Cổ ngữ nói: “Trong trăm cái thiện thì hiếu đứng đầu”. Một người không hiếu thuận với cha mẹ thì không thể được người khác tín nhiệm cho dù ở việc nhỏ cũng như việc lớn. Người bất hiếu không những có cuộc đời không thuận lợi, suôn sẻ mà khi về già cũng sẽ gặp tình cảnh giống như mình đã đối xử với cha mẹ lúc trẻ. Người xưa nói: “Thiện có thiện báo, ác có ác báo”, trong lịch sử cũng có ghi chép lại rất nhiều câu chuyện vì hiếu thảo mà được hồi báo tương xứng.

Vì sao người xưa giữ hiếu đạo 3 năm sau khi cha mẹ mất?
(Tranh minh họa thời Tống, Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Wikipedia, Public Domain)

Trong “Thế thuyết tân ngữ” có một câu chuyện về Trần Di như vậy. Trần Di người quận Ngô, giữ chức “chủ bạ” trong quận, là người chuyên giải quyết sổ sách văn thư. Ông là người vô cùng hiếu thuận với cha mẹ.

Mẹ Trần Di thích ăn cơm cháy. Mỗi ngày, khi đến quận sở làm việc Trần Di đều mang theo một cái túi nhỏ, mỗi khi nấu cơm ông đều dành ra một ít cơm cháy, khi về nhà thì lấy ra cho mẹ ăn.

Sau này khi giặc tiến vào chiếm cứ quận Ngô, quan nội sử trong triều là Viên Sơn Tùng lập tức xuất binh chinh phạt. Lúc đó Trần Di đã dồn được vài đấu cơm cháy, vì tình hình có biến nên không kịp đem cơm về nhà cho mẹ, bèn chỉ biết mang cơm cháy cùng ra chiến trận.

Hai bên khai chiến, Viên Sơn Tùng bại trận, quân đội tán loạn, phải chạy trốn đến núi sâu đầm lầy, không có thức ăn, rất nhiều binh lính đã chết đói, nhưng Trần Di lại nhờ ăn cơm cháy mà sống sót được.

Lúc đó mọi người biết chuyện đều cho rằng điều này là hồi báo cho lòng hiếu thảo thuần hậu của Trần Di đối với mẹ mình.

Có câu ngạn ngữ rằng “Cao bất thành, đê bất tựu”, ý nói là việc lớn nhỏ đều làm không xong. Có người việc lớn làm không nổi, việc nhỏ lại không muốn làm, cuối cùng lại chẳng làm nên trò trống gì. Cũng có người không thích câu nệ tiểu tiết, cho rằng những việc nhỏ vốn dĩ không ảnh hưởng đến đại cục chung nên sẽ lơ đãng không tự ước thúc bản thân. Kỳ thực qua những việc nhỏ, chúng ta mới thấy được bản tính chân thật của một người, vì những việc nhỏ luôn yêu cầu sự kiên trì và bền bỉ, phải kiên nhẫn trong thời gian dài mới có thể làm được.

Có câu rằng: “Cha mẹ nằm giường bệnh lâu ngày, mới biết được đứa con nào có lòng hiếu thảo”. Hiếu thuận với cha mẹ xem ra thì vô cùng đơn giản, nhưng cần làm được kiên trì, bền bỉ mới là có hiếu thực sự. Xem qua thì cách hành xử của Trần Di trong câu chuyện trên chỉ là một việc nhỏ: thu lượm cơm cháy cho mẹ sau mỗi ngày nấu cơm, nhưng có thể kiên trì thực hiện một cách không gián đoạn thì thực sự rất khó. Điều này cũng giống như đạo lý “tích tiểu thành đại”, “nước chảy đá mòn”.

Theo “Kiên trì hiếu thảo được hồi báo”
Đăng trên ChanhKien.org
Tác giả: Đại Nguyên

Xem thêm:

Mời xem video: Gia đình có 4 “bảo vật” này, không hưng vượng cũng phú quý