Tản mạn về một vài địa danh được gọi chệch đi ở Sài Gòn
- Trần Hưng
- •
Thành phố Sài Gòn có một số địa danh qua thời gian bị gọi chệch đi thành quen, trở thành tên chính thức, ngày nay ít người còn biết được tên gọi đúng là gì.
Quận Gò Vấp
Nơi đây được người Việt khai phá vào cuối thế kỷ 16. Thuở ấy ở đây là cái gò trồng nhiều cây, người Chăm gọi là cây Krai, còn người Việt gọi là cây Vắp. Vì gò mọc nhiều cây Vắp nên người Việt gọi đây là Gò Vắp, nhưng theo thời gian đọc chệnh thành Gò Vấp như ngày nay.
Thanh Đa
Ở phường 26 và 27 quận Bình Thạnh có các địa danh mang tên Thanh Đa như Kinh Thanh Đa, cư xá Thanh Đa, chợ Thanh Đa…
Năm 1818 thời nhà Nguyễn, nơi đây là thôn Thạnh Đa. Các tài liệu xưa như sách “Gia Định Thành Thông Chí” của Trịnh Hoài Đức cũng ghi nơi đây là thôn Thạnh Đa. Tuy nhiên đến thời thuộc Pháp, khi in bản đồ đã bỏ dấu khiến địa danh “Thạnh Đa” biến thành “Thanh Đa” như ngày nay.
Hàng Xanh
Nút giao thông Hàng Xanh ở quận Bình Thạnh là địa danh rất quen thuộc của người Sài Gòn. Tuy nhiên các tài liệu cũ trước đây thì tên đúng của địa danh này là “Hàng Sanh”. Nguyên trước kia ở hai bên đường Bạch Đằng có hai hàng cây Sanh chạy thẳng ra nút giao thông, nên nút giao thông này được gọi là Hàng Sanh, nhưng lâu dần đọc chệch ra thành Hàng Xanh.
Cát Lái
Hiện nay ở Sài Gòn có một số địa danh mang tên Cát Lái ở Thủ Đức như: cảng Cát Lái, ngã ba Cát Lái, phường Cát Lái, bến phà Cát Lái, sông Cát Lái… Tuy nhiên có một số phân tích cho rằng tên gọi đúng từ xa xưa là “Các Lái”.
Từ xa xưa các lái buôn từ miền Trung đến Gia Định thường hay đến khu vực này mang theo hàng hóa để buôn bán, dân gian thường gọi là “Các Lái”. Trên các ghe bầu họ ngồi với nhau, trong dân gian cũng xuất hiện các bài vè về “Các Lái”:
Ghe bầu các lái đi buôn
Đêm khuya ngồi buồn, kể chuyện đi buôn
Bắt từ Gia Định kể ra
Anh em thuận hòa ngoài Huế kể vô…
Các bài vè tương tự như vậy còn giúp cho “Các Lái” biết nơi nào nguy hiểm để tránh, nơi nào có thể trú khi có bão dông, nơi nào có thể lấy củi, nơi nào có miếu để ghé vào cầu bình an, v.v… Các bài vè này sau đó được ghi chép trong cuốn “Sử Địa – Sài Gòn” và được lưu hành những năm 1970.
Tuy nhiên cũng có các ý kiến cho rằng địa danh là “Cát Lái” như ngày nay vẫn gọi mới là đúng. Như ở Phan Thiết trước đây là một trong những thủ phủ của ghe bầu có hội Cát Lái, nơi đây cũng có dinh Cát Lái. Chữ “Cát” mang ý nghĩa cát tường. “Cát Lái” là cầu mong cho chuyến đi của các lái nghe bầu được cát tường.
Một chút về tên đường
Nhiều tên đường ở Sài Gòn cũng bị viết sai, dù đã có những cuộc nghiên cứu chỉ ra từ hàng chục năm trước, nhưng đến nay vẫn không thay đổi.
Ở Quận 1 có tên đường Trần Khắc Chân, nhưng tên đúng phải là Trần Khát Chân, đây là danh tướng nhà Trần đánh bại vua Chiêm là Chế Bồng Nga, khiến quân Chiêm phải tháo chạy về nước, chấm dứt nạn Chiêm Thành vào Thăng Long như chốn không người. (Xem bài: Chuyện hậu duệ Trần Bình Trọng đánh tan quân Chiêm Thành)
Ở Quận 1 cũng có tên đường Sương Nguyệt Ánh, như tên đúng phải là Sương Nguyệt Anh. Cụ Nguyễn Đình Chiểu có người con gái thứ 5 tên là Nguyệt Anh, sau này vì chồng mất nên thêm chữ Sương vào (chữ “Sương” chỉ người phụ nữ góa chồng) nên thành tên là Sương Nguyệt Anh. Bà là chủ tờ báo phụ nữ đầu tiên xuất bản ở Sài Gòn năm 1918.
Khu vực Chợ Lớn quận 5 có đường Lương Nhữ Học, nhưng tên đúng phải là Lương Như Hộc, đây là vị Thám hoa nhà Lê, nhờ 2 lần đi sứ sang nhà Minh mà học được nghề in, rồi truyền lại nghề cho dân chúng, trở thành ông tổ nghề in. (Xem bài: Lương Như Hộc: Thám hoa nhà Lê, ông tổ nghề in)
Quận Phú nhuận có đường Trương Quốc Dung, nhưng tên đúng phải là Trương Quốc Dụng, là nhà thiên văn, có công chấn hưng lịch pháp thời nhà Nguyễn.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa sài gòn Địa Danh sài gòn