Trần Quốc Tuấn và Trần Ích Tắc: Hành xử tạo nên số phận
- Hy Vọng
- •
Trần Quốc Tuấn và Trần Ích Tắc được sử sách mô tả là những con người nổi tiếng tài năng, hào hoa phong nhã, kết giao với những nhân sĩ học rộng tài cao thời nhà Trần. Cả hai đều được xem là nhân tài của giang sơn. Nhưng cuối cùng số phận của hai ông lại vô cùng khác biệt, người trở thành Hưng Đạo Vương lưu danh sử sách, người trở thành kẻ bán nước.
Học rộng tài cao
Trần Ích Tắc là con thứ ba của vua Trần Thái Tông, em vua Thánh Tông, chú của vua Nhân Tông thời nhà Trần, tước Chiêu Quốc Vương. Theo sử sách ghi chép thì ông là một nhân tài xuất chúng “thông minh hiếu học, thông hiểu lịch sử, lục nghệ, văn chương nhất đời. Dù nghề vặt như đá cầu, đánh cờ, không nghề gì không thông thạo; từng mở học đường ở bên hữu phủ đệ, tập hợp văn sĩ bốn phương cho học tập, cấp cho ăn mặc, đào tạo thành tài như Mạc Đĩnh Chi ở Bàng Hà, Bùi Phóng ở Hồng Châu… gồm 20 người, đều được dùng cho đời… Đến 15 tuổi, thông minh hơn người, làu thông kinh sử và các thuật…” (Đại Việt Sử ký toàn thư)
Trần Quốc Tuấn là con trai thứ ba của Trần Liễu, gọi Trần Thái Tông bằng chú ruột, mẹ ông là Thiện Đạo quốc mẫu, một người trong tôn thất họ Trần. “Đại Việt Sử ký toàn thư” mô tả ông là người có dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người, nhờ được những người tài giỏi giảng dạy mà ông sớm trở thành người đọc thông hiểu rộng, có tài văn võ. Trần Quốc Tuấn cũng khéo tiến cử người tài giỏi cho đất nước, như Dã Tượng, Yết Kiêu đều là gia thần của ông, cũng có dự công dẹp Ô Mã Nhi, Toa Đô. Những người nổi tiếng khác như Phạm Ngũ Lão, Trần Thì Kiến, Trương Hán Siêu, Phạm Lãm, Trịnh Dũ, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực vốn là môn khách của ông, đều nổi tiếng thời đó về quân sự, văn chương.
Trần Quốc Tuấn và Trần Ích Tắc đều là những nhân vật tuổi trẻ tài cao, là anh kiệt của một thế hệ. Nếu là thời bình thì cả hai hẳn đều là anh hùng. Nhưng sự biến động lớn của lịch sử là giặc Nguyên xâm lược Đại Việt đã khiến hai nhân vật đi theo hai con đường trái ngược nhau, để rồi một người lưu danh muôn thuở, một người tiếng xấu nghìn đời.
Người hết lòng trung nghĩa
Năm 1237, khi Trần Quốc Tuấn được 9 tuổi thì gia đình xảy ra biến động. Chú ông là Trần Thái Tông lên ngôi và kết hôn đã lâu nhưng chưa có con nối dõi, Thái sư Trần Thủ Độ đang nắm thực quyền phụ chính ép cha ông là Trần Liễu phải nhường vợ là Thuận Thiên công chúa (chị của Lý Chiêu Hoàng) cho Trần Thái Tông. Bấy giờ Thuận Thiên công chúa đang mang thai với Trần Liễu được ba tháng.
Trần Liễu phẫn hận nổi dậy ở sông Cái nhưng thất bại. Thái Tông bị ép lấy vợ đã có bầu, lại niệm tình anh em, ban cho Trần Liễu đất An Sinh, cải làm An Sinh Vương. Mang lòng hậm hực, Trần Liễu tìm khắp những người tài nghệ để dạy văn võ cho Trần Quốc Tuấn mong sau này Trần Quốc Tuấn phục thù thay cha. Tháng 4 năm 1251, Trần Liễu ốm nặng. Lúc sắp mất, ông cầm tay Trần Quốc Tuấn, trăng trối rằng: “Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được”.
Tuy nhiên sau này Trần Quốc Tuấn đứng trước vận nước lâm nguy đã quyết định một lòng trung thành, hết lòng phò tá các vua Trần đánh ngoại xâm cứu nước. Sau khi ba lần đánh thắng giặc Nguyên – Mông, danh chấn phương Nam, lại có trong tay hàng vạn binh sĩ, ông vẫn một lòng thiện giải mối thù của cha.
Vì có công lao lớn nên nhà vua gia phong Trần Quốc Tuấn là Thượng quốc công, cho phép ông được quyền phong tước cho bất kỳ ai mà ông muốn, chỉ có tước hầu thì phong trước rồi tâu sau. Nhưng Trần Quốc Tuấn chưa bao giờ phong tước cho một người nào. Khi quân Nguyên vào xâm chiếm, ông lệnh cho nhà giàu bỏ thóc ra cấp lương quân, mà cũng chỉ cho họ làm lang tướng giả chứ không cho họ tước lang thực.
Kẻ bị hủy hoại vì tâm đố kỵ
Trần Ích Tắc là hoàng tử thứ năm, vốn là người giỏi văn hay chữ chứ không giỏi võ. Khi Giang Sơn bị nhà Nguyên dòm ngó, các võ tướng được coi trọng, vì thế mà Trần Ích Tắc không được xem trọng. Hơn nữa ông đặc biệt đố kỵ với Trần Hoảng mà sau này là Trần Thánh Tông. Nhận thấy quân Nguyên chính là cơ hội duy nhất có thể cho phép bản thân lên ngôi vua, Trần Ích Tắc từng thông qua các lái buôn ở Vân Đồn đưa thư đầu hàng giặc.
Năm 1285, 50 vạn quân Nguyên Mông thế mạnh như chẻ tre tiến sang, đánh bại nhiều đạo quân Đại Việt, kinh thành Thăng Long thất thủ, vua phải rời kinh đô. Vào tháng 3, Trần Ích Tắc đã thuận tiện đưa toàn bộ gia quyến đến đầu hàng, được đưa về nhà Nguyên và được phong là An Nam Quốc Vương.
Trần Ích Tắc không thể nào ngờ nổi, chỉ mấy tháng sau khi ông hàng giặc, đại quân Nguyên Mông đã bị đánh tan tác, Thoát Hoan tháo chạy về nước. Trần Ích Tắc ở lại Ngạc Châu, giữ chức quan Hồ Quảng bình chương chính sự, gia phong tới Ngân Thanh vinh lộc đại phu rồi Kim tử quang lộc đại phu, Nghi đồng tam tư và mất ở phương bắc.
Đại Việt Sử ký toàn thư chép rằng nhà Trần không nỡ xóa tên Trần Ích Tắc, “chỉ gọi là Ả Trần, có ý chê hắn hèn nhát như đàn bà vậy”.
Hành xử tạo nên số phận
Hai con người tài năng, hai số phận trái ngược đã được lịch sử ghi lại. Điều khác biệt lớn nhất ở họ chính là lựa chọn giữa chính nghĩa và mộng ảo đế vương. Sự đố kỵ đã đưa đẩy Trần Ích Tắc trở thành kẻ “bán nước cầu vinh”. Mặc dù khi làm quan cho nhà Nguyên, ông vẫn thường viết nhiều bài thơ mô tả lòng da diết nhớ quê hương đất nước:
Bao năm xa nước khói mây mờ,
Mình gởi nhung yên tạm viếng nhà.
Lớp lớp lâu đài trơ bóng nguyệt,
Hàng hàng châu thúy cách phương xa…
(Trở Về Nhà – Trần Ích Tắc)
Nhưng ở quê hương, không ai nhớ Trần Ích Tắc là một vương thất nhà Trần học vấn uyên thâm nữa mà chỉ nhớ đến một “Ả Trần”. Trong khi đó lòng trung nghĩa đã đưa Trần Quốc Tuấn trở thành anh hùng, được hậu thế muôn đời thờ phụng và tưởng nhớ.
Hy Vọng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam Trần Ích Tắc Hưng Đạo Vương