Thói chuộng tin đồn
- Nguyễn Thị Bích Ngà
- •
Sống ở cả hai miền đủ lâu, tôi thấy, ở đâu trên đất nước mình cũng đầy rẫy tin đồn.
Chuộng tin đồn thì nơi nào cũng chuộng bởi tin đồn thường mang màu sắc bí hiểm, úp mở, đánh vào cái tâm lý tò mò của con người. Và anh trí thức hay bà nông dân thì cũng chuộng tin đồn như nhau. Á a, đừng vội phủ nhận. Tùy theo trình độ, kiến thức mà mỗi giới, mỗi giai tầng xã hội chuộng các loại tin đồn khác nhau.
Bà nông dân chuộng các tin đồn củ khoai củ sắn, con rắn con ma, quái thú… Anh trí thức chuộng tin đồn ông Ba ông Tư, lên lên xuống xuống, đổi thay hay không đổi thay, sự kiện… Người mê tín chuộng tin đồn ông này bà nọ hiển linh… Người thích khoa học chuộng tin đồn về người ngoài hành tinh, vật thể lạ…
Với bà nông dân mà đem chuyện ông Tư, ông Ba ra rỉ tai thì họ phẩy tay, “Úi xời, tin làm gì cái loại tin đồn đó!” Với anh trí thức mà đem tin đồn con ma, củ khoai ra nói thì họ bĩu môi, “Đúng là ít học mới tin tin đồn!” trong khi mỗi người, mỗi giới đều chuộng và tin tin đồn, chỉ là ở cấp độ và sự việc khác nhau mà thôi. Người này cười mỉa vào sự chuộng và niềm tin vào tin đồn của người khác không phải là vì bản thân không chuộng tin vào tin đồn mà bởi vì người khác không chuộng loại tin đồn giống như mình.
Người cảm tính thường tin vào tin đồn ngay, ít phân tích suy luận, đặt vấn đề để tìm hiểu sự thật. Người lý trí thường phân tích, suy luận để tìm hiểu trước khi tin nhưng do thiếu hụt thông tin, không đủ cơ sở lý luận, không đủ niềm tin hoặc chỉ đơn giản là bị tác động của đám đông thì cũng sẽ tin vào tin đồn cho đến một lúc đủ dữ liệu để nhận ra mình ngớ ngẩn. Rồi, tiếp tục chạy theo một tin đồn khác!
Phát tán tin đồn có nhiều cách và cách tốt nhất là rỉ tai. Rỉ tai có tác dụng cao ghê gớm vì nó có giọng nói, có ngữ điệu, có cả biểu cảm hình thể để làm cho đối tượng nghe tin đồn bị cuốn vào không thể cưỡng lại bởi bản tính tự nhiên tò mò, muốn hiểu biết, khám phá và… có cái mà nói với nhau khi tụ tập. Tùy vào kiến thức và sự hiểu biết nhất định của mỗi người, tin đồn có thể được con người thêm hoặc bớt để làm tăng tính tin cậy với người được rỉ tai. Do đó, khi truyền tai nhau hai đến ba lần thì tin đồn thường không còn giữ được nguyên bản ban đầu. Tin đồn luôn tồn tại cùng con người bất kể vùng miền và nền văn minh bởi những yếu tố kể trên.
Tin đồn tốt hay xấu? Cũng thiệt là khó nói vì nó tùy thuộc vào ý đồ, mục đích, đối tượng nhắm đến của người tung tin. Có những tin đồn làm thay đổi đất nước, có những tin đồn chấn động và làm thay đổi các quyết định, tạo ra sự thay đổi các quốc gia. Có những tin đồn gây lao đao cho nghành nghề. Có những tin đồn làm phá sản một doanh nghiệp, cá nhân. Có những tin đồn có thể hủy hoại hoặc gây ra chết người vì đối tượng chịu tin đồn không đủ bản lĩnh, kiến thức, kỹ năng để vượt qua áp lực. Cũng có những tin đồn vô thưởng vô phạt, chỉ là câu chuyện “làm quà” lúc chè chén.
Bạn và tôi, chúng ta không thể nào có thể lường trước được các loại tin đồn và đối tượng được nhắm đến là ai, bạn hay người khác, sự kiện này hay sự vật nọ. Cũng không thể khẳng định chắc chắn 100% chúng ta là người không chuộng tin vào tin đồn và trực tiếp hay gián tiếp truyền tin vào một thời điểm nào đó và nó lợi hoặc hại ra sao, trở thành nạn nhân hay biến người khác thành nạn nhân như thế nào.
Ở thời đại kỹ thuật số, tin đồn đi nhanh và lan rộng chỉ bằng những cú nhấp chuột. Muốn mình công chính và không bị bẽ mặt về sau, tốt nhất là cố gắng tìm hiểu thật đầy đủ các dữ kiện để kiểm chứng tin đồn trước khi nói hoặc nhấp chuột, chậm mà chắc để hạn chế đến mức tối đa việc một ngày bỗng dưng thấy mình lố bịch và ngu ngốc, xấu hổ ở một sự việc nào đó vì “lỡ tin vào… nên…”.
Nguyễn Thị Bích Ngà
Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả
- Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
- Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
- Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Những tổn thương vô tình gây cho con” tại đây
Xem thêm cùng tác giả:
Mời xem video:
Từ khóa thói xấu người Việt tin đồn Nguyễn Thị Bích Ngà