Trí tuệ cổ nhân: Không biết thì nói là không biết
- ChanhKien
- •
Trong việc đối nhân xử thế, điều đáng quý nhất là sự chân thành, trong việc tìm cầu tri thức học tập cũng như vậy. Trang Tử nói: “Ngô sinh dã hữu nhai, nhi tri dã vô nhai”, sinh mệnh của con người là hữu hạn, nhưng những điều cần học lại vô cùng vô tận. Không biết thì có gì là xấu đâu? Che giấu việc mình không biết mới là điều đáng xấu hổ.
Nếu không biết mà cho là biết, tự cho mình là đúng, nói lời vô căn cứ, suy nghĩ phiến diện, nhỏ thì sẽ phô trương bản thân, hùa theo lấy lòng, lớn thì sẽ làm hỏng muôn dân, hại người vô số. Người làm thầy, không biết mà cho là biết tất sẽ dẫn học trò đi lạc đường. Người có quyền, không biết mà cho là biết tất sẽ làm hại bách tính thiện lương.
Trong Luận Ngữ có ghi lại lời dạy của Khổng Tử: “Trò Do à. Ta dạy trò cách hiểu biết đạo lý. Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, đây mới là thái độ đối đãi đúng đắn.” (Nguyên văn: “Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri”)
Khi Khổng Tử còn trẻ, ông nổi tiếng ở quê nhà nhờ việc hiểu biết lễ nghi. Nhưng khi Khổng Tử lần đầu tiên vào thái miếu để trợ giúp việc cúng tế, việc nào cũng phải hỏi mọi người. Có người liền chê cười rằng ông chỉ có cái danh là hiểu biết lễ nghi, chứ thực tế thì không hiểu biết gì cả. Khổng Tử nghe thấy vậy liền nói: “Đây chính là lễ đó”.
Khổng Tử lúc đó mặc dù đã có tiếng là “tri lễ”, nhưng đối với những việc chưa biết hoặc không hiểu rõ, ông vẫn khiêm tốn học hỏi, chứ không vì danh tiếng của bản thân mà tự cho là mình “biết”.
“Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết” cũng là một cách tự suy xét, nhìn nhận rõ bản thân, nhìn thẳng vào sự thiếu sót của mình mà dũng cảm thừa nhận bản thân có điều chưa biết, thực sự đối diện với chính mình.
Một người sẽ dễ “không biết mà cho là biết” nếu có tâm tự mãn. Nhưng cái tâm ngạo mạn ngông cuồng này thì lại thể hiện ra sự vô tri. Thời cổ đại, các bậc thánh hiền hay những người giác ngộ dù có trí tuệ thâm sâu đến mấy thì trong tâm vẫn tràn ngập lòng kính sợ đối với tự nhiên, với Thần Phật. Đến thời cận đại, những nhân tài kiệt xuất của thế giới cũng vẫn đối nhân xử thế rất khiêm tốn. Họ không chỉ tiếp nhận được hết thảy ý kiến phê bình mà còn có thể bao dung người khác. Chỉ có những người vô tri, không hiểu biết mới có thái độ ngạo mạn, xem thường đạo lý. Hơn nữa, càng là người vô tri thì thường thường càng ngạo mạn, cuồng vọng.
Cổ nhân giảng: “Khiêm tốn được phúc báo, tự mãn chiêu mời họa”. Người không phải bậc vĩ nhân càng nên nghiêm khắc với chính mình, đừng vì chút thành tựu nhỏ mà tự mãn, kiêu ngạo, cần luôn khiêm tốn hướng đến người khác học hỏi với tấm lòng biết ơn.
Một người sẽ dễ “không biết mà giả vờ là biết” nếu có tâm hư vinh, danh lợi. Có thể nói, danh và lợi là cuộc sống của con người trên thế gian. Vô luận là người bần cùng hay phú quý, sống trong hoàn cảnh thuận lợi hay ngang trái thì đều không thể tránh được việc có quan hệ nhất định với danh và lợi. Nhưng việc truy cầu danh lợi một cách thích hợp, không khiến người khác phương hại, không làm tổn thương nhân tính lại là điều cần thiết khi làm người.
Danh và lợi đều có mối quan hệ nhất định đối với mỗi người chúng ta. Một người nếu quá xem trọng danh lợi thì sẽ khiến cho dục vọng vật chất và nhu cầu bản năng tùy tiện tăng lên. Có đôi khi, danh lợi là động lực khiến một người sản sinh ra chí tiến thủ. Nhưng phải hiểu được rằng, một người chỉ có vượt qua danh lợi, không bị danh lợi ràng buộc mới có thể thực sự đạt được thành tựu. Người luôn “giả vờ là biết” thì cuối cùng cũng không được chỉ dạy, không được người khác cảm thông, cũng không thể nhận được sự tôn trọng của người khác.
Theo “Tinh giải luận ngữ: Biết thì nói là biết“
Đăng trên ChanhKien.org
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa trí tuệ cổ nhân
