Sách Hoài Nam Tử đã trích dẫn nhiều nội dung về đạo trị quốc, đạo đối nhân xử thế, cùng với đó là những câu chuyện lịch sử minh họa, trong đó có 2 câu chuyện nói về trí tuệ biết thoái lui, biết chịu ủy khuất.

Thành tín là mỹ đức, Cần kiệm thành đại sự
(Tranh minh họa qua Aboluowang.com)

Hoài Nam Tử nhắc lại lời Lão Tử: “Công thành danh toại, thân thối, thiên chi đạo dã”, đại ý là sau khi công thành danh toại rồi thì không nên ở lại địa vị đó nữa mà nên hợp thời thoái lui, đây mới là phù hợp với đạo của trời.

Ngụy Vũ Hầu, vị vua thứ hai của nước Ngụy hỏi tướng quân Lý Khắc: “Nguyên nhân nước Ngô bị diệt vong là gì?”

Lý Khắc đáp: “Liên tục đánh trận và liên tục giành chiến thắng”.

Ngụy Vũ Hầu nói: “Liên tục đánh trận và liên tục giành chiến thắng, đây là phúc khí của đất nước, nước Ngô lại vì thế mà bị diệt vong, đó lại là nguyên nhân sao?”

Lý Khắc giải thích: “Thường xuyên đánh trận thì dân chúng sẽ cảm thấy mệt mỏi, liên tục giành chiến thắng thì quân chủ kiêu ngạo. Để cho quân chủ ngang ngược kiêu ngạo đi sai khiến dân chúng mệt mỏi thì không mất nước là chuyện rất hiếm thấy.

Hoài Nam Tử cũng viết: “Khúc tắc toàn, uổng tắc chính”, làm người làm việc phải chịu được ủy khuất, chịu được thiệt, dùng đức báo oán mà được vẹn toàn.

Xưa kia, công tử Trùng Nhĩ của nước Tấn phải lưu vong sang nước Tào. Tào Cung Công không những không dùng lễ để đối đãi mà còn rình xem lúc Trùng Nhĩ tắm. Hy Phụ Cơ khuyên can Tào Cung Công nhưng không được tiếp nhận.

Hy Phụ Cơ nói: “Thần nghe nói, bảo vệ thân quyến, tôn trọng người tài là điều trọng yếu. Dùng lễ đãi khách, thương cảm khốn cảnh, là căn bản của lễ nghi. Tấn công tử 17 tuổi lưu vong, lại có ba khanh tướng tài năng đi theo, có thể coi là hiền nhân. Quân vương khinh thị, không dùng lễ đãi khách, không thương cảm khốn cảnh.” Tào Cung Công vẫn không nghe.

Vợ của Hy Phụ Cơ cho rằng Trùng Nhĩ sẽ trở lại nước Tấn và giành được vương vị, bèn nói với chồng nhân cơ hội này mà tặng cho Trùng Nhĩ một ân huệ. Thế là Hy Phụ Cơ dâng tặng cho mấy người Trùng Nhĩ thực phẩm và bích ngọc. Trùng Nhĩ chỉ tiếp nhận thực phẩm còn trả lại bích ngọc.

Sau này Trùng Nhĩ đăng cơ, trở thành Tấn Văn Công. Tấn Văn Công quả nhiên thảo phạt nước Tào. Tuy nhiên ông lại mệnh lệnh cho ba quân không được quấy nhiễu nơi Hy Phụ Cơ sinh sống. Cho nên chịu được ủy khuất một chút, trái lại có thể bảo toàn được rất nhiều.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: