Tìm hiểu cách làm giàu của thương gia thời xưa
- An Hòa
- •
Việc kinh doanh buôn bán đã có lịch sử từ rất lâu đời trong cuộc sống của nhân loại. Các triều đại xưa đều xuất hiện những thương gia lớn thành đạt, và phương pháp làm giàu của họ đều đáng giá để người thời nay tham khảo, học tập.
Chọn nơi để kiếm tiền
Trong “Binh pháp” viết: Địa hình là điều kiện hỗ trợ cho việc dùng binh. Phán đoán tình hình, khảo sát địa hình lợi hại, tính toán xa gần, đó là cách mà một tướng giỏi phải nắm vững. Nắm vững phương pháp rồi mới chỉ huy tác chiến thì chắc thắng, không nắm vững phương pháp đã chỉ huy tác chiến thì ắt thua.
Có thể thấy, địa hình rất quan trọng trong chiến đấu, người làm tướng không thể không xem xét kỹ. Nếu ví thương trường như chiến trường thì người kinh doanh giống như tướng soái chỉ huy thiên quân vạn mã. Tướng soái có trí tuệ khi tác chiến thường thường sẽ chiếm lấy địa hình có lợi, cuối cùng sẽ giành được thắng lợi trong cuộc chiến.
Phạm Lãi, quân sư thời Xuân Thu Chiến Quốc đã rất am hiểu câu nói này. Ông dùng ánh mắt của chiến lược gia, cho rằng vùng đất Đào là trung tâm của thiên hạ, thuận tiện giao thương, là nơi lý tưởng để kinh doanh buôn bán. Quả nhiên trong 19 năm, ông đã ba lần thu hoạch được thành công rực rỡ, trở thành nhà kinh doanh thiên cổ. Thiên hạ sau này đều biết tới Đào Chu Công Phạm Lãi giàu có “phú gia địch quốc”, của cải có được nhiều như tài sản của một quốc gia.
Trong “Sử ký. Hóa thực liệt truyện” viết rằng, sau khi nước Tần tiêu diệt nước Triệu, đã thi hành chính sách di dân. Lúc ấy, rất nhiều người đã hối lộ quan lại vì muốn được ở lại, không muốn rời đi. Duy chỉ có phú thương Trác Thị yêu cầu được rời đến dưới núi Văn Sơn. Ông đã nhìn thấy nơi đó đất đai màu mỡ, sản vật phong phú, dân chúng thuần hậu, dân cư thích mua bán, việc kinh doanh phát triển dễ dàng. Quả nhiên chỉ mấy năm sau, Trác Thị đã trở thành người giàu có nổi tiếng xa gần.
Mua khi rẻ, bán khi đắt
Trong “Sử ký. Hóa thực liệt truyện” viết: “Quý xuất như phẩn thổ, tiện thủ như châu ngọc”, nghĩa là khi giá tăng cao thì phải bán hàng nhanh như đổ chất bẩn vậy, còn khi giá giảm thì gom hàng nhanh như lấy ngọc vậy. Trong “Chiến Quốc sách” cũng viết: “Thì tiện nhi mãi, tuy quý dĩ tiện hĩ; thì quý nhi mại, tuy tiện dĩ quý hĩ”, ý nói lúc rẻ mà mua vào thì dù giá có đắt chút cũng đã là rẻ so với giá trị của nó rồi, khi đắt mà bán ra thì dù cho có rẻ một chút cũng đã là đắt so với giá trị của nó rồi.
Là một thương nhân, cần phải giỏi nắm bắt cơ hội kinh doanh. Khi giá cả hàng hóa mà mình có đang vô cùng cao thì phải nhanh chóng bán đi. Khi giá cả hàng hóa bên ngoài thị trường đang vô cùng thấp thì phải giống như nhìn thấy trân châu bảo ngọc, nhanh chóng mua về một lượng lớn có thể.
Bạch Khuê thời kỳ Chiến Quốc được xưng là “Thương tổ”. Sách “Hán Thư” viết rằng Bạch Khuê là người khởi xướng lý luận kinh doanh mậu dịch và phát triển sản xuất. Thời Ngụy Văn Hầu, người dân cả nước chú trọng canh tác nông nghiệp thì Bạch Khuê lại hứng thú với việc quan sát sự biến hóa của thời cơ. Lúc lương thực được mùa thì ông mua vào ngũ cốc và bán ra tơ tằm, đợi đến lúc tơ tằm được bán nhiều thì ông lại mua vào lượng lớn tơ tằm và bán ra ngũ cốc.
Ông từng nói: “Tôi kinh doanh kiếm sống cũng giống như Y Doãn, Lã Thượng hoạch định chiến lược, như Tôn Tử, Ngô Khởi dùng binh đánh giặc và Thương Ưởng thi hành cải cách vậy. Cho nên, nếu trí tuệ của một người không đủ để tùy cơ ứng biến, dũng khí không đủ để đưa ra quyết định dứt khoát, lòng nhân từ không đủ để đưa ra lựa chọn đúng đắn và nghị lực không đủ để kiên trì, thì dù muốn học thuật làm giàu của tôi, tôi cũng sẽ không dạy”.
Bạch Khuê đã dựa vào bộ mưu lược kinh doanh này của chính mình, chuyên tâm kinh doanh. Nguyên tắc và kinh nghiệm kinh doanh của ông đều được các thương nhân đời sau ca ngợi.
Lãi ít nhưng quay vòng nhanh
Thương nhân thời Tiên Tần, Kế Nhiên cho rằng: “Quý thượng cực tắc phản tiện, tiện hạ cực tắc phản quý”, ý nói giá cả của một thương phẩm nào đó đắt đến một mức độ nhất định thì tất sẽ rẻ, khi rẻ đến một mức độ nhất định thì sẽ trở nên đắt.
Sách “Sử ký. Hóa thực liệt truyện” viết: “Tham mãi tam nguyên, liêm mãi ngũ nguyên”, ý nói người kinh doanh mà ham muốn món lãi kếch xù thì cuối cùng chỉ có thể thu lãi được 30%, nếu lợi ít mà tiêu thụ nhiều thì cuối cùng lại có thể đạt được lợi nhuận 50%.
Sách “Úc ly tử” viết, có ba thương nhân ở cùng một chợ bán cùng một mặt hàng, trong đó một người giảm bớt giá bán ra nên lượng người mua của anh ta rất đông. Chỉ trong vòng một năm, anh ta đã trở nên giàu có. Hai người kia không chịu giảm bớt giá bán, kết quả lợi nhuận kém xa người kia. Cho nên, việc kinh doanh buôn bán cần phải có cái nhìn xa, lâu dài, “nước chảy nhỏ thì dòng chảy sẽ dài”, chỉ khi đó doanh nghiệp mới có thể thịnh vượng mãi mãi.
Làm kinh doanh phải trên cơ sở chính nghĩa
Vào triều nhà Thanh, có một thương nhân tên là Thư Tuân Cương rất giỏi suy tính buôn bán. Lúc nhàn rỗi, anh ta thường đọc “Tứ thư”, “Ngũ kinh” và đem những nghĩa lý trong đó vận dụng vào việc kinh doanh của mình. Tuân Cương từng nói: “Tiền bạc cũng giống như dòng suối chảy“, anh ta còn nói: “Kiếm tiền có đại đạo, lấy nghĩa làm lợi, không lấy lợi làm lợi.”
Khổng Tử nói: “Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo”, lấy nghĩa để được lợi thì đức hưng tài vượng, vứt bỏ nghĩa để được lợi thì nghĩa mất mà lợi cũng không đến. Đây có thể nói là một lời răn dạy dành cho thương nhân.
“Nhà tích chứa điều thiện ắt sẽ có nhiều niềm vui, nhà tích chứa điều ác tất sẽ thừa tai ương”. Nếu một thương nhân có được trí tuệ và lý tính thì họ sẽ nhất định không dùng thủ đoạn xấu xa, đê tiện để thu lợi. Dùng thủ đoạn xấu xa để làm kinh doanh thì cuối cùng lợi nhuận kiếm được sẽ bị mất hết.
Lúc dư dả phải nghĩ đến lúc khốn khó
Trong “Kinh Thư” có câu: “Cư an tư nguy, tư tắc hữu bị, hữu bị vô hoạn“, lúc an ổn nghĩ đến lúc nguy nan, suy nghĩ thì tất có phòng ngừa, phòng ngừa thì sẽ tránh được họa nạn. Sách “Hán thư. Tức phu cung truyện” cũng viết: “Thiên hạ tuy an vong chiến tất nguy”, cho dù thiên hạ yên bình nhưng cũng phải luôn nghĩ đến lúc nguy nan, một mực hưởng lạc, quên chuẩn bị cho chiến tranh thì sẽ gặp phải nguy cơ. Hay trong “Ngụy thư. Hàn Kỳ Lân truyện” cũng viết: “Niên phong đa tích, tuế kiệm xuất chẩn”, năm được mùa thì tiết kiệm nhiều hơn, năm mất mùa thì dùng để cứu trợ.
Tục ngữ nói: “Thiên hữu bất trắc phong vân, nhân hữu đán tịch họa phúc”, trời có mưa gió bất trắc, người có phúc họa sớm tối. Trong cuộc đời của chúng ta đều sẽ hoặc ít hoặc nhiều gặp phải những tình huống hiểm nghèo, cấp bách, ví như bệnh tật, thất nghiệp, đầu tư thất bại, tang ma… Cho nên, phải có sự chuẩn bị chu đáo, vào lúc cuộc sống khá giả thì phải có tích lũy từng chút từng chút một để phòng bị cho những lúc bất thường.
Ngoài ra, trong cuộc sống hàng ngày, chi tiêu cũng phải có sự tiết chế, không nên tiêu tiền một cách bừa bãi, phải tránh xa xỉ lãng phí, không mù quáng bắt chước người khác để tiêu tiền vào những việc không cần thiết. Sách “Tư trị thông giám” viết: “Thủ chi hữu độ, dụng chi hữu tiết, tắc thường túc”, lấy có độ, dùng có tiết chế thì sẽ sung túc. Nếu một người có thể kiên trì dựa vào nguyên tắc này mà làm thì mới có thể sung túc, giàu có lâu dài.
Một số cổ huấn về làm giàu
“Khắc cần vu bang, khắc kiệm vu gia, tắc vượng” (Thượng Thư. Đại Vũ mô), nghĩa là cần kiệm trị quốc, cần kiệm trị gia thì cả đất nước và gia đình đều giàu có, thịnh vượng.
“Vi chi giả tật, dụng chi giả thư, tắc tài hằng túc hĩ” (Lễ Ký. Đại học), nghĩa là làm việc siêng năng cần mẫn và chi tiêu từ từ dè sẻn thì của cải sẽ luôn dồi dào.
“Kiến lợi tư nghĩa” (Luận Ngữ. Hiến vấn), nghĩa là khi gặp tiền tài của cải thì phải nên nghĩ đến chính nghĩa.
“Bất nghĩa nhi cương, kì tễ thậm tốc” (Tả truyện. Chi Công nguyên niên), ý nói dựa vào thủ đoạn bất nghĩa mà cường thịnh thì sự diệt vong cũng sẽ đến nhanh chóng.
“Phu từ, cố năng dũng; kiệm, cố năng nghiễm” (Lão Tử), ý nói người hiền lành lương thiện thì có thể dũng cảm, người sống giản dị tiết kiệm thì sẽ sung túc dư dả.
“Bất học vấn, vô chính nghĩa, dĩ phú lợi vi long, thị tục nhân giả dã” (Tuân Tử. Nho hiệu), ý nói không có học vấn thì sẽ khuyết thiếu tinh thần trọng nghĩa, chỉ cầu tài phú hưng thịnh là người thấp hèn.
“Lương nông bất dĩ thủy hạn bất canh, lương cổ bất vi chiết duyệt bất thị” (Tuân Tử. Tu thân), nghĩa là người nông dân cần cù sẽ không vì hạn hán hay lũ lụt mà không cày cấy trồng trọt nữa. Thương nhân khôn khéo sẽ không vì thua lỗ mà không kinh doanh nữa.
“Gia hữu bất nghĩa chi tài, tắc thương bổn” (Chiến Quốc sách. Tần sách), ý nói nếu trong nhà có của cải bất chính thì sẽ bị của cải này làm hại.
“Ngu giả hoặc vu tiểu lợi, nhi vong kì đại hại” (Hoài Nam Tử. Thái tộc huấn), người ngu xuẩn sẽ luôn bị món lợi nhỏ mê hoặc mà quên đi cái hại lớn.
“Hiền nhi đa tài, tắc tổn kì chí; ngu nhi đa tài, tắc ích kì quá” (Hán Thư. Sơ Nghiễm truyện), nghĩa là người hiền lương mà có tài sản quá nhiều thì sẽ khiến cho ý chí của họ bị suy yếu, người ngu dốt mà tài sản quá nhiều thì sẽ khiến sai lầm của họ tăng nhiều.
“Trí dĩ khải tài” (Vũ Kinh Thất Thư. Lục thao), ý nói trí tuệ là nền tảng đạt được sự giàu có.
“Hữu tài vô nghĩa, hằng gia chi ương” (Chí ngu khố ốc minh), nghĩa là giàu có mà không có đạo nghĩa thì tất sẽ gặp tai ương.
“Phàm nhân phôi phẩm bại danh, tiễn tài chiêm liễu bát phân” (Sử Điển. Nguyện thể tập), nguyên nhân chủ yếu khiến phẩm cách của một người sa đọa, thanh danh bại hoại là vì tham luyến tiền tài.
“Hữu tiễn thường kí vô tiễn nhật” (Ngô hạ ngạn liên), nghĩa là lúc có tiền thì nghĩ nhiều đến lúc không có tiền, như thế sẽ dùng tiền tiết kiệm.
“Phú bất tất kiêu, bần bất tất oán. Yếu khán đáo để, nhãn tiền bất toán” (Phùng Mộng Long ngữ), nghĩa là người có tiền đừng ngang ngược kiêu ngạo, người nghèo khổ cũng không cần phải oán giận đau buồn, còn về quả báo thiện ác phải xem đến cùng mới nghiệm ra, những điều hiện tại chưa tính là gì cả.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa kinh doanh Đạo nghĩa Bạch Khuê Phạm Lãi