 – Gió làm bại binh
Ra binh đã thấy gió thua binh,
Các bụi bay mũ, thật hãi kinh.
Truyền lịnh ba quân về chốn cũ,
Thời nầy giao chiến ắt hao mình.
7 – Ác noãn phong
Hốt khởi cuồng phong thích hiện nhân
Viêm nhiên sĩ tốt hạn lưu thân
Kỳ trung bách nhật đương đại chiến
Huyết địa lưu tinh tất loạn phân
7 – Gió ấm ác hại
Bỗng trận cuồng phong thổi nướng người,
Nóng ran: sĩ tốt đẫm mồ hôi,
Trong vòng ba tháng, phòng chinh chiến,
Thấy máu ba quân tán loạn rồi.
8 – Thủy ác phong
Phá nhân tâm cốt hiện thủy phong
Thuyền kiều thủy trận tất vô công
Tam quân truyền lệnh vô nhãn trước
Đề phòng tả hữu phục binh công
8 – Gió mưa ác hại
Lạnh thấu xương người ấy thủy phong,
Thuyền, cầu, thủy trận: chẳng nên dùng
Quân dầu được lệnh, khôn thi thố,
Binh phục bên đường phải khá phòng.
Phép xem gió đà như thế, mà hãy còn chín phép nhìn da trời, gọi “chiếm cửu tiên bí pháp”. Xin tạm dịch:
1 – Bích sắc thiên
Đệ nhất bích thiên xuất loạn nùng,
Đế vương điện thượng vấn quần công
Hiện chi bất quá thập lục nhật,
Tất nhiên biên tái động tây nhung
1 – Bích sắc thiên
Thứ nhất trời xanh thẫm lạ lùng
Vua cần lên điện hỏi quan cùng:
Hiện điềm như vậy, mười lăm bữa
Biên tái ắt phòng có giặc nhung
2 – Hồng sắc thiên
Tự nhiên thiên địa biến sinh hồng
Hiền sĩ tao phùng lụy tiết trung
Nhược vô tự phạm cuồng phong khởi
Bách nhật yên trần lưỡng quốc đồng
2 – Hồng sắc thiên
Tự nhiên trời đất biến ra hồng,
Hiền sĩ chẳng ngờ gặp ngục gông.
Ví bằng chẳng có cuồng phong tới,
Hai nước trăm ngày khởi chiến phong.
3 – Hoàng sắc thiên
Cư nhiên thiên địa biến thâm hoàng
Tất sát trung thần phi đạo vong
Huyết lưu địa thượng tam bách nhật,
Yên Tần lưỡng xứ động yêu cuồng
3 – Hoàng sắc thiên
Bỗng nhiên trời đất hóa ra vàng
Ắt có trung thần phải chết oan
Đầy đất, máu lan mười tháng đủ
Yên Tần yêu quái nổi làm càn.
4 – Hắc sắc thiên
Cư nhiên thiên địa biến hôn mê,
Chủ hữu âm mưu tác địch khi,
Hạn chí bất quá tam thập nhật,
Quyết nhiên tịch trắc mạc hồ nghi.
4 – Hắc sắc thiên
Bỗng nhiên trời đất hóa đen sì.
Chắc có gian thần mưu loạn chi.
Hẹn tới không ngoài bốn chục bữa.
Tự nhiên giảm bớt, chớ hồ nghi.
5 – Hư kinh thiên
Thảo mộc điều hòa bất động thinh
Cư nhiên hốt khởi nhược lôi minh
Kinh trung bất ngoại tam tuần nhật
Tứ phương cộng khởi động đao binh
5 – Hư kinh thiên
Cây cỏ điều hòa lặng lẽ bao!
Tiếng vang như sấm tự trời cao.
Kinh hoàng không quá ba tuần nhật.
Cùng khởi bốn phương việc kiếm đao.
6 – Khải môn thiên
Tuần phương Ngọc nữ khải thiên môn
Cao hưởng nghiêm thanh đại khởi văng
Hiệp bách nhật trung hữu tiên tấn
Hốt nhiên tái thượng định phong trần
Quốc trung thiên khải hung long lịnh
Đế vương tiện bái thượng tướng quân
6 – Khải môn thiên
Một tuần vang dội tiếng nghiêm thanh:
Ngọc Nữ phương trời mở rộng thênh.
Tiếng vọng xuống trần nghe ngỡ sấm,
Trăm ngày không tới ắt ra binh.
Bỗng dưng phá giặc ngoài biên cảnh
Hung lịnh trời ban xuống nước mình.
Để khiến ba quân tuân tướng lịnh.
Đăng đàn bái tướng mới thân chinh.
7 – Thiên giáng binh khí
Thiên hình binh khí tợ đao sang
Giáng hạ thiên biên tặc diệt vong
Tướng tất tương binh tùng thử chiến,
Tứ phương phát biểu tất lai hàng.
7 – Giáng binh khí thiên
Mây trời hình dạng giống cưa dao:
Thòng xuống chân trời giặc phải hao.
Hướng ấy tướng binh đồng quyết chiến.
Bốn phương tám sớ tất hàng đầu.
8 – Thiên khí bất điều
Hạ hành đông lệnh bắc phiên tàng,
Đông hành hạ lệnh nam chinh khởi
Thu hành xuân lịnh ứng đông thảo
Xuân tác thu lịnh quyết tây chinh
8 – Khí bất điều thiên
Hạ hành đông lịnh bắc phiên ẩn
Đông hành hạ lịnh ắt chinh nam
Thu hành xuân lịnh giặc đông dậy
Xuân hành thu lịnh giặc tây tràn.
9 – Càn thiên sinh biến
Huyết nhiễm đình đình danh viết biến
Âm dương sự biến chủ nan tri
Tư thiên ngộ thực ngôn sai mậu
Phần ngoại nhi ngôn chiết vật sai
9 – Càn thiên sinh biến
Nhựt nguyệt máu hườm sắc đỏ gay,
Âm dương có biến chủ không hay
Tư thiên bày tỏ điều sai quấy.
Lời nói bên ngoài phải xét suy.
Nếu phải trích dẫn những lối xem trời, trăng, mây, sao, gió của Trần Quốc Tuấn, giữ thật vững cái nguyên tắc “nói có sách”, mặc dầu “mách chưa có đủ chứng”, thì ít nữa cũng vài ngàn trang. Âu là dừng nơi đây mà bước sang qua địa hạt khác.
B – Ông đồ Nguyễn Thành Long, đêm ba mươi rạng mặt mồng một nầy, từ đầu hôm đến bấy giờ, chưa có ngủ. Cái đồng hồ con ngựa treo nơi cột nhà, đánh mười một tiếng. Ông lấy giấy, viết, nghiên mực ra, trải một miếng giấy hồng đơn to ra mà chiếm một quẻ Kỳ môn độn giáp, để xem năm nay trong xứ sẽ xảy ra việc chi.
Đứa con trai đầu lòng của ông, là hương hào Nguyễn Thành Hưng, chuẩn bị để chốc nữa, khi chuông đồng hồ đánh mười hai giờ sẽ cúng giao thừa, thấy cha đặt địa bàn, trí các sao, nói:
– Thưa cha, Kỳ môn độn giáp có tính được vài trăm năm chăng?
– Có thể được. Nhưng không xác cho lắm. Muốn cho xác, phải dựa theo Thái Ất thần kinh. Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Kiêm chiếm một quẻ “bói đầu năm”, cho mỗi năm, liên tiếp mấy trăm năm, cho hết một vòng “Thái ất” là cụ làm được bài sấm lưu lại cho đến bây giờ… Nhưng bây giờ, có mấy ai nhẫn nại như Trạng Trình, làm lại hơn năm trăm quẻ “bói đầu năm” để viết sấm?
Đứa con trai út của ông đồ, là cậu học trò Nguyễn Thành Phương, lem nhem ba chữ nho cho khỏi thẹn tiếng cha làm thầy, con bán sách, có một lối “bói đầu năm” khác. Chàng viết lên giấy ba chữ Nhật Nguyệt Minh và đếm nét:
– Nhật, bốn nét. Nguyệt, bốn nét. Minh, tám nét. Con số là 448. Trừ đi 384, còn lại 64.
Phương lấy cuốn Gia Cát thần toán ra mà tìm quẻ 64. Và đọc quẻ.
Hương hào Hưng thấy em làm vậy nói:
– Đáng lẽ, mầy phải ráng mà đặt một bài thơ chữ, rồi viết lên giấy, gọi là khai bút, đưa cho cha xem mà đoán cái quẻ đầu năm của mầy.
Phương đáp:
– Em làm sao mà đặt nổi một bài thơ chữ. Thì mượn thơ làm sẵn của Khổng Minh để lại. Em chép ra, ấy cũng là “khai bút” vậy.
C – Bà hương hào Hưng sắp bánh mứt vào dĩa xong, đặt vào mâm, thấy chưa đúng mười hai giờ, nên lại tủ sách lấy ra cuốn Truyện Kiều, hai tay cầm sách mà khấn. Khấn xong, bà giở sách ra, nhắm mắt lại, lấy ngón trỏ chỉ vào một trang, mở mắt ra mà đọc:
Chàng Vương quen mặt ra chào
Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa…
Còn thím Phương, thấy chị bạn dân “bói Kiều”, cũng bắt chước lấy quyển Lục Vân Tiên ra mà bói. Thím bói được câu:
Đêm nằm thấy một ông Tiên
Đem cho liều thuốc mắt liền sáng ra
nên thím tin rằng năm nay thím sẽ hanh thông lắm.
D – Tiếng đồng hồ gõ đúng mười hai giờ. Chú An, người ở bạn của ông đồ, theo làm chân tay cho ông từ lúc để chỏm, có một lối “bói đầu năm” khác. Chú ngồi trong bóng tối, nơi góc cây xoài, lắng tai nghe con gì kêu trước hơn hết, sau tiếng chuông đồng hồ gõ mười hai giờ khuya.
Tùy theo “con gì ra đời”, là chú An đoán rằng năm ấy sẽ làm ăn dễ dàng hay khó khăn.
Nhưng thím nấu ăn chưa vội bói đầu năm. Thím chờ mùng ba, luộc gà để cúng tổ ra nghề, thím sẽ “coi chơn gà” ra thể nào. Thím tin rằng bói chơn gà là chắc hơn cả.
Còn con Bảy, vừa bưng mâm bánh mứt đặt xong để cho ông đồ khấn vái trời đất, thì nó ra bẻ một nhánh lộc mà bói.
*
Lúc tôi hồi nhỏ, tôi thấy chung quanh tôi, ở nơi làng quê mùa, người ta bói đầu năm như vậy.
Năm nay, 1966, tôi không biết phải bói bằng khoa nào để đoán được số phận mình, số phận của toàn dân tộc. Hay là phải leo lên tầng thượng của một cái “binh đinh” mười từng mà xem sắc của trời, của mây, của gió, như Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đã dạy trong Binh Thơ Yếu Lược?
Hồ Hữu Tường
Đăng lại có chỉnh sửa từ bài viết “Bói đầu năm” trong Tập San Sử Địa số 5
Đăng lại từ Fanpage Thú Chơi Sách
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa nhà Trần Trần Quốc Tuấn Hưng Đạo Vương xem bói Binh Thư Yếu Lược Vạn Kiếp tông bí truyền thư