Trí tuệ cổ nhân: Dưỡng sinh lấy “ít” làm quý
- Thiên Cầm
- •
Kinh Dịch có câu: “Phu thiểu giả, đa chi sở quý dã”, ý rằng phàm mọi việc lấy “ít” làm quý, bởi ít mới có thể thăng hoa, mới có đạt được những thứ mà người chứa chất nhiều không thể đạt được. Đời người cũng vậy, nhiều chẳng bằng ít. “Ít” ngược lại lại khiến cuộc sống càng ý nghĩa hơn. “Ít” còn là một biện pháp dưỡng sinh cao minh nhất.
Ít nói thì ít họa
Có câu rằng: “Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”. Nếu không biết tiết chế khi nói năng, ăn nói tuỳ tiện, tự nhiên sẽ chiêu mời tai họa.
Ít nói thì không vọng ngôn. Nói năng, hành động cẩn trọng, mọi thời khắc đều lưu tâm, mới có thể phân biệt được thị phi sai đúng, giảm thiểu họa hại.
Mỗi ngày trước khi đi ngủ, chúng ta có thể lắng lại lòng mình, hồi tưởng xem ngày hôm đó liệu có lời ăn tiếng nói nào chưa thỏa đáng hay không. Nếu có thì cần tự rút kinh nghiệm và sửa đổi.
Chu Dịch nói: “Cát nhân quả ngôn ngữ, táo nhân chi từ đa”, người có phúc kiệm lời, kẻ nóng vội đa ngôn. Có thể thấy ít nói, không nói năng tuỳ tiện chính là cái gốc nhập Đức, có thể mang đến nhiều phúc báo.
Trước khi mở miệng, cần cân nhắc kỹ lưỡng, thà không nói còn hơn nhiều lời. Người thực sự thông minh không cần đa ngôn, không nói những lời thừa thãi mới có thể tránh xa họa hại, tu đức tích phúc.
Ăn ít thì bớt bệnh
Có câu: “Năng cật thị phúc”, biết ăn là phúc, có thật vậy chăng? Kỳ thực còn có vế sau là: “Thiện cật thị trí”, giỏi ăn là trí. Đây không phải nói về việc kén cá chọn canh trong ăn uống, mà là ăn được là phúc, nhưng thấu hiểu đạo ẩm thực mới là người có trí tuệ.
Trong “Tố vấn – Sấu luận” có câu: “Ẩm thực tự bội, tràng vị nãi thương.” Trường kỳ ăn uống no say sẽ trở thành gánh nặng cho hệ tiêu hóa, làm cho hệ tiêu hóa bị tổn thương. Điều này rất dễ chiêu mời bách bệnh, ví như tăng mỡ máu, tăng huyết áp, tăng đường huyết, và bệnh tim mạch. Do vậy một cách để tránh xa bệnh tật chính là ăn ít, ăn 7 phần no và ăn uống đúng giờ.
Tống Mỹ Linh, phu nhân của Tưởng Giới Thạch, thọ đến 106 tuổi. Bà đặc biệt chú trọng ẩm thực, mỗi ngày ăn 5 bữa, nhưng mỗi bữa chỉ ăn nhẹ, thưởng thức một chút là dừng lại, không ăn nhiều. Hễ cân nặng vượt quá, bà sẽ đổi thực đơn trong bữa ăn chính thành những món rau củ quả và sa-lát. Nhờ sự tiết chế, bà mới có thể sống trường thọ như vậy.
Ăn 7 phần no, 3 phần đói, kiệm ăn uống thì dạ dày an, ăn vừa đủ mới có thể khỏe mạnh.
Thiểu dục thì bớt lo
Thân Cư Vân, học giả nhà Thanh nói: “Tòng dục nhi lạc, ưu hoạn tuỳ yên”, nếu một người phóng tóng dục vọng của bản thân, thì họa hoạn sẽ theo nhau mà đến. Ham muốn càng nhiều, phiền phức lại càng nhiều. Giảm thiểu dục vọng thì bản thân mới có thể hạnh phúc hơn.
Người ta thường nói rằng tuổi càng lớn, mối lo càng nhiều. Kỳ thực là vì dục vọng quá nhiều nên mới nảy sinh nhiều phiền não. Khao khát với ngoại vật là bản năng của con người. Nhưng lòng người hữu hạn, dục vọng khôn cùng, quá nhiều truy cầu, ngược lại là nỗi bi ai của kiếp nhân sinh.
Mạnh Tử có câu: “Dưỡng tâm mạc quá quả dục”, dưỡng tâm không gì hơn ít dục. Giảm thiểu dục vọng, nội tâm mới sung túc đủ đầy. Ít ham dục, biết đủ, buông bỏ tham niệm chính là tu tâm, cũng là đạo dưỡng thân.
Ít lo sẽ bớt sầu
Nhiều người thường lo lắng âu sầu vì những việc chưa xảy đến, nghĩ tới nghĩ lui cũng chỉ khiến bản thân rơi vào tâm trạng rối bời, khó lòng vượt thoát.
Âu lo đôi khi chỉ là do bản thân suy nghĩ vẩn vơ, nhưng lại là gông cùm xiềng xích. Chi bằng bớt nghĩ ít đi một chút, buông bỏ từng tâm niệm, thanh tâm tự tại.
Đời người có rất nhiều chuyện mà ở trong sâu thẳm đều đã tự có an bài. Một việc là phúc hay là họa thường không giống như biểu hiện bề ngoài và cũng không thể dễ dàng phán định được. Sống trên đời, ai có thể tĩnh tại mà bước tiếp thì sẽ nhận ra rằng nhân sinh ngắn ngủi như thể một quán trọ, ta đến sống vài ngày, rồi lại vội rời đi.
Ít oán hận ít bi ai
Nhân sinh chẳng thể như ý, tám chín phần mười là vậy. Khi gặp chuyện chẳng thuận lòng, có người mỉm cười gác lại cho qua, nhưng cũng có người oán thán ngợp trời. Ôm giữ nhiều oán hận, tưởng như đang trút giận, nhưng kỳ thực chỉ là chuyện vô ích, ngược lại còn khiến bản thân mang thêm gánh nặng.
Có câu rằng: “Oán thán bản thân nằm trong cảnh đen tối, chi bằng thắp đèn và tiến bước”. Giảm thiểu oán hận, thay đổi tâm thái, lạc quan khoáng đạt thì dẫu gặp cảnh hiểm nguy ngàn cân treo sợi tóc cũng có thể được hoá giải. Oán trách chẳng mang lại chút ích lợi gì, càng oán trách, bi thương càng gần, hạnh phúc càng xa.
Dẫu cuộc sống khó khăn đến mấy cũng chớ quên nụ cười. Dẫu ngày tháng vất vả đến mấy cũng đừng quá bi luỵ. Ít oán hận, đối diện với cuộc sống bằng những cảm xúc tích cực, lạc quan, thì bạn đã an yên cả một đời.
Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Á Tĩnh
Thiên Cầm biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa dưỡng sinh nhân sinh cảm ngộ trí tuệ cổ nhân