Tết Nguyên Tiêu – Lễ hội đầy thi vị và lãng mạn
- An Hòa
- •
Ngày rằm tháng Giêng âm lịch thời cổ là “Thượng nguyên tiết”, “Nguyên tịch”… Tháng giêng còn được gọi là “Nguyên nguyệt”, ban đêm gọi là “Tiêu”. Ngày mười lăm tháng giêng là ngày đầu tiên trăng tròn nhất của năm, cho nên được gọi là “Tết Nguyên Tiêu”. Lai lịch của lễ tết này có quan hệ với các lễ tế cầu nguyện cho một vụ mùa bội thu thời cổ đại.
Từ xưa đến nay, Nguyên Tiêu Tết là ngày hội được dân gian vô cùng coi trọng. Thời xưa qua Tết Nguyên Tiêu, năm mới vui mừng náo nhiệt mới được tính là kết thúc. Không chỉ vậy, Tết Nguyên Tiêu còn là cơ duyên để nam nữ chưa kết hôn được quen biết nhau. Thời xưa con gái chưa lấy chồng thường không được phép tự do ra khỏi nhà, nhưng vào ngày Tết Nguyên Tiêu thì có thể ra ngoài kết bạn ngắm hoa đăng.
Có tài liệu ghi rằng Tết Nguyên Tiêu bắt nguồn từ thời Tây Hán. Sau khi Lưu Bang mất, Lã Hậu chuyên quyền độc đoán, Chu Bột và Trần Bình đã giết Lã Hậu lập Lưu Hằng làm Hoàng đế. Bởi vì sự kiện này xảy ra đúng vào ngày rằm tháng giêng, vì thế hàng năm vào ngày này, Lưu Hằng xuất cung chung vui cùng bách tính, đồng thời định ngày này là “Nguyên Tiêu Tết”. Về sau, Hán Minh Đế đề xướng Phật giáo, lệnh cho vào Tết Nguyên Tiêu phải thắp đèn để biểu thị lòng tôn kính đối với Phật. Từ đó, thắp đèn vào Tết Nguyên Tiêu trở thành tập tục dân gian
Từ thời Hán đến nay, tập tục chúc mừng ngày Tết Nguyên Tiêu vô cùng phong phú, muôn hình muôn vẻ, trong đó phổ biến là ăn bánh Nguyên Tiêu, ngắm hoa đăng, chơi trò đố đèn… vừa long trọng lại vừa náo nhiệt.
Vào ngày Tết Nguyên Tiêu, trong dân gian có tập tục ăn bánh nguyên tiêu. Bánh nguyên tiêu được làm từ bột nếp, không có nhân hoặc có nhân. Bánh có thể chưng, hấp hoặc chiên. Lúc đầu, người ta gọi bánh này là “phù viên tử”, sau gọi là “thang đoàn” hoặc “thang viên”, những tên gọi này đều có ý “đoàn viên”, tượng trưng cho gia đình đoàn viên sum họp, hoà thuận hạnh phúc. Mọi người cũng qua đó để tưởng nhớ người thân xa cách, đồng thời gửi gắm nguyện vọng tốt đẹp vào cuộc sống tương lai sau này.
Thắp đèn là hoạt động không thể thiếu vào ngày Tết Nguyên Tiêu, cho nên ngày này còn được gọi là “Đăng tiết” (Tết Hoa Đăng). Vào ngày này, ở các đường xá đều treo đủ loại đèn lồng với kiểu dáng khác nhau, rất thu hút người xem.
Phong tục treo đèn lồng vào ngày Tết Nguyên Tiêu khởi nguồn từ triều Hán. Đến thời nhà Đường, Tống, phong tục này càng thịnh hành hơn, trong hoàng cung, ngã tư đường phố, khắp nơi đều treo đèn. Hoạt động này kéo dài đến ngày 16, 17 có lúc liên tiếp 5 đêm liền. Nội dung và hình thức cũng có sự phát triển, quy mô cũng lớn hơn.
Theo “Minh Hoàng tạp lục” ghi lại, Hoàng đế Đường Huyền Tông từng ở cung Thượng Dương dùng lụa xây đăng lâu 20 gian, cao 120 xích, trang trí châu ngọc, mỗi khi có làn gió nhẹ thổi tới thì phát ra tiếng kêu. Đèn có hình rồng, hổ, báo. Thời Tống Huy Tông, đem đèn hoa chất thành núi đèn, gọi là “Ngao sơn”. Thời Tống đã phát minh ra thuốc súng cho nên ngoài treo đèn ra còn có bắn pháo hoa khiến cho tết hoa đăng thêm phần rực rỡ. Đời nhà Minh hoạt động này được kéo dài liên tục suốt 10 ngày. Đời nhà Thanh hoạt động thưởng thức đèn chỉ có 3 ngày, nhưng có quy mô rất lớn, trừ thắp đèn ra còn đốt pháo hoa giúp vui.
Ngắm hoa đăng không chỉ khơi gợi tâm tình của dân chúng mà còn khiến giới văn nhân mặc khách có nhiều cảm xúc và lưu luyến hoài niệm. Trong thơ cổ có rất nhiều áng thơ nói về hoa đăng, chính điều này khiến cho Tết Nguyên Tiêu không chỉ tràn ngập sự náo nhiệt, vui vẻ mà còn tràn ngập ý thơ. Thi nhân nhà Đường, Lý Thương Ẩn dùng “Nguyệt sắc đăng quang mãn đế thành” (Ánh trăng chiếu sáng cả một thành) để miêu tả quy mô to lớn của Tết Hoa Đăng lúc ấy. Các thi nhân khác như Tô Vị Đạo, Trương Duyệt thời Đường cũng đều làm thơ tả cảnh quan, tâm tình vào ngày này.
Ngày nay không ít những địa phương còn biểu diễn những tập tục truyền thống như múa rồng, múa sư tử, đi cà kheo… vừa thể hiện lòng tôn kính của con người đối với Trời Đất, vừa chứa đựng ước nguyện về một năm mới bội thu, may mắn và bình an.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa phong tục truyền thống Tết Nguyên tiêu