Vào thời xưa, việc học tập đối là vô cùng trọng yếu và người xưa cũng rất dụng tâm, khổ công học tập. Rốt cuộc, người học thời xưa và thời nay có điểm gì khác nhau? Trong bài thơ “Tễ tuyết”, thi nhân Nhung Dục thời nhà Đường đã miêu tả tinh thần của người đi học thời xưa.

Tinh thần cầu học của người xưa
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Nhung Dục viết:

Phong quyển hàn vân mộ tuyết tình
Giang yên tẩy tẫn liễu điều khinh.
Diêm tiền sổ phiến vô nhân tảo
Hựu đắc thư song nhất dạ minh.

Tạm dịch nghĩa:

Gió thổi mây lạnh tuyết chiều đã tan
Khói trên sông đã hết, cành liễu nhẹ phất phơ
Trước thềm còn chút tuyết tàn không người quét
Trước cửa thư phòng đêm nay sáng ngời.

Ban ngày tuyết rơi cả buổi, đến chiều chạng vạng thì có gió nổi lên, mây xua tan đi, thời tiết trở nên quang tạnh. Những cành liễu ở bên bờ sông được tuyết tẩy rửa đi trở nên vô cùng sạch sẽ, tươi mới. Đây có lẽ là một trận tuyết gần mùa xuân. Những cành liễu tựa hồ như đã chuyển sang màu xanh. Trời đất, cảnh vật tươi mát trong lành sau khi tuyết tan trời trong. Gió tuyết qua đi, mặt đất lại trở thành một mảnh trong lành sạch sẽ.

Cách nói “Vô nhân tảo” (không người quét) trong câu thứ ba rất có ý tứ. Thứ nhất, nó có nghĩa là bản thân người học chỉ quan tâm đến việc đọc và không có thời gian rảnh để nhìn ra ngoài cửa sổ. Thứ hai, người trong nhà lo lắng rằng việc quét tuyết sẽ quấy nhiễu, cản trở việc học hành của người học nên không có ý định đi dọn dẹp.

Câu cuối cùng “Hựu đắc thư song nhất dạ minh” có hai tầng ý nghĩa. Tầng ý nghĩa thứ nhất chính là chỉ tuyết vào ban đêm được ánh đèn chiếu rọi sẽ làm bừng sáng cửa căn phòng của người học. Tầng ý nghĩa thứ hai là người đọc sách đọc suốt cả đêm đến tận sáng hôm sau. Nói ngắn gọn, câu này thể hiện sự chuyên tâm, nỗ lực học tập. 

Bài thơ “Tễ tuyết” nhẹ nhàng thanh thoát, miêu tả chuyện một học giả trong thư phòng bên bờ sông, không bị những thứ ở bên ngoài bản thân quấy nhiễu, làm phiền, chỉ chuyên tâm đọc sách. Kỳ thực, chúng ta làm bất cứ việc gì cũng cần phải chuyên chú giống như vị học giả này thì mới có được thành tựu. Bất luận là cổ hay kim, đều là như vậy, phải dụng tâm, chuyên chú, làm đến nơi đến chốn mới làm thành được việc.

Trong cuốn “Tiềm Xác Loại Thư” viết, Lý Bạch lúc còn nhỏ đọc sách, học chưa xong đã chạy ra ngoài chơi. Vừa hay trên đường nhìn thấy một bà lão đang mài cái chày sắt. Lý Bạch hỏi: “Bà lão, bà đang làm gì vậy?”

Bà lão đáp: “Ta đang mài kim thêu”.

Lý Bạch hiểu được hàm nghĩa của việc bà lão gắng sức mài kim, vì thế cũng quay lại nỗ lực gắng sức đọc sách.

Lý Bạch đọc hết những quyển thơ văn của tiền nhân, liên tục nghiên cứu những điều sâu xa huyền diệu trong các tác phẩm của Thánh hiền. Cho dù là chỉ lĩnh ngộ được đôi chữ vài lời cũng sẽ cao hứng tới mức không thể không gấp sách lại mà cười. Có thể thấy, đối với người xưa thì trọng điểm của việc học là phải gắng sức khổ công học đến nơi đến chốn, nghiên cứu sâu chỗ ảo diệu của kiến thức mới tiếp nhận được những điều sâu sắc trong ấy. Một người nay thích học mai lại nghỉ thì không thể có được thành tựu gì.

Nếu một người mà trong tâm chất chứa nhiều tạp niệm, không buông bỏ đi thì làm việc gì cũng khó thành công. Một người nếu nguyện ý trải qua gột rửa tẩy trừ tâm linh thì người ấy nhất định sẽ trở nên thanh sạch. Khi chúng ta đem hết thảy những thứ không tốt, những ý nghĩ dơ bẩn ở trong tâm tẩy trừ sạch sẽ đi, khiến bản thân như bông tuyết trắng, thì ngày mai nhất định sẽ càng trở nên tốt đẹp hơn. Và không chỉ riêng con người, vạn vật đều là như vậy, trải qua sự tẩy rửa sẽ trở nên sạch sẽ vô cùng.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: