Tình nghĩa Sài Gòn: Việc thiện từ tâm
- Nguyễn Thị Hậu
- •
Có lẽ Sài Gòn là nơi việc làm từ thiện phổ biến và đa dạng nhất.
Ngay từ cuối những năm 1980, trong khi đang phải gồng mình vượt qua biết bao thiếu thốn khó khăn, hậu quả của một thời bao cấp “ngăn sông cấm chợ”, Sài Gòn đã là nơi đầu tiên xuất hiện và phát triển phong trào xây dựng “Nhà tình nghĩa”, tiếp đó là “Nhà tình thương” dành cho những gia đình nghèo khó. Từ đó Sài Gòn là địa phương luôn đi đầu trong phong trào “xóa đói giảm nghèo”.
Những năm gần đây hoạt động từ thiện ở Sài Gòn ngày càng nhiều hơn. Không kể phong trào của các tổ chức, đoàn thể cơ quan nhà nước… thực hiện giúp đỡ đồng bào các nơi khi gặp thiên tai bão lụt, ở Sài Gòn còn có rất nhiều nhóm bạn từ mạng xã hội kết hợp với nhau trong một hoạt động từ thiện vào dịp nào đó. Những nhóm này hầu như chẳng biết nhau ngoài đời, chỉ kết friends trên facebook, dù có người quan niệm đó là những người bạn “ảo” nhưng những đóng góp của họ – đơn giản nhất là qua tài khoản ngân hàng – là rất thật. Và từ việc làm hữu ích họ đã trở thành những người bạn ở ngoài đời.
Tôi có nhiều bạn bè là doanh nhân, chỉ là doanh nghiệp nhỏ thôi nhưng các bạn luôn có những chuyến đi về vùng sâu vùng xa, miền núi, hải đảo… Mỗi chuyến đi là vài tấn gạo, mấy trăm cuốn tập, quần áo lạnh giày dép cho trẻ nhỏ, không quên một số phần học bổng cho học sinh nghèo. Tự đi tiền trạm tìm hiểu tình hình cụ thể rồi tự lái xe chở đồ, tự phân phát tận tay người cần giúp… Có anh chị còn thường xuyên đến những vùng thiếu nước để khoan giếng, mang lại nguồn nước sạch cho người dân sử dụng, giúp họ có điều kiện sinh hoạt thuận lợi hơn để giảm thiểu bệnh tật phát sinh do điều kiện sống mất vệ sinh. Việc làm bình thường “có đáng kể gì đâu” của họ đã thực hiện từ nhiều năm nay cùng với sự đóng góp ít nhiều của bạn bè, người thân.
Anh bạn là nhà văn nhiều người biết tiếng, miệt mài viết và cũng miệt mài trên chiếc mô tô đi đến nhiều tỉnh tặng học bổng cho học sinh giỏi nhà nghèo. Tiền học bổng do anh quyên góp từ bạn bè, thậm chí có lần anh còn “ăn mày” tận nước Mỹ trong dịp anh qua thăm gia đình. Bạn bè thương quý tặng anh khi thì chai rượu, khi thì cây bút đắt tiền, có khi cả máy lapptop, máy chụp hình… anh đều bán đấu giá để “sung quỹ” học bổng. Nhờ đó anh đã giúp được bao nhiêu em học sinh qua được lúc khó khăn để có thể tiếp tục học hành.
Mỗi năm vào đầu tháng tám con gái tôi và bạn bè tổ chức mua bánh trung thu, lồng đèn tặng cho bệnh nhi trong Bệnh viện ung bướu hay đi tặng quà cho thiếu nhi mấy xã nghèo ở huyện Cần Giờ. Chỉ một dòng thông báo ngắn gọn trên facebook thôi đã nhiều người “nhào vô” hỏi thăm, đóng góp, rồi hẹn nhau cùng đi mua bánh cùng đi tặng quà. Một tuần tất bật, một ngày chung tay chia sẻ chút niềm vui cho những em nhỏ không may cũng là một ngày có ích cho các bạn trẻ.
Nhiều người cho rằng phải từ sự sung túc hơn về kinh tế thì Sài Gòn mới thương người, giúp người được. Nói vậy thì chưa thỏa đáng. Nếu không coi việc giúp người là chuyện cần làm và làm được thì việc từ thiện không thể như “chuyện thường ngày” ở Sài Gòn. Tích xưa của vùng Gia Định kể về ông Thủ Huồng làm Nhà Bè ở ngã ba sông, để sẵn gạo nước cho người đi ghe xuồng ghé lại sử dụng khi lỡ con nước, khi mưa bão… là một điển hình cho tính cách “bao đồng” nhưng “thương người như thể thương thân” của người Gia Định. Nhưng không phải chỉ có người giàu mới giúp người cơ nhỡ, ở Sài Gòn có thể nhìn thấy nhiều người chẳng sung túc gì vẫn có thể giúp người khốn khó hơn mình, bởi vì họ không ngại khi mình chỉ giúp được một chút, vì họ tin nếu nhiều người giúp một chút sẽ được một kết quả lớn. Thực tế là như vậy.
Hoạt động từ thiện ở Sài Gòn thường đáp ứng những nhu cầu thực tế và cấp bách. Từ bữa cơm ly nước miễn phí đến những thùng tiền quyên góp cho trẻ khuyết tật trong các siêu thị không bao giờ vơi, từ việc hàng ngày sửa xe miễn phí cho người khuyết tật, người bán vé số… đến những gia đình nghèo khó khi có người qua đời được cơ sở mai táng giúp “quan tài từ thiện”… Trong nhiều lễ tang – thể theo nguyện vọng của người vừa mất – tiền phúng điếu được gia đình đóng góp vào quỹ từ thiện của phường, hội…
Từ lịch sử và điều kiện tự nhiên của vùng đất phương Nam, lưu dân nhiều nơi vào Nam bộ đều có hoàn cảnh giống nhau nên ở vùng đất mới họ phải đùm bọc giúp đỡ nhau, không giúp người thì ai sẽ giúp mình khi gặp khó khăn, họ suy nghĩ giản dị vậy thôi. Cũng từ hoàn cảnh lịch sử mà người Sài Gòn có tính thực tế cao, giúp đỡ người cơ nhỡ khó khăn cụ thể bằng việc làm, không tính toán thiệt hơn, giúp người trong khả năng của mình, dù ít cũng không ngại và nhiều cũng không đòi hỏi đền đáp trả công. Làm việc nghĩa “ngay và luôn” là cách người Sài Gòn thể hiện tình cảm, lòng trắc ẩn đối với đồng bào mình.
Sài Gòn luôn tạo cơ hội cho mọi người, vì vậy phần lớn những người đến làm ăn sinh sống ở đây khi có điều kiện cũng sẵn sàng giúp đỡ người khác như một lẽ tự nhiên. Khi những người tâm thiện gặp nhau, tự giác gắn kết, lại biết cách tổ chức thực hiện công việc “từ gốc đến ngọn”, rành mạch sòng phẳng các khoản thu chi… nên những hoạt động thiện nguyện ở Sài Gòn ngày càng lan tỏa.
Nguyễn Thị Hậu
Đăng lại từ blog: haukhaoco2010.blogspot.com
Có bổ sung hình ảnh minh họa
TS. Nguyễn Thị Hậu là tác giả được yêu mến của nhiều cuốn sách về Sài Gòn như “Sài Gòn bao giờ cũng thế”, “Nghĩ ngợi đường xa”, “Cách nhau chỉ có một giấc mơ”, v.v.. Mời bạn đọc tham khảo thêm tại đây.
Facebook tác giả: Hậu Kc Nguyễn
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Làm từ thiện sài gòn xưa Người Sài Gòn Nguyễn Thị Hậu