“Hoàng Đế Nội Kinh” nhiều lần đề cập đến vấn đề “trị bệnh khi chưa thành bệnh” và gọi những người có thể “trị bệnh khi chưa thành bệnh” là bậc “thượng công” hay thậm chí là “Thánh nhân”. “Thượng công” ở đây ám chỉ những thầy thuốc bậc thượng đẳng có y thuật cao minh, trái ngược với “hạ công” là thầy thuốc y thuật không được cao minh như vậy.

Nhưng cách nói “trị bệnh khi chưa thành bệnh” thoạt nghe dường như không thuận tai vì có vẻ hơi không hợp logic: người “chưa thành bệnh” là người còn chưa có bệnh thì làm sao lại tìm thầy thuốc? Thầy thuốc là người phải chữa bệnh, chữa người có bệnh thành người không bệnh, bây giờ nếu giao cho anh ta một người không bệnh thì bảo anh ta chữa cái gì?

Vấn đề này liên quan đến hai khía cạnh hoàn toàn khác nhau và cần được thảo luận để phân biệt: thứ nhất, “có bệnh”“có triệu chứng bệnh” là khác nhau; thứ hai, tiêu chí để phán định “có bệnh” “chưa thành bệnh” là khác nhau và có sự thay đổi tùy theo các thầy thuốc, không có tiêu chuẩn cố định. Bởi vì y thuật của các thầy thuốc có thể có tầng thứ khác nhau nên có sự khác biệt rất nhiều. Thầy thuốc cao siêu có thể phát hiện được những thay đổi rất nhỏ trên cơ thể báo hiệu bệnh tật và có thể ngăn chặn bệnh từ khi chưa xảy ra, trong khi các thầy thuốc khác phải có triệu chứng rõ ràng mới có thể quan sát được.

Đối với tình huống đầu tiên, có thể nêu ví dụ: người bị nhiệt ở một trong ngũ tạng sẽ bị đỏ ở phần tương ứng trên khuôn mặt, chẳng hạn như “người bị nhiệt ở gan trước tiên má trái sẽ đỏ”, “người bị nhiệt ở tỳ trước tiên mũi sẽ đỏ”, v.v.. “Mặc dù bệnh chưa phát bệnh, nhưng nếu thấy sắc đỏ đó mà châm thì gọi là chữa bệnh khi chưa thành bệnh”. Ở đây “trị bệnh khi chưa thành bệnh” được định nghĩa là thực hiện điều trị “châm cứu” khi có “triệu chứng của bệnh” nhưng chưa “phát bệnh”. Căn cứ để làm như vậy là: bất kỳ bệnh tật nào (trừ vết thương bên ngoài) đều có một quá trình hình thành và cũng sẽ có những dấu hiệu nào đó. Khi các dấu hiệu xuất hiện và người bệnh chưa cảm thấy bị ốm thì sẽ áp dụng phương pháp điều trị dự phòng. Lúc này có thể nói, điều thầy thuốc chữa không phải là “bệnh”, mà chỉ loại bỏ một số nhân tố đang phát triển thành bệnh, vì vậy, “trị bệnh khi chưa thành bệnh” quả thực là một cách nói rất thỏa đáng. Nhưng khi bệnh nhân không cảm thấy mình có bệnh, đa số sẽ không tìm đến thầy thuốc nên tình trạng trên không gặp nhiều lắm.

Thưởng lãm tranh cũng có thể trị bệnh
(Tranh minh họa: Vương Duy, Public Domain)

Ngày xưa khi Hoàng đế thỉnh giáo Bá Cao về phương pháp châm cứu, câu trả lời của Bá Cao đã tăng thêm nội hàm của “không trị bệnh khi đã có bệnh”:

“Thứ nhất, thượng công sẽ châm cứu khi bệnh chưa biểu hiện ra ngoài; thứ hai, sẽ châm cứu khi tình trạng bệnh chưa nặng; thứ ba, sẽ châm cứu khi bệnh đã thuyên giảm. Hạ công khi có triệu chứng lặp đi lặp lại mới châm cứu, hoặc châm cứu khi bệnh đã lên đến đỉnh điểm, hoặc châm cứu khi biểu hiện bên ngoài của bệnh trái ngược với tình trạng mạch”.

Vì vậy kinh điển y học cổ xưa còn có câu: “Thượng công trị bệnh khi chưa thành bệnh, chứ không trị bệnh khi đã có bệnh”, đó chính là ý nghĩa của nó. Theo cách giải thích này, “không trị bệnh khi đã thành bệnh” không có nghĩa là không chữa trị cho người đang bị bệnh, mà đó là sách lược và phương pháp trong chữa bệnh, đồng thời cũng cho thấy rõ có sự khác biệt giữa thượng công là người giỏi trị cho những người “chưa thành bệnh” và hạ công là người giỏi trị cho những người “đã có bệnh”.

Trong tình huống thứ hai, cần nói rõ rằng “trị bệnh khi chưa thành bệnh” là một cách diễn đạt có tính tương đối, nó là điều tùy theo trình độ và tầng thứ của thầy thuốc mà thay đổi, chúng ta có thể lấy Biển Thước, một thầy thuốc nổi tiếng thời cổ đại làm ví dụ. Câu chuyện Biển Thước ba lần gặp Điền Tề Hoàn Công đã được nhiều người biết đến. Biển Thước nhiều lần cảnh báo Điền Tề Hoàn Công, nhưng Hoàn Công lại cho rằng thầy thuốc nói suông vòi công nên không theo, cuối cùng khi bệnh phát thì hối hận cũng không kịp. So với nhiều đại y học gia nổi tiếng lưu truyền trong lịch sử Biển Thước có thể được coi là “thượng công”, việc chẩn đoán bệnh cho Điền Tề Hoàn Công của ông quả thực là tại thời điểm khi “chưa thành bệnh”. Nếu Điền Tề Hoàn Công không cố chấp như vậy, Biển Thước đã có thể trị bệnh cho Điền Tề Hoàn Công “khi chưa thành bệnh”.

Tuy nhiên, theo Biển Thước nói, anh cả và anh thứ hai của ông đều là thầy thuốc giỏi hơn ông: “Về bệnh thì khi anh cả nhìn thấy được cái ‘thần’ của bệnh khi nó chưa thành ‘hình’ thì đã loại bỏ nó rồi”; “Anh hai trị bệnh là khi dấu hiệu bệnh chỉ nhỏ như lông tơ thì đã trị rồi”; “Còn về Biển Thước ta, dùng kim châm mạch máu bệnh nhân, lấy vị thuốc có độc tố cho bệnh nhân uống, dùng dao rạch da và thịt của bệnh nhân”. Vì vậy, so với ba anh em, Biển Thước cho rằng anh cả mới là “thượng công”, điều được chữa trị không chỉ là “chưa thành bệnh” bản thân người bệnh không biết, mà có khi ngay cả Biển Thước cũng không biết, còn người “chưa thành bệnh” như Điền Tề Hoàn Công theo chẩn đoán của Biển Thước, thì có lẽ trong mắt của anh cả, e rằng sẽ không được coi là “chưa thành bệnh” nữa.

“chữa bệnh khi chưa thành bệnh” là một cách diễn đạt có tính tương đối, nên việc phân chia “thượng công” “hạ công” cũng là cách nói có tính tương đối. Nói cách khác, trên “thượng công” còn có “thượng thượng công” nữa, cứ truy tầm tiếp tục hướng lên chắc chắn sẽ đạt đến một trình độ khiến người ta khó tin. Có thể truy tầm đến tầng thứ nào là một chuyện, còn độc giả và ngay cả các bác sỹ đương thời có thể tin tưởng và chấp nhận nó đến mức độ nào lại là một chuyện khác. Ngay cả đối với những lương y nổi tiếng trong lịch sử như Biển Thước và Hoa Đà, cũng như có một số lương y thời sau, về cơ bản y học hiện đại không thể chấp nhận một số “kỳ tích” trong việc chẩn đoán và trị bệnh của họ, những thầy thuốc cao siêu hơn họ lại càng khó được người ta tin tưởng và chấp nhận. Đặc biệt là các bác sỹ ngày nay, bất kể Đông y hay Tây y, do bị ảnh hưởng của “y học hiện đại”, nhiều người đã tuyệt đối hóa các phương pháp chẩn đoán và điều trị của y học phương Tây, phàm là những gì mà họ không thể biết thì đều nói đó là điều “không thể”, thậm chí còn gọi đó là “mê tín”.

Kỳ thực cách đây không lâu, y học phương Tây từng bác bỏ học thuyết về “kinh mạch” của Trung y, cho rằng cơ thể con người hoàn toàn không có “kinh mạch”; y học hiện đại còn chế giễu thuyết “thai giáo” (giáo dục thai nhi), cho rằng làm sao thai nhi có thể hiểu được âm nhạc hay thậm chí là ngôn ngữ của người lớn? Hiện nay thì chẳng phải tất cả chúng đều đã được khoa học hiện đại công nhận, thậm chí đã phổ cập đó sao? Như vậy, việc chúng bị phủ nhận trong quá khứ là vì sao? Liệu chúng ta có thể đảm bảo rằng điều hôm nay không được chấp nhận sẽ không được khoa học ngày mai thừa nhận? Cách nhận thức sự vật khách quan là không ngừng phủ nhận bản thân và sửa chữa lại những kết luận trước đó của mình, để việc miêu tả của mình đối với sự vật khách quan dần dần tiếp cận những đặc điểm mà con người quan sát được từ sự vật khách quan. Việc cho rằng các kết luận khoa học của bất kỳ thời kỳ nào đều là chân lý tuyệt đối, thậm chí dùng chúng để phủ nhận những sự vật tồn tại một cách khách quan, đều là cách làm thiếu khoa học.

Khả năng “siêu thường” về chẩn đoán và điều trị bệnh là điều tồn tại một cách khách quan. Ngoài những ví dụ cụ thể trong lịch sử như Hoa Đà, Biển Thước, Miêu Phụ, Du Phu, trong “Hoàng Đế Nội Kinh” cũng nói đến tính phổ biến về khả năng chẩn đoán siêu thường của các “thượng công”:

“Cái gọi là quan sát trong vô hình vô thanh có nghĩa là những thay đổi trong khí huyết của Vinh Vệ tuy không hiển lộ ra ngoài, nhưng thầy thuốc lại có thể hiểu được… các thầy thuốc đều có khả năng dự đoán về bệnh tật, nhưng bệnh tật lại không bộc lộ ra bên ngoài, cho nên người ta nói quan sát âm thầm là vậy!”

“Có thể sử dụng phương pháp này để hiểu rõ các loại lý lẽ, kinh nghiệm của họ có thể lưu truyền cho hậu thế, đây là chỗ khác biệt giữa thầy thuốc có học thức kinh nghiệm phong phú với người bình thường. Tuy nhiên bệnh tật không biểu lộ ra bên ngoài, nên người bình thường không dễ phát hiện được, không thấy được dấu vết, nếm không thấy mùi vị, nên mới gọi là âm thầm lặng lẽ, giống như Thần vậy”.

“Bậc thượng công trị bệnh ngay từ lúc mới manh nha, cho nên mới gọi là thượng công, còn kẻ hạ công thì chỉ cứu chữa khi bệnh đã thành, khi thế đã bại”.

Ở đây chỉ ra rõ ràng rằng sở dĩ “thượng công” có thể thấy được những dấu hiệu bệnh từ đầu là vì họ có thể “trông rõ từ vô hình, nghe tỏ từ vô thanh” và nhìn thấy những thay đổi bất thường trong hoạt động sống trong cơ thể con người mà “không biểu hiện ra bên ngoài”, và những thay đổi này là thứ mà người bình thường không thể nhìn thấy được. Ở đây cũng ẩn chứa một cách cố định lại khái niệm “thượng công”: phàm là thầy thuốc có thể “trông rõ từ vô hình, nghe tỏ từ vô thanh” và sử dụng các phương pháp chẩn đoán siêu thường để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh tật và loại bỏ các yếu tố gây bệnh thì đều có thể được gọi là “thượng công”.

Chiểu theo tiêu chuẩn này để phân định “thượng công” “hạ công”, chính là phù hợp với tiêu chuẩn chủ yếu để phân biệt “Đạo y”“Nho y”: “Đạo y” về cơ bản đều là “thượng công”, còn “Nho y” thì đều không phải là “thượng công” ngoại trừ một số ít tình huống đặc thù. Qua phương pháp học tập của người thường, các Nho y chỉ học được những nội hàm y học đã “thường nhân hóa” nên không thể học được những năng lực siêu thường đó. Một số ít “Nho y” vì có điều kiện tiên thiên tốt, lại thủ đức tu tâm, nên qua thời gian lâu dài, họ có thể tự phát sinh một số khả năng đặc dị và có thể sử dụng các phương pháp chẩn đoán siêu thường để thấy được một số dấu hiệu sớm của bệnh tật. Nhưng ngày càng có ít những “Nho y” như vậy, đặc biệt là ngày nay lại càng ít. Phương pháp mà các “Đạo y” có được khả năng chẩn đoán và điều trị bệnh siêu thường của họ cũng rất siêu thường: hoặc đó là kết quả của quá trình tu luyện lâu dài trong một chính phái nào đó, hoặc đó là duyên phận đặc biệt dẫn đến mà một lần có được. Khả năng chẩn đoán và trị bệnh siêu thường cũng như các kỳ ngộ đó cũng được ghi chép lại một số trong chính sử.

Bây giờ nhiều người đều cảm thấy rất tự hào khi nói về “y học hiện đại”: sự phát triển của y học quá nhanh, số lượng thầy thuốc tăng thêm bao nhiêu, các loại thuốc đã tăng thêm bao nhiêu, sự gia tăng sản lượng thuốc và giá cả hạ thấp, mọi người đều có đủ khả năng mua thuốc! Họ coi đó là phục phận của người thời nay! Nhưng hãy thử nghĩ – các mục tiêu phát triển và quá trình phát triển của y học nên là: số lượng thầy thuốc ngày càng ít đi, các loại và sản lượng của thuốc ngày càng ít đi, cho đến cuối cùng mọi người hoàn toàn không cần thầy thuốc, hoàn toàn không dựa vào bất kỳ loại thuốc nào để điều chỉnh trạng thái bất thường của cơ thể họ – bởi vì cơ thể họ không có trạng thái bất thường! Nói cách khác, y học là một ngành khác biệt với các ngành khác, mục tiêu phát triển của nó vốn nên chính là tiêu hủy bản thân nó (y học)!

Ngày nay y học đã phát triển đến mức bác sỹ và bệnh nhân có ở khắp mọi nơi, và xã hội khó mà thoái thác sai lầm này. Bởi vì tất cả các hiện tượng trong một xã hội đều được gọi là “hiện tượng xã hội”, đó cũng là những hiện tượng mà chính bản thân xã hội đó sản sinh ra. Do ngày càng có nhiều bệnh tật và bệnh nhân trong xã hội ngày nay, nên mới sinh ra việc càng ngày càng có nhiều bác sỹ và thuốc. Đây là “căn bệnh” của bản thân xã hội đó, cho dù có bao nhiêu bác sỹ cũng chẳng thấm vào đâu! Muốn cho y học phát triển một cách khỏe mạnh, trước tiên chúng ta cần phải làm “khỏe mạnh” xã hội này! Nhưng mặt khác, con người lại là nhân tố chủ đạo của xã hội, nên muốn làm cho một xã hội “khỏe mạnh”, chính là tương đương với việc yêu cầu hầu hết mọi người trong xã hội này phải “khỏe mạnh” lên! Từ đây khiến mọi người hiểu rõ rằng việc trị bệnh của con người và việc trị bệnh của xã hội luôn có mối quan hệ mật thiết.

Chữa bệnh cho người thì phải tìm bác sỹ, chữa bệnh cho xã hội thì phải tìm nhà xã hội học và chính trị gia, hai người này dường như không liên quan với nhau. Kỳ thực không phải vậy. Chúng ta thường nói rằng phải lấy lịch sử làm tấm gương để soi chiếu, thì có thể tìm được cách giải quyết các vấn đề hiện đại. Khi chúng ta trở lại dọc theo bước chân của lịch sử, chúng ta thấy rằng: bệnh ở người và bệnh xã hội hoàn toàn có nguyên nhân như nhau! Nên phương pháp trị bệnh của con người và trị bệnh của xã hội là hoàn toàn đồng nhất!

“Bậc Thánh nhân đời thượng cổ đã răn dạy người dưới mình biết xa lánh hư tà tặc phong, trong lòng điềm đạm hư vô, chân khí thuận theo, tinh thần bền vững, bệnh còn do đâu mà sinh ra được”. “Vậy nên chí nhàn mà ít dục, yên tâm mà không sợ, hình thể hoạt động mà không mệt mỏi, chân khí điều hòa”. Thời “thượng cổ”, chính là “Thánh nhân” (không phải bác sỹ) đã dạy con người đạo dưỡng sinh để chăm sóc sức khỏe: cần phải thích ứng với những thay đổi của thiên nhiên, nuôi dưỡng tinh thần từ bên trong, tâm trí không hướng ra bên ngoài; tính tình điềm đạm, không truy cầu không tranh đấu. Có một câu nói, nếu bạn giữ được tinh thần và trái tim của mình, sẽ tự nhiên cảm thấy an tâm thuận khí và sẽ không bị bệnh. Người như vậy là người “bề ngoài không vất vả, bên trong không lo lắng, lấy an nhàn làm việc, lấy tự đắc làm công, thân thể không suy nhược, tinh thần không tán loạn”, vì vậy, họ “thọ mệnh có thể đạt được trăm tuổi mà động tác vẫn nhanh nhẹn”, sống đến hơn trăm tuổi mà vẫn khỏe mạnh. Không những vậy, khi ai ai cũng làm được điều này thì phong tục dân gian sẽ đơn giản, xã hội sẽ ổn định, “khỏe mạnh”. “Người đời nay không như vậy, họ coi rượu như một thứ đồ uống, uống không có chừng mực, biến cuộc sống bất thường thành thói quen, say rượu cũng quan hệ tình dục, vì phóng túng dục vọng cho nên âm tính cạn kiệt, vì để thỏa mãn ham mê đã khiến cho chân khí tổn thất, không biết duy trì sự sung mãn của tinh khí một cách cẩn thận, không giỏi kiềm chế tinh thần, mà chỉ tìm kiếm niềm vui tạm bợ trong tâm trí, làm trái ngược với niềm vui cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày và nghỉ ngơi không có quy luật, nên nửa trăm năm đã già yếu”. Sở dĩ có thể được như vậy là bởi “đức toàn nên không gặp nguy hiểm” “hợp với Đạo”. Nói cách khác, con người khi làm như vậy chính là bảo toàn được cái “đức” của mình và phù hợp với “Đạo”, đương nhiên con người và xã hội sẽ không bị bệnh tật. Ở đây “Thánh nhân” thông qua trị cái “tâm” của con người và dạy người ta thủ “đức” thì cũng đồng thời chữa bệnh cho người và chữa bệnh cho xã hội.

Con người hiện đại hiểu được những nguyên lý này rất ít, nhưng trong lịch sử luôn có những người hiểu và tự thể nghiệm. Kê Khang, một trong “Trúc Lâm Thất hiền” thời Tam Quốc từng nói: “Người giỏi dưỡng sinh sẽ không làm như thế, họ có thể an nhiên tự tại, thanh tâm quả dục. Họ hiểu rằng truy cầu danh lợi, địa vị sẽ làm tổn hại đạo đức con người, cho nên họ xem nhẹ mà không mưu cầu”, “có tâm hồn cởi mở thì sẽ không lo lắng, nội tâm yên tĩnh thì sẽ vô tư lự, lại có thể làm được trước sau như một hòa hợp với khí của tự nhiên thì sẽ ngày càng có hiệu quả, chính là thuận theo tự nhiên”. Phương pháp dưỡng sinh của họ là có tâm hồn trong sáng, tính tình an hòa, kiềm chế ham muốn, giảm bớt tính ích kỷ. Họ biết danh lợi là phải dùng “đức” mà đổi, vì để không “tổn đức” nên họ không truy cầu. Lại thêm làm được “trước sau như một” “hòa khí với tự nhiên” gần với “Đạo” thì cuối cùng sẽ đạt được “thuận theo tự nhiên”, tức là sự hài hòa và thống nhất giữa con người và tự nhiên. Ý tưởng cơ bản ở đây vẫn là giữ “Đức” hợp với “Đạo”, từ đó để đạt được mục đích của dưỡng sinh.

Hoàng đế hỏi Kỳ Bá: “Các vị Thánh nhân cổ đại làm thang dịch giao lễ, nhưng chỉ làm mà không dùng là sao?” Kỳ Bá thưa rằng: “Các bậc Thánh nhân thời xưa làm ra thang dịch giao lễ là chỉ để phòng bị khi nào tà khí phạm đến. Nhưng người thời đó phần nhiều giữ được hoàn toàn thiên chân, nên tặc phong không mấy khi phạm vào được. Vì thế dù có làm ra thang dịch giao lễ mà cũng không mấy khi dùng tới. Đến thời trung cổ đạo đức suy yếu, khi tà khí phạm tới, dùng thang dịch giao lễ thì rất có công hiệu”. Điều khiến người ta kinh ngạc là, thời đại “thượng cổ” trước thời của Hoàng đế, “Thánh nhân” (không phải là thầy thuốc) mặc dù họ đã chuẩn bị các loại như thang dược và tửu dược, nhưng nói chung đều là các sản phẩm dự phòng, chúng thường không được dùng tới. Sau này vào “thời Trung cổ”, “đạo đức” của con người sa sút, họ không còn khả năng chống lại sự tấn công của bệnh tật, bệnh cũng càng ngày càng nhiều thì tất phải sử dụng các loại thang dược và tửu dược thì đảm bảo mọi thứ đều ổn. Ở đây được chỉ rõ ra rằng mối liên hệ trực tiếp giữa sự suy thoái “đạo đức” con người với bệnh tật của con người, hơn nữa người gánh vác chữa bệnh vẫn là “Thánh nhân”. Cần chú ý rằng khái niệm thượng cổ, trung cổ được nói đến ở đây là trong ngữ cảnh của “Hoàng Đế Nội Kinh”, chúng ta xem thời Hoàng Đế là thời thượng cổ, nhưng bản thân người thời đó lại nói về một thời kỳ còn xa xôi hơn thế. Với chúng ta ngày nay thì có thể xem là thời “thượng thượng cổ”.

Toàn bộ lý thuyết của Trung y, thậm chí cả lý thuyết của Đạo gia, đều nhằm mục đích cân bằng “âm dương”. “Âm bình dương bí thì tinh thần của con người mới bình thường; nếu âm dương tách biệt thì tinh khí của con người sẽ cạn kiệt”. Tuy nhiên, người bình thường khó đạt được trạng thái lý tưởng “âm bình dương bí”, cho dù không biểu hiện ra triệu chứng bệnh tật thì luôn có sự mất cân bằng âm dương ở mức độ nhất định. Người thật sự đạt được “âm bình dương bí” (âm thăng bằng, dương kín đáo) là trạng thái như thế nào? Người có âm dương ôn hòa, trong lòng trong sáng vô tư, không suy tính được hay mất, thanh tâm quả dục và không quá hoan hỷ, thuận theo quy luật phát triển của vạn vật, không bao giờ tính toán đến chuyện được mất của cá nhân, giỏi thích nghi với những thay đổi của hoàn cảnh, dù địa vị cao nhưng rất khiêm tốn, thường dùng lý trí để thuyết phục người khác chứ không dùng thủ đoạn trấn áp để trừng trị người khác, có tài năng tổ chức và quản lý rất tốt. Hóa ra đó chính là kiểu nhân vật “Thánh nhân” mà chúng ta đã nhắc đi nhắc lại ở trên! Biểu hiện của sự “âm dương ôn hòa” của họ là sống lặng lẽ, ôn hòa, tâm thái cao thượng, vững vàng, khiêm tốn và thuận theo tự nhiên, thích ứng với mọi hoàn cảnh, không tranh đấu với người khác. Phương pháp tối cao mà họ theo đuổi để hài hòa con người và thế giới là chỉ trò chuyện (đàm) mà không trị, chỉ cần nói vài lời là được! Chẳng trách người xưa đã nói: “Thánh nhân không trị bệnh khi đã mắc bệnh mà trị lúc chưa mắc bệnh, không trị khi đã loạn mà trị lúc chưa loạn”.

Bệnh của con người và “bệnh” của xã hội đều là vì nhân tâm có bệnh; muốn chữa bệnh cho người và chữa “bệnh” của xã hội, trước hết phải chữa được nhân tâm! Đây chính là cách “chữa bệnh khi chưa có bệnh” cao nhất!

Theo “Mạn đàm Trung Y: Thế nào là ‘Trị bệnh khi chưa thành bệnh’?
Đăng trên ChanhKien.org
Tác giả: Nhược Bình Tử

Xem thêm:

Mời xem video: