Thái độ trí thức
- Nguyễn Thị Bích Ngà
- •
Thái độ của người trí thức cần phải như thế nào?
Đã là một trí thức thì họ luôn để ý, tôn trọng, giữ gìn thái độ trí thức của họ bởi giữ gìn thái độ trí thức đồng nghĩa với việc giữ gìn phẩm giá của bản thân, phẩm giá của giới và bảo vệ giá trị của khái niệm trí thức.
Một người trí thức sẽ không bao giờ có hành vi ngụy biện, cả vú lấp miệng em. Họ luôn thể hiện thái độ phản đối đối với hành vi này để bảo vệ giá trị của sự thật, trung thực.
Một người trí thức sẽ không bao giờ ăn nói nửa vời, mập mờ, nhập nhèm, xảo ngôn, đánh lận con chữ, họ cũng không nói xấu người khác sau lưng, không nhận định khi không chứng minh, không phán xét ẩu, không ăn thua đủ với người có kiến thức kém hơn mình. Người trí thức khi nhìn thấy những điều này liền có thái độ phản ứng, phản đối, góp ý, thay đổi, nhất định không chấp nhận thỏa hiệp bởi phải giữ gìn giá trị của sự công chính.
Một người trí thức sẽ luôn biết cách lắng nghe, cố gắng tìm hiểu, từ đó thấu hiểu nhiều góc nhìn để có được tinh thần đa nguyên, dân chủ, công bằng và nhìn nhận sự thật một cách khách quan, bao quát nhất. Họ luôn chừa khả năng có thể họ sai để luôn lắng nghe những ý kiến khác với tâm hồn học hỏi, cầu thị. Họ tiếp thu, họ suy ngẫm, họ tìm tòi đào sâu tới cùng gốc rễ. Họ không ngại va chạm nhưng luôn tương kính vì luôn biết không ai nắm bắt hết được kiến thức của nhân loại trong đầu. Ai cũng có lúc sai. Ai cũng có mặt giỏi riêng của họ. Người có tri thức biết khiêm cung tự thân, không cần giả vờ. Người trí thức luôn có thái độ phản đối quyết liệt đối với những tư tưởng, thể chế độc tài hoặc những hành vi phản dân chủ, đa nguyên, tiến bộ. Họ phải bảo vệ giá trị của văn minh.
Người trí thức không bao giờ lấp liếm, dùng quyền, thế để chối bỏ trách nhiệm khi sai. Họ luôn nhận sai khi họ sai dù đó là lỗi vô tình. Họ luôn tỏ thái độ phản đối khi thấy những trường hợp che đậy sự thật và không tín nhiệm những người có sai không sửa lại ngụy biện hoặc vờ vờ cho qua. Một ý nghĩ sai về người khác cũng làm người trí thức tự thấy xấu hổ nên họ không chấp nhận hành vi chối lỗi. Họ luôn nhất quán giữa lời nói và hành động, tư tưởng và con đường, thái độ… Họ bảo vệ giá trị của kỷ luật.
Người trí thức kịch liệt lên án đạo văn bởi phải bảo vệ giá trị của tính trung thực, tôn trọng sản phẩm trí tuệ của người khác. Người trí thức luôn cảm ơn ý tưởng của người khác khi sử dụng chúng để phát triển ý tưởng của mình.
Người trí thức phát ngôn cẩn trọng, cố gắng không chỉ trích, luôn hướng tới việc phổ cập kiến thức mà mình có cho cộng đồng. Người trí thức có thái độ phản đối mọi sự kềm tỏa thông tin để bảo vệ giá trị của tự do.
Cứ thế, thái độ trí thức tạo ra phẩm giá của trí thức. Người biết bảo vệ phẩm giá thì khó làm sai bởi các giá trị ràng buộc, giữ cho họ vượt qua được những hoàn cảnh, cảm xúc nhất thời. Càng làm vậy họ càng giỏi hơn lên bởi học được nhiều hơn. Và đó chính là quy luật của sự tiến bộ, văn minh.
Nguyễn Thị Bích Ngà
Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả
Từ khóa Người trí thức Nguyễn Thị Bích Ngà