Thời cổ đại, âm nhạc gia kiệt xuất đều là người tài đức vẹn toàn
- An Hòa
- •
Thời cổ đại, các âm nhạc gia kiệt xuất đều là người tài đức vẹn toàn, họ đều phải tu thân trước rồi mới diễn dịch ra đức âm nhã nhạc, ví như Khổng Tử, Bá Nha, Sư Khoáng, Thái Ung… Họ đều là những người thông qua việc không ngừng đề cao sự tu dưỡng của bản thân, tĩnh tâm lĩnh ngộ nội hàm của âm nhạc mà trở thành các âm nhạc gia nổi danh lừng lẫy và được lưu danh thiên cổ.
Trong số những âm nhạc gia kiệt xuất trong lịch sử, Thái Ung là một điển hình về tài đức vẹn toàn. Ông là người chế tác ra Tiêu Vĩ Cầm, sinh sống vào thời Đông Hán, là cha của Thái Văn Cơ.
Thái Ung là người con vô cùng hiếu thảo. Mẹ của ông từng bị bệnh suốt ba năm liền, ông ngày đêm không nghỉ ngơi, cực nhọc hầu hạ mẹ chu đáo. Sau khi mẹ qua đời, ông ở cùng với chú ruột và người em họ. Ông đối xử với họ rất có tình có nghĩa. Người dân cùng quê đều ca ngợi ông là người hiếu thảo, có nhân cách cao thượng.
Trong sách “Hậu Hán Thư” có chép chuyện như sau: Thái Ung có học vấn sâu rộng, giỏi văn chương, thuật số, có sở thích về thiên văn và vô cùng tinh thông âm luật. Thời Hán Hoàn Đế, triều đình nghe tin Thái Ung có sở trường chơi đàn nên đã triệu ông vào kinh. Ông không muốn làm quan nhưng không thể từ chối, đành phải lên đường. Nhưng khi đi tới Yển Sư, ông đã cáo ốm và quay trở về.
Đến thời Hán Linh Đế, Thái Ung lại được triệu vào cung làm việc. Ông vốn là người chính trực, tính tình ngay thẳng trung thực, đối với những hiện tượng không tốt ông luôn dũng cảm can gián, thường xuyên góp ý thẳng thắn, can gián Hoàng đế nên không được lòng Hoàng đế. Hơn nữa, trong triều có một người là Dương Cầu vốn có hiềm khích với người chú ruột Thái Chất của ông. Vì thế, hai chú cháu ông bị bắt giam vào ngục và bị phán xử tử hình.
Tuy nhiên, trên đời thực sự vẫn còn người tốt. Có người thân cận bên Hoàng đế biết Thái Ung là người cương trực, vô tội nên đã cầu xin Hán Linh Đế tha cho ông. Ông được tha mạng, nhưng cả nhà đều bị lưu đày đến phương bắc.
Dương Cầu không hả lòng liền phái người đuổi giết Thái Ung. Tuy nhiên, kẻ ám sát vì cảm động trước tấm lòng và đạo đức cao thượng của ông nên đã không ra tay giết ông. Dương Cầu lại hối lộ quản giáo đầu độc Thái Ung, nhưng người quản giáo cảm kích đức hạnh của ông nên đã kể sự tình ấy cho ông biết và nhắc nhở Thái Ung phải cẩn thận. Nhờ vậy mà ông mỗi lần gặp nạn đều có thể bình an vượt qua.
Thái Ung, Lư Thực và Hàn Thuyết đang biên soạn và sửa chữa “Hậu Hán ký” thì đột nhiên Thái Ung bị lưu đày nên chưa kịp hoàn thành. Về sau, ông được đặc xá trở về quê hương. Khi ông rời khỏi đất Ngũ Nguyên, vị thái thú Ngũ Nguyên là Vương Trí bày tiệc tiễn ông. Sau khi uống rượu say, Vương Trí đứng dậy nhảy múa, nhưng Thái Ung không đứng dậy nhảy múa cùng. Vương Trí bởi vậy mà tức giận, lén vu tội cho Thái Ung. Ông lo lắng bản thân không thể thoát khỏi tai họa nên đã đi trốn ở đất Ngô suốt 12 năm. Chính ở đất Ngô này, ông đã chế tác ra cây “Tiêu Vĩ Cầm” – một trong bốn cây cổ cầm nổi danh thiên hạ.
Thái Ung rất đam mê âm nhạc, ông vốn thông hiểu âm luật, tinh thông điển tích, khi đánh đàn ngay cả lỗi nhỏ cũng phát hiện ra. Ông giỏi về đàn, đi sâu nghiên cứu về đàn, đối với việc chọn vật liệu, cách làm, chỉnh âm ông đều có những kiến giải độc đáo sâu sắc.
Về tài năng âm nhạc của Thái Ung, trong “Hậu Hán Thư. Thái Ung liệt truyện” có ghi chép câu chuyện như sau: Thời gian Thái Ung ở đất Trần Lưu, có người hàng xóm mời ông đi dự tiệc uống rượu. Trong tiệc có một vị khách ngồi sau bức bình phong đánh đàn. Thái Ung vừa đến cửa, yên lặng nghe và nói: “Ôi! Dùng âm nhạc hấp dẫn ta đến, nhưng tiếng nhạc lại ẩn chứa sát tâm, ta còn có thể dự yến tiệc này sao?” Thế là, ông liền quay trở về.
Người canh cửa thấy vậy báo với người chủ nhà: “Thái tiên sinh đã tới, tới cửa rồi sau lại quay về!”. Người chủ nhà thấy lạ bèn đuổi theo để hỏi nguyên do. Thái Ung kể lại sự tình cho người chủ nhà nghe.
Người đánh đàn nói: “Ta vừa rồi gảy đàn, nhìn thấy con bọ ngựa sắp sửa chộp con ve, con ve sắp sửa bay đi mà chưa bay được. Con bọ ngựa bởi vậy đang tiến về phía trước thì dừng lại. Trong lòng ta vô cùng lo lắng, chỉ e con bọ ngựa sảy tay lỡ mất. Chẳng lẽ đây là sát tâm từ trong tiếng đàn lộ ra sao?”
Thái Ung cười nói: “Đúng là như vậy!” Mọi người sau khi hiểu rõ, ai nấy đều bội phục tài am hiểu âm luật của ông.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Âm nhạc Âm nhạc Trung Hoa cổ đại tu dưỡng đức hạnh tài đức âm nhạc cổ đại Thái Ung