Trí tuệ cổ nhân: Đất lành ắt dành cho người lương thiện
- Thiên Cầm
- •
Từ xưa tới nay, rất nhiều người đều hy vọng nhờ thuật phong thủy mà có thể đạt được phú quý, an khang trường thọ. Mặc dù người xưa hiểu rằng phong thủy có thể cải mệnh, nhưng vẫn luôn răn dạy rằng: “Phúc địa phúc nhân cư”, có nghĩa là đất lành ắt có người lương thiện cư ngụ. Giàu sang không phải cứ cưỡng cầu là có được, chỉ người có phúc mới xứng có được một mảnh đất quý có phong thủy tốt.
Phong thủy là một môn huyền học độc đáo lưu truyền tại Đông phương qua hàng nghìn năm, thông qua việc quan sát tướng đất mà lựa chọn địa điểm lập thôn ấp, thành thị, xây dựng đền đài cung điện, sau này phát triển thành tìm nơi an táng. Hết thảy kiến thức phong thủy đều hàm chứa học vấn uyên thâm của nền văn minh cổ đại.
Nói một cách khái quát, phong thủy bao gồm Âm trạch và Dương trạch. “Phong thủy Dương trạch” chủ yếu dựa trên hoàn cảnh mà con người sinh sống, liên quan đến những vấn đề như xếp đặt bố trí nhà cửa, các hệ thống lưu thông trong và ngoài nhà, tập trung vào việc thông qua hoàn cảnh sống mà điều hòa dòng năng lượng nội tại, đồng thời nâng đỡ chính khí của con người. “Phong thủy Âm trạch” thì thần bí hơn, tập trung vào việc chọn nơi an táng tốt cho người thân đã khuất, mang học vấn rất sâu xa mà người bình thường không thể hiểu được. Nó còn bao gồm hướng núi, huyệt đạo, hướng nước, độ nông sâu của quan tài, ngày tháng nghiêm ngặt, v.v. nhằm phù hợp với lá số tử vi của tổ tiên và con cháu đời sau.
Phong thủy Dương trạch liên quan đến sự thịnh suy của một gia đình, trong khi ảnh hưởng của Phong thủy Âm trạch sâu sắc hơn, thậm chí còn mở rộng đến sự thịnh suy của một gia tộc. Vì vậy những vị thầy phong thủy chân chính thời xưa chủ yếu là người tu Đạo, là Đạo sĩ, phải có tài năng thực sự và đạo đức tốt, không thể nói lung tung, nếu không sẽ gây hại cho rất nhiều người.
Ngoài ra, trong giới tu Đạo thời xưa vẫn có nhiều câu chuyện về việc nếu không có phúc khí, thì dù “phúc địa” có tốt đến đâu, cũng nhanh chóng phải bỏ chạy. Ngược lại, một người có phúc dẫu sống nơi có phong thủy kém, thì phong thủy nơi ấy cũng sẽ theo đó mà trở nên tốt đẹp hơn. Đây chính là phù hợp với Đạo Trời: “Thiên Đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”. Đạo Trời là công bằng, không thiên vị bất kỳ ai, nhưng bởi vì người lương thiện là người tạo phúc cho chúng sinh, ban ơn cho bản thân, là phù hợp với đạo thì tự nhiên sẽ thuận lợi, giống như nhận được sự bảo hộ, ưu ái của thiên đạo.
Trong cuốn “Tọa Hoa Chủ Nhân” có ghi lại một câu chuyện phong thủy khá đặc biệt và huyền hoặc, có liên quan đến nhà thư pháp nổi tiếng vào cuối đời nhà Thanh là Hà Thiệu Cơ (1799 – 1873). Cuốn sách này là của Uông Đạo Đỉnh, sống vào những năm Quang Tự nhà Thanh. Uông Đạo Đình chuyên thu thập những câu chuyện nhân quả báo ứng chân thực trong cuộc sống hàng ngày, cùng những câu chuyện có căn cứ lưu truyền trong dân gian và biên soạn thành cuốn “Tọa Hoa Chủ Nhân”.
Đất lành để dành người đại phúc
Theo “Tọa Hoa Chủ Nhân” ghi lại, thì thời bấy giờ có một vị thư sinh ở Giang Tây rất giỏi xem phong thủy. Khi du ngoạn Đạo Châu, Hồ Nam, cậu ta nhìn thấy một mảnh đất có phong thủy rất tốt, bèn ngước lên nhìn mảnh đất này và thầm ngưỡng mộ. Lúc này có hai người đi tới, một người ăn mặc chỉnh tề, một người cầm la bàn nhìn xung quanh nghiên cứu, lắc đầu nói: “Mảnh đất này không tốt.”
Vị thư sinh cảm thấy tò mò, nên bước tới bắt chuyện, chào hỏi. Hóa ra người đàn ông ăn mặc chỉnh tề là con của một người giàu có trong thành, còn người cầm la bàn là thầy phong thủy. Ngay khi thầy phong thủy nghe nói cậu thư sinh là người Giang Tây, ông lập tức nói: “Giang Tây là nơi địa linh nhân kiệt, xuất sinh rất nhiều bậc thầy phong thủy nổi tiếng. Tiên sinh hẳn cũng là bậc cao minh.”
Vị thư sinh khiêm tốn một hồi, sau đó cũng trổ tài năng. Thầy phong thủy vô cùng khâm phục, bèn bẩm rõ với vị công tử nhà giàu, mời vị thư sinh về nhà. Vị thư sinh vốn dĩ muốn nói cho hai người biết tình hình của mảnh đất quý giá, nhưng trong lòng chợt máy động thầm nghĩ, phong thủy của mảnh đất đó quá tốt, nếu không phải là người đại phúc đức căn bản không thể gánh vác nổi. Sống ở trong nhà người giàu có mấy hôm, vị thư sinh phát hiện ra hành vi của họ không phải là người phúc đức nên cậu không nói ra.
Cũng thật tình cờ, người nhà của vị phú ông này tên là Tiêu Công muốn an táng phụ mẫu, nên đang tìm một thầy phong thủy. Vị thư sinh nhân cơ hội chuyển sang nhà Tiêu Công. Tiêu Công là một người lương thiện trong mắt dân làng, thích hành thiện, bố thí, trung hậu truyền gia. Vị thư sinh thầm nghĩ người này có lẽ đủ tư cách gánh vác mảnh đất phong thủy tốt mà mình để mắt tới, nên đã giới thiệu nó cho Tiêu Công. Tiêu Công rất vui mừng và mua lại mảnh đất với số tiền không nhỏ. Vị thư sinh đã chọn giờ và vị trí huyệt mộ xong xuôi.
Qua đêm bên mộ phần
Mấy ngày sau khi an táng, vị thư sinh trong lòng không hiểu sao vẫn băn khoăn không dứt, bèn nói thẳng nói với Tiêu Công: “Mảnh đất quý phong thủy không hề tầm thường này, nếu không phải người đại phúc đức, e rằng sẽ không gánh nổi. Lão gia nhà ngài tuy là một bậc trưởng bối trung hậu, nhưng không biết liệu có thuận với Thiên ý hay không? Nếu làm trái Thiên ý, sẽ gặp họa. Chi bằng ngài thử ngủ gần mộ một đêm. Nếu nơi này không thuộc về gia đình, ắt hẳn sẽ có điềm báo lạ.” Tiêu Công nghe xong, gật đầu nói phải, và nghe theo đề xuất của vị thư sinh.
Đêm đó, Tiêu Công và các con cùng ngủ gần ngôi mộ. Nửa đêm, họ chợt nghe thấy tiếng động từ xa vọng lại, Tiêu Công mở mắt ra nhìn thì thấy một đội thị vệ tay cầm cờ hiệu, cầm kiếm, canh gác, dẫn đường cho một nam tử oai phong lẫm liệt cưỡi ngựa bước tới.
Tiêu Công giật mình sửng sốt, hồ nghi: “Quý nhân làm sao có thể nửa đêm đi ngang qua nơi đồng không mông quạnh này? Thật kỳ lạ!” Mới thoáng nghĩ vậy, đoàn người đã tới bên mộ, người cưỡi ngựa dừng lại, lớn tiếng mắng đám thị vệ: “Mảnh đất này được an bài cho Hà hiếu tử, họ Tiêu là ai? Dám cả gan chiếm đoạt, sao có cái lý này được! Các ngươi mau lôi ra!”
Tiêu Công đột nhiên sợ hãi hồn bay phách lạc, lập tức chạy ra dập đầu lớn tiếng nói: “Xin ngài thứ lỗi! Vốn dĩ tôi nghi ngờ không biết gia đình có đủ tư cách làm chủ mảnh đất này không, chỉ e sẽ bị Trời trách phạt nên mới ngủ cạnh mộ xem sao. Dẫu sao cũng nhận được điểm hóa của ngài, mảnh đất này không thuộc về tôi, tôi tình nguyện di dời chuyển ngôi mộ, xin đừng làm hại đến mộ.”
Người cưỡi ngựa nghe thấy điều đó, giọng dịu lại: “Thôi được! Niệm tình ngươi luôn trung hậu, thành thực, lần này xá tội cho ngươi. Nếu ngươi có thể giúp Hà hiếu tử an táng phụ mẫu, tương lai ta sẽ bù lại cho ngươi một mảnh đất tốt khác. Ngôi mộ này ngươi cần rời đi càng sớm càng tốt, tránh làm thất thoát địa khí.”
Vừa dứt lời, đoàn người trong nháy mắt đã biến mất, bốn bề vắng lặng trở lại. Lúc này trời cũng vừa hừng sáng, cha con Tiêu Công vẫn đang bàng hoàng. Sau khi trở về, họ lập tức nhờ vị thư sinh tạm di chuyển mộ phần ra, đồng thời cùng nhau tìm kiếm tung tích của Hà hiếu tử, nhưng dò hỏi khắp nơi cũng chưa tìm được.
Phúc đức của người con có hiếu
Một ngày nọ, vị thư sinh đi dạo ở ngoại ô một mình, vô tình đến một thị trấn nhỏ, trời bỗng đổ mưa như trút nước, cậu vội trốn dưới mái hiên của một quán cơm. Lúc đó trời đã khuya, những người làm trong quán đã nghỉ ngơi, chỉ thấy một chàng trai trẻ vẫn đang tiếp tục giã gạo.
Vị thư sinh tò mò, bèn tới bắt chuyện. Cậu thanh niên đang giã gạo nói với cậu ta rằng: “Mẫu thân tôi già rồi nên bữa nào cũng phải có thịt, nếu không thì ăn không no. Buổi sáng tôi đến làm rất sớm, lại nghỉ muộn hơn người khác, để có thể kiếm thêm chút tiền phụng dưỡng mẫu thân.” Vị thư sinh hỏi họ của cậu ta. Cậu ấy trả lời: “Tôi họ Hà.”
Vị thư sinh trong lòng mừng rỡ, muốn biết thêm về gia cảnh của Hà hiếu tử, bèn mượn cớ trời mưa to, đường về nhà lại xa, nên xin ngủ nhờ một đêm. Hà Sinh đồng ý mà không cần suy nghĩ nhiều.
Vị thư sinh bèn lấy ra 5 lạng bạc và nhờ cậu ta chuẩn bị giúp bữa tối. Hà Sinh ngạc nhiên nói: “Một bữa cơm đâu tốn nhiều tiền như vậy?” Chàng thư sinh nói: “Không sao, tôi đã làm phiền cậu. Phần còn lại hãy mua cho mẹ cậu chút đồ ăn!” Hà Sinh lắc đầu không đồng ý nói: “Ta dốc sức phụng sự mẫu thân, cảm thấy rất thanh thản, không có công mà hưởng lộc, nhận thêm tiền của ngài, về mặt đạo nghĩa thì chẳng thể biện minh!” Vị thư sinh vẫn cố nài, nhưng Hà Sinh không tham lam, nên rốt cuộc chỉ lấy một lạng để mua rượu và thịt.
Cả hai cùng nhau trở về nhà của Hà Sinh, căn nhà rất nhỏ và ẩm thấp nhưng được quét dọn sạch sẽ. Nhà chỉ có hai phòng, phòng trong rộng hơn là phòng ngủ của người mẹ, nửa đầu phòng ngoài là bếp nấu, phần còn lại là nơi ở của hai vợ chồng Hà Sinh.
Khi Hà Sinh trở về nhà, trước tiên cậu vào thưa với mẹ rằng có một vị khách đến ở nhờ một đêm, mẹ cậu lập tức gọi con dâu pha trà tiếp đãi khách. Hà Sinh mời vị thư sinh vào và nói: “Vì nhà nghèo, không có phòng trống cho cậu ngủ, tôi đã bảo vợ tôi ngủ chung với mẹ, mong cậu đừng chê, xin hãy ngủ cùng sập với tôi!”
Hà Sinh bảo vị thư sinh ngồi xuống, bưng cơm rượu đặt lên bàn, xin lỗi rằng: “Xin thứ lỗi cho tôi không dùng bữa cùng cậu. Cậu cứ từ từ dùng bữa nhé.” Sau đó, cậu ta quay người bước vào phòng. Vị thư sinh lén nhìn vào trong, thì thấy trên bàn bày một chút đồ ăn, dao nhỏ và thìa… Hai vợ chồng Hà Sinh đỡ mẹ ngồi vào ghế trước, hầu mẫu thân dùng bữa, lúc thì gắp thịt gắp rau, lúc lại bê canh, trò truyện với bà, rất vui vẻ. Sau khi mẫu thân cơm nước xong, người vợ bận rộn thu dọn bát đĩa, Hà Sinh tự mình hầu mẫu thân rửa mặt. Sau đó hai vợ chồng mới ngồi đối diện nhau dùng bữa, nhưng chỉ còn một ít dưa muối vàng mà thôi.
Vị thư sinh vừa ăn vừa nhìn, thầm ngưỡng mộ lòng hiếu thảo của Hà Sinh, quả thực hiếm có. Một lúc sau, Hà Sinh bước ra khỏi phòng, thấy vị thư sinh đã ăn cơm xong, cậu ta lại bưng trà ra và nói chàng thư sinh: “Chăn và gối đều ở trên giường. Cậu đi đường xa như vậy đã thấm mệt rồi, mời cậu nghỉ trước, đừng đợi tôi.”
Sau đó, Hà Sinh trở lại phòng trong, cậu thư sinh vẫn quan sát, thấy Hà Sinh ngồi cạnh mẹ, kể cho bà nghe những mẩu chuyện vui mà mình nghe được từ hàng xóm láng giềng. Bà cụ trông rất vui, nghe mãi, nghe mãi thì bà bắt đầu ngáp và muốn đi ngủ nên Hà Sinh vội kê gối và lau sạch chiếu, cùng vợ hầu mẹ ngủ. Cậu đấm lưng, gãi ngứa cho mẹ, đợi đến khi bà ngủ say, thở phì phò, hai vợ chồng mới nhẹ nhàng rời đi, chỉ e khiến bà cụ thức giấc.
Chàng thư sinh thấy vậy thì vô cùng khâm phục tấm lòng hiếu thảo của Hà Sinh, lại nhớ đến chuyện Tiêu Công kể lại, quả thực là “Hà hiếu tử”! Đợi đến khi Hà Sinh đi ra, vị thư sinh bèn hỏi phụ thân của cậu ta mất bao lâu rồi? Đã an táng hay chưa? Hà Sinh nghe vậy, xúc động, rưng rưng nước mắt nói: “Phụ thân qua đời đã bốn năm. Tôi làm thuê nuôi mẹ, tiền công ít ỏi, không đủ tiền an táng. Thật là bất hiếu! Tới nay linh cữu của phụ thân vẫn đặt ở từ đường của dòng tộc, nói ra mà thấy đau lòng!” Thấy Hà Sinh bật khóc, chàng thư sinh an ủi rằng: “Cậu đừng quá thương tâm. Hiện giờ tôi đang ở trong nhà Tiêu Công. Ông ấy có một mảnh đất tốt, khi trở về, tôi có thể xin ông ấy nhượng lại mảnh đất này để an táng cho cha cậu, phí an tang cũng do tôi lo liệu, không có vấn đề gì”.
Hà Sinh hết sức ngạc nhiên: “Tôi và ngài không quen biết, hôm nay mới có duyên gặp gỡ, sao dám nhận ân huệ này? Huống hồ đất đã có chủ. Dẫu ngài có rủ lòng thương xót, e rằng nói ra cũng chỉ vô ích!” Vị thư sinh đáp: “Cậu không phải lo lắng về chuyện đó! Tiêu Công vốn tốt bụng thích bố thí, giúp đỡ người nghèo. Ông ấy là một người đại thiện. Nếu biết cậu hiếu thuận như vậy, chắc chắn sẽ không so đo đâu. Thôi được rồi, ba ngày nữa tôi và Tiêu Công sẽ đến thăm cậu, hi vọng cậu đợi ở nhà, đừng đi ra ngoài”.
Hà Sinh rất xúc động, nói trong nước mắt: “Nếu quả thực như những gì ngài nói, tôi sẽ không bao giờ quên đại ân đại đức của ngài.” Vị thư sinh lại an ủi cậu một hồi rồi ngủ thiếp đi. Ngày hôm sau trời còn chưa sáng, vị thư sinh tỉnh dậy nhưng không nhìn thấy Hà Sinh, trong lòng hồ nghi, không biết cậu ấy đi đâu sớm vậy? Đợi đến khi mặt trời mọc, thấy Hà Sinh bê bát về mới biết là vì mẹ cậu muốn ăn canh viên, nên khi canh bốn trời còn tối, Hà Sinh đã vào thành mua canh, cả đi lẫn về tổng cộng hơn 20 dặm. Cậu thư sinh lại càng thêm kính phục!
Sau khi trở về, vị thư sinh kể lại tình hình cho Tiêu Công, Tiêu Công vui mừng nói: “Tốt quá! Đây là ý chỉ của thần minh! Đã tìm được Hà hiếu tử, sao ta dám tiếc mảnh đất này?” Ba ngày sau, ông mang khế ước của mảnh đất cùng vị thư sinh đến nhà Hà Sinh.
Khi họ đến cổng nhà Hà Sinh, thì nghe tiếng hai vợ chồng Hà Sinh khóc lóc thảm thiết. Hỏi ra mới biết, sau khi vị thư sinh rời đi ba ngày trước, mẹ của Hà Sinh đột nhiên mắc bệnh, chữa trị không hiệu quả, một ngày sau thì qua đời. Nhìn thấy Tiêu Công và vị thư sinh đến, Hà Sinh quỳ xuống dập đầu khóc mãi không thôi. Nhìn thấy Hà Sinh quả thực nghèo khổ không nơi nương tựa, Tiêu Công cảm thương, mua quan tài và tặng khế ước mảnh đất đó cho cậu. Vị thư sinh chọn một ngày an táng và chịu toàn bộ chi phí mai táng. Sau khi hoàn thành tang sự, Hà Sinh và vợ cùng đến cảm ơn và thỉnh cầu được đến đỡ đần Tiêu Công để hoàn trả món nợ này.
Tiêu Công vội nói: “Tất cả những điều này là vì lòng hiếu thảo của cậu đã cảm động ông Trời, nên được thần minh bảo hộ, Tôi đâu dám tham công?” Nói xong, bèn kể lại tường tận mọi chuyện xảy ra trước kia cho hai vợ chồng Hà Sinh và nói tiếp: “Cậu là một người con hiếu thảo. Thật vinh dự khi được quen biết và kết bạn với cậu, sao dám để cậu nhẫn nhục mà làm tôi tớ cho được? Nhà tôi còn rất nhiều phòng trống, nếu không chê, thì cứ dọn đến ở với tôi, sẽ không phải lo lắng gì tới chuyện tương cà mắm muối nữa!” Hà Sinh liên tục khước từ ý tốt của Tiêu Công, nhưng Tiêu Công rất kiên trì, cuối cùng hai vợ chồng Hà Sinh cũng dọn đến ở, giúp Tiêu Công quản lý sổ sách.
Đắc phúc báo
Sau hơn một tháng, Tiêu Công nói với vị thư sinh: “Trước đây thần minh từng hứa với ta rằng sau khi nhượng lại đất lành cho Hà hiếu tử, sẽ an bài một mảnh đất khác bù lại cho ta. Xem ra lời của thần linh không sai. Xin hãy giúp ta quan sát một chút, được không?” Vị thư sinh trả lời: “Tôi không mưu sinh bằng nghề xem phong thủy. Nếu không phải chuyện của ngài chưa xong, làm sao tôi có thể lưu lại nơi này lâu dài? Dẫu sao thì thần linh cũng đã hứa, ngài cứ yên tâm nhất định sẽ tìm được đất lành. Chỉ là cho đến giờ tôi vẫn chưa tìm thấy. Hy vọng ngài có thể kiên nhẫn chờ đợi một thời gian.”
Sau đó, vị thư sinh ngày ngày đi khắp các cánh đồng, thung lũng quanh vùng để quan sát, hơn một tháng trôi qua vẫn không thấy gì. Một hôm, cậu ta đi ngang qua mộ phần an táng bố mẹ Hà Sinh khi trước, nhìn về phía xa thì bỗng nhiên nhận ra gần đó cũng là một tượng đất tốt. Hóa ra nơi đây khí tượng cùng một nguồn với nhà họ Hà, mặc dù phúc khí kém hơn, nhưng cũng hiếm có, là một lựa chọn tốt. Vị thư sinh bèn thỉnh Tiêu Công bỏ tiền mua lại mảnh đất này, và chọn ngày mai táng linh cốt tổ tiên.
Sau khi đại sự hoàn tất, vị thư sinh từ biệt vợ chồng Tiêu Công và trở về nhà. Tiêu Công muốn tặng cho cậu ta nhiều vàng bacj để báo đáp. Nhưng vị thư sinh khăng khăng từ chối, nói: “Tôi đã nói trước với ngài rằng tôi không mưu sinh bằng việc xem phong thủy. Tôi hy vọng ngài có thể sử dụng số tiền này để giúp đỡ người nghèo, tạo phúc cho thôn làng.” Tiêu Công không thể khước từ thỉnh cầu của vị thư sinh, đành thiết yến tiệc đưa tiễn, vợ chồng Hà Sinh cũng ngấn lệ khấu đầu bái tạ.
Sau khi vị thư sinh trở về nhà, liên tiếp đỗ đạt và thi đỗ tiến sĩ. Còn Tiêu Công an táng thân nhân, gia nghiệp ngày càng thịnh vượng, giàu có đứng đầu một phương. Vài năm sau, con trai ông đỗ tiến sĩ vào viện Hàn Lâm, làm quan tới chức Phiên Ti. Cháu nội của Hà Hiếu Tử là Hà Văn An Công Lăng Hán đỗ Thám hoa năm Ất Sửu, được phong làm quan Thượng thư bộ Lễ, trở thành danh thần lỗi lạc một thời. Con của ông là Hà Thiệu Cơ cũng đỗ Giải nguyên vào năm Ất Mùi, được vào viện Hàn Lân, nhiều lần đảm nhiệm chức quan chủ khảo của triều đình. Hà Thiệu Cơ cũng là nhà thư pháp nổi tiếng vào cuối đời nhà Thanh. Con cháu hai họ Hà Tiêu đều phú quý, gia đạo hưng vượng, ngày một phát đạt.
Người xưa có câu: “Bách thiện hiếu vi tiên.” Hiếu thuận đứng đầu trong ngũ thường. Sự chân thành chí hiếu của Hà hiếu tử đã cảm động trời xanh, được trời đất thần minh bảo hộ, cuối cùng phúc đức kéo dài tới đời con cháu. Vị thư sinh trọng nghĩa khinh tài, Tiêu Ông nhân hậu lương thiện, đều cùng đắc phúc báo.
Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên dịch
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa phong thủy trí tuệ cổ nhân