Thưởng thức đức âm nhã nhạc là cách điều hòa tâm chí
- An Hòa
- •
Cùng với sự phát triển của khoa học và kỹ thuật, nhịp sống của con người trong xã hội hiện đại càng lúc càng nhanh, áp lực tinh thần cũng càng ngày càng lớn. Trong thời đại chuyển động nhanh như vậy, làm sao chúng ta khiến cho nội tâm vốn mệt mỏi, nôn nóng và nhiều lo toan có thể an tĩnh lại và tìm được một chốn nghỉ ngơi an ổn tường hòa? Có người sẽ lựa chọn ngủ nghỉ, có người lựa chọn đọc sách thưởng trà vào những lúc rảnh rỗi, cũng có người lại đi về một nơi xa xôi yên tĩnh để thư giãn. Nhưng dường như những cách đó chỉ có thể giải quyết được áp lực vật chất và tinh thần một cách tạm thời, còn những nỗi lo lắng bất an ở sâu thẳm trong nội tâm thì căn bản chưa giải quyết được. Đây chính là lý do vì sao trong các loại hình nghệ thuật cổ xưa ở phương Đông thì đức âm nhã nhạc lại được đặt ở một vị trí cao tuyệt so với các bộ môn khác.
Các triều đại trong lịch sử vô cùng coi trọng đức âm nhã nhạc. Rất nhiều vị minh quân trong các triều đại của lịch sử khi lên nắm quyền thì điều trước tiên họ làm là chính lại lễ nhạc. Vì sao các vị Hoàng Đế này lại coi trọng lễ nhạc như vậy? Nguyên nhân rất đơn giản, chính là âm nhạc có thể dưỡng tâm con người, giáo hóa con người. Âm nhạc ở trên có thể tương hợp với Trời, ở dưới có thể tương hòa với Đất, mà ở giữa thì lại tương thông với con người. Nó chính là phương pháp giúp điều hòa nội tâm và mang lại chính khí, đức hạnh cho con người.
Thời nhà Chu, Chu Công chế tác lễ nhạc giúp cho vương triều nhà Chu kéo dài suốt hơn 800 năm, trở thành triều đại lâu dài nhất lịch sử Trung Hoa. Khổng Tử sinh ra vào thời Xuân Thu, khi mà “lễ đã băng nhạc đã hoại”, vì để hoằng dương văn hóa lễ nhạc, ông đã chu du qua các nước. Sở dĩ Chu Công và Khổng Tử tâm huyết với lễ nhạc như vậy là bởi vì họ biết rõ rằng văn hóa lễ nhạc đối với quốc gia hay cá nhân đều có lợi ích vô cùng to lớn. Cổ nhân cho rằng: “Nhạc có thể làm ngay chính lại tâm con người, lễ có thể làm ngay chính lại hành vi con người”.
Từ những câu chuyện Thần thoại được truyền lại từ xa xưa có thể thấy, Bàn Cổ khai thiên lập địa có vũ điệu “Trường cổ”, Nữ Oa chế tác “Sung nhạc”, Phục Hy có “Phù lai”, Thần Nông có “Phù Lê”. Văn minh lễ nhạc có nguồn gốc và lịch sử xuyên suốt hàng ngàn năm nên đương nhiên có nội hàm thâm sâu và rộng lớn.
Trong “Lễ ký. Nhạc ký” viết: “Đại nhạc dữ thiên địa đồng hòa, đại lễ dữ thiên địa đồng tiết”, nghĩa là âm nhạc cao thượng tốt đẹp hòa cùng trời đất còn lễ nghi trọng thể là có tiết độ như trời đất tự nhiên. Đại nhạc hòa đồng với trời đất chính là đức âm nhã nhạc, còn loại âm nhạc không hòa đồng với trời đất thì chính là tà tích nịch âm, khiến con người bị lạc vào, say mê mà thiếu tỉnh táo.
Cho nên minh quân thời cổ đại dùng đức âm nhã nhạc để điều hòa tâm chí con người, dùng đại lễ để tiết chế hành vi của con người. Khi tâm chí và hành vi của dân chúng trong thiên hạ đều phù hợp với đạo của trời đất thì tự nhiên sẽ khiến thiên hạ thái bình, quốc thái dân an. Khi tâm của con người đã phù hợp với đạo của trời đất thì nhất định sẽ không thể khiến thân tâm mệt mỏi, nóng nảy, bất an nữa.
Vũ nhạc “Đại thiều” ca tụng Đế Thuấn dùng văn đức trị nước an dân. Bộ vũ nhạc này vô cùng huy hoàng tráng lệ. Trong cả ba triều đại là Hạ, Thương, Chu đều dùng “Đại thiều” cho các buỗi hiến tế và lễ mừng lớn. Sau khi Khổng Tử thưởng thức “Đại thiều” ở nước Tề thì đã bị chìm đắm trong khí thế khoáng đạt ấy đến nỗi suốt ba tháng ròng ăn thịt mà không còn biết mùi vị thịt.
Văn hóa lễ nhạc vô cùng bác đại tinh thâm, từ xưa vẫn được xem là Thần truyền cấp cho nhân loại. Đức âm nhã nhạc tràn ngập sức mạnh thần kỳ, có thể tu thân chính tâm. Khi nội tâm của một người có sự bất an, nôn nóng, lo âu, nghe được đức âm nhã nhạc thì tự nhiên sẽ an ổn lại và tìm được nơi quy túc chân chính cho mình.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video “Có bao giờ bạn tự hỏi nhà tù nào lớn nhất đời người?”:
Từ khóa Lễ nhạc đức âm nhã nhạc âm nhạc cổ