“Cửu thiên xương hợp khai cung điện, vạn quốc y quan bái miện lưu” (cổng trời mở ra cung điện, các quan từ vạn quốc bái quân vương) là những câu thơ thi nhân Vương Duy viết miêu tả cảnh vào triều thời cổ đại. Trong câu thơ này, “miện lưu” là cách nói để chỉ Hoàng đế thông qua chiếc mũ miện mà Hoàng để đội. Mũ miện của Hoàng đế khi lâm triều có phần bên trên bằng phẳng còn ở mặt trước và mặt sau được treo những chuỗi hạt ngọc. Chuỗi hạt ngọc này sẽ lắc lư thuận theo sự chuyển động của Hoàng đế, vì thế mũ này được gọi là “miện lưu”.

Một số vị Hoàng đế tôn sùng đạo Phật trong lịch sử
(Tranh minh họa: Public Domain)

Các chuỗi hạt ngọc treo trên mũ miện của Hoàng đế là “Lưu” (chuỗi ngọc). Loại mũ này là một trong những loại mũ nghi lễ thời cổ đại. Tương truyền, hệ thống mũ miện có nguồn gốc từ thời Hoàng Đế và được hoàn thiện vào thời nhà Chu. Vào thời cổ đại, khi Đế vương, chư hầu, khanh, đại phu tham gia các lễ hiến tế long trọng thì miện lưu là chiếc mũ nghi lễ quý giá nhất trong các loại mũ. 

Cổ nhân có những quy định nhất định về phục sức (quần áo và trang sức). Trong “Tục Hán Thư. Dư Phục Chí” viết: “Nhìn lên xem các hiện tượng thiên văn, và nhìn xuống xem các quy luật của đất, tôn trọng ân đức của trời đất, bắt chước những hoa văn đẹp đẽ của thiên nhiên, từ đó mà định ra quy chế phục sức”.

Miện phục là lễ phục chính thức trang trọng nhất của Quân vương và quan lại, được mặc khi tham dự lễ hiến tế. Miện phục là mũ miện, quần áo và giày. Mũ miện (miện quan) gọi tắt là miện, dùng để chỉ chiếc mũ mà các vương hầu trên cấp đại phu đội vào thời cổ đại. Như trong “Thuyết văn” viết: “Miện, đại phu dĩ thượng quan dã”.

Miện quan là do các bộ phận miện bản, miện lưu, kê, diên, vũ, sung nhĩ tạo thành. Những bộ phận này đều hàm chứa ý nghĩa thâm sâu.

Phần đỉnh của mũ miện được che bởi một tấm ván gỗ dài, đây là miện bản. Miện bản cũng được gọi là “Diên”, được bọc bằng vải mịn, phía trước hình tròn phía sau hình vuông, trước thấp sau cao. Trước tròn sau vuông tượng trưng cho trời tròn đất vuông, có ý nghĩa là Thiên tử là người “phụng thiên thừa mệnh” trị vì thiên hạ. Trước thấp sau cao mang hình dáng cúi về phía trước, điều này tượng trưng cho mỹ đức khiêm tốn cung kính của Hoàng đế, biết lắng nghe ý kiến của dân và quan tâm đến dân chúng thiên hạ. Ở giữa của miện bản có một chiếc đai màu đỏ vắt ngang qua, tượng trưng cho thiên hà. Đai này được gọi là Thiên hà đai.

Phía trước và sau của miện bản được treo những chuỗi ngọc, được gọi là miện lưu. Đế vương ứng với “cửu” (chín), cộng thêm “thiên, địa, nhân”, nên mũ của Đế vương có số chuỗi ngọc là 12. Hạt ngọc phải là ngọc trắng, tượng trưng cho địa vị của Đế vương. Sách “Lễ ký” viết: “Thiên tử ngọc tảo, thập hữu nhị lưu, tiền hậu thúy duyên”, “tảo” được dệt từ những sợi tơ nhiều màu sắc, dùng để xỏ các hạt ngọc thành chuỗi, một chuỗi được gọi là một lưu, cho nên lưu cũng được gọi là “Ngọc tảo”. Chuỗi ngọc treo trên mũ miện của Hoàng đế là 12, trên mũ của chư hầu là 9, trên mũ của đại phu là 7… Số lượng chuỗi ngọc sẽ giảm dần theo bậc quan.

Trong cuốn “Tự Hối. Quynh Bộ” viết: Thời xưa, các chư hầu và đại phu đều có mũ miện, nhưng họ được phân biệt bằng số lượng chuỗi ngọc treo trên mũ miện”

Theo ghi chép trong “Thế bản”, một cuốn sách lịch sử của nước Triệu thời Chiến Quốc: “Hoàng đế tác miện lưu, thùy lưu, mục bất tà thị dã”, ý nói Hoàng đế đã làm một chiếc mũ miện có treo chuỗi ngọc, để mắt không nhìn điều tà. Khi Hoàng đế nhìn trái nhìn phải thì chuỗi ngọc sẽ lắc qua lắc lại và che khuất tầm nhìn. Điều này có ý cảnh báo Hoàng đế không được nhìn vào những thứ không nên nhìn, phẩm hạnh phải đoan chính, tuân thủ những quy định lễ nghi và phải có uy nghiêm. Đồng thời nó cũng nhắc nhở Hoàng đế, bản thân ở trong cung đôi khi không nhìn rõ được mọi việc, nên khi hành động và nhìn nhận mọi việc phải cẩn trọng.

Hai bên thân của mũ có một lỗ nhỏ (hình trụ), gọi là “Nữu”. Sau khi đội mũ miện lên, phải dùng một chiếc kẹp tóc bằng ngọc kẹp mũ vào với búi tóc để mũ được cố định trên đầu và không dễ bị tuột ra. Dưới thân của mũ có một vòng tròn bao quanh được gọi là “Vũ”.

Ngoài ra mỗi bên của miện quan còn có một sợi dây màu treo ngọc, hai viên ngọc này vừa ở vào chỗ ngay hai tai nên được gọi là “Sung nhĩ”. Sung nhĩ của Thiên tử được làm bằng ngọc, của chư hầu được làm bằng đá. Mục đích của nó là nhắc nhở Hoàng đế rằng, thân ở trong cung nên có những lúc tai không được thông rõ, không nên tùy tiện nghe những điều xằng bậy, không nên dễ dàng tin vào những lời gièm pha. 

Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Vương Du Duyệt
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: