Cổ ngữ có câu: “Thập kim bất muội”, ý từ là nhặt được vàng không giấu, thấy tiền của người khác làm rơi mà không tham lấy làm của mình. Đây là câu nói xuất phát từ một sự việc từng xảy ra trong lịch sử, được ghi chép lại trong cuốn “Đàm tẩu”.

Trí tuệ cổ nhân: Không tham tài vật không phải của mình
(Tranh minh họa qua Aboluowang.com)

Vào thời Nam Bắc triều, ở nước Lương có một người tên là Chân Bân, nổi tiếng về đức hạnh. Chân Bân là người thiện lương, chính nghĩa, không tham tài vật của người khác. Chuyện của Chân Bân truyền đến tai Hoàng đế, Hoàng đế đã ban cho anh hai chữ “Hoàn Kim” (trả lại vàng).

Chuyện kể rằng Chân Bân gia cảnh vốn nghèo khó. Một lần, khi Chân Bân đến Trường Sa, Kinh Châu, anh đã cầm cố một bó cây để dệt vải của mình ở cửa hiệu Tây Khố, tạm thời lấy được một số tiền về chi tiêu trong gia đình. Sau, Chân Bân chuẩn bị đủ tiền để chuộc đồ cầm cố lúc trước. Khi Chân Bân rời đi thì tình cờ phát hiện ra trong bó cây kia có một cái khăn, trong khăn có khoảng 5 lượng vàng.

Đối mặt với số tài vật có được một cách bất ngờ này, Chân Bân không chút do dự mà gói lại như ban đầu rồi trở lại cửa hiệu cầm đồ Tây Khố. Hành động này của Chân Bân đã khiến cho người phụ trách Tây Khố lúc đó kinh ngạc. Ông nói: “Gần đây có người đã thế chấp vàng để lấy tiền. Vì gấp rút vội vàng nên tôi không nhớ mình đã để ở đâu. Hôm nay anh nhặt được, lại nguyện ý đem trả, hành động này thật là hiếm có”.

Người phụ trách rất cảm kích và muốn báo đáp lại bằng cách tặng cho Chân Bân một nửa số vàng. Nhưng dù ông có nài nỉ ra sao, Chân Bân vẫn hoàn toàn không có ý nhận. Chân Bân nói: “Tôi tuy gia cảnh nghèo khó, nhưng không thể gặp lợi quên nghĩa, trả lại vàng là trách nhiệm của tôi”. Thái độ của Chân Bân trước sau như một khiến cho người phụ trách vô cùng xúc động. Ông cảm khái nói rằng: “Một người mà thời tiết tháng 5 vẫn mặc áo da dê cũ đi đốn củi, ai nghĩ rằng lại chính là một vị quân tử, ‘thập kim bất muội’!”

Sau này, Chân Bân được bổ nhiệm là huyện lệnh huyện Bì. Trước lúc đi nhậm chức, Chân Bân cùng với một số quan lại khác được Hoàng đế dặn dò. Hoàng đế đã căn dặn rằng quan lại nhất định phải thanh liêm, chính trực, nhưng lại nói riêng với Chân Bân rằng: “Khanh ngày trước đã có mỹ danh ‘Hoàn Kim’ rồi nên không cần phải căn dặn khanh những lời này nữa!” Kể từ đó, đức hạnh của Chân Bân trở thành tấm gương trong lòng mọi người.

Hành thiện, hành ác đều ở trong một niệm. Lợi ích vật chất có thể mang đến niềm vui nhất thời, nhưng nếu đó là của cải bất nghĩa thì quả báo đằng sau lại không thể lường được. Chân Bân đối với loại của cải không thuộc về mình thì trả lại không một chút do dự, cũng không cho rằng mình xứng đáng nhận tiền báo đáp.

Con người sống trên đời, rất nhiều người sẽ vì lợi ích mà “đói ăn vụng túng làm càn”, từ xưa đến nay số người như thế nhiều không tính đếm được. Trong số họ, có người đã phải trả giá bằng của cải và danh tiếng, thậm chí có người đã phải trả giá bằng cả cuộc đời, kết cục chính là hối hận khôn nguôi.

Nếu một người lựa chọn làm điều tốt và giúp đỡ người khác một cách chân thành thì những phần thưởng mà nội tâm hay cuộc đời người ấy sẽ đạt được là vô cùng to lớn. Hành vi thiện lương sẽ gieo những hạt giống tốt cho cuộc đời của một người, và cho cả những đời sau.

Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Lương Hâm
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: