Tản mạn về chuyện “dùng nửa cuốn Luận Ngữ để trị thiên hạ”
- Hữu Đức
- •
Có một câu nói trong lịch sử về quân sư Triệu Phổ thời Tống như thế này: “Dùng nửa cuốn Luận Ngữ để trị thiên hạ”. Dùng nửa cuốn sách có thể trị thiên hạ chăng?
Triệu Phổ ban đầu là quan cấp dưới của Triệu Khuông Dẫn, địa vị thấp, học vấn kém. Năm 960, Triệu Khuông Dẫn đưa quân lên phía bắc, khi quân đến Trần Kiều, Triệu Phổ đã đưa ra kế sách giúp Triệu Khuông Dẫn phát động binh biến ở Trần Kiều. Sau Triệu Khuông Dẫn làm Hoàng đế, kiến lập triều Tống, sử gọi là Tống Thái Tổ.
Triệu Phổ phò tá Tống Thái Tổ thống nhất đất nước, vì là mưu thần có nhiều công trạng, ông được phong chức tương đương Tể tướng.
Tống Thái Tổ biết Triệu Phổ học thức nông cạn, ái ngại cho Triệu Phổ, bèn khuyên Triệu Phổ về đọc sách. Triệu Phổ cũng rất khiêm tốn, về nhà đều cần cù đọc sách hàng ngày. Triệu Phổ giải quyết việc triều chính cũng rất nhạy bén.
Mọi người trong nhà không biết Triệu Phổ đọc sách gì hàng ngày, mà ngày nào ông cũng đọc. Về sau người nhà mở hòm sách của ông ra, bên trong chỉ có một cuốn Luận Ngữ. Từ đó người đời nói rằng Triệu Phổ “dùng nửa cuốn Luận Ngữ để trị thiên hạ”.
Triệu Phổ bị Tống Thái Tổ cách chức vì những mâu thuẫn trong triều đình, sau đến thời Tống Thái Tông, ông lại được phong Tể tướng.
Có một lần, Tống Thái Tông hỏi Triệu Phổ: “Có người nói khanh chỉ đọc có một bộ Luận Ngữ, có đúng vậy không?”
Triệu Phổ thật thà trả lời: “Những gì thần biết, quả thật không vượt khỏi cuốn Luận Ngữ. Năm xưa thần dùng nửa bộ Luận Ngữ để phò trợ Thái tổ bình định thiên hạ, giờ đây thần dùng nửa bộ Luận Ngữ để phò trợ bệ hạ, giúp thiên hạ thái bình”.
Nghe qua câu chuyện trên, có thể nhiều người nghĩ cuốn Luận Ngữ ắt hẳn phải rất hay. Tuy nhiên, người đi học xưa kia, học đến đại học đều đọc Luận Ngữ, nhưng không phải ai cũng thành công như Triệu Phổ. Kỳ thật thì Triệu Phổ cũng không phải hoàn toàn là chính nhân quân tử, chỉ là mặt trị lý và mưu lược quả thật có chỗ xuất sắc hơn người. Mưu lược của ông dùng trong việc đối nội có thể giúp triều chính ổn định, nhưng dù sao thì cũng là đấu đá lẫn nhau. “Dùng nửa cuốn Luận Ngữ để trị thiên hạ” liệu có phải là câu nói thật lòng chứ?
Cũng có người lý giải rằng Triệu Phổ dùng nửa cuốn Luận Ngữ trị thiên hạ, ấy là ông đã dùng nửa cuốn sách mà “thiên hạ không đọc” để trị. Ý tứ là có rất nhiều cuốn sách quý mà chúng ta chỉ “đọc một nửa” thôi. Nửa đó là nửa mà chúng ta thấy hứng thú, yêu thích, cho rằng phù hợp với quan điểm của bản thân. Nửa còn lại có vẻ bình lặng, nhạt nhẽo, hoặc không phù hợp với bản thân, thì chúng ta thường chỉ lướt qua hoặc không tiếp nhận.
Ví như có nhiều người đọc và bàn luận về Tam Quốc Diễn Nghĩa, khen chê Lưu Bị, Tào Tháo, Gia Cát Lượng, Tư Mã Ý… Nhưng trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng đó còn có vô số bài học khác. Ví như Hoa Hâm ngụy quân tử bị Quản Ninh cắt chiếu tuyệt giao; Trương Tùng sơ suất mà mất mạng; Chung Hội, Đặng Ngải tuy giỏi, đạt được những chiến công hiển hách, nhưng không biết thời thế lòng người dẫn đến họa diệt thân… Hơn nữa, mấy ai dám nhìn thẳng bản thân là tham lam, bất tài, so sánh mình với Đổng Trác, Viên Thiệu… để tự răn? Ai có trí tuệ đặt mình vào hoàn cảnh tướng lĩnh, mưu sĩ, đế vương trong thời đại ấy để có cái nhìn bao trùm sâu rộng, và nhận định khen chê cho chính xác?
Lại ví dụ, Tây Du Ký diễn giải rất nhiều đạo lý tu luyện của Đạo gia, Phật gia. Mà những câu chuyện đánh yêu trừ quái, thực ra đều là để làm sống động hơn việc người tu hành xả bỏ thất tình lục dục, bài trừ tính xấu cụ thể nào đó. Nhưng ngày nay người ta chỉ hứng thú với những tình tiết đánh yêu trừ quái trong Tây Du Ký. Thêm vào đó, tác dụng điện ảnh càng phóng đại những màn đấu đá hoặc sắc tình, làm ra những cái gọi là Hậu Tây Du Ký, Hắc Tây Du Ký… thậm chí khiến cho ý nghĩa của các câu chuyện hoàn toàn đảo ngược.
Lại như Thủy Hử đọc sơ qua, nội dung tưởng là viết về kẻ cướp, chém giết, nhưng xuyên suốt chuyện lại không thiếu những đạo nghĩa mà đến kẻ cướp cũng không bỏ qua. Giáo đầu Vương Tiến chẳng màng chuyện hôn nhân bản thân, nhưng mẹ già thì ông nhất quyết không bỏ, đi trốn cũng phải chở mẹ theo cùng. Lý Quỳ khi được hưởng cuộc sống đầy đủ hơn, thì nghĩ ngay đến về nhà cõng mẹ lên Lương Sơn chung hưởng. Tống Giang vì lo cho cha già mà chưa chịu làm phản, v.v… Hay như, tham quan có thể được tha, trộm cắp có thể được tha, thậm chí giết người cũng vẫn có thể được tha, nhưng tà dâm, cưỡng ép con gái nhà lành, tư thông vợ người khác, đặc biệt những kẻ đội lốt nhà sư, đạo sỹ để làm việc xằng bậy đó… thì tất cả đều bị các vị anh hùng hảo hán tống tiễn xuống suối vàng.
Đọc được cái hay trong sách không phải khó. Cái chính là chúng ta có thể bình tĩnh, lý trí, hạ bỏ cái tôi cùng rất nhiều quan niệm cố hữu để đọc một cuốn sách hay không.
Hữu Đức
Xem thêm:
Mời xem video: