Đào Chu Công Phạm Lãi: Danh sĩ bậc nhất thời Chiến Quốc (P1)
- Trần Hưng
- •
Phạm Lãi tên tự là Thiếu Bá, còn gọi là Phạm Bá, sau lại đổi tên thành Si Di Tử Bì và Đào Chu Công. Ông được hậu thế coi là danh sĩ bậc nhất thời Xuân Thu Chiến Quốc.
Không nghe lời Phạm Lãi, Câu Tiễn thua trận phải đầu hàng
Phạm Lãi gốc là người nước Sở, thấy rằng Sở Bình Vương u mê, lại nghe nói Vua nước Việt là Câu Tiễn muốn dựng bá nghiệp nên quyết định phò tá cho Việt Vương Câu Tiễn. Bên cạnh Câu Tiễn có hai mưu thần nổi bật, một là Phạm Lãi, một là Văn Chủng.
Phạm Lãi từng hiến kế cho Việt Vương, muốn Việt mạnh thì cần xây dựng từ căn bản, tích lũy kinh tế và binh lực. Tuy nhiên Câu Tiễn nghe tin Ngô Vương Phù Sai ngày đêm luyện tập binh sĩ chuẩn bị đánh nước Việt thì quyết định đưa quân tiến đánh nước Ngô trước mà không nghe lời can ngăn.
Kết quả Câu Tiễn bị quân Ngô đánh thua tơi tả, phải cùng tàn binh đến núi Cối Kê, bị Ngô Vương Phù Sai vây chặt. Câu Tiễn bấy giờ mới nghe lời Phạm Lãi, nhịn nhục đầu hàng chờ ngày rửa hận.
Giúp nước Việt hùng mạnh
Câu Tiễn phải sang Ngô phục dịch và chịu nhục nhã mất 3 năm. Trong 3 năm này, Phạm Lãi tìm cách thúc đẩy kinh tế của nước Việt ngày càng mạnh. Văn Chủng thì hiến rất nhiều kế sách nhằm phá hoại nội bộ triều đình của nước Ngô.
Dưới sự ảnh hưởng từ các kế sách của Phạm Lãi và Văn Chủng, Ngô Vương Phù Sai bắt đầu chủ quan, háo sắc, bỏ bê chính sự, thậm chí sau này còn giết cả Ngũ Tử Tư là đệ nhất mưu thần của mình..
Sau 3 năm, Câu Tiên về nước. Phạm Lãi giúp Câu Tiễn tiếp tục thao luyện quân đội. Lại 10 năm nữa, nước Việt đã phục hồi, mạnh cả về kinh tế lẫn quân sự.
Nhân cơ hội Ngô Vương tranh bá với Tần, Phạm Lãi hiến kế cho Câu Tiễn xuất quân tiến đánh nước Ngô. Quân Ngô không sao chống nổi và phải chịu thảm bại. Sau 3 lần phá quân Ngô, Câu Tiễn cuối cùng vây được nước Ngô, rồi khiến Ngô Vương Phù Sai phải tự sát. Từ đó Ngô bị diệt.
Diệt được nước Ngô, Câu Tiễn đến họp chư hầu ở Từ Châu, rồi phân chia đất của Ngô cho chư hầu. Bởi vậy nước Việt bấy giờ được xưng là bá.
Từ bỏ phú quý, tay trắng ra đi
Phạm Lãi và Văn Chủng là những công thần có công to nhất của nước Việt, thế nhưng Phạm Lãi lại nhanh chóng cùng gia đình rời đi, không màng đến ban thưởng.
Theo “Sử ký”, trước khi đi Phạm Lãi đã gửi cho Văn Chủng bức thư: “Chim đã hết thì cung tốt phải cất, thỏ khôn đã chết thì chó săn bị nấu. Vua Việt là người cổ dài, miệng diều hâu, có thể cùng lo hoạn nạn, nhưng không thể cùng hưởng phúc. Sao ông lại không bỏ đi?”
Văn Chủng xem thư thì băn khoăn mãi chưa quyết. Kết quả quả sau đó Văn Chủng bị Câu Tiễn ban chết, đúng như dự liệu.
Tài phú đến cực điểm, đem phân phát hết
Phạm Lãi bí mật đưa cả gia đình đến nước Tề mai danh ẩn tích, đổi cả tên họ thành Si Di Tử Bì. Tay trắng xây dựng cơ đồ, ông cùng con trai khai hoang, kinh doanh bên bờ biển.
Nhờ kinh doanh chân thật, lại sẵn lòng giúp người gặp khó, dần dần Phạm Lãi ngày càng giàu có, gia sản có đến hàng nghìn lạng vàng, phú đến cực điểm.
Nhưng Phạm Lãi vốn là người trí tuệ, hiểu rằng “vật cực tất phản”, “doanh cực tắc khuy”, đạt đến cực điểm thì sẽ đi về hướng suy bại. Do đó ông lại đem hết tài sản phân phát cho dân chúng, lần thứ hai cùng gia đình rời đi.
- Còn nữa
Trần Hưng
Xem thêm:
- Lý Mục: Danh tướng đánh tan 10 vạn quân Hung Nô, 10 vạn quân Tần (P1)
- Nữ sắc khiến triều đại nhà Hạ tồn tại 500 năm sụp đổ
Mời xem video:
Từ khóa Phạm Lãi lịch sử thế giới Xuân Thu