Thiển đàm về quan niệm Nho gia: Làm tổn hại tóc da là bất hiếu?
- Lưu Như
- •
Nho gia có câu: “Thân thể phát phu, thụ chi phụ mẫu”, thân thể tóc da, nhận từ cha mẹ, người xưa cho rằng tùy tiện làm tổn hại thân thể chính là bất hiếu. Nguồn gốc và ý nghĩa sâu xa của quan niệm này là gì?
Bàn về câu nói này, ngày nay có người cho rằng, không có cơ thể khỏe mạnh thì lý tưởng và sự nghiệp không thể đạt được. Cũng có người cho rằng cha mẹ thường hay lo lắng con cái có khỏe mạnh không, nếu chăm sóc tốt thân thể của bản thân thì cha mẹ tự nhiên sẽ cảm thấy yên lòng. Đương nhiên đây là điều cơ bản nhất của hiếu hạnh, là việc đầu tiên cần phải làm được, nếu không, để thân thể bị thương, hoặc đau ốm, thì sẽ khiến cha mẹ ăn ngủ không yên, đương nhiên cũng là bất hiếu. Nhưng hiểu như vậy thì có lẽ vẫn còn thiếu sót.
“Thân thể phát phu, thụ chi phụ mẫu” nguyên gốc từ cuốn Hiếu Kinh. Hiếu Kinh do Khổng Tử sáng tác và được viết dưới hình thức cuộc đối thoại giữa Khổng Tử và học trò Tăng Tử. Cuộc thảo luận về cơ thể, tóc và da ở bài này xuất hiện trong chương mở đầu của cuốn Hiếu Kinh, “Khai Tông Minh Nghĩa”. Nói một cách đơn giản chính là nói cho mọi người biết luận điểm của Hiếu Kinh: Thế nào là hiếu? Mục đích của việc giảng đạo hiếu là gì? Vì nó xuất hiện ở chương đầu, nên ắt có ý nghĩa sâu sắc.
“Hiếu Kinh – Khai Tông Minh Nghĩa” viết đại ý rằng:
Một ngày nọ, Khổng Tử ngồi trong nhà, đệ tử của ông là Tăng Tử ngồi hầu bên cạnh. Khổng Tử nói:
“Bậc đế vương tiên tổ có lòng nhân đức rất cao, thông hiểu các vấn đề then chốt trong đạo trị quốc và đối nhân xử thế, khiến thiên hạ nhân tâm quy thuận, người dân sống hoà thuận với nhau. Trên dưới hài hòa, người người đều không oán hận, không bất mãn. Con có biết tại sao lại như vậy không?”
Nghe câu hỏi, Tăng Tử nhanh chóng đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi trả lời rằng:
“Học trò không đủ thông minh để hiểu, đạo lý nằm ở đâu?”
Khổng Tử liền dạy bảo rằng:
“Đạo lý của các bậc tiên vương này tức là hiếu. Nó là cội nguồn của tất cả đức hạnh, cũng là căn nguyên của giáo dục. Thân thể chân tay, da tóc của con người, đều do cha mẹ ban tặng, không được tùy tiện làm tổn hại, thương tàn, làm được điều này, có thể nói là khởi đầu của đạo hiếu. Để có thể lập thân được ở đời phải tuân theo đạo đức nhân nghĩa, lưu lại tấm gương nhân đức cho thế hệ mai sau, cũng là làm cho cha mẹ vẻ vang vinh hiển, đây là mục đích cuối cùng của đạo hiếu. Cái gọi là đạo hiếu, bắt đầu từ việc phụng dưỡng cha mẹ, sau đó là phụng sự quân vương, và cuối cùng thành tựu được đức hạnh của mình. Trong Kinh Thi – Đại Nhã – Văn Vương có viết rằng: ‘Làm sao có thể không nhớ đến tổ tiên của mình? Phải truyền thừa và tu hành mỹ đức mà tổ tiên để lại’”.
Khổng Tử giảng về đạo hiếu, bắt đầu giảng từ đạo đức cao của tiên vương, kỳ thực đó chính là đạo hiếu đễ và trung tín mà cả cuộc đời vua Thuấn đã để lại. Từ nhỏ vua Thuấn đã bị mẹ kế, cha và em trai của mình ngược đãi, nhưng ông chưa bao giờ oán hận, cả đời vẫn đối xử tốt với cha mẹ và yêu thương em trai. Khi ở bên ngoài, dù là khai hoang hay đi đánh cá, vua Thuấn đều có thể nhường chỗ tốt cho người già yếu, đức hạnh của ông đã cảm hóa lòng người, giáo hóa thiên hạ, phong tục người dân trở về thuần hậu, trên dưới đều học theo, lòng người tự nhiên quy thuận. Những điều mà Khổng Tử giảng chính là lòng nhân đức lấy đạo hiếu làm gốc của Thuấn. Đó là đạo lý cốt lõi căn bản để lập thân và trị quốc. Đó cũng là cội nguồn căn bản mà tiên vương Thuấn đã thành lập. Con người ắt phải bắt đầu từ hiếu đạo để tu dưỡng nhân đức của bản thân, vì vậy, đạo hiếu rất quan trọng.
Cách thực hành đạo hiếu ra sao? Đó chính là cảm ân và trân quý tấm thân do cha mẹ ban cho, trân trọng sinh mệnh này. Tương lai không chỉ dùng thân mình để phụng dưỡng cha mẹ, mà còn giúp vua trị nước, tạo phúc cho bách tính, cuối cùng thành tựu giá trị cuộc đời, đó chính là mang tới vinh diệu cho cha mẹ và tổ tiên. Có được vinh diệu không phải là để hiển hách địa vị thân phận, biểu dương tên tuổi đời sau, kiến công lập nghiệp, cũng không phải vì sự nổi danh cá nhân hiện tại, để hiển thị bản thân có của cải và địa vị, mà là để thành tựu đạo đức, lấy đức lập thân, lưu lại danh tiếng tốt về nhân đức, để hậu nhân tưởng nhớ và kính trọng vì những đức hạnh cao đẹp, đây mới là thực sự làm rạng rỡ tổ tông. Con cháu đời sau đều sẽ vinh hạnh về điều này, đời đời truyền thừa, thực hiện tác dụng giáo hóa của đạo đức. Cái “danh” mà Khổng Tử giảng là giá trị do nhân đức mang đến, khiến đời sau vì thế mà tự hào. Vì vậy, Khổng Tử đã dùng lời trong Kinh Thi để kết thúc luận thuật về đạo hiếu của mình, để nói với các đệ tử phải biết luôn ghi nhớ đức hạnh của tổ tiên, noi theo, kế thừa và tu hành mỹ đức đó.
Có thể thấy, bảo vệ thân thể mà cha mẹ ban cho không chỉ để cha mẹ yên lòng, mà còn phải dùng thân thể đó để thực hành đạo hiếu tại gia đình, ra ngoài giảng trung tín, thực hành đạo nghĩa, lưu lại mỹ đức, làm tấm gương cho hậu nhân, đây chính là vinh diệu lớn nhất, cũng là đạo hiếu lớn nhất với cha mẹ và tổ tiên, vì vậy đó chính là kế thừa và phát huy mỹ đức của tổ tiên, là đạo hiếu tối thượng. Điều này khiến cho hậu thế dùng mỹ đức lập thân, lấy nhân đức làm vinh quang, nhà nhà đều truyền bá đạo nghĩa, đạt được mục đích lấy đức để cảm hóa thiên hạ.
Theo “Ấu Học Quỳnh Lâm bút đàm: Không được làm tổn hại tóc da“
Đăng trên ChanhKien.org
Tác giả: Lưu Như
Xem thêm:
Mời xem video: