Tản mạn về chuyện nhà Nguyễn chống tham nhũng
- Trần Hưng
- •
Một đặc điểm của nhà Nguyễn là quan lại được hưởng bổng lộc cao, nhưng một khi phạm tội thì bị xử nặng hơn dân chúng. Các vua khai sáng nhà Nguyễn là Gia Long và Minh Mạng nổi tiếng nghiêm khắc với tệ tham nhũng. Vụ án tham nhũng lớn nhất triều Nguyễn được ghi chép lại là dưới thời vua Tự Đức, khiến một loạt quan lại bị xử trọng tội, không bỏ sót ai.
Năm 1854 một thương nhân Trung Quốc là Chu Trung Lập gửi thư báo lên Triều đình rằng nhiều quan lại gây khó khăn, ăn của đút lót từ thuyền ngoại quốc. Vua Tự Đức liền cho người đến Quảng Nam điều tra, kết quả báo lên những điều này đều có thật.
Sự việc điều tra hoàn tất, án trình lên, vua Tự Đức đem xử toàn bộ không sót một ai, bất kể quan lớn hay nhỏ. 17 người bị xử tội giảo giam hậu (bắt thắt cổ chết nhưng còn tạm giam đợi lệnh), 25 người bị tội lưu đày, 12 người bị tội làm lao dịch, 8 người bị phạt đánh gậy và cách chức. Quan lớn như Tham tri Bộ Hộ Phan Tĩnh cũng bị xét xử. Theo ghi chép từ các nguồn sử liệu thì đây là vụ án tham nhũng lớn nhất với số quan lại liên quan nhiều nhất thời Nguyễn.
Nhà Nguyễn nổi tiếng là nghiêm khắc với quan lại, thể hiện rõ từ luật định. Trong 400 điều của Bộ luật Gia Long thì 79 điều liên quan đến tham nhũng, quy định rõ quan lại nhận hối lộ thì bị phạt thấp nhất là đánh 70 trượng, cao nhất là treo cổ.
Giống như vua Gia Long và Minh Mạng, vua Tự Đức cũng rất mạnh tay chống nạn tham nhũng. Điều này được ghi chép lại trong cuốn “Chín đời Chúa, mười ba đời Vua triều Nguyễn”
Chẳng hạn năm 1849, vua Tự Đức có dụ rằng: “Trẫm nghe rằng quan sung sướng thì dân càng khốn khổ. Trên được lợi ích thì dưới chịu thiệt thòi. Cũng bởi những kẻ lộng phép mà làm càn, như xử án thẩm hình dụng tâm thay đổi để sách nhiễu hối lộ, hoặc giả ý đốc sưu thuế rồi nhúng tay vào việc bớt xén, hoặc bắt dân đóng góp, bóc lột nặng nề làm riêng cho mình, đem biếu đãi nịnh nọt để dọn đường tiến thân, xưa nay những mối tệ nạn đó không sao kể xiết”.
Vua cũng thường nhắc nhở các quan rằng: “Về phần các khanh nên chăm lo bổn phận, theo đúng phép tắc thanh liêm. Đó là điều rất mong mỏi của trẫm vậy. Giao cho quan Ngự sử và Án sát, bất luận quan lại trong triều ngoài nội. Nếu xét thực tình đúng như vậy thì lập tức tại triều nêu đích danh, để đem ra nghiêm phẩm rồi trừng phạt cho nghiêm phép nước”.
Những lời nhắc nhở đó đã được hiện thực hóa nhiều lần. Năm 1868, Điển ty vệ Trung bảo nhất Nguyễn Du được xác định là nhũng nhiễu, nhận đút lót, liền bị đem ra xử chém nhằm làm gương và răn đe các quan.
Một đặc điểm trong chế độ đãi ngộ quan lại của nhà Nguyễn là tiền “dưỡng liêm”. Theo đó, vua Gia Long quy định ngoài khoản tiền lương bổng còn cấp thêm cho các quan một khoản tiền gọi là “dưỡng liêm”, nhằm nuôi dưỡng lòng liêm khiết. Ban đầu khoản tiền này chỉ cấp cho Tri phủ và Tri huyện, vì vua Gia Long cho rằng các quan phủ huyện chức nhỏ nhưng lại gần gũi dân nhất, nên thêm cho khoản tiền “dưỡng liêm” nhằm đảm bảo cho cuộc sống của họ, bản thân có thể thanh liêm phục vụ dân chúng.
Đến thời vua Minh Mạng thì các quan được hưởng tiền “dưỡng liêm” được mở rộng thêm chức Tri châu, Đồng tri phủ, nhằm khuyến khích sự tiết tháo trong sạch. Đến thời vua Tự Đức thì tiền “dưỡng liêm” được mở rộng thêm cho các quan thu thế. Nói chung chỉ các quan địa phương được hưởng tiền này, các quan thuộc bộ máy trung ương ở Kinh thành không được hưởng số tiền này.
Với chế độ thưởng phạt công minh và nghiêm khắc, tham nhũng thời nhà Nguyễn không có nhiều. Khi xuất hiện thì các quan có liên quan đều bị trừng trị nặng theo quốc pháp.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Chống tham nhũng giúp Đại Việt có được thời kỳ toàn thịnh
- Vị vua nhà Nguyễn là khắc tinh của đám tham quan
Mời xem video:
Từ khóa vua Tự Đức nhà Nguyễn tham nhũng lịch sử Việt Nam