Tìm hiểu về cách người xưa chăm sóc tóc
- An Hòa
- •
Con người từ cổ chí kim đều có tâm yêu thích cái đẹp, trong đó không thể không kể đến tóc. Người phụ nữ Á Đông thường mong muốn mình có được một mái tóc đen dài. Đông Y cho rằng tóc là “huyết chi dư, thận chi hoa”, phần dư của máu, là tinh hoa của thận. Vậy nên mái tóc không chỉ làm tăng thêm vẻ đẹp mà còn phản ánh tình trạng sức khỏe của con người.
Về việc vệ sinh thân thể, chúng ta ngày nay dùng “tắm, rửa” như một thuật ngữ chung, nhưng người xưa có cách gọi riêng. Gội đầu được gọi là “mộc”, rửa chân được gọi là “tẩy”, rửa tay được gọi là “quán”, tắm gọi là “dục”. Người thời Tần Hán có thói quen “Tam nhật nhất mộc, ngũ nhật nhất dục”, ba ngày gội đầu, năm ngày tắm. Đến thời nhà Hán, quan viên còn có ngày nghỉ phép “hưu mộc”, cứ năm ngày thì có một ngày để dành cho việc tắm rửa, vì việc tắm rửa thời xưa rất cầu kỳ.
Trong “Lễ ký” có ghi lại: “Mộc tắc nhi hối lương, trất dụng trất, phát hi dụng tượng trất, tiến ky tiến tu, công nãi thăng ca”. Bước đầu tiên là làm sạch tóc, dùng nước vo tắc gội đầu, dùng nước vo lương rửa mặt (tắc và lương là hai loại lúa thời xưa). Bước thứ hai là chải tóc, dùng lược gỗ để chải tóc ướt và lược xương voi để chải tóc khô. Mà đây là cách gội đầu của nam giới, như vậy nữ giới có thể sẽ còn cầu kỳ hơn.
Dầu gội phổ biến thời xưa bao gồm dầu hoa lộ (dầu chưng cất từ hoa), xà phòng. Xà phòng gần tương tự với dầu gội ngày nay và được dùng để làm sạch tóc. Dầu hoa lộ được thoa sau khi gội đầu, giúp nuôi dưỡng tóc và tạo thêm hương thơm cho tóc. Thoa dầu này có thể làm cho tóc mềm mại hơn, giúp cho việc tạo những kiểu tóc tinh xảo được dễ dàng hơn.
Trong “Kinh Thi” viết rằng: “Khởi vô cao mộc?” (Há rằng không có dầu để gội đầu sao?). “Cao mộc” chính là dầu thoa (dưỡng) tóc. Từ hơn 3000 năm trước, cổ nhân đã sử dụng dầu thoa tóc, giúp tóc suôn mềm hơn. Dầu thoa tóc thời kỳ đầu có nguồn gốc từ mỡ động vật. Đến thời nhà Hán, dầu mè từ Tây Vực đã được sử dụng để thoa tóc. Thời nhà Tống, người ta bắt đầu biết chiết xuất các loại hoa để làm dầu thoa dưỡng tóc, loại nổi tiếng nhất là “Hương phát mộc tê du”. Hoa quế còn được gọi là Mộc tê và loại dầu “Hương phát mộc tê” chính là dầu Hoa quế.
Trong cuốn “Sự lâm quảng ký” triều Nam Tống ghi chép về phương pháp chế biến dầu hoa quế: Sáng sớm, hái những bông hoa quế nở một nửa, cắt rửa sạch sẽ. Trộn một đấu hoa quế tươi với một cân dầu mè, đổ vào bình sứ, dùng giấy dầu bịt kín. Đặt bình sứ vào trong nồi chưng lên, sau đó tắt lửa rồi để nơi khô ráo trong mười ngày. Cuối cùng, lấy hoa quế ra là sẽ được dầu thơm hoa quế. Nếu trộn sáp ong vào dầu hoa sẽ có một loại dầu dưỡng ẩm da mặt tự nhiên.
Ngoài ra, người xưa cũng dùng lòng trắng trứng để gội đầu. Dầu hoa quế cần điều chế kỳ công hoặc phải mất tiền để mua, nhưng trứng gà có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi nên đã trở thành sản phẩm dầu gội yêu thích của các cô gái bình thường thời xưa. Trong cuốn “Liêm sử” thời nhà Thanh có rất nhiều ghi chép về việc phụ nữ xưa dùng trứng để làm sạch tóc. Khi tóc phụ nữ nhờn và bẩn, họ sẽ làm ướt tóc và thoa lòng trắng trứng lên tóc. Một lát sau, họ sẽ gội sạch đi và tóc của họ sẽ trở nên tươi mới và sạch sẽ. Sử dụng lòng trắng trứng trong một thời gian dài có thể giúp tóc mềm mượt và đen hơn.
Trong cuộc sống của phụ nữ cổ đại có rất nhiều nguyên liệu tự nhiên có thể dùng để gội và chăm sóc tóc. Loại quả được sử dụng phổ biến nhất là Bồ kết, có tác dụng làm sạch rất mạnh. Nước bồ kết có thể dùng để giặt quần áo và nếu đun quả bồ kết lên rồi giã nát ra thì nước đó dùng để gội đầu.
Ngoài dầu hoa quế thơm và các loại thực vật đều cần có quá trình chế biến ra thì nước vo gạo là thứ có thể dùng để gội đầu mà không cần chế biến gì. Nước vo gạo giúp nuôi dưỡng da đầu, giúp tóc luôn sạch sẽ khoan khoái và còn có tác dụng ngăn ngừa tóc bạc.
Ngoài việc gội và chăm sóc tóc ra, phụ nữ thời xưa còn rất chú trọng đến việc chải tóc mỗi ngày. Có hai loại lược thời cổ đại, lược răng thưa (lược sơ) và lược răng mau (lược bí). Phụ nữ thời xưa chải tóc không chỉ để làm đẹp mà còn vì nhu cầu chăm sóc sức khỏe. Có rất nhiều ghi chép về việc chải đầu dưỡng sinh trong các kinh điển cổ.
Sách “Hoàng Đế Nội Kinh” viết: “Nhất nhật tam bề, phát tu trù mật” (một ngày dùng lược bí chải ba lần, tóc sẽ mọc dày). Sách “Chư bệnh nguyên hậu luận” cũng viết: “Thiên quá sơ đầu, đầu bất bạch” (chải đầu nhiều, tóc không bạc). Sách “Quý nhĩ tập” lại viết: “Hữu nhị sự nãi dưỡng sinh chi đại yếu: sơ đầu, dục cước thị dã.” (Có hai việc lớn liên quan đến dưỡng sinh là chải đầu và rửa chân).
Có lẽ vì công dụng của lược, phụ nữ thời xưa còn cài chúng vào búi tóc làm vật phẩm trang sức và nó đã trở thành một trong những vật phẩm trang sức không thể thiếu trong giương của mỗi người phụ nữ thời xưa. Trong bức tranh lụa cuộn nổi tiếng “Đảo luyện đồ”, hầu hết phụ nữ thời nhà Đường trong tranh đều cài một chiếc lược trên đầu. Điều này không chỉ giúp phụ nữ có thêm một món trang sức mà khi cần chăm sóc tóc hay sửa sang diện mạo, họ cũng có thể lấy lược ngay từ trên búi tóc của mình.
Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Vương Du Duyệt
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa dưỡng sinh Đời sống cổ nhân