Tên gọi “Việt Nam” trong bia đá thời Lê Trung Hưng
- Phạm Thị Vinh
- •
“Việt Nam” là tên gọi chính thức nước ta ngày nay. Nhưng tên gọi “Việt Nam” với ý nghĩa chỉ quốc gia thì đã xuất hiện từ rất sớm. Có thể tìm thấy trong các thư tịch của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, v.v. và đặc biệt là trong bia đá từ thời Mạc đã xuất hiện hai chữ “Việt Nam”(1). Nhưng tên gọi “Việt Nam” như chỉ tên nước xuất hiện nhiều nhất là ở trong bia thế kỷ XVII, XVIII. Trong quá trình tiếp cận với văn bia, chúng tôi đã tập hợp được một số văn bản có mang hai chữ Việt Nam như là chỉ tên nước cùng với tên các đơn vị hành chính khác. Nhận thấy đây là những tư liệu lý thú, có thể giúp ích cho các nhà nghiên cứu, chúng tôi xin giới thiệu những thác bản bia thời Lê có ghi hai chữ “Việt Nam”.
Trước hết, chúng tôi chưa khẳng định hai chữ “Việt Nam” ở trong bia thời Lê là quốc hiệu, mà chỉ mang ý nghĩa chỉ quốc danh. Vì quốc hiệu gắn liền với sự sáng lập ra một triều đại mới. Thời các vua Hùng, nước ta gọi là “Văn Lang”. Đến đời An Dương Vương, đặt tên nước là “Âu Lạc”. Khi Lý Bí khởi nghĩa thành công lại đặt tên nước là “Vạn Xuân”. Nhà Đinh dẹp loạn 12 sứ quân, lên ngôi vua đặt tên nước là “Đại Cồ Việt”. Các triều đại Lý – Trần – Lê đều đặt tên nước là “Đại Việt”. Riêng nhà Hồ đặt tên nước là “Đại Ngu”. Vua Quang Trung từng tâu xin với nhà Thanh về việc đặt quốc hiệu nước ta là “Việt Nam”(2). Buổi đầu nhà Nguyễn cũng đã đặt quốc hiệu như vậy, sau đó mới đặt tên nước là Đại Nam… có thể thấy qua nhiều biến thiên của lịch sử, nước Việt Nam ta đã từng được đặt các quốc hiệu khác nhau.
Thế nhưng trong thực tế, nước ta lại cũng từng tồn tại những biệt danh (tên gọi khác với quốc hiệu đã được nhà nước chính thức hoá trên các giấy tờ, sách vở, công văn) như: Việt Thường, Giao Chỉ, Lĩnh Nam, Viêm Bang, An Nam v.v. Những biệt danh này đã xuất hiện hoặc do cách gọi của người Trung Quốc cổ xưa khi sang xâm chiếm nước ta trong hàng nghìn năm Bắc thuộc, hoặc về một vài lý do nào đó về dân tộc, địa lý… Và tên “Việt Nam” xuất hiện trong các thư tịch cổ chữ Hán hoặc trên các văn bia từ thời Lê trở về trước cũng là một cách gọi khác về đất nước chúng ta. Hai chữ “Việt Nam” ở đây chỉ cội nguồn dân Việt đã có từ thời thượng cổ gồm Việt Đông, Việt Tây, Lạc Việt, Mân Việt, Âu Việt v.v. Nhưng nếu đặt hai chữ “Việt Nam” bên cạnh các đơn vị hành chính như tỉnh, phủ, huyện, xã mà trong đó từ “Việt Nam” đứng ở đầu, thì lại bao hàm chỉ quốc danh. Mặc dù các triều đại đương thời không đặt quốc hiệu là “Việt Nam” nhưng danh từ này đã được khắc vào bia đá, vào mộc bản với ý nghĩa chỉ tên nước là điều đáng chú ý. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu một số bài văn bia có dùng hai chữ “Việt Nam” với ý nghĩa như vừa nêu.
Bia thứ 1: “Thiên Phúc tự” tạo năm Phúc Thái 6 (1648) đặt tại chùa Thiên Phúc, xã Đại Lâm, huyện Yên Phong, phủ Từ Sơn (nay là huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc). Người soạn và viết chữ là Nguyễn Đức Toàn, nhà sự trụ trì tại bản chùa. Nguyễn Thế Long, Nguyễn Thế An người xã Hoài Bắc, huyện Tiên Du thuộc bản phủ khắc bia. Hai chữ “Việt Nam” đặt ở câu đầu bài minh:
Việt Nam đệ nhất,
Kinh Bắc, Từ Sơn.
Huyện Yên, xã Đại,
Thiên Phúc cảnh tiên.
Nghĩa là:
Việt Nam thứ nhất,
Kinh Bắc, Từ Sơn.
Huyện Yên [Yên Phong]
xã Đại [Đại Lâm]
Thiên Phúc cảnh tiên.
Bia thứ 2: “Hạ trùm trưởng quan bi ký” tạo năm Khánh Đức 1 (1649), đặt tại xã Phú Mẫn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc). Người soạn là Tiến sĩ đệ nhất giáp Nguyễn Thuần, Bồi tụng, Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Lễ bộ hữu thị lang, tước Phương Lộc bá, Người viết chữ là Lê Chuyết, thi trúng hạng ưu khoa Thư toán năm Mậu Thìn, chức Thị nội thư tả Công bộ lang trung, tước Thụy Lĩnh tử. Hai chữ “Việt Nam” được đặt ở câu đầu của bài minh:
Việt Nam triệu quốc,
Kinh Bắc định vương,
Yên Phong mĩ huyện,
Mẫn Xá danh hương.
Nghĩa là:
Việt Nam mở nước,
Kinh Bắc định ranh giới,
Yên Phong [là] huyện đẹp,
Mẫn Xá tên làng nổi tiếng.
Bia thứ 3: Tạo năm Thịnh Đức 4 (1656), đặt tại chừa Tường Vân, xã Cam Thường, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương (nay là huyện Kim Môn, tỉnh Hải Hưng). Người soạn là Phạm Năng Yên, tự Phúc Đa. Không ghi tên người viết chữ. Hai chữ “Việt Nam” cũng được đặt ở câu đầu của bài minh:
Việt Nam thắng địa,
Phú hĩ Thường hương!
Tự tàng cảnh vật,
Xứ tại Hải Dương.
Nghĩa là:
Đất đẹp Việt Nam,
Làng Thường, giàu thay!
Chùa giàu cảnh vật,
Tại xứ Hải Dương
Bài thứ 4: “Phúc Thánh tự bi”, tạo năm Cảnh Trị 4 (1664), đặt tại chùa Phúc Khánh, xã Mộ Đạo, huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Mộ Đạo, huyện Quế Võ, tỉnh Hà Bắc). Bia do Đoàn Độn Phu tước Hương Ngạn hầu soạn, người(3) viết chữ là Nguyễn Bảng Điền, thi trúng hạng ưu khoa Thư toán năm Tân Sửu, chức Trung thư giám Hoa văn học sinh, người khác chữ là Nguyễn Viết Quí làm ở Ngọc Thạch cục, chức huyện thừa huyện Thường An, tước Thiệu Lộc nam.
Hai chữ “Việt Nam” cũng được đặt ở câu đầu của bài minh:
Việt Nam cảnh giới,
Kinh Bắc thừa tuyên.
Mỉ tại ngô ấp,
Hữu thử miếu triền.
Nghĩa là:
Bờ cõi Việt Nam,
Thừa tuyên Kinh Bắc.
Đẹp thay ấp ta,
Có chùa miếu này!
Bài thứ 5: “An Linh tự”, tạo năm Cảnh Trị 7 (1669), đặt tại chùa An Linh, xã Hà Lỗ, huyện Đông Ngạn, phủ Từ Sơn (nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội). Người soạn bia là xã chánh.
Hai chữ “Việt Nam” đặt ở dòng địa danh, mở đầu của bài ký: “Ký viết: cẩn án: An Linh tự nãi Việt Nam Kinh Bắc Từ Sơn Đông Ngạn Hà Lỗ chi thắng địa dã”. Nghĩa là: “Ghi rằng: Cung kính xiét: Chùa An Linh là thắng cảnh của (xã) Hà Lỗ, [huyện] Đông Ngạn, [phủ] Từ Sơn, [trấn] Kinh Bắc, [nước] Việt Nam”. Ở dòng địa danh này không ghi xã, huyện, tỉnh, nhưng bên cạnh đó, cách 3 dòng, khi nói nguyên do của việc đúc chuông, khắc bài ký ở chuông vào bia đá, người soạn bia đã viết: “Từ Sơn phủ, Đông Ngạn huyện, Hà Lỗ xã, An Linh tự, các sĩ [sãi] vãi cập thiện nam tín nữ đẳng, vi tái tạo chung…” Nghĩa là: “Các sãi vãi cùng với các thiện nam tín nữ chùa An Linh, xã Hà Lỗ, huyện Đông Ngạn, phủ Từ Sơn, vì lại đúc chuông…”
Bia thứ 6: Mới được phát hiện tại Đồng Đăng, Lạng Sơn(4). Bia “Thể tồn bi ký” tạo vào năm Cảnh Trị 8 (1670). Bia do Thao quận công Nguyễn Đình Lộc soạn.
Hai chữ “Việt Nam” cũng được đặt ở câu đầu của bài minh:
Việt Nam hầu thiệt,
Trấn bắc ải quan.
Thạch bích hoàn vũ,
Uyên quận giới phiên.
Đồng Đăng linh ấp…
Nghĩa là:
Cửa ngõ yết hầu của Việt Nam,
Trần giữ quan ải phía bắc.
Vách đã giữa trời đất,
Là quận sâu của biên giới.
Ấp thiêng xứ Đồng Đăng.
Bia thứ 7: “Hậu thần bi ký” tạo năm Chính Hoà 11 (1690), đặt tại chùa thôn Từ Phong, xã Cách Bi, huyện Quế Võ, tỉnh Hà Bắc. Bia không ghi tên người soạn. Hai chữ “Việt Nam” cũng đặt ở câu đầu của bài minh:
Việt Nam cảnh giới,
Bắc nhất vi tiên.
Từ sơn mĩ hĩ,
Hữu thị miếu triền.
Nghĩa là:
Bờ cõi Việt Nam,
Phía Bắc là đầu tiên.
Đẹp thay Từ Sơn,
Có chùa miếu này.
Qua những trích dẫn trên, chúng tôi có một vài nhận xét sau:
1. Danh từ “Việt Nam” đã từng được ông cha chúng ta dùng để chỉ quốc gia, khá phổ biến trong thời Lê trung hưng, đặc biệt ở thế kỷ 17. Từ vùng đồng bằng đến biên giới đều sử dụng danh từ này để chỉ quốc danh: Kinh Bắc, Hải Dương, Lạng Sơn là những vùng khác nhau, nhưng trong khoảng thời gian gần nhau. (50 năm), đều dùng hai chữ “Việt Nam” để xác định vị trí quốc gia, lãnh thổ.
2. Danh từ “Việt Nam” không đứng riêng biệt, mà đứng trong cả cụm các đơn vị hành chính khác như Hải Dương, Kinh Bắc, Từ Sơn, Yên Phong, Đông Ngạn, Đồng Đăng… Do vậy người đọc không thể hiểu theo kiểu đảo trật tự từ là “Việt Nam”. Vì nếu vậy cũng phải đảo hết trật tự của các từ chỉ địa danh khác: Hải Dương – Dương Hải, Kinh Bắc – Bắc Kinh; Từ Sơn – Sơn Từ v.v.
Các địa danh như Hải Dương, Kinh Bắc, Đồng Đăng, Yên Phong, Từ Sơn… vốn là những địa danh có thật trong lịch sử, lại rất thông dụng trong thời nhà Lê(5) thậm chí đến giờ vẫn được gọi như vậy. Đặc biệt với bia chùa An Linh thì rõ ràng danh từ “Việt Nam” là chỉ tiên nước, theo thứ tự từ trung ương đến địa phương, từ cao xuống thấp (tính theo đơn vị hành chính).
3. Tác giả của những bài văn bia trên phần lớn đều có học, đã qua các kỳ thi tuyển quốc gia của nhà nước phong kiến, giữ những trọng trách lớn của triều đình. Những người viết chữ, khắc bia cũng đa phần qua các kỳ thi quốc gia, có người giữ chức vụ cao. Mọi thông tin họ nêu ra nhất là về địa danh, về tên gọi tổ quốc không thẻ là những thông tin tuỳ tiện, thêm bớt theo cảm hứng. Bởi vì với loại hình bia đá – có tính chất vĩnh cửu, trình bày trước bàn dân thiên hạ – mọi điều nêu ra đểu phải chuẩn xác.
4. Tên gọi “Việt Nam” với ý nghĩa chỉ quốc danh mà chúng tôi vừa nêu ở trên, hầu hết đều xuất hiện trong các bài minh ở cuối mỗi bài văn bia. Chỉ có 1 bia hai chữ “Việt Nam” đặt trong bài ký. Chúng tôi cũng đã cân nhắc, thận trọng khi xem xét vấn để này. Thông thường các bài minh là để cô đúc lại toàn bộ những ý chính của toàn bài văn bia. Vì thế, nó sẽ không diễn tả hết những nội dung của cả bài văn. Mặt khác, minh văn được viết sao cho đăng đối mà vẫn đảm bảo tính hàm súc, do vậy có thể thêm hoặc bớt đi một vài từ, cốt đúng niêm luật. Chẳng hạn như trong bia thứ 1 “Thiên Phúc tự”, “Huyện Yên xã Đại”, “Huyện Yên” ở đây là huyện Yên Phong, “xã Đại” là xã Đại Lâm, nhưng hai chữ “Việt Nam” ở đầu câu vẫn không bị thay đổi. Từ những nhận xét trên, chúng tôi chỉ muốn coi đây là một cách lý giải nhằm góp phần tìm hiểu quốc danh “Việt Nam” trong lịch sử.
Ngoài những văn bản khắc trên bia đá mà chúng tôi vừa nêu, còn có một số sách Hán Nôm, bản khắc gỗ ở thế kỷ 18 cũng ghi hai chữ “Việt Nam” để chỉ tên nước chúng ta, như bàn văn khắc: Cổ Châu Phát bản hạnh khắc năm Cảnh Hưng 30 (1769) để tại chùa Dâu, Thuận Thành, Hà Bắc “Lưu truyền sử ký Việt Nam dõi truyền”, hay trong sách Mai dịch xa thư của Ngô Thì Vị (1774-1821): “Việt Nam sứ giả Ngô Thì Vị…”
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến những văn bản khắc trên đá của thời Lê Trung hưng, chắc rằng chưa phải là đầy đủ. Hy vọng rằng cùng với các thư tịch Hán Nôm khác, các văn khắc trên bia đá sẽ là nhứng mốc quan trọng, chính xác để giúp các nhà nghiên cứu có những kết luận thoả đáng về tên gọi “Việt Nam” trong lịch sử.
Phạm Thị Vinh
Tạp chí Hán Nôm số 4 năm 1994
Theo Viện nghiên cứu Hán Nôm (hannom.org.vn)
Xem thêm: Hai chữ Việt Nam trong thơ của chúa Nguyễn Phúc Chu
Chú thích:
(1) (2) Xem bài “Xác định quốc hiệu Việt Nam có từ bao giờ” của PTS. Đỗ Bang trên Thế giới mới số 92/1994.
(3) Xem các bài của Phạm Thị Vinh trên báo Nhân Dân chủ nhật (4.7.1993), trên tạp chí Khoa học và Tổ Quốc số 2/1994.
(4) Xem bài của Nguyễn Phúc Giác Hải trên báo Quân đội nhân dân 20/7/1991.
Từ khóa Lê Trung Hưng quốc hiệu Việt Nam